Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt.
CEO Trương Chí Thiện: Đưa trứng gà ra thế giới
Suốt chặng đường gắn bó 30 năm với quả trứng, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đã có 2 lần vượt vũ môn. Đó là thời điểm dịch cúm H5N1 và COVID-19, đều là 2 lần ông Thiện phải đấu tranh cả về tư tưởng lẫn chiến lược kinh doanh để trụ vững được đến thời điểm hiện tại.
Cơ duyên với trứng
Vốn là một sinh viên ngành kinh tế, do trứng ba mẹ gửi lên từ quê nhà quá nhiều, ông Thiện đã đem bán một phần để có thêm tiền trang trải việc học. Sau khi ra trường, đi làm nhiều vị trí khác nhau tại các công ty liên quan đến tài chính, ông Thiện vẫn duy trì bán trứng với sản lượng tăng dần mỗi năm theo quy mô gia đình nhỏ lẻ. Vốn nghĩ chỉ là một nghề phụ nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2003 khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát mạnh ở các nước và Việt Nam. Là một cơ sở bán trứng nhỏ nhưng ông Thiện cũng rơi vào cảnh gần như trắng tay vì phát sinh nhiều khoản nợ khó đòi.
Thêm vào đó, các quy định trong kinh doanh trứng gia cầm ngày càng thắt chặt hơn. Trước năm 2003, bán trứng không cần phải kiểm định chất lượng và không phải qua soi chiếu. Nhưng từ năm 2003, muốn bán trứng, phải đầu tư máy móc thiết bị khử trùng... Ông Thiện đắn đo suy nghĩ vì đầu tư máy móc là một số tiền khá lớn ở thời điểm đó. Tuy nhiên, sau khi quan sát thị trường, ông nhận thấy sau đợt dịch năm 2003, khách hàng dần hình thành thói quen mua trứng có thương hiệu tại siêu thị, thay vì mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Từ xu hướng này, Vĩnh Thành Đạt hợp tác với các hộ nuôi, đầu tư máy móc sản xuất trứng sạch, chính thức thành lập Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt với thương hiệu trứng V.Food và dần phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Vĩnh Thành Đạt là công ty đầu tiên tại TP.HCM đạt bộ tiêu chí được phép hoạt động trở lại trong ngành sản xuất trứng gia cầm và cũng là thương hiệu đầu tiên đưa trứng sạch vào hệ thống siêu thị từ hơn 15 năm trước. Cho đến nay Công ty cung cấp trung bình 700.000 đến 1 triệu quả trứng tươi/ngày và dần phát triển thêm nhiều dòng trứng chế biến sẵn, vừa giúp tạo kênh tiêu thụ mới, vừa bao tiêu sản phẩm cho các trại chăn nuôi, đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho quả trứng với giá thành tốt nhất.
Vốn tưởng sóng gió lớn nhất là dịch cúm gia cầm năm 2003 nhưng cú sốc lần 2 khiến ông Thiện mất ăn, mất ngủ, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Suốt thời gian giãn cách ăn ngủ cùng công nhân trong nhà máy, ông Thiện đã uống gần hết 2 lọ thuốc ngủ. Trong 1 tháng ông sụt 3 kg, vốn không kén ăn nhưng bản thân ông ở thời điểm đỉnh dịch lại cảm thấy khó nuốt.
Ông Thiện chia sẻ: “Ở thời điểm dịch, tôi mới thấy những khó khăn của năm 2003 chỉ bằng 1/10 của dịch COVID-19. Bên cạnh những quy định nghiêm ngặt “3 tại chỗ” trong sản xuất thì tính mạng con người lại mong manh hơn bao giờ hết. Suốt thời điểm dịch, ông cũng lo lắng cho vợ và 3 người con đang du học ở nước ngoài. Nỗi sợ ám ảnh ông đến mức nằm mơ thấy bản thân xét nghiệm COVID-19 hiện nhiều vạch đỏ và lo sợ ca F0 trong nhà máy. Rồi ngày đó cũng tới, bất ngờ một tài xế và một nhân viên tiếp thị trở thành F0, ông lo sợ truy vết và thật may là nhân viên này không được phép vào nhà xưởng nên khâu sản xuất vẫn an toàn.
Suốt 30 năm gắn bó với trứng, chưa bao giờ ông Thiện thấy trứng lại trở thành mặt hàng hiếm trên thị trường như lúc dịch, sản lượng trứng ở Vĩnh Thành Đạt trung bình đưa ra thị trường 700.000 quả, tăng thêm hơn 300.000 quả nữa nhưng ngược lại bán càng nhiều, Công ty lại càng thua lỗ vì quá trình lưu thông hàng hóa tại TP.HCM và các tỉnh, đối tác phân phối thường xuyên khiếu nại, các sở, ban, ngành phàn nàn vì nhận được phản ánh thiếu hàng cục bộ.
