123RF

 
Đức Tài Thứ Năm | 20/07/2017 12:30

Có ưu ái nào cho nữ lãnh đạo startup?

Phụ nữ Việt Nam hiện làm chủ hơn 100.000 doanh nghiệp, tương ứng khoảng 25% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp nữ là Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đề án phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...

Những ưu ái từ cộng đồng gọi vốn

Nếu đặt ra ngoài các yếu tố liên quan chính sách hỗ trợ bình đẳng giới, sẽ thật bất ngờ khi những con số thống kê mới đây cho thấy sức mạnh của phong trào khởi nghiệp có bóng dáng phụ nữ. Theo thống kê của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phụ nữ Việt Nam làm chủ hơn 100.000 doanh nghiệp tương ứng khoảng 25% tổng số doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp này đã nộp ngân sách nhà nước gần 33.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 3,9% thu ngân sách).

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của chính sách. Chẳng hạn, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ, đặc biệt là vấn đề huy động vốn cho các doanh nghiệp nữ.

Trên thế giới, theo khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC), ở các lĩnh vực kinh doanh thuộc thế mạnh của nam giới như công nghệ, trò chơi điện tử... phụ nữ lại thành công nhiều hơn trong việc triển khai hoạt động kêu gọi vốn đầu tư. Không dừng tại đây, một vài chỉ số cũng cho biết phụ nữ huy động vốn từ cộng đồng thành công hơn nam giới tại mọi khu vực địa lý.

Co uu ai nao cho nu lanh dao startup?

Đây là kết quả được thu thập của 465.000 chiến dịch gọi vốn cộng đồng trong 2 năm 2015 và 2016 của Trung tâm Huy động Vốn cộng đồng (The Crownfunding Centre). Thống kê cho thấy, mặc dù có nhiều nam giới huy động vốn hạt giống từ cộng đồng hơn phụ nữ nhưng phụ nữ lại thành công hơn trong việc đạt được mục tiêu vốn cần huy động trong tất cả các ngành nghề và địa lý. Các chiến dịch do phụ nữ triển khai thường thành công hơn 32% so với các chiến dịch do nam giới thực hiện xét theo các tiêu chí đạt được mục tiêu tài chính đã đề ra. Trung bình mỗi nhà tài trợ ủng hộ 87USD cho các dự án của phụ nữ thì nam giới chỉ được ủng hộ 83USD. Đặc biệt, ở những lĩnh vực thuộc về phái mạnh như công nghệ, mặc dù tỉ lệ các chiến dịch do nam giới và phụ nữ thực hiện là 9:1, phụ nữ vẫn “áp đảo” trong việc kêu gọi vốn với giá trị đạt được ở phụ nữ là 13% và nam giới là 10%.

Xét theo khu vực địa lý, Mỹ và Anh là 2 quốc gia có quy mô gọi vốn hạt giống từ cộng đồng lớn nhất, tỉ lệ cũng nghiêng về các doanh nhân nữ với giá trị 24% và 26% trong khi các chiến dịch do nam giới thực hiện đạt được mục tiêu đề ra chỉ khoảng 20%. Thậm chí, tại những quốc gia có mô hình kêu gọi vốn hạt giống từ cộng đồng chưa phát triển, phụ nữ cũng là nhóm giành được sự ưu ái nhất từ các nhà đầu tư. Ví dụ, tỉ lệ thành công của các chiến dịch do phụ nữ và nam giới thực hiện tại châu Phi lần lượt là 11% và 3%. Ở các quốc gia thuộc nhóm E7 như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nga, Mexico, 10% các dự án huy động vốn do phụ nữ thực hiện đạt được mục tiêu trong khi nam giới chỉ đạt 4%.

Nở rộ quỹ hỗ trợ nữ khởi nghiệp

Nếu như trước đây, các nữ doanh nhân vẫn gặp những khó khăn nhất định trong gọi vốn phát triển doanh nghiệp, hầu hết họ vẫn sử dụng cách huy động vốn truyền thống. Do đó, huy động vốn cộng đồng được xem là một phương pháp mới trong việc huy động vốn cho cá nhân, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp. Đây là kênh để tiếp cận và tương tác trực tiếp với thị trường và nhà tài trợ, người hỗ trợ, khách hàng...

