Cơ hội kinh doanh từ người cao tuổi
Khi già, chúng ta sẽ sống ở nhà với con cháu hay vào viện dưỡng lão? Đó là câu hỏi chưa được nhiều người Việt tự đặt ra cho bản thân. Có lẽ cũng vì lý do này mà mô hình kinh doanh viện dưỡng lão vẫn chưa thật sự phát triển, dù đã được một số đơn vị đầu tư từ khá lâu.
Hiện tại, hầu hết các mô hình dưỡng lão ở Việt Nam đều được Nhà nước bảo trợ và được phân bổ theo địa giới hành chính, mỗi tỉnh từ 1-3 trung tâm. Ví dụ, ở TP.HCM có 2 trung tâm nuôi dưỡng người già lớn nhất cả nước là Thị Nghè (Bình Thạnh) và Thạnh Lộc (Hóc Môn). Tuy nhiên, 2 trung tâm này chỉ nhận nuôi người già neo đơn, bị bỏ rơi hay thuộc diện chính sách. Còn theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2029, dân số Việt Nam sẽ già hóa với tỉ lệ 17% dân số, tương đương 16,5 triệu người.
Những con số trên cho thấy mô hình nhà dưỡng lão do Nhà nước bảo trợ sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội trong tương lai, nhất là đối với những người có thu nhập khá trở lên.
Đến năm 2029, dân số Việt Nam sẽ già hóa với tỉ lệ 17%, tương đương 16,5 triệu người. |
Tuy cơ hội đầu tư vào viện dưỡng lão tư nhân khá hấp dẫn, bởi nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất, tiền thuê đất hay thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất chỉ 10%, nhưng không ít đơn vị tham gia vào mô hình này cho biết họ chưa thể tiếp cận được với các chính sách kể trên.
Loay hoay tìm mô hình
Làng dưỡng lão tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được đánh giá đạt tiêu chuẩn châu Âu là Làng An dưỡng Ba Thương (TP.HCM), cũng là nơi thường được gọi là “Làng dưỡng lão Việt kiều”.
Thành lập từ năm 2007, Làng An dưỡng Ba Thương có diện tích 6,5 ha với hơn 120 phòng, mỗi phòng rộng từ 16-22 m2. Làng có 2 khu dành riêng cho khách có thu nhập trung bình và cao, gồm các dịch vụ y tế, tín ngưỡng, chăm sóc sắc đẹp, phòng tiện nghi như khách sạn... Các cụ già được nấu cơm theo thực đơn riêng. Đội ngũ điều dưỡng viên được đào tạo luôn theo dõi sức khỏe của khách. Giá dịch vụ khoảng 3,5-9,5 triệu đồng/người/tháng.
Đầu tư vốn lớn theo tiêu chuẩn và mô hình viện dưỡng lão của Pháp, nhưng Làng An dưỡng Ba Thương lại chưa kinh doanh thành công. Giống như nhiều viện dưỡng lão khác tại Việt Nam, Ba Thương gặp nhiều khó khăn khi lượng khách lưu trú không ổn định, chưa đáp ứng được quy mô đầu tư.
Trong khó khăn, Làng An dưỡng Ba Thương đổi chủ. Chủ mới là một bác sĩ Việt kiều Pháp, người đã mua lại dự án để nâng cấp Ba Thương từ “Làng An dưỡng” thành “Làng Nghỉ dưỡng”.
Theo vị này đánh giá, “Việt Nam chưa có nơi dưỡng lão nào đáp ứng được tiêu chuẩn viện dưỡng lão ở châu Âu, trừ làng này. Tại Pháp có trên 4.000 nơi giống như vậy”. Và thế là Ba Thương trở thành nơi nghỉ dưỡng có sân golf, quần vợt, bể bơi... Trong quan điểm đầu tư mới, việc Ba Thương đa dạng hóa loại hình dịch vụ, phục vụ cho nhiều lứa tuổi sẽ giúp nơi đây thu hút nhiều khách hàng hơn, do tuổi nào cũng cần chăm sóc và nghỉ dưỡng.
