Còn “thờ ơ”, còn “mù mờ”
Ít quan tâm
Tháng 11 năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến hành điều tra “về việc tham vấn ý kiến đối với đoàn đàm phán hoặc cơ quan Nhà nước trong các hiệp định thương mại quốc tế” của các hiệp hội cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Các hiệp hội này được nhìn nhận là đại diện cho những cộng đồng DN lớn trong các ngành nghề, lĩnh vực và hoạt động của thành viên sẽ bị tác động mạnh bởi các chính sách tự do hóa thương mại quốc tế. Kết quả vừa được tập hợp cho thấy cuộc điều tra chỉ nhận được 118 phản hồi trong số 400 hiệp hội được tham vấn.
Ngoài ra, có khoảng 60% số hiệp hội chưa từng tham gia tham vấn trong các đàm phán hiệp định thương mại quốc tế, như đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới hay các hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN. Chưa đến 10% có ý kiến góp ý phản hồi bằng văn bản khi được cơ quan Nhà nước chủ động hỏi ý kiến tham vấn. Đặc biệt, có chưa đến 3% số hiệp hội chủ động gửi ý kiến tham vấn tới cơ quan có thẩm quyền. Những con số này cho thấy cộng đồng DN đang bỏ qua việc gia tăng cơ hội và giảm thiểu thách thức cho chính mình trong những hiệp định tự do thương mại.
Việc này được cho là do trước năm 2012, không có cơ chế chính thức cho việc tham vấn. Tuy nhiên, năm 2012, sau khi có Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc phải tham vấn cộng đồng DN trong các đàm phán quốc tế, tình hình dường như cũng không khả quan hơn nhiều như mong đợi. Như với Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một đàm phán thương mại quan trọng nhất tại thời điểm ra đời Quyết định 06 vẫn có tới 60% hiệp hội chưa từng tham gia ý kiến.
Chỉ cắm cúi làm ăn
Một trong những nguyên nhân của vấn đề này do là nhiều hiệp hội chưa nắm bắt được thực tế hoạt động DN thành viên để đưa ra những góp ý tham vấn phù hợp. Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một hiệp hội đã có nhiều hoạt động mạnh mẽ cũng như tham gia nhiều tham vấn chính sách quốc tế, thẳng thắn chia sẻ: Khi bắt tay vào công tác tham vấn DN thành viên chúng tôi khá lúng túng vì không nắm được thực trạng của chính ngành mình và vấn đề trong các FTA (hiệp định thương mại tự do) ảnh hưởng đến mình như thế nào, vì bản thân các DN không quan tâm bởi mục tiêu hàng ngày và cao nhất là đơn hàng, hiệu quả hoạt động, hiện nay thực sự đi sâu tìm hiểu ảnh hưởng của các FTA thì không nhiều DN sẵn sàng.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không có phản hồi tham vấn cộng đồng DN về thực trạng và chiến lược của DN mình, của ngành hàng mình, thì các nhà đàm phán làm sao có căn cứ để thương lượng lộ trình mở cửa và hội nhập trong các hiệp định tự do hóa thương mại. Chuyên gia cũng lo ngại rằng hiện DN Việt Nam dường như đang mất đi nhiệt huyết vượt qua khó khăn, do đó DN cần tìm lại định hướng và nỗ lực để cùng chuẩn bị hội nhập với TPP và ASEAN. Thực tế này cũng được Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Đỗ Thành Liêm chia sẻ. Theo ông Liêm, trong vô vàn khó khăn của nền kinh tế, DN chỉ cắm cúi làm ăn nên ảnh hưởng phần nào tới hoạt động tham gia tham vấn những chính sách quốc tế.
Ngoài ra, các chuyên gia còn lo ngại, ngay như với Hiệp định thương mại tự do quan trọng và có tác động lớn như TPP mà cộng đồng DN và các hiệp hội còn thiếu sự quan tâm, đưa ra ý kiến tham vấn xây dựng góp ý, thì chắc chắn DN sẽ còn “mù mờ” hơn nữa về những chính sách thương mại quốc tế khác đang được đàm phán như FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Karzakstan hay FTA Việt Nam-Hàn Quốc. Đây là một thực tiễn rất đáng ngại cho DN khi họ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kết quả của các đàm phán thương mại quốc tế này.
Đến nay, nhiều kỳ vọng cho thấy TPP sẽ được ký kết trong năm 2014 và sẽ mở ra cơ hội giao thương “bình đẳng” cho DN ở 12 nước đối tác nằm ở hai bờ Thái Bình Dương, tạo ra thị trường lớn với 800 triệu dân và chiếm tới 40% GDP toàn cầu, với những thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Úc. Nhưng vấn đề là DN nước ta lấy được bao nhiêu phần trong “cái bánh” TPP.
Để trả lời câu hỏi này cần xem kết quả lộ trình mở cửa mà các nhà đàm phán ký kết được. Mà một lộ trình phù hợp phải bắt nguồn từ sự nhìn nhận rõ ràng thực trạng hoạt động của DN trong nước và chiến lược phát triển có khả năng đạt được trong thời gian tới. Và điều này lại phải bắt nguồn từ ý kiến trả lời tham vấn của chính DN và tổ chức đại diện là hiệp hội. Rõ ràng, cộng đồng DN không thể mãi “thờ ơ” hoặc thiếu nỗ lực trong việc góp ý xây dựng chính tương lai của mình trong các chính sách thương mại quốc tế mà nước ta đang đàm phán tham gia.
(Theo Haiquan Online)