CEO Grab kể chuyện lần đầu gọi vốn với tỷ phú Nhật
Lúc thành lập Grab, chưa bao giờ CEO Anthony Tan lại có thể tưởng tượng được rằng anh sẽ có ngày ngồi vào đúng chiếc ghế mà Jack Ma của Alibaba đã từng ngồi nhiều năm trước, và nói với tỷ phú người Nhật Masayoshi Son của Softbank về chuyện gọi vốn. Nhưng đến năm 2014, cuộc gặp gỡ kỳ lạ ấy đã xảy ra.
"Chúng tôi ở trên tầng trên cùng tại tòa nhà của ông ấy, bên dưới là cả thành phố Tokyo. Tôi nhìn ông ấy, một quý ông cực kỳ lịch lãm. Trong phòng có trưng bày một bộ áo giáp Samurai, có một chiếc gậy đánh golf ở đằng này và một chiếc gậy bóng chày ở đằng kia. Rồi ông Son nói, 'Tôi thích kinh doanh. 14 năm trước, Jack Ma đã ngồi đúng vào chiếc ghế cậu đang ngồi'". Đó là câu chuyện mà Tan vừa chia sẻ tại hội thảo Wild Digital 2017.
Tan cho biết lúc đó tỷ phú người Nhật đã đi thẳng vào vấn đề và nói với anh rằng: "Nếu cậu nhận vốn của tôi, điều đó tốt cho tôi, tốt cho cậu. Nhưng nếu cậu không nhận, nó chẳng tốt cho cậu chút nào".
Điều làm cho Tan không thể quên được cuộc gặp gỡ đầu tiên này là chẳng có bản hợp đồng nào được ký cả. Tan nhớ lại những gì Son đã nói lúc đó: "Tôi không cần phải nhìn các điều khoản, chỉ cần bắt tay với cậu".
Cú bắt tay này có giá trị ngang ngửa với bất kỳ văn bản pháp lý gì. Sau đó vào tháng 12/2014, Softbank đã bơm 250 triệu USD vào Grab. Tháng 9/2016, Softbank lại rót tiếp 750 triệu USD.
Trong số những điều mà Tan đã học được từ người đàn ông giàu nhất Nhật Bản, danh dự chính là điều đáng giá nhất.
"Tôi muốn được nói rằng mình là người rất đáng tin cậy, là người có danh dự. Tôi sẽ tuân thủ toàn bộ thỏa thuận này, và điều đó là rất đáng giá vì ông ấy luôn có mặt ở các vòng gọi vốn. Bạn có thể nghĩ rất nhiều về những câu chữ và chấm phẩy trong hợp đồng và cách làm sao để không bị thiệt thòi, nhưng điều quan trọng nhất là lúc chúng tôi bắt tay nhau, ông ấy nhìn vào mắt tôi và nói tôi sẽ nhớ lời cậu".
Tan đã gặp gỡ rất nhiều nhà đầu tư và anh ước tính có khoảng 80% trong số họ ngày nay đã trở thành cổ đông của Grab.
"Có lúc là ở vòng gọi vốn đầu họ chưa sẵn sàng, và phải tới 2-3 vòng sau đó họ mới trở thành cổ đông. Những gì mà người sáng lập cần nghĩ tới là làm thế nào có thể đảm bảo sẽ phát triển được mối quan hệ thực sự?".
Masayoshi Son tại SoftBank World 2016. Nguồn: SoftBank/TechInAsia |
Tan cũng rất trân trọng tình bạn của anh với Jean Liu và Cheng Wei, các nhà đồng sáng lập của Didi Chuxing (Trung Quốc). Vào những thời điểm khó khăn của Grab, Tan lại xem xét những trải nghiệm tương tự của Didi.
"Có những lúc họ sợ rằng họ không thể trả được lương trong ngày tiếp theo, họ đã phải đến gõ cửa nhà những doanh nhân lớn để gọi vốn nhằm có đủ tiền trả lương. Họ thật sự là các 'thanh niên cứng', rất 'cứng'," Tan nói.
Cùng với SoftBank, Didi đã đầu tư vào Grab trong vòng gọi vốn E và F, và hiện thuộc nhóm cổ đông lớn nhất của công ty. Tan cho biết có khá nhiều thứ để học từ Didi và điều quan trọng nhất là làm thế nào để trở thành một doanh nghiệp có quy mô lớn như vậy.
"Ngày nay họ đã có 18-20 triệu chuyến xe/ngày, còn chúng tôi mới chỉ đạt 3 triệu chuyến/ngày. Lần tới khi tôi có mặt ở đây, chúng tôi sẽ thông báo đã đạt 10 triệu chuyến", Tan dự đoán.
Grab và Didi cũng là một sự kết hợp hoàn hảo. Hai công ty dịch vụ gọi xe châu Á này đang đấu với người khổng lồ Uber của Mỹ.
Tan tin rằng tài sản lớn nhất của Grab và Didi là sự am hiểu thị trường bản địa, vốn là nơi mà Uber phải vật lộn để đánh bại họ. Tại Đông Nam Á, Tan cho rằng Grab đã hiểu rõ người tiêu dùng: họ thích trả tiền mặt và trao đổi thông tin qua ứng dụng chat, vì vậy hãng đã đi tiên phong trong việc cung cấp các tính năng này.
Việc am hiểu địa phương cũng đã giúp Didi "đá" Uber khỏi cuộc đua ở Trung Quốc, buộc công ty Mỹ này phải bán lại chi nhánh Trung Quốc với giá 35 tỷ USD.
"Nó giống như tình anh em vậy, chúng tôi đang ở trong cuộc chiến này cùng nhau: Hãy cho họ thấy sức mạnh của châu Á", Tan nói.
Kể từ khi ra mắt, Grab đã phát triển thành một doanh nghiệp được định giá hơn 4 tỷ USD, gọi vốn được hơn 1,44 tỷ USD. Từ một dịch vụ chuyên dùng để gọi taxi, hãng này đã mở rộng thêm dịch vụ gọi xe hơi riêng và xe máy, có 800.000 tài xế tại 6 thị trường Đông Nam Á để phục vụ cho hơn 40 triệu người dùng.
Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, Tan nói: "Khởi đầu hoàn hảo không quan trọng, kết thúc hoàn hảo mới là quan trọng".
Trường Văn
Nguồn TechInAsia