Cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật số của ông chủ GE
Tại trung tâm nghiên cứu toàn cầu của General Electric (GE) ở Niskayuna (New York, Mỹ), bạn có thể tận hưởng cảm giác bay vòng quanh nhà máy turbine hơi nước của GE ở Schenectady, cách đó 6 dặm. Một hình ảnh quét 3D thực tế ảo nhà máy, chính xác đến từng chi tiết, được chiếu lên màn hình cùng cặp kính đặc biệt. Sử dụng thiết bị điều khiển giống như trò chơi PlayStation, bạn có thể bay xung quanh nhà máy, xà xuống các dây chuyền lắp ráp hoặc bay lượn trên một đống linh kiện.
Sử dụng hệ thống này rất thú vị, nhưng mục đích đằng sau nó thì rất thực tế: cho phép các kỹ sư của GE có thể làm việc trên mẫu thiết kế, bản vẽ, xử lý công việc tại các nhà máy mà không cần phải có mặt ở đó. Nếu muốn lắp vào một thiết bị mới, chẳng hạn, họ có thể sử dụng hình mô phỏng để xem liệu thiết bị đó có vừa không. Các hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu sản xuất (có mặt trong ít nhất 75 nhà máy trong số hơn 590 nhà máy của GE) có thể cắt giảm chi phí tới 15% hoặc hơn, theo các nhà điều hành của GE.
Công nghệ này là một phần của cuộc đại tu triệt để nhằm chuyển đổi tập đoàn 123 tuổi đời thành cái mà Jeff Immelt, CEO của GE kể từ tháng 9.2001, gọi là một tập đoàn “công nghiệp kỹ thuật số”. Cốt lõi là sử dụng những tiên tiến về cảm biến, thông tin liên lạc và phân tích dữ liệu để cải thiện hoạt động cho chính GE và các khách hàng của nó.
Các sản phẩm của GE như động cơ máy bay, thiết bị tạo ra điện, đầu máy và các máy quét dùng trong y tế đang được sản xuất như một phần của “internet of things” - các thiết bị được kết nối với nhau một cách thông minh mà có thể chuyển tải thông tin và nhận những chỉ dẫn. Và Tập đoàn cũng đang phát triển những năng lực phần mềm mới để có thể hiểu rõ và quản lý các thiết bị máy móc ấy.
Nếu thành công, phần thưởng sẽ rất lớn cho một tập đoàn đã bán đi phần lớn các bộ phận để tái tập trung vào mảng công nghiệp. “Đó là một thay đổi lớn, không chỉ về mặt sản phẩm mà còn là cách thức doanh nghiệp hoạt động. Đây thực sự sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi đối với GE”, Giáo sư Michael Potter, Trường Kinh doanh Harvard, nhận xét.
Quyền lực của “internet of things” trong lĩnh vực công nghiệp chỉ mới bắt đầu được khai phá. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ sản xuất cho đến năng lượng, vận tải và khai khoáng đã thu thập lượng dữ liệu khổng lồ, nhưng sử dụng chỉ một phần nhỏ trong đó mà thôi. Nếu GE có thể thành công trong việc tìm ra cách sử dụng thông tin đó để cắt giảm chi phí và gia tăng năng suất sản xuất cho mình và cho khách hàng, Tập đoàn có thể giành được lợi thế cạnh tranh quan trọng trước các đối thủ như Siemens, Mitsubishi, United Technologies...
Tuy nhiên, nếu GE thất bại trong cuộc chơi “internet of things” này, đó có thể là nhân tố quyết định thúc đẩy nhanh một cuộc chia tách khác của tập đoàn này và có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của Immelt tại GE.
Canh bạc mang tên “Internet công nghiệp”
Hồi tháng 4 năm ngoái, GE đã thực hiện một trong những cuộc thay đổi triệt để nhất trong lịch sử của mình khi cho biết sẽ bán khoảng 90% GE Capital, bộ phận các dịch vụ tài chính mà chỉ mới cách đây vài năm đã đóng góp tới gần phân nửa trong tổng lợi nhuận 14 tỉ USD của Tập đoàn.
Quyết định này được giới phân tích và nhà đầu tư hoan nghênh. Bằng chứng là giá cổ phiếu của GE, vốn thua cả diễn biến chung của thị trường chứng khoán trong phần lớn thời gian Immet giữ chức CEO, đã tăng 17% trong suốt 12 tháng qua. Cuộc khủng hoảng 2007-2009 đã buộc GE phải cắt giảm cổ tức và mất đi hệ số tín nhiệm nợ AAA. Và với quyết định trên, một câu hỏi càng được đặt ra là làm thế nào GE tăng trưởng nhanh khi không còn lực đỡ từ bộ phận dịch vụ tài chính.
