Cây mía kiên cường
Trong kinh doanh, tích lũy vươn đến thành công đã vô cùng quý giá nhưng bài học từ những cú vấp lại càng giá trị hơn. Hai thời điểm giúp nhận định chân xác nhất về một con người, mở rộng ra là một gia đình, chính là lúc họ ở đỉnh cao và bị đẩy xuống vực sâu. Gia đình họ Đặng có lúc thăng, lúc trầm nhưng cách họ đối mặt với khó khăn và gầy dựng lại sự nghiệp là bài học đáng ngưỡng mộ cho doanh giới Việt Nam.
“Khái niệm thất bại của tôi rộng hơn nhiều. Một dự án đầu tư không thành công cũng là thất bại. Tôi có quá nhiều thất bại. Cuộc đời tôi giống như những đốt của cây mía, phải vấp váp thì mới trưởng thành. Nhưng vấp thôi, không được ngã” - hiếm người nào dám nhìn thẳng vào thất bại như ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
Dựng nghiệp với cây mía, thành công nhờ cây mía rồi tái khởi cũng từ cây mía, ông Thành hiểu rõ tính hữu dụng của loài cây này, ngay cả giai đoạn cây chỉ còn lại bã sau khi ép lấy đường. Ví von của ông là sự từng trải của một người đã đi qua dâu bể và cống hiến hết tâm sức cho lý tưởng. Đó chính là động lực giúp ông gượng dậy sau mỗi khó khăn và là gia sản lớn nhất ông truyền lại cho các con.
“Vua mía đường”
Sinh năm 1960 trong một gia đình gốc Hoa, ông Đặng Văn Thành bước chân vào thương trường khi chưa đầy 20 tuổi. Năm 1979 ông cùng vợ, bà Huỳnh Bích Ngọc, thành lập cơ sở sản xuất cồn tại Chợ Lớn với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 nhân viên.
Do khối tư nhân chưa có điều kiện tiếp cận vốn và công nghệ mở rộng sản xuất nên vợ chồng ông Thành và thương lái phải dùng ghe vận chuyển mật rỉ từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn giao cho các cơ sở sản xuất cồn và tự sản xuất để bán cho khách. Nhờ đồng lòng, cần mẫn, vợ chồng ông được bạn bè, đối tác tin tưởng, hỗ trợ vượt khó trong giai đoạn khởi sự kinh doanh.
Thuộc thế hệ doanh nhân thời kỳ đầu Đổi Mới, ông Thành hiểu được cái khó của doanh nghiệp tư nhân cũng như nhận ra nhiều cơ hội đang bỏ ngỏ. Năm 1991, ông Thành quyết định tham gia lĩnh vực ngân hàng và sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỉ đồng. Ông tâm niệm, đây là ngành nhân văn, có thể hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp và giúp nhiều người vươn lên, thúc đẩy kinh tế phát triển. “Không ai giao cho doanh nhân sứ mệnh phải làm thế này thế kia nhưng tự bản thân chúng ta phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và với nền kinh tế của đất nước này”.
Xuất phát từ tâm thế đó, ông định hướng Sacombank có những bước đi chiến lược và gặt hái thành công nhất định. Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam, lần lượt vươn đến Lào, Campuchia. Không chỉ là ngân hàng đại chúng đầu tiên tiên phong niêm yết cổ phiếu, Sacombank suốt 18 năm dưới thời ông Thành còn là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính. Sacombank tại thời điểm ông Thành chuyển giao sở hữu 417 chi nhánh, hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ lên tới 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản là 146.000 tỉ đồng, lợi nhuận hằng năm khoảng 4.000 tỉ đồng.
Khi ông Thành tập trung cho ngân hàng, công việc điều hành TTC được giao lại cho bà Ngọc. Bà chia sẻ giai đoạn đó nhiều khó khăn tới mức tưởng chừng không thể vượt qua. Chính sự động viên từ gia đình và uy tín tạo dựng trong lòng khách hàng, bà từng bước chinh phục thành công trên thương trường không kém gì chồng. TTC trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Coca-Cola, Masan, PepsiCo, Vedan, Ajinomoto, Tân Hiệp Phát, Topcake, Mì Á Châu, Kinh Đô, Bibica, Tân Việt Xuân…
Sự kiện Sacombank bị thâu tóm năm 2012 là cú sốc lớn với ông Thành. Gia đình trở thành điểm tựa giúp ông vực dậy và trở lại với TTC. Đến nay, sau hơn 40 năm phát triển, TTC trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động ở các lĩnh vực chính:
Riêng mảng năng lượng, TTC đa dạng các loại hình, trong đó điện mặt trời chiếm tới 57% danh mục dự án, còn lại là điện gió (18%), thủy điện (15%), nhiệt điện (10%). TTC là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực năng lượng, đóng điện thương mại tại Phong Điền (Huế). Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã GEG) là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC, sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 10 nhà máy nhiệt điện từ bã mía, 5 nhà máy điện mặt trời, 3 nhà máy điện gió…
Có thể thấy, TTC đang tập trung ưu tiên đầu tư vào những danh mục có ý nghĩa đối với nền kinh tế, có cơ hội rất lớn trong xu thế hội nhập quốc tế.
