Ảnh: Business Insider
Carly Fiorina, từ nữ thư ký đến CEO quyền lực
“Tôi có nhiệm vụ chính là chào đón khách đến với công ty, trả lời điện thoại và đánh máy các văn bản”, Carly Fiorina chia sẻ. “Nhưng tôi luôn tận tụy với công việc của mình. Tôi đi làm sớm và rời công ty lúc mọi người đã về hết”.
Những cột mốc thời gian
Bà Fiorina, 65 tuổi, hồi tưởng lại quãng thời gian nhận được công việc toàn thời gian đầu tiên vào năm 1976. Đó là một công ty bất động sản có trụ sở tại thành phố Palo Alto, bang California, Mỹ.
Thời điểm bà tròn 44 tuổi và được tin tưởng giao nhiệm vụ chèo lái công ty máy tính nổi tiếng Hewlett-Packard, hay còn gọi là HP. Ảnh: Fox News |
Từ công việc đầu tiên bình dị, bà trở thành CEO của một trong những công ty trong danh sách Fortune 50 (50 công ty lớn nhất tại Mỹ). Cơ hội này đến vào năm 1999, khi bà tròn 44 tuổi và được tin tưởng giao nhiệm vụ chèo lái công ty máy tính nổi tiếng Hewlett-Packard, hay còn gọi là HP.
Tạp chí Fortune 5 năm liên tiếp đã vinh danh bà là người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ và đăng bài báo với tiêu đề “Carly Fiorina không chỉ tự mình vượt qua những khó khăn mà còn đập tan chúng”.
Tuy nhiên, thời gian bà làm việc tại HP, theo nhiều người, là không mấy thành công khi phải đón nhận rất nhiều những chỉ trích xung quanh quyết định hợp nhất công ty đối thủ Compaq vào năm 2001. Năm 2015, bà xin từ chức vì xuất hiện những bất đồng với thành viên hội đồng quản trị.
Bà Fiorina sau đó tham gia chính trường với cương vị đầu tiên là cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông John McCain vào năm 2008. Đáng buồn thay, ông McCain đã không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đó trước đối thủ Barack Obama.
8 năm sau, bà nỗ lực chạy đua cho một suất đại diện của đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống. Nhưng chỉ sau 9 tháng, bà buộc phải bỏ cuộc vì số lượng phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng ở mức thấp. Năm đó, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chính là người đại diện cho đảng Cộng Hòa và chiến thắng trong cuộc bầu cử sau đó. Bà chia sẻ tại thời điểm đó rằng: “Thực sự khiếp sợ trước ông Trump”.
Sinh năm 1954 tại Austin, bang Texas, Mỹ, gia đình của bà sau đó chuyển nơi ở khá nhiều lần vì đặc thù công việc của cha bà. Cha của bà, Joseph Sneed, là giáo sư luật học, sau đó trở thành Thứ trưởng tư pháp Mỹ. Mẹ của bà là họa sĩ.
Bà Fiorina tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý học và lịch sử trung đại tại Đại học Stanford, California, trước khi học tiếp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Maryland. Ảnh: Yahoo Finance |
Năm 1980, bà tham gia vào lĩnh vực công nghệ khi làm việc cho ông lớn viễn thông Mỹ AT&T với tư cách là một nhân viên quản lý học việc. Sự nghiệp của bà phát triển thần tốc tại đây. Năm 1990, bà trở thành Phó Chủ tịch nữ đầu tiên của Tập đoàn. Và đến năm 1995, bà là Giám đốc Điều hành cấp cao của Lucent Technologies, công ty con của AT&T.
Cũng chính trong thời gian làm việc tại AT&T, bà gặp người chồng hiện tại. Hai người kết hôn vào năm 1985.
Bà Fiorina kết hôn năm 1985. Ảnh: BBC |
Cơ duyên với HP
Sự thành công tại AT&T khiến HP chú ý đến bà. Công ty này lúc đó đang muốn tìm kiếm một khởi đầu mới sau khi không thể đạt được mục tiêu lợi nhuận trong 9 quý liên tiếp. Bà đã được mời về làm CEO của Công ty vào tháng 7.1999.
Dưới tài lãnh đạo của bà, chi phí của HP giảm mạnh. Có tới 30.000 việc làm bị cắt giảm trong tổng số 145.000 người lao động của cả HP và Compaq. 80.000 nhân viên khác đã chấp nhận giảm lương tại một doanh nghiệp mà thời kỳ đỉnh cao có giá trị lên tới 87 tỉ USD.
“Tất nhiên, không dễ dàng gì khi phải sa thải người lao động hoặc cho họ nghỉ việc”, bà cho biết. “Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, điều tốt nhất tôi có thể làm là đưa cho họ một lời giải thích phù hợp”.
“Tại sao chúng ta phải cho người lao động nghỉ việc? Vì nếu chúng ta không làm điều đó, chúng ta sẽ phá sản, giống như nhiều công ty trong ngành khác”.