Ấp ủ từ lâu và khi trở về Việt Nam trong vai trò một giám đốc sản xuất tin tức cho kênh CNN châu Á, chị Lê Nguyễn Vân Anh thành lập FounderGirls. Đây là một hệ sinh thái để phát triển toàn diện cho phụ nữ Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ 1 triệu phụ nữ Việt Nam trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực họ theo đuổi và giúp họ biến ước mơ thành hiện thực vào năm 2025.

“Nhiều người vẫn hay nghi ngại về năng lực, bản lĩnh của phụ nữ trong công việc, nhưng tôi nghĩ rằng, nam hay nữ sẽ không thực sự quan trọng. Miễn là làm sao có thể chứng minh được năng lực, bản lĩnh và sự hấp dẫn ở cơ hội đầu tư của dự án đối với nhà tài trợ vốn”, chị Vân Anh cho biết.

Co uu ai nao cho nu lanh dao startup?

Phụ nữ lâu nay vẫn còn chịu nhiều định kiến trong cuộc sống, khi tư tưởng bình đẳng giới trong doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, vai trò người phụ nữ dần được khẳng định. Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tỉ đô được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo nữ như Vinamilk, Vietjet Air, REE, TH... Theo Công ty Nghiên cứu và tư vấn tài chính IFRC, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tỉ suất sinh lợi của cổ phiếu những doanh nghiệp được điều hành bởi các nhà lãnh đạo nữ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thị trường chứng khoán.

Theo ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Công ty Mekong Capital, các nữ CEO ở Việt Nam thường có xu hướng ra quyết định tập thể hơn là nam giới. Họ tìm cách để đạt được sự đồng thuận với cổ đông hơn là phác ra một chiến lược độc đoán. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong những doanh nghiệp do nữ làm chủ, các nữ quản lý là những người liêm chính hơn, thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội tốt hơn, chi phí để tạo ra việc làm thấp hơn, có đánh giá tín dụng ngân hàng cao hơn với ít nợ xấu hơn...

Trong sự phát triển mạnh của phong trào khởi nghiệp, nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đang nở rộ tại Việt Nam. Đáng chú ý, mới đây, Mạng lưới Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh Việt Nam (WISE) đã được ra mắt nhằm kết nối và hỗ trợ các phụ nữ khởi nghiệp và doanh nghiệp do nữ làm chủ với nhau. WISE sẽ hoạt động trước tiên ở TP.HCM và sau đó mở rộng ra khu vực miền Bắc, miền Trung Việt Nam, cũng như sang Campuchia, Lào và Myanmar. “Gọi vốn hạt giống từ cộng đồng được đón nhận như một hình thức giúp phụ nữ gặt hái được nhiều thành công hơn trong kinh doanh”, ông Manoj Kashyap, Lãnh đạo toàn cầu dịch vụ Fintech của PwC, cho biết.

Xây dựng và thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ triển khai cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn trong giai đoạn tiếp cận vốn. Do đó thấy rõ sự không đồng đều trong việc huy động nguồn vốn theo cách truyền thống lâu nay và kêu gọi vốn theo một cách thức mới. Điều này cũng phần nào cho thấy việc loại bỏ các rào cản thường thấy ở những kênh huy động truyền thống sẽ đóng góp nhiều cơ hội bình đẳng hơn cho cả nam giới lẫn phụ nữ, doanh nghiệp và xã hội.

Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation - SVF) hướng đến việc kết nối, đồng hành ươm mầm và phát triển các dự án khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Nhã Quyên, đại diện của SVF, số lượng người sáng lập nữ kết nối với Quỹ không tăng nhanh nhưng nhà đầu tư nữ trong mạng lưới nhà đầu tư SVF lại tăng rất nhanh về lượng và chất. Nhiều trong số họ quan tâm ủng hộ người sáng lập doanh nghiệp là nữ

Đức Tài