Chuyện ông Bùi Văn Ngọ
Trong một chuyến thăm Việt Nam, nguyên Tổng lãnh Sự Dalton Sembiring của indonesia từng ca ngợi Công ty Bùi Văn Ngọ (viết tắt là Công ty) đã có nhiều thiết bị rất đắc dụng giúp nông dân Indonesia. Công ty Việt Nam này đã có văn phòng đại diện ở Jakarta và làm ăn khá tốt ở đất nước vạn đảo. Sau chặng đường dài xuất khẩu máy móc cơ khí, hiện Công ty đã lấn sân vào ngành thực thẩm với sản phẩm chính là cà phê và bánh ngọt. Câu chuyện của doanh nghiệp “kín tiếng” này cũng đang khiến không ít người phải tò mò.
“Bá chủ” máy nông nghiệp
Công ty Bùi Văn Ngọ thành lập từ năm 1955 tại Sài Gòn. Hiện doanh nghiệp này đang xuất khẩu máy móc nông nghiệp như máy xay xát lúa gạo, máy đánh bóng gạo, máy sấy nông sản, máy đánh bóng cà phê... sang 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm những nước phát triển như Mỹ và Nhật. Ngoài ra, còn có một số thị trường thuần nông nghiệp ở Nam Mỹ.
Năm 2013, doanh thu của Công ty ước đạt trên 700 tỉ đồng với mức tăng trưởng 15%/năm. Các sản phẩm đều do doanh nghiệp này tự sản xuất và lắp ráp. Sản phẩm của Công ty chiếm đến 70% thị trường máy xay xát gạo tại Việt Nam.
Thời gian đầu, doanh nghiệp chỉ là một xưởng cơ khí nhỏ, chuyên sản xuất máy chế biến nông sản và thiết bị công nghiệp nhẹ. Sau khi tiếp nhận máy công cụ Liên Xô từ phía Bắc chuyển vào, Công ty bắt đầu đổi mới các thiết bị này, phục vụ nhu cầu chế biến lúa gạo trong nước.
Ông Bùi Văn Ngọ, Giám đốc Công ty, cho biết vào năm 1995, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo lứt đi nước ngoài, Công ty cũng bắt đầu chế tạo máy chà xát gạo cho nông dân. “Nhưng sau đó, nhận ra nhu cầu cần những nhà máy hoàn thiện máy móc nguyên bộ, từ máy xay xát đến máy đánh bóng… thế là tôi tự làm và Công ty phát triển đến nay”, ông kể lại.
Năm 2013, doanh thu của Công ty Bùi Văn Ngọ ước đạt trên 700 tỉ đồng với mức tăng trưởng 15%/năm - Ảnh: doanhnhansaigon.vn |
Tuy không được đào tạo bài bản, nhưng nhờ cha dạy và tự học bên ngoài, ông Ngọ còn nhận được rất nhiều bằng sáng chế về máy móc cơ khí.
Sau khi Công ty bán máy cho doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng bắt đầu biết tiếng và tìm sang hỏi mua. Chiếc máy đầu tiên của Công ty bán cho khách hàng từ Thái Lan, sau đó Philippines, rồi đến Nhật và Hàn Quốc.
Theo lời ông Ngọ, lý do các nước phát triển chọn mua máy của Công ty đơn giản bởi vì máy này có thể dùng xay xát bất cứ loại gạo nào. “Do đặc tính các vùng trồng lúa của Việt Nam khác nhau. Gạo cho ra cũng khác nhau nên máy của tôi được thiết kế có thể xay xát nhiều loại lúa gạo. Trong khi máy của nước ngoài không làm được mà lại đắt hơn nhiều. Chưa kể khi máy hỏng, mua phụ tùng của tôi cũng rẻ hơn”, ông giải thích.
Thực tế, Công ty phát triển mạnh như hiện nay cũng chính là nhờ khả năng thích ứng nhanh nhạy với thị trường. Theo ông Nguyễn Thể Hà, cố vấn của Công ty, khi thị trường bắt đầu có những thay đổi và nhu cầu mới là Công ty lại nghiên cứu và cho ra đời ngay những loại máy móc phù hợp. “Nhờ thế nên sản phẩm của Công ty mới tồn tại và luôn gắn liền với nhu cầu người nông dân và các cơ sở xay xát lúa gạo Việt Nam”, ông nói.
Những cánh tay nối dài
Trong một hội chợ cà phê đầu năm 2015, nhiều người bất ngờ khi thấy gian hàng trưng bày của Công ty. Bên cạnh máy móc cơ khí cho ngành cà phê, những sản phẩm cà phê và bánh ngọt gắn nhãn mác của Công ty cũng được trưng bày đẹp mắt.
Theo đại diện Công ty, đây là những sản phẩm mới của Bùi Văn Ngọ Food, một công ty con mới toanh chuyên kinh doanh cà phê bột và các loại bánh.
Không chỉ có vậy, doanh nghiệp còn tiến sang cả lĩnh vực nội thất. Câu chuyện mở rộng sang 2 ngành nghề mới này thật ra cũng xuất phát từ cốt lõi cơ khí của Công ty.
Ông Bùi Trọng Nghĩa, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty, cho biết các thiết bị ngành cà phê nhập từ Brazil không phù hợp với khẩu vị cà phê vị tự nhiên ở Việt Nam. “Trong khi đó, máy móc của Công ty sản xuất lại giúp giữ hương vị tự nhiên của cà phê. Doanh nghiệp đã nhận được bằng sáng chế khi đưa ra các giải pháp ứng dụng hiệu quả hơn từ khâu sấy, đánh bóng, rang xay cà phê”, ông cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, những thiết bị pha cà phê sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng tại các cửa hàng bán cà phê của Công ty.
“Nguồn gốc sinh lợi vẫn là cung cấp thiết bị. Thị trường tới đâu thì phát triển tới đó với cam kết đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chí cà phê sạch từ rang xay, đóng gói. Chúng tôi sẽ tính tới khả năng tham gia đầu tư khâu trồng theo hướng sạch”, ông Nghĩa nói thêm.
Trước mắt, Công ty sẽ phát triển thương hiệu cà phê theo chuỗi cửa hàng đặc trưng và chuỗi cộng tác phân phối. Hiện doanh nghiệp đã đầu tư số vốn khá lớn cho thị trường trọng điểm như Bình Tân (TP.HCM), Đà Lạt, Long Xuyên, Cần Thơ.
Ngành nội thất của Công ty cũng sẽ tích hợp vào chiến lược cà phê. Ông Bùi Trọng Tín, Giám đốc Công ty Gỗ Bùi Văn Ngọ, cho biết toàn bộ nội thất của các cửa hàng cà phê Bùi Văn Ngọ hiện do doanh nghiệp này cung cấp. Hàng nội thất của Công ty đang xuất sang Nhật và Hàn Quốc.
Thanh Hương