Cha & con cùng giữ lửa giao thương
Không hẹn mà gặp, 2 cha con ông Phạm Phú Ngọc Trai và Phạm Phú Trường liên tiếp gặp nhau trong lúc mỗi người phụ trách các dự án riêng về thiện nguyện, về kinh tế tuần hoàn và các buổi đóng góp ý kiến phát triển kinh tế tư nhân vào chính sách Nhà nước. Hiếm khi dành lời khen ngợi cho con nhưng nhìn sự trưởng thành từng bước của ông Trường và cách con trai kế thừa những gì bản thân đã gầy dựng, ông Trai đã có thể mỉm cười tự hào.
Người mở đường
Rạng sáng ngày 3/2/1994, ông Phạm Phú Ngọc Trai và nhóm doanh nhân quốc tế vỡ òa tiếng hô vang chúc mừng chiến thắng tại “Khách sạn nổi”, khách sạn 5 sao duy nhất tại TP.HCM thời điểm ấy. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.
Từ khi có tín hiệu khả quan của quá trình dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ rục rịch cuối năm 1986, ông Trai đã cùng vài người bạn trực tiếp đàm phán đưa PepsiCo vào Việt Nam qua liên doanh tay 3 gồm Việt Nam, Macondray Company Inc. của Singapore và PepsiCo. Ông Trai là một trong những doanh nhân đầu tiên có mối quan hệ quốc tế đàm phán đưa tập đoàn quốc tế về Việt Nam. Thời điểm đó, ông còn làm ở Bia hơi Hải Âu rất phát đạt và đã gầy dựng nhà máy Tribeco theo quy trình sản xuất hiện đại trong khi Mỹ còn cấm vận.
Qua các bài học marketing tự mày mò, ông Trai đã lèo lái con thuyền PepsiCo ở tuổi 30, đưa thương hiệu này phát triển tại khu vực. Năm 2004, Tập đoàn PepsiCo Toàn cầu đã trao giải thưởng cao quý nhất của Tập đoàn - DMK-Donald M. Kendall - cho PepsiCo Việt Nam. PepsiCo Việt Nam nhận giải này 4 năm liền trong thời gian ông Trai làm Chủ tịch kiêm CEO PepsiCo Việt Nam và CEO PepsiCo Đông Dương.
Khi ông Trai rời PepsiCo vào năm 2010, bà Indra Nooyi, Chủ tịch kiêm CEO PepsiCo Toàn cầu, bày tỏ tiếc nuối vì ông đã gầy dựng một công ty phát triển đáng kinh ngạc. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, năm 2010, PepsiCo và Coca-Cola chiếm tới hơn 80% thị phần nước giải khát Việt Nam.
Tại cột mốc bình thường hóa, ngay khi vừa đưa PepsiCo trở lại Việt Nam, ông Trai đã cùng giám đốc một số công ty quốc doanh, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư... bay sang Mỹ giới thiệu về cơ hội làm ăn ở Việt Nam. Chuyến đi này do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phạm Chánh Trực làm trưởng đoàn, ông Trai đảm nhận việc giải thích với nhà đầu tư Mỹ tất cả mọi thứ liên quan đến việc kinh doanh tại Việt Nam, từ thủ tục chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, giấy phép kinh doanh, hạ tầng, thị trường, vận chuyển nguyên liệu, nhân lực… Sau nhiều năm, Mỹ đã trở thành thị trường lớn của Việt Nam. Những cái tên PepsiCo, P&G, Microsoft, IBM, Nike… trở nên quen thuộc hơn với người Việt. Cánh cửa hội nhập quốc tế mở rộng hơn khi Việt Nam giao thương với nền kinh tế nhất nhì thế giới.
Hơn 18 năm vượt qua thử thách hòa nhập trong công ty đa quốc gia có bề dày kinh nghiệm hơn 100 năm và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, ông Trai nhìn ra động lực của bản thân là nâng tầm tri thức người Việt và khẳng định vai trò Việt Nam trên thế giới. Tháng 3/2009, ông Trai khởi nghiệp ở tuổi ngoài 50 với Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quốc tế tìm đến Việt Nam. Lĩnh vực tư vấn được xem là rất “chua” ở Việt Nam lúc bấy giờ nhưng ông Trai đã cùng nhiều doanh nghiệp vượt qua bờ vực phá sản.
Cũng tại GIBC, ông Trai chứng kiến nhiều doanh nghiệp lúng túng khi 2, 3 thế hệ cùng quản lý. Vì vậy, ông đã chuyển giao việc điều hành cho con trai Phạm Phú Trường, ông chỉ giữ vai trò điều hướng. Tâm niệm của ông là doanh nghiệp phải đóng góp cho cộng đồng. “Nếu Công ty có kết quả kinh doanh khả quan nhưng môi trường không phát triển đồng bộ thì rất khó phát triển thêm. Chia sẻ với cộng đồng là cách làm giàu trường tồn nhất”, ông chia sẻ.
