CEO Buzzmetrics: Đôi tai kỹ thuật số
Dưới sự lãnh đạo của ông Tăng Gia Hải Lam, Climax, công ty hàng đầu trong lĩnh vực digital marketing, trở thành đối tác của Coca-Cola, Mead Johnson, Honda, Vinamilk, Unicharm... Với Buzzmetrics, ông Lam giúp doanh thu Công ty giữ mức tăng trưởng trên 2 con số trong suốt 10 năm qua.
Chia sẻ với NCĐT, ông Lam cho biết để trụ vững trong lĩnh vực này, doanh nghiệp phải nắm bắt nhanh các xu hướng marketing và sự phát triển của công nghệ, nếu “không biết thì sẽ chết”.
Thị trường digital marketing hiện tại có khác gì so với 5-10 năm trước?
Tôi may mắn được sống và làm việc qua giai đoạn chuyển giao của marketing cách cũ và marketing cách mới. Nửa đầu thập niên 2010, hoạt động digital marketing được xem là các dự án thử nghiệm. Nửa sau của thập niên, digital là việc “không biết thì sẽ chết”. Trong những năm gần đây, nhiều công ty trở nên kém cạnh tranh do không kịp chuyển đổi và để mất thương hiệu trước luật chơi mới của nền kinh tế số. Sự thay đổi này rất rõ rệt, khốc liệt và không loại trừ một ai.
Các hoạt động marketing trên nền tảng digital mạnh mẽ hơn. Người tiêu dùng không chỉ thấy quảng cáo, mà còn tương tác với nhãn hàng và tương tác với nhau. Cách hiểu người tiêu dùng vì thế đã khác trước. Cách truyền đạt thông tin và tương tác với người tiêu dùng cũng khác trước.
Chiến lược marketing của doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào, thưa ông?
Khi công nghệ kỹ thuật số, cụ thể là mạng xã hội phát triển thì mức độ quan tâm với social listening ngày càng tăng. Cách đây 10 năm, social listening là chuyện không cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp. Sau đó, các chiến dịch truyền thông xã hội cho thấy sự hiệu quả, doanh nghiệp bắt đầu đổ tiền vào nhiều hơn.
Khi mạng xã hội phổ biến hơn, doanh nghiệp cũng dần có kinh nghiệm hơn và bắt đầu nhận ra truyền thông xã hội còn là nơi người dùng thể hiện tâm tư, tình cảm hay sâu xa hơn là thể hiện nhu cầu, mong đợi đối với các sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, doanh nghiệp bắt đầu dùng các công cụ đo lường social listening để lắng nghe các insight từ những cuộc thảo luận tự nhiên của người dùng trên mạng xã hội.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường đo lường dữ liệu mạng xã hội tại Việt Nam?
Hiện nay, tỉ lệ người dùng internet của Việt Nam chiếm khoảng hơn 70% dân số, trong số đó hầu hết đều sử dụng mạng xã hội. Nếu so sánh với 10 năm trước, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rõ nét, khi đó tỉ lệ người dùng internet chưa đến 10%. Mạng xã hội không còn là câu chuyện của tương lai, mà đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Vì thế, các nhãn hàng đầu tư ngày càng nhiều vào những hoạt động tương tác với người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Nhu cầu đo lường và nghiên cứu cũng từ đó tăng cao.
Đâu là những thách thức trong quá trình đo lường dữ liệu qua mạng xã hội?
Điểm khó khăn lớn nhất là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Khác với các mô hình công ty công nghệ tập trung vào tự động hóa, chúng tôi kết hợp công nghệ tự động và năng lực phân tích của con người. Việc thu thập dữ liệu chỉ là tiền đề, liệu dữ liệu đó có ý nghĩa gì, đóng góp thế nào đến năng lực cạnh tranh của đối tác, tạo ra hiệu quả kinh doanh như thế nào, là việc Buzzmetrics phải trả lời.
Để làm được việc này, chúng tôi cần nhiều người có kiến thức kinh doanh kết hợp khả năng đọc hiểu và phân tích dữ liệu. Với ngành nghề còn non trẻ, đây là thử thách không hề nhỏ. Chúng tôi phải vừa tuyển dụng, vừa đào tạo và phối hợp các trường đại học, các cộng đồng người làm nghề để chuẩn bị cho lớp lao động tiếp theo.
Sau khi về với YouNet Group, Buzzmetrics có thêm những ưu thế gì để trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực social listening?
Sáp nhập vào YouNet Group là quyết định chiến lược đúng đắn của Buzzmetrics cho đến hiện tại. Thế mạnh của Buzzmetrics là phân tích, trong khi YouNet Group lại mạnh về công nghệ. Đó là sự bổ khuyết mang lại nhiều giá trị cho cả hai.
Bên cạnh đó, từ khi Buzzmetrics gia nhập năm 2016 đến nay, YouNet Group cũng đã phát triển thêm các công ty thành viên mới tạo thành hệ sinh thái dịch vụ cho các đối tác. Có thể hình dung YouNet Group như một bệnh viện đa khoa mà trong đó Buzzmetrics và YouNet Media (một công ty thành viên khác, làm social listening theo hướng công nghệ) là khoa khám bệnh, xét nghiệm; còn YouNet Advocacy Marketing, Mango Digital và YouNet Social là các khoa “chữa bệnh” với những chuyên môn social marketing khác nhau.
Thị trường phát triển, Buzzmetrics có nhiều đối thủ mới. Cạnh tranh trong ngành này có khốc liệt như những ngành nghề khác?
Đây là ngành có sức đào thải lớn và cuộc chơi không chỉ gói gọn trong thị trường Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh của Buzzmetrics bao gồm các công ty công nghệ mới nổi ở Việt Nam và cả những công ty ở nước ngoài đã muốn nhảy vào cuộc chơi của thị trường 100 triệu dân này.
Rào cản công nghệ không phải là vũ khí duy nhất để chúng tôi giữ vững thế cạnh tranh. Đối với lĩnh vực phân tích dữ liệu, việc “có dữ liệu” không quan trọng bằng việc “nói ra ý nghĩa của dữ liệu”. Thế mạnh cạnh tranh của chúng tôi nằm ở việc đồng hành mang lại hiệu quả kinh doanh cho các nhãn hàng. Chúng tôi hay ví von, vai trò của mình là bản đồ, là hoa tiêu giúp các đối tác biết được định hướng để ra quyết định kinh doanh đúng đắn.
Chiến lược của Buzzmetrics là gì để tiếp tục duy trì vị thế cũng như thu hút khách hàng mới?
Nền kinh tế năm 2023 được dự báo không mấy khả quan. Các doanh nghiệp bắt buộc phải tiết giảm chi tiêu tập trung vào hiệu suất kinh doanh. Họ buộc phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, phải tối ưu hóa chi phí cho kết quả kinh doanh hơn. Đó lại là cơ hội cho những công ty công nghệ như Buzzmetrics. Chúng tôi phải nắm bắt cơ hội và phát huy vai trò của mình trong hiệu quả kinh doanh của đối tác. Các doanh nghiệp chuyển đổi số càng mạnh mẽ, cơ hội càng lớn cho những ai nắm bắt và dám thay đổi để thích nghi.
Nếu như năm 2022 trở về trước, nhiệm vụ của chúng tôi là “phân tích giá trị dữ liệu” thì từ năm 2023, chúng tôi phải nâng cấp nhiệm vụ của mình thành “phân tích giá trị dữ liệu cho hiệu quả kinh doanh”. Chúng tôi không chỉ phân tích dữ liệu social, nay đã dấn bước đến mảng thương mại điện tử.