Thương vụ sáp nhập giữa HP và Compaq diễn ra vào năm 2002, sự kiện được coi là lớn nhất trong ngành công nghệ lúc bấy giờ, hình thành nên một đế chế kinh doanh máy tính lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thương vụ sáp nhập này có thực sự thành công hay không, đó vẫn là chủ đề được bàn tán bởi rất nhiều người. Trang web chuyên về lĩnh vực công nghệ ZDNet cho biết trong năm 2016 rằng sự kiện sáp nhập giữa HP và Compaq là “thương vụ tồi tệ nhất lịch sử”. Nhưng ở phía ngược lại, tờ Huffington Post lại miêu tả đây là một “thương vụ tuyệt vời”.
Nhưng có một điều chắc chắn là Hội đồng Quản trị của HP không hài lòng về kết quả kinh doanh. Bà được yêu cầu từ chức vào năm 2005. Khoản đền bù hợp đồng của bà được ước tính lên tới 21 triệu USD.
“Chúng tôi, trên thực tế, hồi sinh một công ty tuyệt vời”, bà cho biết. “Nhưng chúng tôi có hội đồng quản trị yếu kém. Và nó đã yếu kém từ lúc tôi gia nhập, và đến lúc tôi rời đi, mọi chuyện vẫn không có nhiều thay đổi”.
Sau khi rời HP, bà tham gia vào công tác chính trị trong vòng một thập kỷ tính từ năm 2006. Sau khi làm việc cho ông John McCain, bà trở thành đại diện cho đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử thượng nghị sĩ tại bang California vào năm 2010. Tuy nhiên bà về sau đối thủ đến từ đảng Dân Chủ.
Sau đó bà làm việc cho Liên minh bảo thủ Mỹ, một tổ chức vận động hành lang cánh hữu, trước khi tham gia chạy đua trở thành ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng Hòa vào năm 2016. Nhìn lại chiến dịch tranh cử của mình, bà cho biết “quá trình đó thật vô ích”.
Nhìn lại chiến dịch tranh cử của mình, bà cho biết “quá trình đó thật vô ích”. Ảnh: HipWallpaper |
Bà cũng chia sẻ thêm rằng: “Khi bạn nghĩ về quá trình mà một ứng cử viên phải trải qua, bạn có nghĩ rằng nó thực sự giúp ai đó trở thành một lãnh đạo tốt hơn, giúp chúng ta đánh giá được ai là nhà lãnh đạo tốt hơn? Tôi nghĩ là không".
Đó quả thực là một quy trình điên rồ và đã diễn ra trong một khoảng thời gian quá dài, bị bóp méo bởi lăng kính truyền thông.
Đến người truyền cảm hứng
Với việc cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới đang đến gần, khi được đặt câu hỏi rằng bà nghĩ gì về Tổng thống Trump sau 4 năm tại nhiệm, bà từ chối trả lời.
Trong khi nhiều người cho rằng thế giới chính trường và thương trường là vô cùng khắc nghiệt, thế nhưng trận chiến khó khăn nhất của bà lại là trên giường bệnh. Năm 2009, bà được chẩn đoán ung thư vú và được yêu cầu phẫu thuật ngay lập tức.
Bà cho biết trải nghiệm trên giường bệnh mang lại rất nhiều bài học. “Trong khi tôi luôn mong muốn mình sẽ không bao giờ phải một lần nữa đối mặt với căn bệnh quái ác này, nhưng khoảng thời gian đó vẫn là một mảnh ghép quan trọng trong cuộc đời tôi, và tôi rất biết ơn vì điều đó”.
Năm 2009, bà được chẩn đoán ung thư vú và được yêu cầu phẫu thuật ngay lập tức. Ảnh: NBC Bay Area |
“Tôi đã trưởng thành và học được rất nhiều điều trong suốt khoảng thời gian đó, những bài học về tình bạn và sự yêu thương. Niềm tin trong tôi vì thế cũng tăng lên và tôi cảm thấy trân trọng lòng tốt từ những người xa lạ”.
Mihai Ivascu, một lãnh đạo công ty công nghệ, cho biết bà Fiorina là một “lãnh đạo truyền cảm hứng”.
“Bà ấy không giới hạn bản thân mình bởi những điều bà ấy mong muốn”, Ivascu, người điều hành Công ty M3 có trụ sở tại London, từng lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 dành cho các doanh nhân trẻ, chia sẻ. “Và như bà ấy nói, sự lãnh đạo là để thay đổi tình hình thực tại khi cần một thứ gì đó tươi mới”.
Trong vài năm trở lại đây, bà Fiorina sống cùng chồng tại thủ đô Washington, bà dành phần lớn thời gian cho công việc từ thiện, bao gồm đảm nhận chức vụ chủ tịch của Good360, tổ chức giúp các công ty có thể dễ dàng quyên góp những sản phẩm thừa trong quá trình sản xuất cho quỹ từ thiện. Bà cũng tham gia điều hành Unlocking Potential, đơn vị giúp lãnh đạo các quỹ từ thiện cải thiện kỹ năng lãnh đạo.
Nhìn về thời điểm bắt đầu sự nghiệp, những ngày tháng bà đảm nhận vai trò thư ký, bà nói: “Tôi chỉ biết phấn đấu trở thành một thư ký tốt nhất có thể. Tôi không hề biết tương lai của mình sẽ ra sao”.