Cùng tiểu thương bước ra thế giới
Việt Nam có gần 4,8 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp trong nền kinh tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong năm 2015, khối kinh tế này tạo ra 8 triệu lao động nhưng phần thuế đóng góp vào tổng nguồn thu nội địa chỉ hơn 2%.
Con số này chỉ phản ánh phần nào nền kinh tế tiểu thương, hộ gia đình của Việt Nam, khi nhiều hộ kinh doanh không đăng ký với nhà nước nên nằm ngoài thống kê. Còn một phần hộ kinh doanh kê khai vốn đăng ký kinh doanh thấp hơn mức thực tế, để giảm bớt mức thuế khoán phải đóng. Tư duy buôn bán nhỏ lẻ vốn gắn chặt với nhóm hộ kinh doanh này từ lâu, coi đóng thuế là một khoản thiệt hại không hề mang lại lợi ích, chứ không phải là một nghĩa vụ của người kinh doanh.
Chuyển đổi và thay đổi văn hóa kinh doanh tiểu thương nhỏ lẻ cũng là định hướng của Chính phủ khi ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy và hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành các doanh nghiệp vào đầu năm 2018.
Một trong những người muốn bắt đầu với việc thay đổi lối tư duy tiểu thương nhỏ lẻ này là diễn giả Francis Hùng. Ông cho rằng, muốn các tiểu thương này vươn lên thì phải bắt đầu với việc giúp họ thay đổi cách tư duy. Phương thức của ông là: Thay vì xem việc đóng thuế là một gánh nặng thì nên xem mức đóng thuế như mức phản ánh giá trị của doanh nghiệp này. Đây cũng là một phương thức hiệu quả để thu hút vốn đầu tư một cách bài bản và chuyên nghiệp vào nhóm kinh tế này.
Ông cho biết rất nhiều tập đoàn lớn tại nước ngoài đều xuất thân từ mô hình kinh doanh gia đình. Những món ăn truyền thống của Nhật và Hàn Quốc có thể tiến ra thế giới, tại sao món ăn truyền thống của Việt Nam đến nay thì chưa? Nguyên nhân có lẽ nằm ở thiếu lối tư duy về chiến lược, kỹ năng quản lý và trên hết là một tầm nhìn cho tương lai. Chi phí cho việc tư vấn vẫn là điều khá xa xỉ đối với các tiểu thương.Ông Hùng đang khảo sát các tiểu thương nhỏ lẻ và đồng thời tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ với họ về văn hóa và phương thức giao thương với thị trường Mỹ.
Ông muốn tiếp cận với các tiểu thương và các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ để giúp truyền đạt lại kiến thức và kỹ năng kinh doanh, cũng như một tư duy lớn để bắt đầu có thể thu hút vốn đầu tư, mở rộng và mang các sản phẩm, dịch vụ hay món ăn Việt Nam tiến ra thế giới.
Quan tâm tới những họ buôn bán nhỏ, ông Hùng bắt đầu câu chuyện về miền Tây sông nước với những cánh đồng lúa bạt ngàn, nơi mà ông sinh ra. Trong những lần đi giữ lúa đêm cùng má, ông thấy máy bay trên bầu trời và tự hỏi: “Có một ngày nào mình có thể ngồi trên đó và đi khắp nơi không?”.
Sau gần 40 năm, ước mơ đã trở thành hiện thực. Ông đã trở thành diễn giả Việt Nam đầu tiên được Chính phủ Mỹ cấp thị thực làm việc đặc biệt, dành riêng cho những người có khả năng vượt trội trong các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, giáo dục, kinh doanh và thể thao.
Thế nhưng trước đó, chặng đường của ông không hề dễ dàng. Ông luôn tri ân má vì đã luôn động viên ông sự kiên trì với những giấc mơ. Với tư duy hướng ngoại, ông đã quyết tâm đạt mục tiêu phải nói tốt tiếng Anh từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học. Đối với ông đây chính là chìa khóa mở cánh cửa tiếp cận với văn hóa và cơ hội trên thế giới.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật kinh tế vào năm 1999, thay vì tiếp tục học và làm để trở thành luật sư, ông lại chọn một bước đi mạo hiểm hơn là đầu quân và Renaissance Riverside Hotel Sài Gòn từ vị trí lễ tân. Đưa ra quyết định này khi ông tự hỏi: “Đâu là điểm mạnh nhất của mình?”. Câu trả lời nằm ở khả năng ngoại ngữ tốt, cùng với mong muốn được làm việc trong một môi trường quốc tế năng động, gặp gỡ nhiều người từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Vì thế, ông Hùng bắt đầu chặng đường sự nghiệp 10 năm trong ngành du lịch khách sạn qua 3 tập đoàn quốc tế nổi tiếng là Marriott, Princess D’Annam và Ascott International. Đến năm 2008, ông lại quyết định chuyển hướng sự nghiệp sang mảng tư vấn và đào tạo doanh nghiệp với việc thành lập Công ty Fresh View Training & Consulting. Ông thành diễn giả và nhà đào tạo tư vấn chiến lược kinh doanh cho khối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông đã làm việc với những tập đoàn đa quốc gia như Sony, Acer, Intel, Western Union, Mercedes Benz, Vingroup, Novaland, British Council, Lexus Toyota, Viettinbank, Shinhanbank...
“Anh nhìn thấy mình sẽ phát triển như thế nào trong vòng 1 năm, 2 năm hay 3 năm tới? Triết lý này đã khuyến khích tôi luôn có mục tiêu thăng tiến rõ ràng trong công việc”, ông Hùng cho biết.
Để đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả đến năm 2020 như Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra thì một trong những giải pháp quan trọng là phải khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi, đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm sao để gỡ khó cho hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và đặc biệt là giải pháp bảo đảm hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững sau chuyển đổi. Đó cũng chính là tâm huyết mà ông Hùng đang theo đuổi cùng các hộ kinh doanh nhỏ.
Quyết định gắn bó với các tiểu thương, ông Hùng tự tin sẽ giúp họ có được những kỹ năng chuyên nghiệp để nâng cao khả năng giao tiếp và thuyết phục khách hàng, nắm được kiến thức, quy trình bán hàng chuyên nghiệp.
Ông cho biết khó nhất trong công việc tư vấn chính là thấu hiểu văn hóa doanh nghiệp cũng như văn hóa của mỗi đất nước. Nhưng để có thể tiến ra quốc tế thì phải hiểu văn hóa quốc tế. Mà lối tư duy kinh doanh nhỏ lẻ chính là rào cản để các tiểu thương có thể hiểu văn hóa quốc tế.