Thứ Tư | 23/12/2015 10:05

Chuyên gia đầu tư Nguyễn Nam Sơn mở lối đi riêng

Là một trong những người Việt đầu tiên tốt nghiệp MBA tại Harvard, ông Nguyễn Nam Sơn từng làm việc tại Salomon Brothers và Citigroup trước khi sáng lập Vietnam Capital Partners.

Trong số những người Việt thành danh trong ngành tài chính quốc tế, có một nhân vật được nhiều người trong giới biết tới, đó là doanh nhân Việt kiều Nguyễn Nam Sơn. Tốt nghiệp chương trình MBA tại trường kinh doanh Harvard vào năm 1995, ông Nam Sơn từng có quá trình làm việc đầy thành công tại các tập đoàn tài chính nổi tiếng thế giới như Salomon Brothers và Citigroup.

Sau khi rời khỏi Citigroup và trở về Việt Nam, ông Nam Sơn đã tham gia sáng lập nên ngân hàng đầu tư độc lập Vietnam Capital Partners (VCP) vào năm 2009. Cho đến nay, VCP đã tham gia tư vấn cho hàng loạt dự án có trị giá lên tới hàng trăm triệu USD tại khắp châu Á. Hiện tại, ông còn là Chủ tịch HĐQT của công ty bất động sản Tanzanite International có trụ sở tại Singapore, chuyên về đầu tư các dự án nghỉ dưỡng cao cấp ven biển tại Việt Nam. Gần đây, NCĐT đã có dịp thực hiện một cuộc trao đổi đầy thú vị với ông Nam Sơn về hành trình đến với Harvard rồi quay trở về Việt Nam của ông, cũng như quan điểm của ông về xu thế phát triển của thị trường bất động sản hiện nay.

Là một trong những lứa người Việt đầu tiên theo học trường kinh doanh Harvard, ông có thể chia sẻ đôi chút về hành trình đến với Harvard của mình?

Năm 1975, gia đình tôi đã chuyển sang định cư tại Mỹ, ở thủ phủ Denver của tiểu bang Colorado. Lúc đó, do hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nên tôi luôn muốn tìm kiếm những cơ hội để cải thiện cuộc sống cho gia đình mình. Đến hồi đi học trung học, tôi tình cờ đọc thấy một bài báo kể về mức thu nhập của những người có bằng MBA ở Harvard là rất cao. Thế là từ đó, tôi bắt đầu ấp ủ giấc mơ là phải vào được trường kinh doanh Harvard.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành tài chính tại đại học Colorado, tôi đã được nhận vào làm việc tại một công ty phát triển bất động sản rất lớn của Mỹ là Trammell Crow. Tại đây, tôi đã tranh thủ tích lũy kinh nghiệm trong vòng 3 năm. May mắn là tại công ty này cũng có nhiều người tốt nghiệp từ các trường Harvard và Stanford, và tôi đã được họ chia sẻ nhiều điều bổ ích. Tôi được nhận vào chương trình MBA của Harvard vào năm 1993, và tốt nghiệp năm 1995.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn tài chính hàng đầu nước Mỹ, con đường nào đã đưa ông trở về Việt Nam?

Lúc tốt nghiệp Harvard, tôi cũng phải nhận một khoản nợ học phí khá lớn, lên tới hơn 100.000 USD. Khi ấy, có giai đoạn tôi và một anh bạn khác sống khó khăn tới mức phải ăn mì gói qua ngày. Thế rồi tôi cũng được nhận vào tập đoàn tài chính Salomon Brothers ở New York. Trước khi bắt đầu làm việc tại Salomon, tôi đã dũng cảm vay 5.000 USD từ tài khoản thẻ tín dụng của mình để thực hiện một chuyến hành trình về quê hương là thành phố Huế vào năm 1995. Đó là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam sau một thời gian dài sống trên đất Mỹ.

