Chỉ định nhà quản lý tạm thời: Tại sao không?
Được giao điều hành tạm thời một bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp trong khi sếp tìm kiếm một ứng viên phù hợp vừa mang đến những cơ hội nghề nghiệp mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Cơ hội là bởi những nhà quản lý tạm thời nếu thành công trong việc chứng tỏ cho mọi người thấy năng lực của mình thì có thể được chính thức giao cho vị trí điều hành đó. Tuy nhiên, thông thường nhà quản lý bị thiếu quyền hành và sự hỗ trợ cần thiết để tạo nên những thay đổi tích cực trong bộ phận mà anh ta quản lý. Hơn nữa, bị gắn mác là kẻ “giữ giùm” chiếc ghế ngồi cho một ai đó có lẽ sẽ khiến cho cái tôi của nhiều người khó lòng chấp nhận được.
“Các vị trí tạm thời thường mơ hồ, không rõ ràng. Bạn được chỉ định vào một vị trí nhưng lại được bảo rằng “chúng tôi không chắc chắn bạn có phải là người phù hợp””, Rick Lash, đối tác cấp cao tại Toronto ở hãng tuyển dụng nhà điều hành Korn/Ferry International, nhận xét.
Cạm bẫy thường gặp đối với các nhà quản lý tạm thời là việc nghĩ rằng họ có thể thành công khi sử dụng cùng những kỹ năng mà đã giúp họ có được sự đề bạt, theo Lash. Bởi lẽ, chiếc ghế tạm thời thường đi kèm với nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn cũng như các mối quan hệ phức tạp hơn, vốn dĩ không dễ giải quyết chút nào.
Mark Jagiela, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc nhà sản xuất các hệ thống kiểm tra thiết bị điện tử Teradyne Inc., đã nói rõ điều này với Greg Smith, Phó Chủ tịch Marketing, vào mùa thu năm ngoái. Jagiela bảo với Greg Smith rằng ông đang được cân nhắc cho vị trí Chủ tịch bộ phận kiểm tra chất bán dẫn - bộ phận kinh doanh lớn nhất của Teradyne - nhưng để có được vị trí này, ông cần phải trau dồi những kỹ năng mới.
Jagiela “cực kỳ thẳng thắn về những lĩnh vực mà ông cho rằng tôi cần phải cải thiện”, Smith nói. Teradyne đã mời về chuyên gia đào tạo nhà điều hành Craig Bentley thuộc Bates Communications để giúp Smith học cách trả lời câu hỏi trong các cuộc họp với Hội đồng Quản trị: lắng nghe kỹ câu hỏi và đưa ra câu trả lời ngắn gọn, nhấn vào trọng tâm và để ý xem liệu người nghe có hứng thú và hài lòng với câu trả lời hay không. Bentley cũng giúp Smith trau chuốt các bài thuyết trình bằng video hằng quý gửi đến 3.000 nhân viên của Công ty.
Nhờ những hỗ trợ này, Smith đã dẫn dắt bộ phận của mình một cách suôn sẻ. “Đó là một thách thức khi phải suy nghĩ mình được quyết định đối với những trường hợp nào và những quyết định nào thì cần phải thông qua ý kiến của Mark Jagiela. Bạn phải biết quyền hạn của mình tới đâu”, Smith nói. Smith đã tránh hầu hết các quyết định về nhân sự nhưng đã đề xuất việc tăng nhân sự ở mảng marketing mạng xã hội cho bộ phận kiểm tra chất bán dẫn của mình. Hồi tháng 2 vừa qua, Smith đã chính thức được giao vị trí Chủ tịch bộ phận.
Hầu hết các vị trí tạm thời kéo dài từ 6-18 tháng, một số trường hợp có thời gian dài hơn. Các nhà quản lý tạm thời nên trao đổi thường xuyên với cấp trên để báo cáo tình hình và xin ý kiến. Luis Almeida, Phó Giáo sư thông tin tại Trường Báo chí và Nghiên cứu truyền thông thuộc Đại học Jackson State University, Mỹ, cho rằng khi ở vai trò là nhà lãnh đạo tạm thời, “bạn cần phải đi những bước thận trọng để đảm bảo rằng bạn có được sự ủng hộ, chấp nhận từ những người có liên quan”. “Tạo ra sức ảnh hưởng thực sự là một thách thức”, ông nói thêm.
Nhà quản lý tạm thời thường thiếu quyền hành và sự hỗ trợ cần thiết để tạo nên thay đổi tích cực trong bộ phận mà anh ta quản lý. Ảnh: 123rf.com |
Chính vì sự không rõ ràng ở vị trí tạm thời khiến cho người được chỉ định vấp phải những mối hoài nghi từ nhân viên, đồng nghiệp, trong khi người đó phải đối mặt với nhiều thách thức ở vai trò mới. Theo Suzzane Bates, Tổng Giám đốc Bates Communications, đồng nghiệp “tự hỏi tại sao không giao hẳn vị trí đó cho bạn mà lại chỉ là tạm thời”.
