Tâm thái cảnh giác của Huang đã mang lại thành công cho Nvidia. Ảnh: tapchibitcoin.io.
Canh bạc lớn của ông chủ Nvidia
“Chúng tôi luôn trong tâm thế như thể chỉ còn 30 ngày sống sót” là câu thần chú của Jen-Hsun Huang, đồng sáng lập Nvidia. Câu nói này có vẻ hơi quá khi xuất phát từ ông chủ của một công ty có giá trị vốn hóa tăng mạnh từ 31 tỉ USD lên 486 tỉ USD chỉ trong vòng 5 năm và vượt qua cả Intel, từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhờ bán những chip hiệu suất cao cho ngành game và trí tuệ nhân tạo (A.I). Nhưng Huang nói như vậy không phải không có lý do. Như quan sát của Huang, Nvidia đang bị bủa vây bởi “những gã khổng lồ đang săn đuổi cùng một cơ hội lớn”. Mượn cách nói của nhà đồng sáng lập Intel Andy Grove là trên thị trường thay đổi quá nhanh này, chỉ “kẻ hoang tưởng mới có thể sống sót”.
Tâm thái cảnh giác của Huang đã mang lại thành công cho Nvidia. Giai đoạn 2016-2021 doanh thu của Công ty đã tăng trưởng 233%. Trong 3 tháng kết thúc vào tháng 5.2021, doanh số tăng tới 84% so với cùng kỳ trong khi biên lợi nhuận gộp đạt 64%. Mặc dù Intel có doanh thu gấp 4 lần và công ty này cũng vừa sản xuất vừa thiết kế chip nhưng các nhà đầu tư lại đánh giá cao hơn đối với mô hình chỉ thiết kế chip của Nvidia, thể hiện qua giá trị vốn hóa của Nvidia gấp tới 2 lần.
Hiện tại, gói phần cứng và phần mềm đi kèm của Nvidia được sử dụng ở tất cả các trung tâm dữ liệu phục vụ cho các đám mây được vận hành bởi Amazon, Google, Microsoft và Alibaba (Trung Quốc). Những hệ thống của Nvidia cũng được sử dụng ở mọi công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) cũng như bởi vô số các nhóm nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực từ nghiên cứu dược phẩm cho đến mô hình khí hậu.
Có thể nói Nvidia đã tạo ra một thành lũy sâu và rộng giúp phòng thủ an toàn lợi thế cạnh tranh của Hãng. Ảnh: investors.com. |
Có thể nói Nvidia đã tạo ra một thành lũy sâu và rộng giúp phòng thủ an toàn lợi thế cạnh tranh của Hãng. Nay Huang muốn pháo đài phòng thủ này kiên cố hơn. Tháng 9.2020, Nvidia đã xác nhận thông tin về việc Hãng đang mua lại ARM - công ty có trụ sở tại Anh chuyên thiết kế các chip hiệu suất cao và tiết kiệm điện năng - với giá 40 tỉ USD. Mục đích là tận dụng năng lực thiết kế của ARM để thiết kế chip xử lý CPU cho các trung tâm dữ liệu và cho các mục đích A.I mà sẽ tăng cường sức mạnh của Nvidia trong lĩnh vực chip chuyên dụng như chip đồ họa GPU.
Huang thành lập Nvidia vào năm 1993. Trong 20 năm đầu tiên, Nvida đã sản xuất chip GPU mà làm cho video game trở nên giống đời thực. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, hóa ra GPU cũng cực kỳ xuất sắc ở một lĩnh vực điện toán khác đầy tiềm năng: giúp đẩy nhanh tốc độ “học tập” của những thuật toán máy học để thực hiện các nhiệm vụ bằng cách bơm vô số dữ liệu vào chúng. Cách đây 4 năm, Huang đã làm sửng sốt cả Phố Wall khi đưa ra tuyên bố xanh rờn về triển vọng của Nvidia trong một thị trường gọi là điện toán tăng tốc.
Theo đánh giá của Ian Buck, đứng đầu mảng điện toán tăng tốc tại Nvidia, các mô hình A.I khổng lồ, theo thời gian thực (giống như những mô hình được sử dụng cho các hệ thống nhận diện giọng nói hoặc kiến nghị nội dung) đang ngày càng cần những chip GPU chuyên dụng để có thể hoạt động hiệu quả.
