Đi tìm hạnh phúc
Tâm lý học tích cực
Hiện có một trường phái tâm lý học Mỹ, mang tên "tâm lý học tích cực", đang thu hút hàng trăm nghìn sinh viên. Nguyên lý chính mà trường phái này hướng đến là tìm hiểu các ứng xử thế nào có thể làm nên hạnh phúc, và bắt đầu từ các ứng xử, công thức chung được tìm ra, mà mỗi cá nhân tự điều chế liều lượng phù hợp cho riêng mình.
Mihaly Csikszentmihalyi hiện là giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Claremont Graduate thuộc bang California và từng phụ trách Khoa Tâm lý trường Đại học Chicago. Ông được mô tả như người lãnh đạo toàn cầu trong những nghiên cứu về tâm lí tích cực, sức sáng tạo và động lực. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ca ngợi Csikszentmihalyi là tác giả yêu thích của mình.
Bản đồ trạng thái tập trung |
Giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi, sau các phỏng vấn hàng ngàn người tự khẳng định mình hạnh phúc, đã rút ra kết luận: Chìa khóa của hạnh phúc là "trạng thái tập trung cao độ, hoàn toàn chìm đắm trong công việc đang làm, đến độ quên hết ngoại cảnh". Để hạnh phúc, không nhất thiết phải có bộ não của Leonard de Vinci, hay một nhà kinh doanh tài ba.
Công thức đơn giản
Ông Mo Gawdat, gốc Ai Cập 51 tuổi, vốn là nhân vật số hai của cơ sở nghiên cứu bí mật về trí tuệ nhân tạo và người máy của Google, có tên gọi cũ là Google X. Mo Gwadat vốn được coi là một nhà khoa học, một doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, sau cái chết của người con trai năm 2014, nhà sáng chế đã quyết định ngoặt sang một con đường hoàn toàn khác: Đi tìm chìa khóa của hạnh phúc.
Từ một nghiên cứu của Đại học Warwick, Gawdat đã nhận ra: Hạnh phúc không phải là một điểm đến mà là một tổng thể của những thành tựu mà con người ta đã đạt được. Sau đó, ông đã tạo ra một phương trình về "hạnh phúc" và cho rằng: "Theo toán học, biến số hạnh phúc thì lớn hoặc bằng những sự kiện trong cuộc sống trừ đi mức kì vọng của bạn về nó".
Theo như phương trình trên, Gawdat tin rằng, cảm xúc mặc định của chúng ta khi sinh ra chính là hạnh phúc. Khi bé, được chơi đùa, được cho ăn và được an toàn thì chẳng có lí do gì không hạnh phúc cả! Tuy nhiên, khi ta lớn lên, cuộc sống đưa thêm nhiều biến số khác, khiến con người sẽ có thêm những ảo tưởng phúc tạp về những việc nên làm, những gì là quan trọng và hạnh phúc thực sự sẽ như thế nào, từ đó thay đổi kỳ vọng của chúng ta về cuộc sống.
Công thức hạnh phúc |
"Áp lực từ cha mẹ hay xã hội, niềm tin tín ngưỡng và ngay cả những kỳ vọng không chính đáng sẽ xảy ra khi bạn lớn lên và ghi đè lên ý niệm về hạnh phúc sẵn có của bạn, từ đó khiến ý niệm này bị thay đổi", Gawdat chia sẻ.
Gawdat cũng nói thêm, khi ta hạ thấp kỳ vọng về cuộc sống của mình xuống, hạnh phúc từ đó sẽ tăng lên. Đối với những sự việc không may đã xảy ra, hãy cứ để nó lại phía sau, bởi bạn không thể thay đổi nó, không thể tác động vào nó được nữa. Tuy nhiên, nếu bạn không còn để ý và nghĩ về nó, tự biết cách đánh lạc hướng mình bằng những việc khác tích cực hơn thì chắc chắn, những điều đau buồn sẽ không còn có thể ảnh hưởng tới bạn!
Ông phát hiện ra rằng hạnh phúc chính là trở lại với trạng thái mà con người "vốn có", và để làm được điều này cần chắt lọc những gì tinh túy trong các truyền thống triết học cổ xưa, đặc biệt là Phật giáo và Đạo giáo. Hiện tại Mo Gawdat đang huấn luyện hàng nghìn nhân viên của chính công ty Google và một số cơ sở khác. Các video giảng dậy trên mạng của Mo Gawdat thu hút tổng cộng hơn 80 triệu người xem. Cuối cùng, Gawdat đã rút ra một câu mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nên nghe và suy ngẫm, đó chính là: "Hạnh phúc là khi không có những điều làm ta không hạnh phúc".
Chất dẫn truyền
Khoa học thần kinh: Cơ sở hóa học của hạnh phúc, chỉ ra chìa khóa của hạnh phúc là chất dẫn truyền thần kinh "serotonin", đặc biệt được phát triển mạnh mẽ với phương pháp thiền định theo truyền thống Thích Ca Mâu Ni, đang được các nhà thần kinh học đương đại cổ vũ. Serotonin là hạnh phúc với bản thân, nhưng cũng là "cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu tình cảm của người khác, điều rất cần thiết cho các quan hệ xã hội, cùng là điều kiện cho hạnh phúc ở mỗi người".
Ngược lại với serotonin là dopamin, chất dẫn truyền thần kinh gây khoái lạc. Theo các nhà khoa học, ở một liều lượng vừa phải, dopamin là một hóa chất cần thiết cho niềm vui sống, thậm chí cho sự sống còn của giống loài, thế nhưng nếu lạm dụng, thì chính nó sẽ bẻ gẫy chiếc chìa khóa của hạnh phúc.