Nam Minh Thứ Ba | 29/03/2022 09:00

Chất thép tỉ USD của REE

Thế hệ lãnh đạo mới của REE đã được thử thách để đảm đương những mục tiêu tỉ USD sắp tới.

Trở thành Giám đốc Tài chính (CFO) của một doanh nghiệp nổi tiếng như Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) khi chỉ 29 tuổi là thành tựu to lớn của bất kỳ ai. Nhưng với chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Thái Bình, đó còn là thách thức để chứng tỏ năng lực, vượt qua các sức ép và tiến lên tầm cao mới.

Tấm gương lớn

Sau 11 năm trui rèn và chứng tỏ qua nhiều thành tích, vào tháng 8/2020, ông Nguyễn Ngọc Thái Bình chính thức được Ban lãnh đạo bổ nhiệm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc của REE. Đây cũng là nền tảng giúp ông trở thành thế hệ kế thừa tiềm năng tương lai của REE.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Hawaii (Mỹ), ông Bình là con trai trưởng của nữ Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh. Trở lại Việt Nam, ông từng giữ chức Giám đốc Quan hệ khách hàng của Ngân hàng HSBC tại TP.HCM trước khi về REE để san sẻ trọng trách điều hành với mẹ.

Từ khi đảm nhiệm chức vụ CFO, ông Bình nhanh chóng khẳng định được năng lực. Đơn cử như việc đàm phán giúp REE thoái vốn tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng II. Năm 2012, REE phát hành thành công 558 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Platinum Victory - một công ty trực thuộc Tập đoàn Jardine Matheson danh tiếng. Đáng chú ý, giá chuyển đổi cao hơn thị giá cổ phiếu REE vào thời điểm đó đến 30%.

Lợi nhuận của Công ty được duy trì ổn định ở mức hơn ngàn tỉ đồng các năm gần đây. Lợi nhuận sau thuế 3 năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là 1.784, 1.639, 1.628 tỉ đồng. Vào tháng 11/2021, giá cổ phiếu REE đã tăng 44% so với cách đây một năm, giúp Công ty chính thức bước lên đại lộ danh giá của những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa 1 tỉ USD.

“Mẹ tôi là tấm gương của sự nỗ lực không ngừng. Áp lực từ cổ đông là chuyện không nhỏ, nhưng bà luôn đặt lợi ích của họ lên hàng đầu”, ông Bình cho biết.

Bản lĩnh, vừa mềm dẻo vừa quyết đoán là điều ông Bình học hỏi được từ mẹ. Giữ cương vị Tổng Giám đốc REE khi chỉ mới 33 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai Thanh từng trải qua những giây phút hiểm nguy lèo lái con tàu REE vượt bão.

Khi khủng hoảng tài chính châu Á bất ngờ nổ ra vào năm 1997-1998, nhiều công trình xây dựng đình trệ, mảng cơ điện M&E của REE trở nên bấp bênh. Tại thời điểm đó, bà Mai Thanh mạnh dạn sắp xếp lại sản xuất, đưa nhà xưởng về Khu Công nghiệp Tân Bình. Khu đất rộng, mặt tiền đường Cộng Hòa được cải tạo và xây dựng thành cao ốc văn phòng. Tòa E-Town đầu tiên tại TP.HCM với diện tích 30.000 m2 khánh thành năm 2002 và được lấp đầy trong 18 tháng. Đây cũng là tòa nhà hiện đại được nhiều tập đoàn công nghệ, ngân hàng hay nhà bán lẻ Thế Giới Di Động chọn làm trụ sở.

Bên cạnh khu văn phòng ở Tân Bình, REE còn phát triển thêm cao ốc văn phòng trên đường Đoàn Văn Bơ (Quận 4, TP.HCM) và nhanh chóng được đối tác VPBank thuê lại. Hiện REE là công ty phát triển văn phòng cho thuê hàng đầu với 150.000 m2 diện tích văn phòng tại TP.HCM.

Chưa hết, trong cuộc khủng hoảng năm 2008, REE bất ngờ báo lỗ hơn 150 tỉ đồng, cổ phiếu REE có lúc mất giá tới 85%. Tại thời điểm quyết định, bà Thanh kiên quyết thoái khoản đầu tư tài chính, dốc nguồn lực đầu tư vào mảng hạ tầng tiện ích. Kết quả, REE hiện là doanh nghiệp hàng đầu nắm giữ nhiều tài sản có giá trị lớn từ thủy điện, nhiệt điện, nước sạch. Năm 2020, mảng tiện ích đóng góp tới 57% vào lợi nhuận ròng của Công ty.

