Thứ Ba | 05/03/2013 09:08

Đánh thuế tiền gửi: Phi kinh tế, phi thực tiễn

Ngày 28.2.2013, trong một cuộc họp với hàng trăm doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) đã đề xuất nên đánh thuế đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm có mức từ 500 triệu đồng/sổ trở lên nhằm mục đích hướng dòng tiền gửi tiết kiệm, tiền nhàn rỗi của cư dân đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh và đầu tư bất động sản. Được biết, kiến nghị này đã được trình lên ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.

Trong lĩnh vực tài chính, gửi tiền tiết kiệm là hoạt động đầu tư của những người mà kinh tế học gọi là “e ngại rủi ro tột độ”. Chính vì đầu tư vào tiền gửi là không có rủi ro, nên lợi nhuận (ở đây chính là lợi tức) rất thấp. Việc đánh thuế lợi tức đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm trên thực tế làm tăng mức độ “rủi ro” trong suy nghĩ của người gửi tiền, và do đó sẽ làm giảm tính tích cực trong gửi tiền.

Với những quốc gia lạm phát cao – lãi suất danh nghĩa thấp hơn lạm phát thì lãi suất thực tế là trạng thái âm. Người gửi tiền trên thực tế đã bị thiệt thòi – và do đó không ai lại đánh thuế tiếp tục lên đối tượng không được hưởng lợi từ đầu tư nữa. Về lý thuyết, chỉ cần lãi suất thực âm (hoặc lãi suất thực thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực đầu tư khác) thì lượng tiền gửi tiết kiệm sẽ suy giảm – nhưng không có bằng chứng hay cơ sở khoa học để cho thấy khoản tiền đó sẽ đi vào sản xuất kinh doanh.

Nếu các hình thức/loại hình đầu tư tài chính đủ phát triển với các dạng đầu tư đa dạng thì gửi tiết kiệm thường sẽ là lựa chọn cuối cùng.

Quan trọng hơn, đối tượng chịu thuế suất áp dụng đối với lợi tức tiền gửi tiết kiệm thường là doanh nghiệp/công ty/quỹ chứ không phải người dân/cá nhân – vì khoản tiền gửi của các pháp nhân kinh tế mới lớn đến mức làm cho việc áp thuế vào lợi tức trở nên có ý nghĩa. Tiền gửi của thể nhân kinh tế luôn không đáng kể so với doanh nghiệp/công ty, do đó việc thu thuế lợi tức sẽ tạo nên tác dụng khuyến khích ngược – không ai còn động lực để gửi tiết kiệm nữa. Mục đích của áp thuế lợi tức đối với tiền gửi của doanh nghiệp là buộc doanh nghiệp dùng tiền đó để kinh doanh thay vì để nhàn rỗi trong ngân hàng.

Nhưng thực tế thực hiện không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong đợi. Trung Quốc là nước từng áp thuế lợi tức đối với tiền gửi tiết kiệm lên đến 20%, nhưng năm 2007 đã phải giảm thuế này xuống 5%, sau đó 8.10.2008 đã phải tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn sắc thuế này.

Tại Việt Nam, không nên tuyên bố hàm hồ rằng những người gửi tiền tiết kiệm là những người khá giả/giàu có. Việc áp thuế đối với lợi tức tiền gửi tiết kiệm (nếu xảy ra) sẽ gây thiệt hại cho cả hộ gia đình, ngân hàng và doanh nghiệp. Trước hết, với những hộ gia đình vẫn chấp nhận gửi tiền (nếu không thể lách luật “500 triệu” được) thì lợi ích đầu tư của họ sẽ giảm và khiến không ai còn mặn mà với việc gửi tiền nữa.

Đối với ngân hàng, hệ luỵ nhãn tiền là huy động vốn sẽ giảm, nếu không xử lý khéo sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, và đẩy lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay lên cao như trước đây – xoá tan mọi nỗ lực mà công tác điều hành của Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh huy động vốn trực tiếp từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều èo uột thì việc chi phí vốn trực tiếp từ ngân hàng tăng lên sẽ khiến sản xuất càng đình trệ. Hai tháng đầu năm 2013, huy động vốn của ngân hàng vẫn tăng trưởng, nhưng cho vay tín dụng lại sụt giảm. Tín hiệu vĩ mô này cho thấy khó khăn của doanh nghiệp chưa hề qua đi, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu. Một kiến nghị kiểu “giời ơi” hoàn toàn có thể làm liên luỵ đến nhiều thực thể kinh tế và cuối cùng sẽ làm gia tăng áp lực đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

(Theo SGTT)