Cổ tích của Giáo sư Thành
Tiếng vỗ tay hò reo nhộn nhịp cả khán phòng. Trên sân khấu, màn thi đấu hít đất nảy lửa lấy cảm hứng từ phong trào #Pushupchallenge của giới trẻ đang đến hồi cao trào. Tất cả ồ lên đầy phấn khích khi người về đích cuối cùng với hơn 50 cái hít đất bỏ xa các thanh niên trai tráng lại là một vị giáo sư tuổi đã ngoài 50 tuổi.
Không chỉ là tấm gương về rèn luyện sức khỏe mà thành công của Giáo sư Trương Nguyện Thành từ lâu luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước.
Thời niên thiếu của vị giáo sư tại Mỹ này như một câu chuyện cổ tích, về những cậu bé nghèo ham học, ngày đêm đèn sách mà đỗ đạt Trạng Nguyên vinh hiển cho quê nhà. Là con thứ trong một gia đình 7 anh em ở Bình Định, sau khi cha mất, ông đã phải sớm ra đời, làm đủ nghề từ bán thuốc lá, chăn trâu... để phụ mẹ. “Người ta làm được gì, mình làm được đến đó” là câu nói ông hay chia sẻ với sinh viên như sự đúc kết nỗ lực của chính bản thân để kiếm sống cũng như để trở thành một vị giáo sư tài năng.
Nhớ lại, ông Thành kể có hai người thầy ảnh hưởng lớn đến việc học và đem đến những bước ngoặt cho cuộc đời ông vì khi nhỏ ông tuy thông minh nhưng rất lười học. Người đầu tiên là thầy Đỗ dạy toán ở trường trung học. Nhận thấy cậu học trò thông minh nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên bỏ bê việc học, thầy không nói gì, chỉ đưa sách vở năm xưa ôn thi vào trường sư phạm cho Thành về đọc cho vui, bảo cậu mấy tháng sau đi thi học sinh giỏi. Cảm động trước sự tin tưởng của thầy, Thành chăm chú học rồi thi đậu học học sinh giỏi toán của tỉnh. Đam mê nghiên cứu, học hỏi của bản thân được ông phát hiện từ đây.
Sau khi sang Mỹ học tại Đại học North Dakota, khi chuẩn bị nghỉ hè năm thứ 2, ông cần tìm một việc làm thêm để có tiền trang trải. Không muốn làm những công việc nhà hàng, bưng bê... ông chỉ muốn được làm việc tại các phòng nghiên cứu trong trường để hỗ trợ việc học. Nhưng lúc đó các giáo sư chỉ nhận những nghiên cứu sinh, sinh viên cao học, chứ sinh viên đại học không đáp ứng được yêu cầu.
Đến gặp Giáo sư Mark Gordon của trường, sinh viên Thành hỏi: “Nghiên cứu khoa học có khó không ạ? Phải chăng chỉ những sinh viên tốt nghiệp đại học và đang học cao học mới làm được?”. Thầy Mark không muốn cậu học trò vỡ mộng nên an ủi: “Thật ra nghiên cứu tuy khó nhưng có những vấn đề mà sinh viên đại học nếu muốn vẫn có thể làm được”. Chờ có vậy, cậu nói ngay: “Vậy thứ Hai tuần sau, 8 giờ sáng em đến phòng thí nghiệm để phụ thầy, nhé!”. Không thể chối từ, Giáo sư Gordon đành phải nhận lời và đến nay vẫn kể với các học trò về kỷ niệm bị cậu học trò cưng “gài” năm xưa.
Khi ra trường, ông Thành tốt nghiệp loại giỏi ngành hóa và lấy thêm 4 bằng phụ về lý, toán, xác suất thống kê và công nghệ thông tin. Tốt nghiệp đại học, ông đã có 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế và đủ tài liệu để nghiên cứu và viết bài ở những bậc học sau. Năm 2002, ông được phong Giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong 3 cấp giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi và đang giảng dạy tại Đại học Utah đến nay.
“Thất bại lớn nhất trong đời thầy là gì và thầy đối mặt với điều đó thế nào?”, một sinh viên hỏi trong dịp Giáo sư Thành về giao lưu với một trường đại học. Cười lớn, ông trả lời: “Tôi thất bại nhiều, nhưng thất bại gần đây nhất là khi phát minh ra một sản phẩm công nghệ thông tin. Thất bại khi thương mại hóa nó vì tuy có tính sáng tạo cao nhưng đi trước thị trường quá sớm nên chưa có khách hàng. Tôi mất một căn nhà gần 300.000USD và một núi hóa đơn phải trả. Trong khó khăn, có lúc tôi đi bộ trong rừng, núi 6, 7 giờ đồng hồ để suy nghĩ rồi quyết định... mở thêm 3 công ty nữa”.