Thế hệ lãnh đạo thứ 3 Hướng tới Holdings

Thị trường vẫn thường xuyên thấy REE chuyển động, thay đổi, khác biệt và trưởng thành rất nhiều so với giai đoạn đầu. Nếu buổi ban đầu, tiền thân của REE chỉ là một xí nghiệp cơ điện lạnh và trực thuộc Nhà nước, thì ngay khi Việt Nam mở cửa, REE là một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn cổ phần hóa (năm 1993).

Ba năm sau, REE phát triển sản phẩm điện lạnh mang thương hiệu riêng Reetech. Tiếp đó, REE tiên phong phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài và trở thành công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Từ một doanh nghiệp M&E đơn thuần, cấu trúc kinh doanh của REE đang dần mở rộng và hướng tới việc trở thành một tập đoàn đầu tư theo mô hình holdings. Năm 2020, REE đã hoàn tất việc chuyển cổ phần các mảng bất động sản, điện và nước cho các công ty sub-holdings là REE Land, REE Energy và REE Water. Chiến lược này giúp ông Bình có cơ hội phát huy sở trường về tài chính. REE tự tin đặt mục tiêu đạt 1 tỉ USD vốn hóa thị trường trong 5 năm tới cũng như duy trì tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 15%/năm.

Tuy nhiên, chính nền tảng vững chắc mà thế hệ trước gầy dựng xuyên suốt hơn 30 năm qua là nhân tố giúp thế hệ kế thừa có thể vươn tới đỉnh cao mới. Đó là văn hóa phát triển dựa trên đặc tính ổn định, xây dựng kế hoạch có tính khả thi cao, đảm bảo sợi dây liên lạc xuyên suốt giữa các bộ phận và cân bằng lợi ích giữa các cổ đông và cấu trúc sở hữu gia đình.

“Tăng trưởng là tốt nhưng nó cũng tạo nên nhiều áp lực. Quan trọng là phải biết cân bằng giữa tăng trưởng và cơ hội, cũng như nguồn lực của mình. Ở REE, đầu tư là phải căn cơ và tính được hiệu quả”, ông Bình từng chia sẻ quan điểm.

Cấu trúc tài sản được phân bố hài hòa, khả năng nắm bắt các xu thế kinh tế và năng lực huy động các nguồn vốn chi phí rẻ từ quốc tế là thế mạnh của REE. Các nhà phân tích chứng khoán ACBS đánh giá cao triển vọng tích cực của REE dựa trên sức mạnh của ngành năng lượng và sự ổn định của hoạt động cho thuê văn phòng.

Dự án tiếp theo của REE là E-Town 6 cung cấp thêm 40.000 m2 diện tích cho thuê khi hoàn thành vào cuối năm 2023, nâng tổng diện tích cho thuê của REE lên 190.000 m2. Năm 2021, REE đặt mục tiêu đầu tư vào 60 MWp (700 tỉ đồng) tấm pin năng lượng mặt trời cùng với 3 dự án điện gió tại Trà Vinh và Thuận Bình. Theo REE, vẫn còn tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam, nơi không có đủ nguồn cung năng lượng, ít nhà máy thủy điện và các dự án điện mặt trời rải rác.

Công ty này còn tham gia vào cuộc chơi điện gió. REE đang ấp ủ kế hoạch cùng với một nhà đầu tư nước ngoài xin thí điểm đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 2.000-3.000 MW. Trong khi gần đây, 2 nhà máy điện gió ở Bình Thuận và Ninh Thuận nhận 57 triệu USD cho vay ưu đãi từ công ty tài chính quốc tế IFC - thành viên của nhóm World Bank.

“Chúng tôi tin tưởng rằng hỗ trợ của IFC sẽ giúp REE hiện thực hóa thành công chiến lược xanh hóa danh mục đầu tư ngành điện của chúng tôi trong những năm tới. Việc REE đáp ứng được những tiêu chuẩn tài chính, môi trường và xã hội của IFC đã cho thấy sự sẵn sàng và tiên phong của REE trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Bình nói.

Còn bà Mai Thanh cho biết, thế hệ lãnh đạo thứ 3 ở tầm tuổi Nguyễn Ngọc Thái Bình tại Công ty ngày càng trưởng thành nên bà tự tin các cộng sự trẻ này đủ bản lĩnh để đảm đương công việc kinh doanh và hoàn thành những mục tiêu lớn hơn của REE.