Ảnh: TL
CEO 8x YOLA: Chiến lược “Rộng & Nhanh”
Ông Phạm Anh Khoa vừa trở về sau buổi làm việc với chuyên gia tư vấn cấp cao và sắp có những cuộc họp, gặp gỡ quan trọng khác. Những trao đổi này dường như đã là một phần trong lịch trình gần đây của CEO 8X này, kể từ sau khi YOLA đề ra mục tiêu đạt 500.000 học viên đến năm 2025.
Con số này đồng nghĩa, trong tương lai, YOLA sẽ tìm cách vượt lên các đối thủ... về mở rộng mạng lưới chi nhánh. 10 năm trước, khi mới thành lập, YOLA đã là trung tâm Anh ngữ duy trì tốc độ tăng trưởng và số lượng học sinh ở tỉ lệ 50%, dù giá dịch vụ luôn tăng từ 5-7% mỗi năm. Thời điểm năm 2017, YOLA chiếm khoảng 10% thị phần, xét trong phân khúc cao cấp. Mới đây, YOLA nhận vốn đầu tư 10 triệu USD từ Kaizen PE, sau khi được Mekong Capital rót 4,9 triệu USD. Các hoạt động nhận vốn đầu tư được xem là bước dọn đường để YOLA gia tăng số lượng học viên lên, từ mức 50.000 học viên hiện tại.
Để hoàn thành mục tiêu, chắc chắn YOLA phải đẩy nhanh tốc độ mở rộng mạng lưới. Nhưng còn chiến lược nào khác, thưa ông?
Tăng tốc mở rộng mạng lưới là việc ưu tiên. Thực tế, trong 8 tháng đầu năm nay, YOLA đã mở thêm 4 trung tâm, nâng tổng số lên con số 16 tại TP.HCM, Hà Nội. Sắp tới, YOLA sẽ mở thêm trung bình mỗi năm 5 trung tâm. Nhưng thay vì chỉ tập trung ở những quận trung tâm, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động về các quận vùng ven. Tương lai, YOLA sẽ phát triển về các tỉnh thành khác. Chúng tôi đã có những nghiên cứu, khảo sát, tập huấn, đào tạo và điều chỉnh giáo trình, viết các ứng dụng, phần mềm để hỗ trợ cho mục tiêu giáo dục trên quy mô lớn. YOLA cũng sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng phục vụ, từ người sắp du học đến học sinh các cấp và cả trẻ em. Sắp tới, YOLA sẽ có những khóa học dành cho từng nhóm khách hàng riêng.
Về sản phẩm giảng dạy, bên cạnh mở lớp ở trung tâm, YOLA đang phát triển và hoàn thiện các khóa đào tạo online, học từ xa, dạy qua video. YOLA cũng nghĩ tới giảng dạy các môn như khoa học, công nghệ... Đào tạo kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự lập, hòa nhập... Chúng tôi cũng tính đến đẩy mạnh hoạt động trại hè kiểu Mỹ (American Paradise Camp). Hiện nay, mô hình này thu hút được 700 học viên.
Trước YOLA, nhiều trung tâm Anh ngữ cũng đã thực hiện các bước đi tương tự. Ông nghĩ sao?
Quan trọng là sự khác biệt và chất lượng, dịch vụ. Với YOLA, chúng tôi không chỉ quan tâm đến điểm số, kết quả kỳ thi mà đồng hành với bước đường sau này của học viên. Liệu các em có khả năng hòa nhập, tự học, tự lập, tự chủ, thích nghi tốt không khi ra nước ngoài là trăn trở của chúng tôi.
Chúng tôi giảng dạy kỹ năng mềm lồng ghép theo giáo trình thường xuyên cập nhật. Hiện tại, 50% nội dung giáo trình ở YOLA là về kỹ năng. Các giáo viên được tập huấn liên tục, để có thể làm tốt nhiệm vụ.
Với tốc độ mở rộng nhanh như vậy, YOLA có gặp khó khăn về tuyển dụng?