Người tiếp sức
Cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp quốc tế rục rịch rút khỏi Trung Quốc, chuẩn bị đặt chân đến các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh làm tuột mất cơ hội để Việt Nam thu hút FDI. Nghiên cứu của VBI Fast Track do ông Phạm Phú Trường phụ trách chỉ ra có 91% công ty đa quốc gia vẫn đóng góp cho Việt Nam trong 3 năm tới và trong số đó có 65% sẽ mở rộng tích cực. Việc giữ chân các doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, mà trọng tâm là các chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp gắn với thiết lập cơ sở hạ tầng.
Trong những ngày TP.HCM trở thành tâm điểm của đợt dịch COVID-19, ông Trường không chỉ tất bật hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn mà còn tích cực góp ý với lãnh đạo Thành phố và Trung ương nhằm phục hồi kinh tế. Tại buổi gặp mặt với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Trường kiến nghị: “Tư duy xin - cho, ngăn cấm, sợ trách nhiệm vẫn còn xuất hiện nặng nề trong quá trình ban hành chính sách ở một số nơi. Một điều mà các cơ quan quản lý có vẻ chưa nhận thấy là tổn thất của doanh nghiệp sẽ gây nên tổn thất của địa phương, làm mất đi lợi thế cạnh tranh đến cả quốc gia trong ngắn và dài hạn”.
Không muốn ngồi ghế dự bị trong “giải đấu” phục hồi kinh tế sau dịch, ông Trường muốn trực tiếp cùng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia trong vai trò một doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm lâu năm. Ông kỳ vọng lãnh đạo Thành phố tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết để thu hút vốn FDI hiệu quả.
Việt Nam đang có mối quan hệ giao thương sâu rộng với các quốc gia trên thế giới nhờ sự hậu thuẫn của các hiệp định thương mại tự do. Ông Trường cũng như cha đang góp phần bảo vệ tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thương trường quốc tế. Bài học của cha - nhà quản trị lúc kinh tế Việt Nam bắt đầu đổi mới rồi hội nhập - truyền lại cho ông Trường chính là không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ ngừng tìm kiếm cơ hội mới. Ông vẫn nhớ như in những ngày cha mình làm tài xế nhưng vẫn từng bước hoàn thiện bản thân bằng kiến thức mới. Ông đi dạy thêm mấy năm liền để đủ điều kiện kinh tế theo học thêm 2-3 bằng đại học buổi tối. Ông Trai đã nghiên cứu ra các công thức nước ngọt rồi sáng lập ra Công ty Tribeco. Thời bao cấp khi khái niệm marketing còn xa lạ mà ông Trai đã đích thân đi chào hàng từng chai nước...
Thời gian này, ông Trường cũng chia sẻ những lần thử và sai trong quá trình khởi nghiệp để động viên các doanh nghiệp trẻ sau dịch. Dù đã có kinh nghiệm đi bán hội chợ, làm thêm trong khi học đại học, ông Trường không khỏi bỡ ngỡ trong lần đầu khởi nghiệp với công ty sản xuất nước rửa tay. Chất lượng tốt, bao bì đẹp, giá cả phải chăng nhưng sản phẩm vẫn không được đón nhận rộng rãi. Bài học đầu tiên của ông là nắm bắt nhu cầu thực sự của thị trường.
Rút kinh nghiệm, trước khi khởi nghiệp lần thứ 2, ông ra nước ngoài học rồi quay về mở công ty chuyên về ánh sáng kiến trúc. Một số sản phẩm công ty ông ghi lại dấu ấn tại tòa nhà Đài truyền hình TP.HCM, Cầu Rồng Đà Nẵng và nhiều khách sạn 5 sao khác. Sau đó, ông Trường dấn thân vào lĩnh vực xây dựng. Ông còn phối hợp với các quỹ đầu tư như VinaCapital lập ra quỹ hưu trí đầu tiên ở Việt Nam là VinaWealth.
Không dừng lại ở việc kinh doanh, ông Trường còn đảm nhận công tác truyền thông cho việc bảo vệ môi trường. Trong vai trò Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn Đại học Quốc gia TP.HCM, ông Trường đã hướng dẫn, chỉ đạo 6 nghiên cứu thực hành về kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường và tài nguyên trong sản xuất kinh doanh. “Làm doanh nghiệp phải có đóng góp cho cộng đồng”, ông Trai giờ đây đã có thể mỉm cười tự hào khi thấy con trai cùng chí hướng với mình.
Vậy nên, ông Trai không mấy ngạc nhiên khi bắt gặp ông Trường tại ProVietnam, nơi góp phần vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua quy trình tái chế bao bì sản phẩm theo hướng bền vững. Hai cha con lại hội ngộ dù chẳng hẹn nhau tại các hội nghị chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đến doanh nghiệp.