Cứu doanh nghiệp, trách nhiệm thuộc về ai?
Tắc “cầu” tiêu dùng và đầu tư
Ông từng có ý kiến cho rằng nền kinh tế đang rất khó khăn, doanh nghiệp phải gánh khó khăn đầu tiên và đang lên tiếng kêu than nhất. Nếu mổ xẻ vấn đề, lỗi ở đâu và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Đúng là nền kinh tế của chúng ta đang rất khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam - những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế - tất yếu phải đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn, thậm chí hàng vạn doanh nghiệp đã buộc phải giải thể, ngừng hoạt động, kéo theo hàng vạn, hàng chục vạn người mất việc làm.
Phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp là điều dễ hiểu song cần thấy rõ là những khó khăn đó có cả nguyên nhân khách quan từ môi trường kinh tế trong và ngoài nước cũng như nguyên nhân chủ quan từ không ít doanh nghiệp của chúng ta trong thời kỳ tăng trưởng có phần quá nóng và mang yếu tố “ảo”.
Trong số rất nhiều khó khăn của doanh nghiệp thì thách thức lớn nhất chính là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, theo đó, tồn kho tăng cao do cầu tăng chậm hẳn lại, cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư.
Cá nhân tôi không cho rằng trách nhiệm thuộc của riêng ai mà lúc này để giúp doanh nghiệp tồn tại, gượng dậy và có thể tiếp tục đứng lên đi được, cần sự chung tay phối hợp của tất cả các bộ, ngành, các cơ quan chức năng như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT... dưới sự chỉ đạo nhất quán của Chính phủ.
Một mình chính sách tiền tệ về tín dụng, lãi suất chưa đủ sức mạnh để làm lay chuyển tình thế. Nói chung, phải là tổng lực và như “thế” kiềng ba chân!
Vậy những giải pháp căn cơ cho kinh tế Việt Nam là gì? Nếu không xử lý căn cơ theo ông hệ quả sẽ thế nào?
Giải pháp căn cơ cho kinh tế nước ta trong giai đoạn tới là phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phải cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm như Nghị quyết TW Đảng đã chỉ rõ là cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính.
Vấn đề quyết định là phải chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tăng qui mô vốn đầu tư, dựa vào lao động giá rẻ, dựa vào khai thác tài nguyên sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào tăng hiệu quả vốn đầu tư, tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới bên cạnh bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Lãi suất cần giảm nữa
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp và giới chuyên gia đều cho rằng lãi suất VND hiện vẫn ở mức cao nhất là đem so mức lãi suất của một số quốc gia khác. Theo ông đâu là nguyên nhân chính và chúng ta phải làm gì ?
Đúng là nếu so sánh ở giai đoạn hiện nay thì lãi suất của Việt Nam thuộc loại cao, thậm chí rất cao, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi đồng tiền khác nhau đều có lãi suất khác nhau là bình thường do bị qui định bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Lãi suất VND hiện đang ở mức cao mặc dù NHNN đã nhiều lần điều chỉnh giảm xuống là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là lạm phát của chúng ta quá cao.
Năm 2011 lạm phát tới gần 20% trước khi giảm xuống gần 7% năm 2012 và hiện nay vẫn đang trên 6% tính theo năm. Đó vẫn là mức lạm phát cao nếu so sánh với mức lạm phát chỉ 2-3 % phổ biến ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến khoảng 12-13% và lãi suất huy động khoảng 7-8 % là hợp lý. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn phải nỗ lực kéo giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay xuống nữa để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, mong muốn và nỗ lực đó cần có điều kiện kiềm chế kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng đồng thời tăng khả năng quản trị của hệ thống tài chính tín dụng, giảm nợ xấu...
Rất nhiều ý kiến đề xuất giải pháp phải hạ tiếp lãi suất nữa, khoanh nợ, giãn nợ.... Theo ông, những giải pháp đó có thực sự giúp giải quyết hết được khó khăn của doanh nghiệp?
Hạ lãi suất cho vay là cần thiết, song không phải là tất cả và càng không phải là duy nhất mà cần sử dụng tổng hợp nhiều công cụ và biện pháp khác nữa để giúp doanh nghiệp. Hơn nữa, như đã nói ở trên, muốn hạ lãi suất phải hội tụ được các điều kiện cần và đủ. Khoanh nợ hay giãn nợ, thậm chí xoá nợ đi chăng nữa cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là căn cơ để hỗ trợ cho đại đa số các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay.
Cảm ơn ông! (Theo Tienphong Online)