Tôi là người thực tế. Chỉ cần làm được việc là nhận. Hiện nay, ở YOLA có 250 nhân viên và 400 giáo viên. 50% giáo viên ở YOLA là người nước ngoài, tham gia giảng dạy ở các lớp giao tiếp, kỹ năng. Còn các lớp luyện thi, giáo viên là các du học sinh. Các giáo viên đều là những người từng trải, từng sống những năm tháng đi học, đi làm xa quê hương nên sẵn lòng đem trải nghiệm bản thân ra hướng dẫn, chia sẻ với học viên.
Tôi tin rằng, sẽ ngày càng nhiều phụ huynh thấy rằng, điểm số kỳ thi quan trọng nhưng kỹ năng sống quyết định đến thành công của mỗi người hơn.
YOLA đang tự đặt lên vai những gánh nặng nề của chương trình giảng dạy và các mục tiêu tăng trưởng mạnh?
Chúng tôi dành nhiều đầu tư cho công nghệ, huấn luyện giáo viên, sáng tạo giáo trình... theo chiến lược giáo dục khai phóng và đào tạo trên quy mô lớn. Đây là định hướng từ ban đầu của chúng tôi.
Theo ông, thử thách hiện tại của mình là gì?
YOLA đã thành lập được 10 năm. Ban đầu, YOLA chỉ là một startup, do các anh em du học sinh lập ra. Bây giờ, YOLA tăng nhanh về quy mô, dần đi lên hình thức công ty đại chúng, có thêm nhà đầu tư mới, nhân sự mới. Nghĩa là đội ngũ đã đa dạng hơn với người cũ người mới đan xen. Thách thức cho mô hình này và cho tôi trong cương vị CEO là làm sao kết nối mọi người lại với nhau và hài hòa những mối quan tâm khác nhau. Làm sao để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp giúp mọi người cùng tương tác, làm việc hiệu quả theo hệ giá trị chung.
Chắc hẳn sẽ là một quá trình nâng cấp bản thân liên tục cho phù hợp với vai trò CEO của một YOLA mới?
Đúng là khi ở quy mô khác, cách thức quản trị, điều hành cũng phải khác. Quản lý 5 trung tâm rất khác với quản lý 10 trung tâm. Nhưng từ 10 trung tâm mà nâng lên 20, 30 hoặc nhiều hơn thì câu chuyện quản trị đã dễ dàng hơn. Ở phạm vi Công ty, YOLA đã mời những CEO, cố vấn chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong và ngoài nước về tham gia thành viên Hội đồng Quản trị độc lập. Tôi học hỏi ở họ rất nhiều về kinh nghiệm mở chuỗi, cách tư duy và chiến lược. Ngoài ra, bản thân tôi cũng tự học hỏi thêm và nhờ cậy sự giúp đỡ từ các chuyên gia trong các lĩnh vực đa dạng.
Đó là một thay đổi tích cực khi ở cương vị CEO YOLA?
Tôi quyết đoán hơn. Trước đây, mỗi khi định làm gì, tôi dành khá nhiều thời gian cân nhắc đến việc ảnh hưởng đến người khác thế nào. Giờ thì sau khi nắm các yếu tố và phân tích rõ ràng, nếu thấy đúng và cần làm thì quyết định thôi.
Ông là cựu du học sinh, từng tham gia sáng lập tổ chức phi chính phủ giúp kết nối cộng đồng du học sinh Việt Nam. Theo ông, du học có phải là cánh cửa sáng cho người trẻ Việt?
Còn tùy vào mục đích du học. Vì quá trình du học tốn kém tương đương 4-5 tỉ đồng nên ai cũng trăn trở bài toán hoàn vốn. Tuy nhiên, bên cạnh kiến thức, thu nhập, du học đem lại những lợi ích rất lớn, khó đo đếm được bằng tiền. Đó là trải nghiệm sống trong các nền văn hóa đa dạng, là các kỹ năng rất có giá trị, về tự lập, giao tiếp, hòa đồng, xử lý vấn đề... Theo tôi, các tích lũy đó đều hữu ích, sẽ được dùng đến trong công việc lẫn cuộc sống sau này.