Ông Lê Viết Hải (trái) và con trai. Ảnh: HBC.

 
Việt Hà Thứ Sáu | 24/07/2020 08:39

Chủ tịch Lê Viết Hải nhường ghế Tổng Giám đốc cho con trai 9X

Con trai ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa thay cha giữ chức Tổng Giám đốc.

Ông Hải nhường ghế Tổng Giám đốc cho con trai

Ngày 23.7, Hội đồng Quản trị của Xây dựng Hòa Bình vừa thông qua nghị quyết về việc thay đổi Tổng Giám đốc Công ty.

Theo đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Xây dựng Hòa Bình kiêm Tổng Giám đốc Công ty sẽ thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty kể từ ngày 23.7. Thay vào đó là ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải được bổ nhiệm vào vị trí này với nhiệm kỳ 2 năm kể từ ngày 23.7.

Được biết, ông Hiếu sinh năm 1992 là cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp tại Trường California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ).

Ông Hiếu được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại khu vực miền Bắc của Xây dựng Hòa Bình từ tháng 5.2019 đến nay.

Ông
Ông Lê Viết Hiếu, tân Tổng Giám đốc của Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC. 

Khoảng thời gian trước đó, ông Hiếu cũng đảm nhiệm qua nhiều vị trí tại các doanh nghiệp khác nhau. Cụ thể, vào năm 2014, ông Hiếu từng là chuyên viên tín dụng doanh nghiệp Ngân hàng Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Shinhan Việt Nam. Đến năm 2016, ông đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình. Đến năm 2017, ông Hiếu chính thức tham gia vào Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với vai trò Phó Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Theo thông tin được trình bày ở Báo cáo quản trị của Hòa Bình năm 2019, ông Hải có 2 người con là ông Lê Viết Hòa và Lê Viết Hiếu.

Ông Hòa không nắm giữ cổ phần tại Hòa Bình mà đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc công ty con. Còn ông Hiếu đang sở hữu 200.000 cổ phiếu HBC, tương đương với tỉ lệ sở hữu 0,09%.

Tính theo mức giá đóng cửa phiên 23.7 của cổ phiếu HBC trên thị trường quanh khu vực 10.300 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hòa ở mức 2,06 tỉ đồng.

Hòa Bình và mục tiêu bảo toàn nguồn lực.

Theo Ban lãnh đạo Hòa Bình, Công ty gặp khó khăn về vốn chủ sở hữu thấp, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu về tài chính để thực hiện khối lượng công việc của các hợp đồng đã ký trong năm 2019 (301,6 tỉ đồng).

 

Năm 2019, Hòa Bình có doanh thu hợp nhất 18.609,73 tỉ đồng, đạt 100,1% kế hoạch và tăng 1,7% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 405,58 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 60% kế hoạch và giảm 34,5% so với cùng kỳ. Trong bản tin đầu tư tháng 12, Hòa Bình cho biết tình hình công nợ năm 2019 diễn biến phức tạp trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng và bị vướng về mặt pháp lý.

Bên cạnh tín hiệu tích cực trong quá trình thu hồi nợ, 2 vấn đề khác mà nhà đầu tư quan tâm là vấn đề dư nợ vay và dòng tiền cũng được Hòa Bình lên phương án giải quyết trong hơn 2 năm qua và nhiều khả năng Hòa Bình sẽ trở lại với một chu kỳ tăng trưởng mới. Năm 2019, Tập đoàn đã cơ cấu lại danh mục khách hàng, tập trung hơn nữa vào các chủ đầu tư uy tín, các dự án có tính khả thi cao và có nguồn tài trợ rõ ràng.

Bước sang năm 2020 Hòa Bình cho biết Công ty đã có phương án để cải thiện vấn đề dòng tiền. Theo đó, Hòa Bình có kế hoạch phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (khoảng 1.200 tỉ đồng), nhằm thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và dùng phần tiền còn lại tái đầu tư cho công ty thành viên, phát triển mảng hạ tầng công nghiệp và tái cơ cấu mảng sản xuất vật liệu xây dựng để tạo thành chuỗi giá trị, hoàn thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Ban lãnh đạo Hòa Bình cho biết Công ty tạm thời đề ra kế hoạch năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu 14.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỉ đồng nhằm mục tiêu bảo toàn các nguồn lực khi vượt qua khủng hoảng COVID-19.

* Có thể bạn quan tâm 

►Ông Lê Minh Hồng rời ghế Hội đồng Quản trị Đạm Phú Mỹ