Người nối nghiệp số 1
Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng vợ chồng ông Thành luôn dành thời gian cho việc giáo dục con cái. Nguyên tắc của ông Thành là làm gì cũng phải duy trì bữa cơm gia đình, nhất là buổi trưa, vợ chồng con cái phải tụ họp ăn cùng nhau.
Trong 4 người con của ông Thành, ông Đặng Hồng Anh và bà Đặng Huỳnh Ức My sớm tạo dựng tiếng tăm trên thương trường. Khác với anh trai mê kinh doanh và khởi nghiệp từ sớm, bà My lớn lên với ước mơ giản dị là trở thành giáo viên. Tuy nhiên, vì thương công sức và cơ nghiệp ba mẹ đã tạo dựng, bà chọn nối nghiệp gia đình. Tốt nghiệp quản trị kinh doanh tài chính tại New Zealand, bà về làm việc tại Bourbon Tây Ninh và trở thành Tổng Giám đốc của TTC khi mới 28 tuổi. Bà My hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar). “Nữ hoàng mía đường” là người giàu thứ 65 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 2.118 tỉ đồng.
“Cậu tư” Đặng Huỳnh Anh Tuấn phụ trách Công ty Cổ phần Năng lượng TTC. Còn “cậu út” Đặng Huỳnh Thái Sơn đang nghiên cứu về sản xuất bánh mì. Ông Thành cho biết mình cảm nhận được những áp lực về xu thế, về thời đại và cả áp lực từ gia đình đối với những người con của mình. Tuy nhiên, ông yên tâm về các con và vợ chồng ông cũng sẽ chuyển giao vị trí quản lý, điều hành tại TTC vào một thời điểm thích hợp, để các con có sân chơi đủ rộng thể hiện mình.
Ông Đặng Hồng Anh có lẽ là người gần gũi với ông Thành nhất, phần vì tuổi tác hai cha con không quá chênh nhau, phần vì ông Hồng Anh đã được ông Thành rèn giũa từ thực tế. Theo ông Thành, có 3 dạng khởi nghiệp: khởi nghiệp để mưu sinh, khởi nghiệp để kế thừa và khởi nghiệp để cống hiến. Cho nên, ngay từ khi Hồng Anh còn nhỏ, ông đã đưa con theo đến sân bóng bán thuốc gia truyền chữa bệnh xương khớp, nội khoa - nghề của ông nội để lại.
18 tuổi, Đặng Hồng Anh mở quán bánh canh cá, bưng bê từ lọ nước mắm đến đĩa chanh, ớt. Sau đó, ông chuyển sang quản lý đội xe cho mẹ, rồi mở cửa hàng cây kiểng... Năm 2004, Đặng Hồng Anh trở thành Phó Giám đốc của TTC. Từ năm 2004-2005, ông đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và nhanh chóng giúp Sacomreal từ doanh nghiệp có số vốn 11 tỉ đồng thành 1.000 tỉ đồng khi IPO. Cũng trong năm 2005, ông tham gia vào Hội đồng Quản trị Sacombank và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Sacombank vào tháng 5/2012, lọt vào Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Sau biến cố năm 2012, ông cùng cha tập trung phát triển TTC. Bản thân ông cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhưng với ông, bài học quan trọng nhất là trân trọng gia đình nhiều hơn. “Tôi thấy mình may mắn vì kế thừa và học ở ba cách nghĩ, kinh nghiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp, nghị lực và tác phong làm việc. Tôi học từ mẹ sự tỉ mỉ, chu toàn trong mọi việc”.
Năm 2011, ông Hồng Anh thành lập Tập đoàn DHA, đầu tư tích hợp các lĩnh vực cốt lõi y tế - văn hóa - thể thao - bất động sản, góp phần chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, mang lại chuỗi giá trị lợi ích cho cộng đồng. Hiện ông là Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư DHA và là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VI. Ông còn được biết đến là doanh nhân trẻ tham gia nhiều hoạt động cộng đồng sôi nổi.
Chia sẻ về thành công của bản thân, Đặng Hồng Anh không giấu được niềm tự hào về truyền thống gia đình, đặc biệt về ba mình. “Ba là một người bạn lớn, một người thầy, một người cha biết hy sinh cho gia đình và con cái. Tấm gương của ba đã tác động mạnh đến tôi, thôi thúc tôi phấn đấu làm việc”, ông Hồng Anh nói.