Ảnh: PQ
Chủ vườn ươm giấc mơ Việt
Không chỉ là chuyển giao công nghệ, kết nối kinh doanh, văn hóa Việt - Nhật, xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao... trong những ngày cả nước chung tay chống COVID-19, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng còn biến không gian văn hóa, sáng tạo của mình thành cổng kết nối với người dùng, hỗ trợ nông dân.
Điều nhỏ bé vĩ đại
Sáng cuối tuần đầu tháng 4, ghé thăm Vườn Minh Trân - vườn ươm giấc mơ Việt Nam, không gian chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, kết nối kinh doanh - để thấy một diện mạo hoàn toàn khác. Cổng đón khách bây giờ là một “gian hàng” rau củ quả lớn. Khách ghé thăm, vừa chiêm ngưỡng hàng hoa giấy rực màu, vừa có thể chọn cho mình những nông sản tươi sạch, mang về từ cao nguyên Đà Lạt. “Những đơn vị cung cấp nguyên liệu cho Minh Trân gặp khó khăn do các trung tâm, trường học, nhà hàng phải đóng cửa vì COVID-19. Chúng tôi triển khai mô hình này, hy vọng có thể phần nào giúp được nông dân, doanh nghiệp kinh doanh nông sản và người dân thành thị”, ông Dũng, sáng lập Vườn Minh Trân, chia sẻ.
Theo ông Dũng, nông sản cung cấp cho Minh Trân đến từ những nhà vườn canh tác theo tiêu chuẩn an toàn. Bình thường, việc phân phối đến người tiêu dùng là không dễ do giá nhỉnh hơn rau củ ở chợ truyền thống. Nếu không giải quyết được, sẽ khiến nông dân giảm quyết tâm bám trụ với nghề, nỗ lực mang đến nguồn thực phẩm an toàn cho người dân cũng sẽ không còn. Trong khi đó, Minh Trân lại đang thừa nguồn lực do các sự kiện đều tạm dừng. Thế nên, khi ông đề xướng ý tưởng giúp đỡ nông dân, đưa nông sản từ trang trại đến bàn ăn, tất cả các thành viên Minh Trân đều ủng hộ.
Khu vườn của ý tưởng và kết nối
Tổ chức gian hàng bán tại chỗ, thiết kế những thùng rau củ quả để giao tận nhà cho khách, ban đầu, những người thực hiện dự án này chỉ mong phân phối được khoảng 100kg nông sản/ngày. Vậy mà tiếng lành đồn xa, chỉ sau vài buổi, lượng tiêu thụ nông sản sạch đã tăng lên nhanh chóng. Bình quân, trong 3 ngày cuối tuần, từ thứ Năm đến thứ Bảy, Minh Trân phân phối được hơn 1.000kg rau củ.
Thấy lạ, nhiều bạn hữu hỏi sao một tiến sĩ hoạch định sản xuất, xuất khẩu thiết bị công nghệ cao như ông mà giờ đi bán rau, thì ông chỉ cười và trả lời: “Mọi đóng góp trong hoàn cảnh cách ly xã hội như hiện nay là một việc không phải lớn hay nhỏ mà là trách nhiệm xã hội”.
Trải qua gần 100 ngày “sống chung” với COVID-19, chứng kiến doanh nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng, cũng như những hoạt động tiếp sức cho doanh nghiệp khó khăn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết những thách thức hiện tại càng cho thấy việc chung tay góp sức xây dựng văn hóa cộng đồng đô thị là nền tảng vô cùng quan trọng cho bất cứ sự phát triển nào. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương tiếp cận người tiêu dùng TP.HCM thông qua hoạt động này.
Ảnh: PQ |
Sinh năm 1948 tại Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng hoàn thành chương trình đào tạo Phó Tiến sĩ tại Đại học Hitotsubashi ngành Quản lý công học và Tiến sĩ ngành kế lượng kế hoạch tại Đại học Tsukuba, Nhật. Rời đất nước mặt trời mọc, nhìn lại quê hương đang đối mặt quá nhiều thách thức, việc đầu tiên của ông là vận động Hội Thị dân Nhật, ủng hộ Việt Nam tại nhiều thành phố, trợ cấp máy may cho phụ nữ Việt Nam. Hoạt động này nhanh chóng lan tỏa và được ủng hộ khắp nước Nhật trở thành điểm xuất phát của hoạt động ngoại giao nhân dân trong giai đoạn khó khăn sau chiến tranh của đất nước.
17 năm làm việc với Liên hiệp Quốc ở vai trò là chuyên gia phát triển kinh tế, ông miệt mài với rất nhiều dự án với một mục tiêu chung: gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt. Đó cũng là lý do Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng lập ra mạng lưới kết nối Nhật - Việt Nam JAVINET nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trang bị những yếu tố cần thiết như kỹ thuật, chuyên viên, nguồn lực, mô hình, kinh nghiệm sản xuất... như hệ thống tư duy Kaizen, 5S... JAVINET đã đưa các chuyên gia Nhật đến Việt Nam để chuyển giao công nghệ, hợp tác cùng phát triển. Nhờ mạng lưới này mà rất nhiều doanh nghiệp cải thiện được năng lực cũng như tìm được cơ hội đưa sản phẩm ra thế giới. “Để phát triển, phải học, phải tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều nơi. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng có những cái hay riêng nhưng ít giao lưu, hợp tác, chia sẻ, kết nối để phát triển. Đó là điều đáng tiếc”, ông nói.
Biết người trẻ còn thiếu những kiến thức kinh doanh nền tảng nhất định, ông lập Trường Doanh thương Trí Dũng, nơi cung cấp kiến thức và tạo cơ hội cho doanh nhân trẻ, tâm huyết có cơ hội gặp gỡ những nhà đầu tư Nhật. Huân chương Mặt trời mọc (The Order of the Rising Sun, Gold Rays with Rosette), danh hiệu hiếm hoi do Chính phủ Nhật trao tặng là hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp thiết thực của ông cho công tác phát triển giao thương 2 nước.
Sở hữu gần 1ha đất gần Khu Công nghiệp Tân Bình, ông quyết định dùng nó cùng hơn 30 năm đời mình để xây dựng từ doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ truyền thống đến doanh nghiệp công nghệ cao xuất khẩu và nay là vườn Minh Trân, một không gian sinh thái sáng tạo văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ mà ông đặt tên là Vườn ươm Giấc Mơ Việt Nam... Nhiều năm qua, đây chính là địa điểm quen thuộc của các chương trình huấn luyện doanh nghiệp, các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. “Tương lai Việt Nam không thể chỉ là sao chép đôi khi ngớ ngẩn những lý thuyết xa lạ mà phải là thành quả của hệ tư duy người Việt. Muốn có được điều đó, chúng ta phải hiểu biết về văn hóa, truyền thống. Sự phát triển và ứng dụng công nghệ dựa trên nền tảng là truyền thống bao giờ cũng vững bền”, ông nói.