Cơ cấu lợi nhuận của General Electric xét theo bộ phận |
Khi Jack Welch, người tiền nhiệm của Immelt, cầm cương tại GE vào năm 1981, GE được nhiều người xem là một “doanh nghiệp GDP”: tức một doanh nghiệp lớn, di chuyển một cách nặng nề với tốc độ tăng trưởng chỉ có thể nhanh bằng tốc độ tăng trưởng GDP. Không muốn bị gắn với “biệt danh” này, Welch đã đưa GE tiến vào ngành các dịch vụ tài chính và các lĩnh vực khác mà có thể tăng trưởng nhanh hơn. Và nay sau khi bán mảng các dịch vụ tài chính, GE đang đối mặt với viễn cảnh quay trở lại thời kỳ tăng trưởng của một “doanh nghiệp GDP”.
Với mức vốn hóa thị trường 250 tỉ USD, GE là một trong những thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Tập đoàn này tuyển dụng hơn 300.000 người và các bộ phận sinh lời nhất của nó năm ngoái chính là thiết bị điện và hàng không, vốn tổng cộng đóng góp khoảng 5,5 tỉ USD.
Việc bán đi phần lớn mảng dịch vụ tài chính có nghĩa là lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) dự kiến đã giảm 21% vào năm ngoái. Năm 2016, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và giá cả hàng hóa giảm, vốn đã tác động đến các mảng cung cấp thiết bị cho ngành dầu mỏ và ngành khai khoáng tại GE, sẽ càng kiềm hãm đà tăng trưởng của tập đoàn này.
Brian Langenberg, chuyên gia phân tích ngành công nghiệp, Chủ tịch trường kinh doanh tại Đại học Aurora ở Illinois, dự kiến tăng trưởng doanh số hữu cơ của GE từ giờ trở đi sẽ đồng hành cùng với tăng trưởng GDP toàn cầu, vốn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ ở mức 3,6% trong năm nay.
Tuy nhiên, “internet of things” trong công nghiệp có thể mang đến cho GE một cơ hội thoát khỏi viễn cảnh u ám này. Việc chi phí đang giảm xuống và “quyền lực” tăng lên của các bộ cảm biến, các thiết bị thông tin liên lạc và xử lý dữ liệu có nghĩa là bất kỳ sản phẩm nào làm ra đều có thể gửi và nhận thông tin và các mệnh lệnh.
“Internet of things” hiện được biết đến nhiều nhất là các ứng dụng tiêu dùng như tủ lạnh có thể đặt hàng mua rau củ giùm gia chủ. Tuy nhiên, các ứng dụng quan trọng hơn sẽ nằm ở lĩnh vực công nghiệp. Đến năm 2025, lợi ích kinh tế của “internet of things” có thể đạt tới 11.100 tỉ USD mỗi năm, theo McKinsey Global Institute. Tổ chức này ước tính khoảng 40% trong số đó rơi vào các nhà máy và các công trường làm việc như các mỏ dầu; lĩnh vực vận tải và cơ sở hạ tầng chiếm 30%.
Marco Annunziata, chuyên gia kinh tế trưởng của GE, tin rằng khi các công ty tìm cách khai thác tiềm năng của các công nghệ mới, nó có thể tạo ra một cuộc cách mạng về năng suất sản xuất trong ngành công nghiệp. Kể từ năm 2010, năng suất sản xuất Mỹ chỉ tăng 1% mỗi năm so với tốc độ tăng hằng năm 4% trong 2 thập niên trước. Theo Annunziata, “internet of things” có thể mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn.
“Cuộc cách mạng công nghệ thông tin liên lạc đã diễn ra vào thập niên 1990: sử dụng máy tính để thu thập và sắp xếp thông tin. Bây giờ chúng ta đang làm cho máy móc trở nên thông minh hơn. Sự kết hợp giữa máy móc với kỹ thuật số là điều mà chúng ta chưa từng chứng kiến trước đó”, ông nói.
Ông dẫn chứng các công ty khai thác mỏ, dưới áp lực lớn phải cắt giảm chi phí do giá hàng hóa giảm, là một ví dụ cho thấy doanh nghiệp quan tâm đặc biệt đến tiềm năng của công nghệ. Họ đã thu thập lượng lớn dữ liệu (như Teck Resources của Canada cho biết Công ty có gắn 200 cảm biến trên mỗi chiếc xe phục vụ khai thác mỏ). Và nếu phân tích các dữ liệu này đúng cách, doanh nghiệp có thể tìm ra được những phương pháp giúp cải thiện tính hiệu quả như dự đoán chính xác hơn khi nào các linh kiện, bộ phận bị hư cần phải được thay thế, giảm lượng thời gian mà các máy móc đắt tiền bị để không. GE cho biết tại một khách hàng trong ngành khai khoáng của nó, những chiếc xe tải ngày trước chỉ sử dụng 70% thời gian thì giờ là 85%.
Jim Heppelmann, Tổng Giám đốc PTC, một công ty phần mềm làm việc với GE và các nhà sản xuất khác, cho biết công nghệ phần mềm giúp cải thiện đáng kể năng suất sản xuất là một lợi thế cạnh tranh cực kỳ quan trọng. “Nếu bạn có 10-20% lợi thế cạnh tranh về chi phí trên 1 sản phẩm với biên lợi nhuận 3-5% thì bạn sẽ không sợ gì cạnh tranh nữa”, ông nói.