Tương tự, một số khu du lịch sinh thái cũng đầu tư xen lẫn giữa mô hình dưỡng lão và khu nghỉ dưỡng cao cấp, như Khu Nghỉ dưỡng Vười Xoài (Đồng Nai) hay Khu Điều dưỡng Medicoast (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trên thế giới, mô hình kết hợp như vậy đã được áp dụng khá thành công, đặc biệt là ở Pháp và Nhật, những nơi có ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phát triển rất mạnh. Ðối với tâm lý người Việt Nam chưa quen với “dưỡng lão”, mô hình “nghỉ dưỡng” sẽ có nhiều lợi thế để quảng bá và phát triển hơn. Ngoài ra, mô hình này còn tạo được nguồn thu cân bằng giữa khách cố định (dưỡng lão) và khách vãng lai (du lịch).
Có thể nói, các dự án đầu tư viện dưỡng lão tại Việt Nam đang tích cực thay đổi, tìm kiếm mô hình đầu tư và hoạt động thích hợp với tình hình thực tế. Cùng lúc đó, chăm sóc người cao tuổi cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư ngoại.
Dưỡng lão kiểu Nhật
Ðã có không ít nhà đầu tư thuộc các hiệp hội chăm sóc người già ở Nhật, thậm chí từ những đơn vị thuộc Bộ An sinh Xã hội Nhật, đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư viện dưỡng lão.
Người Nhật đã tìm hiểu tình hình đầu tư viện dưỡng lão ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đã Nẵng... Theo họ, các địa điểm này có hệ sinh thái khá phù hợp cho việc đầu tư trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất nằm ở chỗ quy định pháp luật về lĩnh vực này tại Việt Nam chưa hoàn chỉnh.
Có thể kể đến trường hợp của Công ty Cổ phần An dưỡng Bình Mỹ, chủ đầu tư Trung tâm Dưỡng lão Bình Mỹ ở TP.HCM. Đơn vị này trong thời gian vừa qua đã tiếp khoảng 15 đoàn các nhà đầu tư Nhật đến tìm hiểu mô hình. Mục đích đầu tư và tìm kiếm cơ hội liên kết đầu tư của người Nhật đã khá rõ ràng, nhưng theo đánh giá của họ, thị trường Việt Nam quá mới mẻ và còn nhiều bất cập. Ví dụ như chưa có đơn vị nào chuyên đào tạo ngành chăm sóc người già, nên phải lấy ngành điều dưỡng thay thế là không phù hợp; hay thủ tục khai tử cho người nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa được pháp luật quy định, khiến các viện dưỡng lão gặp khó khi muốn thu hút khách hàng ngoại quốc.
Ở các nước phát triển, viện dưỡng lão tư nhân là mô hình kinh doanh có lợi nhuận và cũng rất cạnh tranh. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Nhật là nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ người già, chiếm 20,5% dân số. Vì thế, mô hình viện dưỡng lão ở Nhật rất phát triển.
Mỗi năm, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Việt Nam xuất khẩu 120 điều dưỡng viên (được Nhật hỗ trợ đào tạo trong vòng 1 năm) sang Nhật để chủ yếu thực hiện công việc chăm sóc người già. Còn ở Thái Lan, mô hình liên kết chăm sóc người già giữa Nhật và quốc gia này hiện khá thành công khi được kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Việc người Nhật cao tuổi đi du lịch tại các khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn cao cấp ở Thái Lan đã trở nên phổ biến.
Sinh - lão - bệnh - tử là những chu kỳ không thể tránh khỏi của đời người. Thế nên, ngành dịch vụ dưỡng lão tại Việt Nam chắc chắn là một lĩnh vực đầu tư buộc phải phát triển, dù muốn hay không. Ðể khuyến khích mô hình kinh doanh lĩnh vực nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, Việt Nam sẽ cần phải bổ sung thêm nhiều quy định phù hợp với tình hình hiện tại. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh dân số Việt Nam sẽ già đi trong tương lai.
Nguồn NCDT