Đây cũng chính là sở trường của ARM. Sở hữu ARM sẽ cho phép Nvida gia cố năng lực ở mảng GPU và gần đây hơn đã tăng cường năng lực về card giao tiếp mạng, vốn rất cần để vận hành các trang trại máy chủ. Vào tháng 4, Nvidia cho ra mắt CPU đầu tiên dành cho trung tâm dữ liệu có tên là Grace, một chip hiệu suất cao dựa trên thiết kế của ARM. Các chip tiết kiệm điện năng của ARM sẽ giúp Nvidia cung cấp các sản phẩm A.I cho lĩnh vực “điện toán biên”, vốn dùng trong xe không người lái, robot nhà máy... Grace được dự báo sẽ trực tiếp thách thức sự thống trị trên thị trường máy chủ và trung tâm dữ liệu của Intel.
Với tầm ảnh hưởng toàn cầu của ARM và Nvidia, giới chức trách tại Mỹ, Anh, Trung Quốc và EU phải đồng thời phê chuẩn thương vụ này. Nếu được thông qua, vị thế của Nvidia ở một trong những lĩnh vực nóng nhất của ngành điện toán sẽ không gì có thể bác bỏ.
Theo ước tính của chuyên gia phân tích Stacy Rasgon thuộc Bernstein, trong 5-10 năm tới, khi A.I trở nên phổ biến hơn, có tới phân nửa trong số 80-90 tỉ USD được chi hằng năm vào các máy chủ có thể “chảy” vào mô hình điện toán tăng tốc của Nvidia. Trong số đó, phân nửa có thể được chi cho các chip tăng tốc, một phân khúc mà GPU của Nvidia đang chiếm lĩnh. Nvidia cho rằng thị trường toàn cầu về điện toán tăng tốc, bao gồm các trung tâm dữ liệu và điện toán biên sẽ trị giá hơn 100 tỉ USD mỗi năm.
Không chỉ Nvidia thấy được cơ hội này. Thị trường cũng chứng kiến sự góp mặt của nhiều người chơi từ các startup cho đến các nhà sản xuất chip khác cũng như những tập đoàn công nghệ. Các nhà đầu tư mạo hiểm đang hậu thuẫn cho những công ty như Tenstorrent, Untether AI, Cerebras và Groq, tất cả đều đang nỗ lực sản xuất chất bán dẫn thậm chí thích hợp với A.I hơn là GPU của Nvidia, vốn vẫn còn ngốn rất nhiều điện năng và yêu cầu sự tỉ mỉ trong lập trình.
Vào năm 2019 Intel đã mua lại startup chip A.I của Israeli gọi là Habana Labs. Hay AWS, bộ phận điện toán đám mây của Amazon, sẽ sớm cung cấp chip tăng tốc Gaudi của Habana cho các khách hàng đám mây của mình. AMD - đối thủ chính của Nvidia ở thị trường game và của Intel ở thị trường CPU - cũng đang trong quá trình hoàn tất thương vụ thâu tóm Xilinx trị giá 35 tỉ USD. Xilinx đang sản xuất một loại chip tăng tốc khác gọi là FPGA.
Một mối đe dọa lớn hơn lại đến từ chính những khách hàng lớn nhất của Nvidia. Các gã khổng lồ trong lĩnh vực đám mây đều đang thiết kế chip riêng phù hợp với nhu cầu của họ. Bộ phận đám mây Azure của Microsoft chọn chip FPGA. Hay Baidu (Trung Quốc) cũng có chip Kunlun riêng dành cho A.I, Alibaba có chip Hanguang 800. AWS có chip được thiết kế riêng gọi là Inferentia. “Rủi ro là trong vòng 10 năm nữa AWS sẽ cung cấp một gói dịch vụ A.I giá rẻ mà tất cả những thành phần trong đó đều được sản xuất bởi AWS”, một cựu nhà điều hành của Nvidia cho biết.
Huang cho rằng vấn đề nằm ở chi phí đào tạo và vận hành các ứng dụng A.I chứ không phải chi phí của các thành phần phần cứng. Nhìn ở khía cạnh này, ông cho rằng “Nvidia là không có đối thủ khi so về giá trong mối tương quan với hiệu suất mang lại”. Không một đối thủ nào của Nvidia sở hữ.u hệ sinh thái phần mềm giống như vậy. Và Nvidia cũng đã chứng minh được khả năng thay đổi nhanh chóng và biết tận dụng cơ hội, đặc biệt khi Công ty được dẫn dắt bởi một nhà sáng lập luôn có tinh thần khởi nghiệp của một startup.
(Theo The Economist)