Đặc sản nội: Mỏ vàng cho khối ngoại?
Chuyện doanh nghiệp ngoại đầu tư khai thác đặc sản của Việt nam là không mới. Tuy nhiên, điều đáng nói là đã có không ít trường hợp doanh nghiệp ngoại phát triển sản phẩm từ nguyên liệu thuần Việt thành công.
Cuộc chiến nước mắm
Trước đây, ít ai nghĩ rằng giọt nước mắm quen thuộc trong bữa cơm dân dã của gia đình Việt lại thu hút được làn sóng đầu tư ấn tượng. Thế nhưng, từ khi kinh tế mở cửa, thị trường này đã nhanh chóng được “hâm nóng” bởi cuộc chiến giữa các hãng nước mắm mang tính vùng miền như Phú Quốc hay Phan Thiết.
Ðùng một cái, năm 2002, tập đoàn đa quốc gia Unilever cũng vào cuộc với việc đầu tư nhà máy đóng chai nước mắm ngay tại huyện đảo Phú Quốc, công suất 6 triệu lít/năm. Chỉ sau một năm, hãng này đã xuất được 7.500 lít nước mắm sang thị trường Úc.
Nước mắm Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới là niềm tự hào, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho các hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống. Nhưng vì sao lại không có doanh nghiệp nội nào tiên phong làm được việc này, mà phải đợi công ty nước ngoài ra tay? Rõ ràng, doanh nghiệp Việt đã thất thế ngay trên sân nhà, bởi dù có dồi dào nguồn nguyên liệu cá cơm, nhưng có mấy doanh nghiệp xuất khẩu được nước mắm với giá trị lớn?
Đậu phộng, khoai tây Việt hút hàng
Cách đây không lâu, NCÐT đã có bài viết về hành trình của hạt đậu phộng Việt Nam ở thị trường thực phẩm ăn liền. Tương tự cuộc chiến nước mắm, hạt đậu phộng nhỏ bé cũng thu hút được không ít doanh nghiệp tham gia sản xuất. Có thể kể đến sự lên ngôi của Tân Tân, Tài Tài cho đến những bước tiến của PepsiCo và Liwayway (Philippines).
Nếu như doanh nghiệp nội đã đi đầu và giới thiệu món đậu phộng ăn liền ra thị trường, thì những công ty nước ngoài lại hưởng lợi nhiều nhất từ sản phẩm này. Năm 2006, PepsiCo đã chào bán snack đậu phộng Poca. Không lâu sau đó, Liwayway cũng tham gia với snack và đậu phộng Oishi.
Một lần nữa, hạt đậu phộng và nước cốt từ trái dừa, cùng với khoai tây trồng tại Việt Nam lại đang được các tập đoàn ngoại khai thác mạnh mẽ nhằm cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Việt. Năm 2008, PepsiCo đầu tư thêm 30 triệu USD tại Lâm Ðồng cho dự án cung cấp nguyên liệu sản xuất bánh snack khoai tây. Chỉ sau 5 năm sau đó, mảng sản phẩm này đã đạt mức tăng trưởng 3%, gấp đôi so với thức uống. Mức tăng trưởng doanh thu đạt 4,5% tương đương 3,3 tỉ USD.
“Làm giá” cà phê Đà Lạt
Gần đây nhất là tin vui hạt cà phê Cầu Ðất (thành phố Ðà Lạt) được Starbucks chào bán trên toàn thế giới. Tính đến năm 2014, hãng này có hơn 21.500 cửa hàng tại 56 quốc gia. Và cà phê bán tại hệ thống khổng lồ của họ chỉ được chọn từ 7 quốc gia là Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia, Guatemala và Việt Nam.
Hạt cà phê Ðà Lạt được vinh danh trên thị trường thế giới rõ ràng đã làm tăng thêm uy tín cho hạt cà phê Việt nói chung. Tuy nhiên, một lần nữa, các doanh nghiệp ngoại lại tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu đặc sản của Việt Nam.
Cụ thể, thời gian qua, Starbucks đã thu mua cà phê Arabica tại khu vực Cầu Đất và ưu tiên bán tại một số quốc gia dưới cái tên Starbucks Reserve Vietnam Da Lat. Thông qua chiến lược liên kết với người dân địa phương và bao tiêu vùng nguyên liệu, công ty này đã chính thức đưa hạt cà phê Arabica Việt Nam ra thị trường thế giới.
Kể từ năm 1971, Starbucks đã thực hiện chiến lược bao tiêu nguồn hàng cà phê Arabica chất lượng trên toàn cầu để làm nguyên liệu sản xuất. Cách làm này cho phép họ vừa có thể chủ động được nguồn nguyên liệu thu mua với giá thấp và bán với giá cao, đồng thời có thể cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu cà phê ngay tại địa phương.
Từ câu chuyện nước mắm, đậu phộng, khoai tây và hạt cà phê, có thể thấy Việt Nam có nhiều thế mạnh ở lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng phần lớn sản vật trong số đó mới chỉ được các doanh nghiệp nước ngoài khai thác hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao. Ðến bao giờ doanh nghiệp Việt Nam mới làm được như vậy?
Đức Tài