Trong thời gian làm về mảng ngân hàng đầu tư tại Salomon, tôi đã có cơ hội học hỏi rất nhiều từ các lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như được đi đến nhiều nơi trên thế giới để khám phá những điều mới mẻ. Sau khi Citigroup mua lại Salomon Brothers, tôi chuyển sang Hongkong làm việc cho Citigroup Châu Á, và một trong những trách nhiệm đầu tiên của tôi tại châu Á chính là tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Thái Lan và Indonesia sau đợt khủng hoảng năm 1997. Tới năm 2007, tôi được giao cho công việc đầu tiên tại Việt Nam, đó là làm giám đốc mảng ngân hàng đầu tư của Citigroup Việt Nam.

Sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, tôi đứng trước hai lựa chọn là quay về Hongkong để tiếp tục làm việc cho Citigroup, hoặc ở lại Việt Nam để vạch ra con đường riêng của mình. Tôi đã quyết định ở lại Việt Nam, và tham gia sáng lập nên Vietnam Capital Partners để tư vấn cho các dự án đầu tư quy mô cỡ vừa phải, từ 25 đến 50 triệu USD, sau khi nhận ra rằng đây là một phân khúc còn bị bỏ ngỏ bởi các ngân hàng đầu tư lớn. Cho đến nay, chúng tôi đã có gần 50 nhân viên và được tham gia vào nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam cũng như nước ngoài. Gần đây, tôi và các đồng nghiệp lại vừa nhận ra một cơ hội đầu tư rất lớn, đó là hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực Hồ Tràm.

Chuyen gia dau tu Nguyen Nam Son mo loi di rieng
 

Cách đây đúng 20 năm, ông đã trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm ở Mỹ. Theo ông thì từ đó đến nay Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể chưa?

Tôi thấy rằng cứ mỗi 5 năm là Việt Nam lại có thay đổi rất nhiều, cả về phương diện con người lẫn kinh tế. Lấy ví dụ TP.HCM, hiện tại GDP đầu người của thành phố đã là hơn 5.000 USD. Tôi nghĩ rằng trong vòng 10 năm nữa thì con số này sẽ lên tới 15.000 USD, tương đương Bangkok hiện nay.

Những thay đổi này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh mới, trong đó chúng tôi thấy rằng ngành du lịch nội địa là một trong những ngành có nhiều cơ hội nhất. Trước đây, các nước xung quanh cũng từng có giai đoạn phụ thuộc nhiều vào du khách nước ngoài, nhưng giờ đây thì lượng du khách nội địa của họ đã vượt hơn 4 lần so với khách ngoại. Vì vậy, trong lúc hiện nay rất nhiều người muốn đầu tư vào các ngành hàng tiêu dùng, còn chúng tôi thì lại muốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng thông qua công ty Tanzanite.

Tại sao ông lại lựa chọn vùng biển Hồ Tràm để đầu tư mà không phải là những nơi khác?

Số người Việt có nhu cầu được nghỉ dưỡng tại các địa điểm 5 sao là khá lớn, nhưng Việt Nam hiện nay chưa có nhiều dự án bất động sản ven biển thực sự tầm cỡ, và mỗi thành phố biển thường chỉ có 1-2 dự án như vậy. Trong vòng 5-7 năm tới, người Việt sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, ở mức khoảng 80 USD mỗi ngày. Khi đó, đa số mọi người sẽ muốn được nghỉ ngơi tại các khách sạn và resort cao cấp, và đây là thời điểm tốt để tìm kiếm và phát triển các địa điểm 5 sao mới.

