Ảnh: TL
CEO Tập đoàn CMC: Kế hoạch “Digital Hub”
Có mặt trong danh sách top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018 do Nhịp Cầu Đầu Tư bình chọn, CMC là tập đoàn công nghệ lớn thứ 2 tại Việt Nam. Năm tài chính 2018, doanh thu lũy kế toàn Tập đoàn đạt gần 5.682 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 261,8 tỉ đồng. “Kỹ sư trưởng” của cỗ máy CMC là ông Nguyễn Trung Chính.
Với thương trường, xuất phát điểm của vị Chủ tịch CMC là con số không. Tốt nghiệp khoa kỹ sư điện tử viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đầu quân về Viện Ứng dụng Công nghệ (Nacentech), thuần túy làm nghiên cứu khoa học. Ngày đó, mục tiêu lớn nhất của Viện cũng như của ông là sản xuất, chế tạo máy tính tại Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa, máy vi tính vẫn còn mới lạ thì con đường đã chọn khiến ông cực kỳ hạnh phúc. Đáng tiếc, một vụ hỏa hoạn xảy ra đúng vào thời điểm những nguyên cứu của Viện đã gần đến đích. Tan mộng làm khoa học nhưng ông cùng các cộng sự của mình vẫn không rời bỏ cuộc chơi. Thay vì làm khoa học, họ chuyển sang kinh doanh máy móc, thiết bị công nghệ. Ngã rẽ này, nhiều thăng trầm nhưng cũng lắm trái ngọt. Hơn 25 năm điều hành CMC, cách thức điều hành của ông Nguyễn Trung Chính xuyên suốt với các tôn chỉ: tôn trọng nhân lực, khuyến khích sáng tạo.
Chuyển đổi số để có thêm lợi thế cạnh tranh là câu chuyện được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hiện nay. Với kinh nghiệm của người gần như cả đời gắn bó với công nghệ thông tin, ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
Trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh mang tính toàn cầu, tôi cho rằng, đổi mới sáng tạo và công nghiệp là then chốt trong nền kinh tế. Đây là thời gian Chính phủ nên khuyến khích hơn nữa để chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, công dân số, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực 4.0. Bởi chuyển đổi số đã và đang mang đến những sức bật rất lớn. Thống kê từ Microsoft cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong cuộc hành trình chuyển đổi số đã đạt được những cải thiện về năng suất, lợi nhuận và chi phí từ 13-17% trong năm 2017. Và họ sẽ cải thiện ít nhất 40% trong năm 2020, trong đó sự ủng hộ của khách hàng được dự đoán có tỉ lệ cải thiện cao nhất. Đặc biệt, các quốc gia châu Á đang rất mạnh dạn với triển khai chuyển đổi số và gặt hái được nhiều.
Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây... đang phát triển mạnh mẽ. Liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội trong xu hướng này?
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và đặt ra nhiều tham vọng cho chiến lược này. Có thể thấy công nghệ là “con đường tắt” của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 của toàn cầu. Thực tế, Việt Nam đang có cơ hội để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như châu Á - Thái Bình Dương (APAC), hay còn gọi là Digital Hub.
Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như vị trí địa lý của Việt Nam, là trung tâm kết nối khu vực tiểu vùng sông Mê Kông hoặc cả vùng châu Á - Thái Bình Dương. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, tôi đã đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành và địa phương ủng hộ sáng kiến này để xây dựng Việt Nam thành Digital Hub của khu vực. Nếu chiến lược này thực hiện được, tôi tin là vị thế của ngành công nghệ thông tin Việt Nam sẽ được cải thiện nhiều.
Nhưng ngoài chủ trương, chính sách, bất cứ ngành kinh tế nào cũng cần phải tự thân nỗ lực trước, thưa ông?
Nếu có được chính sách, chủ trương từ Nhà nước, chúng ta sẽ có một con đường chung. Ví dụ đơn giản như nếu Nhà nước chủ trương đẩy mạnh số hóa thì Chính phủ có thể kiến tạo bằng cách đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, giảm bớt thủ tục... Chẳng hạn, Việt Nam được đánh giá có mức độ sẵn sàng tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 khá thấp. Lý do là hệ thống thể chế, pháp luật về kinh doanh có nhiều điểm không phù hợp với nhu cầu đổi mới, sáng tạo. Chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 đặt mục tiêu có 5 công ty công nghệ giá trị 1 tỉ USD vào năm 2025 và tăng gấp đôi vào năm 2030. Muốn đạt mục tiêu này, rõ ràng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm nhưng đầu tiên vẫn là một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
Tại Tập đoàn CMC, chúng tôi đã thành lập Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CIST) từ năm 2014, khai trương Trung tâm Sáng tạo CMC từ năm 2017. Công tác sáng tạo, đổi mới diễn ra ngay trong nội bộ Tập đoàn để khuyến khích anh em làm công nghệ luôn nghĩ ra cái mới, cập nhật xu hướng của thế giới như AI, Big Data, Internet Vạn vật (IoT), Robotics...
Các công ty công nghệ của Việt Nam đều nói tới chiến lược phát triển ở thị trường toàn cầu. Ông nghĩ sao về điều này?
Mức tăng trưởng 10-20% của ngành công nghệ thông tin vẫn là mức tăng trưởng bình quân tại Việt Nam, còn muốn vươn ra những thị trường rộng lớn hơn, vươn ra toàn cầu thì cần phải đi nhanh hơn nữa. Chính vì thế, CMC vẫn liên tục hoàn thiện, tái cấu trúc, đẩy mạnh năng lực đội ngũ.
Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ ngay trong Tập đoàn, giúp tạo đột phá về năng suất lao động. Chiến lược của CMC trong vòng 5 năm tới sẽ thành công ty toàn cầu để nhắm đến thị trường khu vực và thế giới. Chúng tôi sẽ đem dịch vụ của mình đến Hàn Quốc, Nhật và nhiều quốc gia khác. Samsung SDS, thuộc Tập đoàn Samsung, đã chính thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư chiến lược với việc đầu tư 25% cổ phần của CMC. Hợp tác này là để chuẩn bị cho chiến lược Go Global của CMC.
Từ một người nghiên cứu đến người điều hành một tập đoàn kinh doanh công nghệ thông tin, điều gì khiến ông tự hào nhất trong suốt quá trình này?
Đó là việc tôi có được hơn 3.000 cộng sự. Tôi không coi các bạn là nhân viên mà coi đó là những cộng sự đã chung tay góp trí cùng tôi đưa CMC phát triển. Đó là phần hồn của CMC. Tôi thường nói với các bạn trẻ, thế hệ của chúng tôi đã rất phấn đấu nhưng vẫn có những điều chưa làm được. Người Việt vốn thông minh và thích hợp với việc nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ. Vì điều này mà tôi rất trân trọng và sẵn sàng hỗ trợ cho những công trình nghiên cứu của người trẻ. Tôi tin, với sự hỗ trợ của các công nghệ vượt bậc như hiện nay, người trẻ phải kiến tạo thêm nhiều giá trị hơn, ghi tên Việt Nam vào bản đồ phát triển công nghệ thông tin thế giới.