Nhà quản lý tạm thời “phải gạt cái tôi sang một bên và đừng lo nghĩ về những gì mà mọi người nói về mình”, Tim Tolan, CEO của Tolan Group, thuộc mạng lưới tuyển dụng nhà điều hành Sanford Rose Associates, nhận xét. Mức độ kính trọng của đồng nghiệp “có liên quan nhiều đến cách mà bạn nhìn nhận bản thân ở vị trí đó”, ông nói thêm.
Catalina Beasley-Martin, thuộc Rosemont, nhà quản lý nhân lực cho một tổ chức y tế phi lợi nhuận, gần đây được đề bạt lên vị trí Giám đốc HR tạm thời trong khi Công ty đang tìm kiếm ứng cử viên thích hợp cho vị trí này. Beasley-Martin không chắc là cô muốn công việc này lâu dài vì điều đó có thể buộc cô phải từ bỏ một vị trí kiêm nhiệm mà mình rất thích - đó là Giám đốc An toàn doanh nghiệp, tức chuyên vạch ra các chính sách và chương trình để đảm bảo sự an toàn cho nhân viên trong khi làm việc.
Tuy nhiên, vị trí tạm thời cũng cho cô quyền lực nhất định để giải quyết một số vấn đề nội bộ mà cô thấy chưa hợp lý, như tạo ra các công cụ giao tiếp mới để giúp các nhà quản lý không phải lúng túng, bối rối về các chính sách phức tạp cũng như cơ chế nghỉ phép. “Tôi thích sửa chữa mọi thứ mà cần phải sửa chữa”, Beasley-Martin nói. Cô có 10 năm kinh nghiệm là Giám đốc HR tại các công ty tuyển dụng khác. Đối với cô, nhiệm vụ “chỉ đơn thuần là liệu tôi có thể làm được gì để tạo sự khác biệt chỉ trong một thời gian ngắn ở vị trí tạm thời”.
Sau thời gian thử thách, nếu một nhà quản lý vẫn không được chọn thì điều đó có thể khiến họ ấm ức”. “Khi đó, thể hiện thái độ lịch thiệp và điềm đạm là rất quan trọng. Cần tránh việc chỉ trích người được chọn lên vị trí điều hành chính thức và cũng không nên chỉ trích quyết định của sếp mình”, Bates nói. “Cần phải tìm hiểu tại sao bạn không được chọn mà không tỏ thái độ bức bối, khó chịu hay nghi ngờ quyết định của sếp”, Bates nói thêm. Sau đó, xem thử mình có còn chỗ đứng phù hợp trong tổ chức hay liệu có nên rời khỏi công ty để tìm vị trí mới.
Việc làm tốt nhiệm vụ được giao trong suốt quá trình được chỉ định làm nhà quản lý tạm thời có thể mở ra những cánh cửa cơ hội khác. Bates đã làm việc với một khách hàng mà người này cuối cùng không được chọn vào vị trí Phó Chủ tịch cấp cao. Nhưng vì anh ta đã thể hiện các kỹ năng xuất sắc trong việc tư duy, vạch đường lối chiến lược nên sếp đã tạo ra một chức vụ mới cho anh ta: cố vấn cho CEO.
Nếu được chỉ định tạm thời điều hành một bộ phận nào đó, bạn sẽ làm gì? Nên làm Cho sếp biết bạn hứng thú với công việc mới. Yêu cầu cấp trên cho bạn biết họ muốn bạn hoàn thành những nhiệm vụ gì. Đặt ra các mục tiêu thực tế có thể đạt được trong vai trò tạm thời. Tìm những người hướng dẫn giúp bạn học hỏi, trau dồi các kỹ năng cần thiết cho công việc mới. Tìm cách cải thiện kết quả làm việc của toàn nhóm thay vì chỉ mỗi bản thân bạn. Thường xuyên sắp xếp trước lịch họp với cấp trên để báo cáo tình hình. Vẫn lịch thiệp và điềm đạm nếu cuối cùng bạn vẫn không được chọn, nhưng nên hỏi lý do tại sao. Không nên làm Cảm thấy bị xúc phạm khi được giao cho vị trí tạm thời và lo lắng về hình ảnh bản thân. Cố lấy lòng các nhà quản lý cấp cao. Quá “xông xáo” thực hiện kế hoạch bạn vạch ra mà “quên” tìm kiếm sự đồng tình từ các đồng nghiệp. Vượt quá quyền hạn nhằm gây ấn tượng với cấp trên. Bị sao nhãng nhiệm vụ do “quá trình vận động” của những người cũng muốn có được vị trí của bạn. Nghi ngờ quyết định của cấp trên trong trường hợp bạn không được chọn. Cho rằng nếu bạn không được chọn thì sự nghiệp của bạn tại công ty đã chấm dứt. |
Ngô Ngọc Châu
Nguồn WSJ