Hiện nay, rất nhiều người thích đầu tư vào các nơi như Phú Quốc hay Nha Trang, nhưng tôi thì lại muốn nghĩ khác và làm khác. Hồ Tràm là một nơi có vị trí rất thuận lợi, chỉ cách TP.HCM khoảng 90 phút đi xe. Trong vòng 3 đến 5 năm tới, Hồ Tràm sẽ không chỉ là nơi để du lịch giải trí mà còn là nơi để người dân TP.HCM thoát khỏi sự bận rộn của đời sống đô thị vào những dịp cuối tuần. Ngoài ra, đây cũng là nơi rất tốt cho các hoạt động du lịch sự kiện (MICE), nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty ở TPHCM đang có nhu cầu tổ chức các hoạt động nghỉ dưỡng và hội họp gần TP.HCM. Chúng tôi đã có trao đổi với nhiều công ty chuyên về quản lý khách sạn, và họ đều nói nhiều tới triển vọng của ngành du lịch MICE tại Ho Tram.

Điều gì làm ông tự tin vào triển vọng của Hồ Tràm nói chung và của Tanzanite nói riêng?

Biển Hồ Tràm đẹp hơn biển Vũng Tàu rất nhiều. Trong đó Vũng Tàu đang thu hút tới hơn 16 triệu lượt du khách mỗi năm, gấp 4 lần số du khách tới những bãi biển như Mũi Né, Nha Trang hay Đà Nẵng, chính vì vị trí thuận lợi là gần TPHCM. Tuy vậy, cũng có nhiều người sẵn sàng chấp nhận bỏ ra 4-5 giờ đồng hồ để đi tới Mũi Né hay Nha Trang vì Vũng Tàu chỉ có duy nhất 1 khách sạn 5 sao. Tôi tin rằng sắp tới đây Hồ Tràm sẽ thu hút nhiều du khách với các dự án 5 sao chỉ cách TPHCM hơn 90’ đi xe hơi.

Vị trí là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành công của một thành phố biển. Những nơi nằm trong vòng bán kính 2 giờ đi xe hơi xung quanh các đô thị lớn đều có tiềm năng phát triển rất nhanh. Lấy ví dụ như các địa điểm du lịch biển nổi tiếng như Hua Hin và Pattaya của Thái Lan hay Sentosa của Singapore, hoạt động du lịch và kinh doanh của họ rất phát triển vì đều nằm trong vòng bán kính như vậy. Hồ Tràm là một nơi có nhiều hoạt động giải trí và nghỉ dưỡng đa dạng: hiện tại đã có casino và một sân golf lớn, trong thời gian tới sẽ có thêm sân golf thứ 2. Việc hoàn tất tuyến đường cao tốc vào năm 2014 cũng đã rút ngắn thời gian đi từ TPHCM tới Hồ Tràm từ mức 4 giờ hồi năm 2011 xuống còn hơn 90’ như hiện nay. Trong vòng nửa năm qua, cũng đã có khoảng 6 dự án tổ hợp villa hoặc resort lớn được khởi động tại Hồ Tràm.

Kinh nghiệm của giới đầu tư vào du lịch là một thành phố đã đạt được tổng số phòng là 3.000 thì sẽ là điểm để phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Cách đây 2 năm, Hồ Tràm chỉ có 500 phòng nhưng hiện tại đã có tới 1.500, và có thể đạt mức 3.000-4.000 phòng trong vòng 3 năm tới.

Hiện tại, Tanzanite đã có trong tay 2km bờ biển tại Hồ Tràm để phát triển dự án khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng The Hamptons, được đặt theo tên một địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng ở gần New York. Trong cương vị chủ tịch HĐQT, tôi đã xây dựng một đội ngũ nhiều kinh nghiệm để thực hiện dự án này. Các thành viên ban quản trị của Tanzanite có tổng cộng hơn 100 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, và từng làm việc tại những tổ chức lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley, hay Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB) của Singapore.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Nam Sơn là thành viên Hội đồng Cố vấn của Bảng xếp hạng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2015” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đồng hành cùng thương hiệu Royal Salute tổ chức nhằm tìm kiếm và tôn vinh 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bảng xếp hạng nhận hồ sơ tham gia từ ngày 18.11.2015 đến hết ngày 18.12.2015.

Chuyen gia dau tu Nguyen Nam Son mo loi di rieng