00:00
    Thanh Hương Thứ Sáu | 01/07/2022 07:30

    CEO Sông Hương Foods: “Phất” nhờ cà pháo

    Tham vọng của ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods, là đưa món cà pháo Việt Nam đi khắp thế giới.

    Ô ng Nguyễn Lê Quốc Tuấn bắt đầu làm việc cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động từ khi công ty này chỉ có 3 cửa hàng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đăng Lưu và Cộng Hòa. Lúc đó, ước mơ của cậu sinh viên mới tốt nghiệp chỉ đơn giản là được làm việc, có thu nhập ổn định là tốt rồi.

    Chưa từng nghĩ mình sẽ phải trở thành CEO của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mắm, ông Tuấn từng ấp ủ ước mơ làm điều gì đó cho riêng mình trong lĩnh vực về tư vấn giải pháp bán lẻ, nấm linh chi…

    F2 tiếp quản công ty gia đình

     

    Hơn 1 thập kỷ gắn bó với Thế Giới Di Động, điều hối tiếc nhất cho đến tận bây giờ là ông Tuấn đã phải rời bỏ nơi này quá sớm, vì ông cho rằng Thế Giới Di Động có những điều tốt đẹp nhất, ý nghĩa nhất, giúp ông tự tin có thể sống bất cứ đâu, làm bất kỳ điều gì. 

    Bản thân ông Tuấn thấy mình học được rất nhiều thứ từ công ty cũ, từ kinh doanh, đối nhân xử thế đến cách sống tử tế. Bên cạnh đó, yếu tố chân thật cũng được vị CEO trẻ vận dụng để điều hành công ty. Thông điệp hiện tại của ông Tuấn tại Sông Hương Foods cũng gần giống với triết lý kinh doanh của ông chủ Thế Giới Di Động. “Làm ăn phải chân thật. Không làm thì thôi, đã làm thì phải dốc hết sức. Làm ra thành quả, chúng ta mới được hưởng. Người không có công tuyệt đối không hưởng thành quả,” ông Tuấn chia sẻ. 

    Năm 2018, Sông Hương Foods ngày càng lớn mạnh, ông Tuấn buộc phải về tiếp quản Công ty theo nguyện vọng của người thân đang định cư ở nước ngoài. Sau 5 năm tiếp quản công ty thực phẩm của gia đình, CEO Nguyễn Lê Quốc Tuấn đã đưa doanh số cà pháo từ mức 5-6 tỉ đồng/năm lên 30 tỉ đồng năm 2021.

    Đại dịch COVID-19 là thách thức rất lớn cho cả ông Tuấn và Sông Hương. Trong khi nhiều công ty phải ngừng hoạt động, Sông Hương đã phải nỗ lực tăng năng suất và duy trì hoạt động bằng mọi giá. 

    TikToker kinh doanh mắm

     

    Trong bộ đồ lam, với giọng nhẹ nhàng nói chuyện Phật pháp, tài khoản mạng xã hội TikTok TiPiKay vẫn thu hút với 81.600 lượt theo dõi. Khá nhiều người bất ngờ khi chủ nhân của tài khoản này lại là CEO của một công ty chuyên kinh doanh mắm.
    Ngay thời điểm dịch bệnh, nhận thấy mạng TikTok có tốc độ viral rất mạnh, bản thân ông Tuấn lại là người làm thực phẩm cần xây dựng hình ảnh để khách hàng của Sông Hương Foods có thể tự tin dùng sản phẩm.

    Chia sẻ lý do trước đây có phần “thờ ơ” với Sông Hương Foods, ông Tuấn cho rằng bản thân ông là người sống tâm linh, phát nguyện ăn chay trường nên kinh doanh mắm cũng là vấn đề đáng cân nhắc.

    Ông Tuấn đã phải đấu tranh nội tâm rất nhiều mới có thể đưa ra quyết định về tiếp quản Công ty. Tuy nhiên, áp lực đó không đáng kể khi so với những áp lực từ thị trường, nhất là khi thị trường chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 mang lại.
    Hiện tại, một bài toán khó khăn khác của ông Tuấn là với những biến động về giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng giá bán sản phẩm của Công ty chưa thể tăng nhiều, ngoại trừ tăng nhóm hàng xuất khẩu, nên bản thân Sông Hương Foods vẫn theo hướng tăng doanh số bù vào chi phí tăng lên, cộng với tăng giá các mặt hàng xuất khẩu.

    Điều khiến ông Tuấn vui là cơ sở sản xuất vừa được mở rộng, nhưng ông lo vì Công ty hiện vẫn chưa có nhà đầu tư để mở rộng hoạt động.

    Bên cạnh đó là bài toán tăng độ nhận biết về trái cà pháo vì hiện nay nhiều người còn hiểu lầm cà pháo không tốt cho sức khỏe. Ông Tuấn đang từng bước đẩy mạnh marketing để người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm này.