Ông còn một lo lắng khác là làm sao ổn định chi phí duy trì hoạt động Công ty qua giai đoạn COVID-19? Đã có lúc ông nghĩ đến việc tạm đóng cửa nhà máy chờ qua dịch tính tiếp. Từng chứng kiến hàng triệu người lao động mất việc khi chuỗi sản xuất, cung ứng trứng gia cầm đứt gãy vào năm 2003 nên ông lại tự động viên bản thân cố gắng gồng lỗ để qua khó khăn. “Nếu lúc đó tôi suy nghĩ nhiều quá đến doanh thu, lợi nhuận thì chắc phải uồng đến lọ thuốc thứ 3”, ông tâm sự.
Đi vào thị trường ngách
Nhìn lại thời gian mới thâm nhập thị trường, ông Thiện cho biết, hồi đó trứng còn chưa được quan tâm, nguồn cung chủ yếu từ các trại chăn nuôi nông hộ. Quy mô sản lượng lớn nhất lúc đó chỉ có nguồn trứng của Công ty C.P Việt Nam (Thái Lan). Sau đó thị trường chủ yếu có thêm trứng của Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt. Nhưng chỉ sau vài năm, hàng loạt doanh nghiệp trong nước lẫn ngoài nước đều đổ tiền đầu tư rất lớn cho sản phẩm trứng và đã có những cuộc soán ngôi nếu tính về sản lượng.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn QL Việt Nam, chẳng hạn, có vốn đầu tư 100% từ Malaysia với 400 tỉ đồng, đang dẫn đầu về quy mô sản xuất. Công ty QL là nhà sản xuất trứng gà lớn nhất Malaysia với sản lượng 4 triệu trứng/ngày, sản lượng tại Indonesia là 800.000 trứng/ngày. Tại Việt Nam, QL đã đầu tư 2 trang trại chăn nuôi gà kỹ thuật cao trên diện tích hàng chục ha tại Tây Ninh với tổng sản lượng của cả 2 trang trại vượt mốc 1 triệu quả trứng/ngày. Một ông lớn trong ngành nông nghiệp là Công ty Cổ phần Mebi Farm đã khởi công dự án khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao Mebi Farm tại Bình Thuận có tổng diện tích hơn 70 ha với các khâu, vận hành hoàn toàn tự động và khép kín, áp dụng công nghệ cao của Nhật gồm các khu trang trại, khu sơ chế, khu phân loại, khu đóng gói trứng, khu xử lý... với 1,2 triệu con gà.
Trong nước, Công ty Gia cầm Hòa Phát đang vươn lên mạnh mẽ khi mỗi ngày cung cấp ra thị trường nửa triệu quả trứng gà sạch. Ngoài bán sỉ trứng cho các đại lý lớn của Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, công ty này chủ trương đẩy mạnh trứng vào hệ thống siêu thị. Mục tiêu của Hòa Phát là phủ sóng và gia tăng thị phần bán hàng trên cả nước.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành gia cầm đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Sản lượng trứng sản xuất hằng năm không ngừng gia tăng, từ hơn 8,8 tỉ quả năm 2015 lên hơn 16 tỉ quả vào năm 2020. Bình quân tăng trưởng về sản lượng trứng của Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đạt 12,67%/năm, cao hơn 4 lần so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu trong cùng giai đoạn.
Vĩnh Thành Đạt là công ty đầu tiên tại TP.HCM đạt bộ tiêu chí được phép hoạt động trở lại trong ngành sản xuất trứng gia cầm và cũng là thương hiệu đầu tiên đưa trứng sạch vào hệ thống siêu thị từ hơn 15 năm trước. Ảnh: TL. |
Tuy nhiên, tiêu thụ trứng ở Việt Nam chỉ đạt 149 quả/người/năm (2020) trong khi tiêu thụ trứng bình quân của thế giới khoảng 210-220 quả/người/năm. Một số quốc gia tiêu thụ trứng trên 300 quả/người/năm như Mexico, Trung Quốc, Nhật, Tây Ban Nha, Malaysia, Indonesia... Tại các quốc gia này, nhu cầu đối với thịt và trứng gia cầm trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao. Ông Thiện cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu trứng. Bằng chứng là “có một số dự án về đối tác xuất khẩu đang được xúc tiến nhưng chưa thể tiết lộ”, ông nói.