Các nhà điều hành GE tin rằng họ có thể là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng này. GE đang chi ra 1 tỉ USD mỗi năm để nâng cao năng lực kỹ thuật số của mình, qua việc tuyển dụng 1.000 kỹ sư phần mềm và các nhà khoa học về dữ liệu cũng như thành lập một trung tâm phân tích dữ liệu mới tại California, Mỹ. Tháng tới, dự kiến GE sẽ tung ra Predix, nền tảng phần mềm dùng để quản lý và phân tích các dữ liệu công nghiệp.
“Trong công nghiệp, có rất nhiều thứ mà người ta không biết phải tìm như thế nào và cũng không biết nó hoạt động như thế nào. Chúng tôi có thể phân tích xem cách nó hoạt động và có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra”, Beth Comstock, đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh mới tại GE, nói.
Phân tích này sẽ được áp dụng cho cả các sản phẩm của GE lẫn những sản phẩm được sản xuất bởi các công ty khác. Toshiba, chẳng hạn, đang triển khai một dự án thử nghiệm với GE để phát triển một ứng dụng lắp đặt, vận hành và bảo trì thang máy. GE dự kiến việc sử dụng Predix sẽ tăng nhanh với 500.000 sản phẩm được quản lý vào năm tới. Bà Comstock, GE, cũng cho rằng nhiều khách hàng sẽ muốn GE cung cấp cho họ một gói tích hợp các sản phẩm và dịch vụ để tạo ra những kết quả cụ thể, trong đó phân tích dữ liệu là nòng cốt của gói dịch vụ này.
Sân chơi khốc liệt
Khi tự “đóng nhãn” là một công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm mà có thể giúp các tập đoàn công nghiệp khác hưởng lợi từ “internet of things”, GE sẽ phải chạm trán với rất nhiều đối thủ mạnh như Microsoft, Amazon, IBM, Oracle và SAP.
“GE đang chạy đua với các công ty công nghệ xuất sắc nhất trên thế giới. “Khá khen cho GE đã cố gắng, nhưng tôi nghĩ họ sẽ thấy chuyện này khó hơn là họ nghĩ”, Frank Gillet, chuyên gia phân tích thuộc hãng nghiên cứu Forrester Research, nhận xét.
Cho đến nay GE là tập đoàn công nghiệp cam kết mạnh mẽ nhất đối với “internet công nghiệp” mặc dù các nhà sản xuất khác như Bosch (Đức) và Schneider Electric (Pháp) cũng đang bắt đầu khai thác nó. Siemens, đối thủ châu Âu của GE, thì cũng chỉ mới công bố các sáng kiến mang tính thăm dò.
GE chấp nhận thực tế rằng Tập đoàn đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực phân tích dữ liệu từ các công ty phần mềm chuyên dụng. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng các đối thủ của nó có xuất phát điểm không thuận lợi vì không có cùng trình độ, kiến thức về máy móc công nghiệp như GE.
Thế nhưng, việc “gắn kết” lĩnh vực phần mềm tầm cỡ thế giới vào một tập đoàn công nghiệp là không dễ dàng. “Họ không nên đánh giá thấp thách thức của việc làm mới mình thành một công ty kỹ thuật số. Thung lũng Silicon là một nơi rất đặc biệt cả về văn hóa, nhân tài và cơ chế lương thưởng. Đó là điều mà GE không thể mang lại được”, Heppelmann, công ty phần mềm PTC, nói.
Thung lũng Silicon không chỉ đe dọa GE ở khía cạnh tuyển dụng nhân tài. “GE đang trong một cuộc đua giành lấy khách hàng trước khi những đối thủ như Amazon bước xa hơn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn công nghiệp và trước khi khách hàng trở nên quen thuộc với việc sử dụng sản phẩm của các đối thủ”, Gillett, Forrester Research, nhận định.
Đưa GE trở thành một công ty hàng đầu trong lĩnh vực internet công nghiệp sẽ là một chiến tích vang dội cho Immelt, người thường bị che khuất bởi cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm Jack Welch. Nhưng nếu chiến lược này thất bại thì sẽ không có kết thúc đẹp cho ông.
Năm ngoái, GE đã có cổ đông nhà đầu tư chủ động đầu tiên - Trian Fund Management. Dù tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư chủ động này chỉ dưới 1% nhưng đó cũng có thể là một rắc rối cho GE. Trian, dù ủng hộ Immelt, đã thúc giục ông phải làm nhiều hơn nữa để gia tăng biên lợi nhuận. Nếu canh bạc đắt đỏ mà Immelt đặt vào internet công nghiệp bị thất bại thì giấc mơ đạt tốc độ tăng trưởng cao cũng tan thành mây khói. Khi đó, kết cục cho GE có thể là cắt giảm chi phí mạnh hơn nữa, giảm hoạt động đầu tư và có lẽ là một cuộc chia tách khác.
Ngô Ngọc Châu
Nguồn FT