    Nói đến tiềm năng của thị trường, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), chia sẻ năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu gia vị trên thế giới là 17 tỉ USD. Đến năm 2029 con số này có thể lên tới 28 tỉ USD. Các sản phẩm gia vị của Việt Nam có thể xuất khẩu được thì có gia vị tươi, khô, thực phẩm chế biến, đặc biệt là sản phẩm lên men như mắm cà pháo, mắm dưa… 

    Song song với phát triển cà pháo truyền thống, tâm nguyện lớn nhất của ông Tuấn là phát triển mắm thực vật từ cà pháo, vẫn là loại mắm lên men nhưng không có mùi hôi như các loại mắm thông thường. “Ngoài niềm tin tâm linh cá nhân, mắm thực vật cũng sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng và phù hợp với cả người ăn chay”, ông Tuấn cho biết.

    Đưa cà pháo ra biển lớn
    Tại Sông Hương Foods, thế hệ F1 tạo dựng nền móng và chuyển giao cơ nghiệp, F2 kế thừa và đưa sản phẩm vươn xa thế giới. Giống như Hàn Quốc với món kim chi nổi tiếng, ông Tuấn ước mơ một ngày nào đó sẽ đưa cà pháo trở thành món ăn phổ biến trên thế giới.

    Năm 2019, sản phẩm mắm của Sông Hương đã được xuất sang Nhật. Theo ông Tuấn, khi đã bán được cho Nhật thì sẽ được chấp nhận tại các chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam. Thừa thắng xông lên, vị CEO trẻ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, đưa vào các hệ thống phân phối kênh siêu thị như Co.opmart, Big C, AEON, Metro, Lotte Mart, Citimart, Kingfood; các cửa hàng tiện lợi như Bách Hóa Xanh, WinMart... cùng các đại lý và nhà cung cấp thực phẩm khác.

    Sau một thời gian đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường, nhiều đối tác ngoại đã tìm đến Sông Hương Foods và đề nghị xuất khẩu. Hiện Sông Hương đã xuất khẩu nhiều sản phẩm như dưa món, kim chi, bánh nậm, bánh lọc, các loại mắm… nhưng món được đầu tư trọng điểm là cà pháo vì năm ngoái, cà pháo mang lại doanh thu 30 tỉ đồng cho Sông Hương Foods, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu toàn Công ty, cao gấp 5 lần so với cách đây 4 năm.

     

    “Nhà máy ở Bình Chánh quá tải, chúng tôi xây một nhà máy dưới An Giang chỉ làm đúng một món là cà pháo”, ông Tuấn cho biết. Nhà máy mới có tổng vốn đầu tư 65 tỉ đồng, công suất gần 2.000 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Khi đó, Công ty sẽ có đủ nguồn hàng cung cấp cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

    Trong tháng 6/2022, một container 20 feet gồm 21 mặt hàng, trong đó có cà pháo mang thương hiệu Sông Hương Foods, được xuất khẩu sang Mỹ cho đối tác CT Group với tổng doanh thu lô đầu tiên ước đạt 70.000 USD. Để đến được với thị trường Mỹ, các mặt hàng phải vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

    Thị trường xuất khẩu là mục tiêu của Sông Hương Foods nhưng là hành trình nhiều khó khăn. Mất nhiều thời gian để đạt tiêu chuẩn FDA đưa sản phẩm mắm vào Mỹ, nhưng tiêu chuẩn đưa mắm vào Nhật và Đài Loan lại khác nhau nên ảnh hưởng đến thời gian giao hàng. “Làm xuất khẩu chính ngạch rất khó trong bước đầu nhưng vượt qua được thì mọi thứ dễ dàng hơn”, ông Tuấn cho biết.

     

    Một khó khăn khác liên quan đến chất lượng sản phẩm. Ở mỗi quốc gia nhà phân phối, tem nhãn trên bao bì, tiêu chuẩn sản phẩm khác nhau nên trong quá trình sản xuất phải thận trọng để tránh không nhầm lẫn sản phẩm của từng nước. “Với thực phẩm, tiêu chuẩn hàng được đem đi xuất khẩu là quan trọng nhất, mỗi nước sở tại có các quy định khác nhau, mình cần phải đảm bảo đúng yêu cầu nên khá mất thời gian”, ông nói.

    “Tôi mong muốn Việt kiều có món ăn Việt và được mang từ Việt Nam sang. Tôi nỗ lực để không chỉ Việt kiều mà cả Hoa kiều, Nhật kiều cũng ăn món truyền thống Việt Nam. Hiện cà pháo đã đi chính ngạch sang 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật, Đài Loan. Công ty cũng hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia… Nếu như xuất khẩu những năm trước chỉ chiếm 3-7% thì năm nay, Công ty kỳ vọng sẽ là 30%”, ông Tuấn chia sẻ.