Đứng trước cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp lớn đã giảm dần tỉ trọng sản xuất trứng gà, đầu tư thêm nhiều sản phẩm chế biến sâu để bảo quản lâu hơn như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân... “Thói quen tiêu dùng trứng của người tiêu dùng ngày càng khó tính, trong đó tiêu chí đầu tiên là xem hạn sử dụng.Để giữ chân khách hàng, công ty chúng tôi phải thay trứng mới mỗi ngày tại các hệ thống bán lẻ. Nói thì đơn giản, chứ việc cung ứng và thu hồi trứng mỗi ngày tại hàng ngàn điểm bán không hề dễ dàng, đòi hỏi mạng lưới nhân sự vận chuyển phải hoạt động liên tục”, ông Thiện nói.
Vì thế, Vĩnh Thành Đạt đã mở thêm dòng sản phẩm chế biến sẵn như trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng vịt muối ăn liền, trứng bắc thảo... Những dòng này đã có mặt ở khắp các hệ thống siêu thị và được ưa chuộng với sản lượng tiêu thụ khoảng 20.000 quả. Nhiều đối tác còn đặt vấn đề đưa sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt ra nước ngoài thông qua hệ thống cửa hàng của họ.
Ngoài sản phẩm trứng gà vốn được nhiều công ty đầu tư, Vĩnh Thành Đạt đang đẩy mạnh trứng vịt. Bởi lẽ, hầu như rất ít đơn vị làm trứng vịt trong khi Công ty lại có sẵn nguyên liệu của dòng sản phẩm này và đây cũng là yếu tố giúp Vĩnh Thành Đạt đi vào ngách thị trường.
Chính vì cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi giá trứng gần như giậm chân tại chỗ trong suốt nhiều năm qua giữa lúc giá nguyên liệu, nhân công đều tăng mạnh đã khiến biên lợi nhuận ngày càng giảm. Điều này đã dẫn đến một cuộc sàng lọc vào dịch COVID-19 vừa qua. Trong khi đó, các dự án đầu tư chăn nuôi gia cầm đang nở rộ nhưng năng lực cung ứng từ các doanh nghiệp lớn mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, 50% nhu cầu còn lại vẫn do các trang trại nông hộ đảm trách. Trước sức ép của các đại gia ngành trứng, cộng thêm khó khăn ở thời điểm dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi và các hộ buôn bán nhỏ phải đóng cửa, phá sản.
Chia sẻ tại một hội thảo năm ngoái, bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Khối phân tích ngành hàng AgroMonitor, đánh giá: “Đối với thị trường trong nước, kênh phân phối trứng của chúng ta hiện nay là 50% đến hộ gia đình dùng cho bữa ăn hằng ngày và 50% đến bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, do tác động của COVID-19, nhiều nhà máy, trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể... phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng”.
Ông Thiện đã mở lối đi bằng cách đa dạng kênh tiêu thụ, đa dạng sản phẩm và đi theo xu hướng của thị trường. “Với trứng tươi, thị trường hiện nay gần như bão hòa. Chế biến trứng gia cầm là lĩnh vực mới, ít cạnh tranh hơn và nếu làm tốt, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp đang trong bước đầu nỗ lực đưa trứng cút xuất đi Nhật, trứng vịt muối, trứng ăn liền xuất khẩu và tin rằng những sản phẩm này sẽ tăng trưởng rất nhanh. Khi đó sẽ giải quyết được đầu ra cho người nuôi vịt và dễ hướng họ theo mô hình chăn nuôi mới”, ông nói.
Ngay thời điểm Tết vừa qua, Vĩnh Thành Đạt đã đưa dòng trứng có thể ăn sống, được dùng trong các món như cơm trộn của Nhật, Hàn Quốc ra thị trường và được đón nhận khá tốt. Ông Thiện cho biết, người tiêu dùng quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến phúc lợi động vật và môi trường sống, do vậy Công ty cũng cho ra đời “trứng gà nhân đạo”.
Tại các trang trại của Vĩnh Thành Đạt, gà mái được nuôi trong môi trường bán tự nhiên, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về sức khỏe, dinh dưỡng và chế độ chăm sóc đặc biệt. Gà được tự do bay nhảy, sinh hoạt trên trấu, có hệ thống sào đậu và hoàn toàn có thể tự đào bới thức ăn trên đất, sống tự do theo tập tính của loài gà trong tự nhiên. Tín hiệu tích cực là tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, mô hình này đang dần phát triển với việc bao tiêu đầu ra để nông dân dần an tâm chuyển đổi, tự tin với hướng kinh doanh mới.
Vẫn miệt mài nghiên cứu và tìm tòi hướng đi mới cho trứng, ông Thiện vẫn nuôi dưỡng ước mơ làm sao để thương hiệu quả trứng gà Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.