Cơ duyên đưa một nhà khoa học như ông đến với thương trường đến cách đây vài năm, khi ông tham gia một dự án nghiên cứu trị giá 4 triệu USD của ngành. Một trong những nghiên cứu khi đó đã giúp ông sáng tạo được nền tảng công nghệ kết nối nhiều phần mềm khác nhau. Tuy thất bại khi thương mại hóa nền tảng này, nhưng nhờ đó ông có cơ sở để phát triển thêm hai sản phẩm về giáo dục và y tế.
Bằng chất giọng chân chất, ông Thành chia sẻ về Mo-cubed, ứng dụng giúp tìm hiểu kiến thức hóa học được ra mắt nửa năm nay. Kết hợp với tính toán đám mây, người dùng là những nhà khoa học, sinh viên... có thể tra cứu, nghiên cứu công thức hóa học nhờ kết nối với những cổng thông tin khó tiếp cận trước đây. Hoạt động trên phạm vi toàn cầu, Mo-cubed hiện có hơn 8.000 người dùng, chủ yếu đến từ Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Brazil dù ông chủ trương không quảng cáo rầm rộ để vừa chạy vừa hoàn thiện sản phẩm. Hiện Mo-cubed có một đối thủ trên thị trường, song ông Thành khá tự tin vì thị trường còn rất lớn, ngay cả khi ông chưa mở rộng phạm vi sang các đối tượng khác như học sinh trung học, các nhà nghiên cứu dược phẩm, mỹ phẩm...
Khả năng hít đất mỗi lần khoảng 200 cái là bằng chứng ông Thành rất chú trọng sức khỏe và quan tâm nhiều đến rèn luyện thể lực. Mới đây, ông và cậu con trai trong chuyến về Việt Nam vừa hoàn thành 400km thăm thú các tỉnh miền Tây bằng xe đạp. Trong lĩnh vực này, DrCare.me là sản phẩm đang được ông và đội ngũ phát triển để theo dõi chỉ số của các bệnh nhân tiểu đường, huyết áp cao..., giúp bác sĩ theo dõi quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân kịp thời. Không hoạt động dàn trải, DrCare.me chỉ tập trung vào những căn bệnh phổ quát đang trong tình trạng báo động đỏ ở nước ta hiện nay như tiểu đường (tỉ lệ bệnh nhân tăng 200% trong 10 năm qua), bệnh cao huyết áp (hơn 50% người Việt trưởng thành mắc phải theo Hội Tim mạch học Việt Nam)...
Ngoài thời gian giảng dạy tại Đại học Utah và các dự án riêng, Giáo sư Thành còn kiêm nhiệm nhiều vai trò khác. Năm 2006, nhận lời mời của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, ông về nước thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM, đồng điều hành Viện từ xa trong nhiều năm liền để phát triển và nâng cao ngành công nghệ tính toán, một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. “Tôi đi đây đó, thấy sinh viên nào có tiềm năng thì thu nhận làm đệ tử ngay”, ông cười xòa. Các sinh viên được ông đào tạo về kiến thức, suy nghĩ, tìm học bổng hoặc tạo điều kiện về làm việc cho Viện. Từng bước, cậu học trò nghèo ngày nào đã trở thành niềm tự hào của trí thức Việt trên đất Mỹ, góp phần đào tạo những trí thức trẻ kế thừa.
Gần đây, tên tuổi của ông được nhắc đến trong vai trò người sáng lập mạng lưới giáo sư Việt kiều lớn nhất hiện nay là Ivanet.org. Từng là thư ký của một mạng lưới giáo sư Bắc Mỹ gốc Việt, ông Thành nhận thấy được nhu cầu kết nối, giao lưu cộng đồng kiều bào trí thức Việt ở nước ngoài. Tháng 12.2014, Ivanet.org được ông thành lập với mục tiêu kết nối những nhà khoa học Việt trên khắp thế giới và từng đặt mục tiêu thu hút khoảng 3.000 thành viên. Chính ông cũng không ngờ, đến nay, sân chơi này đã kết nối được hơn 9.000 giáo sư kỳ cựu, giảng viên, nghiên cứu sinh, giáo viên, học sinh sinh viên... trong và ngoài nước.
“Học gì, làm gì, chỉ cần mỗi ngày cố gắng thêm một chút”, vị giáo sư khả kính chia sẻ một cách rất giản đơn về thành công của mình.
Lan Anh