Canh bạc 25 tỷ USD của Mukesh Ambani
Trước khi đưa ra quyết định đầu tư, một số doanh nhân hỏi ý kiến các chuyên gia, đọc các báo cáo tài chính và đặt ra một số câu hỏi như “Mục tiêu thị phần 3 năm tới là gì?”, “Liệu dự án đó có mang lại mức lợi nhuận trên vốn đầu tư tốt?” Thế nhưng, một số doanh nhân lại quăng tất cả các báo cáo, các phân tích, mọi lý lẽ vào sọt rác và ra quyết định chỉ dựa trên nỗi khát khao muốn tạo một dấu ấn đặc biệt nào đó.
Một trong những nhân vật ấy là tỉ phú Mukesh Ambani, người đàn ông giàu nhất Ấn Độ. Tháng 9.2016, ông đã đặt cược vào một trong những canh bạc kinh doanh lớn nhất, táo bạo nhất thế giới khi tung ra Jio, một mạng viễn thông di động cho phép đại chúng Ấn Độ tiếp cận dữ liệu trên một quy mô chưa từng có tiền lệ trước đây. Trong vòng 6 tháng qua, Jio đã thu hút được 100 triệu khách hàng. Chỉ một công ty khác trên trái đất này tạo được cơn lốc tương tự như vậy là Facebook. Từ các khu ổ chuột ở Kolkata cho đến hai bờ sông Hằng, hàng triệu người dân Ấn Độ đang sử dụng truyền thông xã hội và truyền tải video lần đầu tiên trong đời.
Để đạt được kỳ tích này, Ambani đã bỏ ra số vốn không thể tưởng tượng nổi vào Jio, lên tới 25 tỉ USD, mà chưa hề thu về được đồng lợi nhuận nào, khiến các đối thủ phải kinh hoàng và nhiều nhà đầu tư lo ngại. Động lực khiến ông chơi canh bạc lớn này có lẽ nằm ở lịch sử gia đình đầy sóng gió. Reliance Industries Limited (RIL), tập đoàn của Ambani, là do cha ông, Dhirubhai, lập nên vào năm 1957. Xuất thân trong một gia đình hèn kém, Dhirubhai trở nên nổi tiếng vì đã tích lũy được cho mình và các cổ đông nhỏ ở RIL một khối lượng tài sản khổng lồ. Ông cũng có tiếng là người say mê các dự án công nghiệp lớn. RIL đã nhảy từ mảng dệt sang mảng lọc dầu và hóa dầu. Nhà máy lọc dầu của RIL tại Gujarat (Ấn Độ) được xem là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. Nhà máy được khai trương vào năm 2000, chỉ 2 năm trước khi Dhirubhai mất.
Mukesh Ambani và em trai Anil đã lên cầm cương RIL vào năm 2002 nhưng đến năm 2005, cả hai chia tách, cho phép Mukesh Ambani nắm toàn quyền kiểm soát RIL. Kể từ đó con đường sự nghiệp của ông cũng “lúc này lúc khác”. Giá cổ phiếu của RIL đã diễn biến kém hơn thị trường chứng khoán Ấn Độ trong suốt thập niên qua và lợi nhuận trên vốn đầu tư của Tập đoàn cũng sụt giảm, từ 12% xuống còn chỉ 6%.
Ganh đua với hình bóng của người cha mình, Ambani đã đặt cược vào nhiều siêu dự án. Ông đã đầu tư số tiền khổng lồ để hiện đại hóa lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu. Quyết định này đã mang lại thành công và tiếng tăm cho ông, bởi đó là mảng hoạt động cực tốt đã mang về mức sinh lời khoảng 12%.
Nhưng các khoản đầu tư khác của Ambani thì lại thất bại. Năm 2010-2015, RIL đã bỏ ra 8 tỉ USD vào các mỏ đá phiến ở Mỹ. Giờ giá dầu đang giảm xuống, khiến các dự án này bị thua lỗ. Tập đoàn cũng đã đầu tư khoảng 10 tỉ USD vào các mỏ năng lượng ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Ấn Độ. Nhưng chúng cũng tạo ra lượng khí thấp hơn so với kỳ vọng và chẳng có giá là bao. Không chỉ vậy, RIL còn bỏ ra 2 tỉ USD vào một bộ phận bán lẻ mà chỉ mang về khoản lợi nhuận khiêm tốn.
Nhìn chung, mảng hóa chất và lọc dầu của RIL vẫn chiếm tới 2/5 tổng vốn sử dụng nhưng hơn 100% lợi nhuận hoạt động. Các mảng kinh doanh khác - chủ yếu được phát triển sau khi Ambani trở thành người lãnh đạo duy nhất ở Tập đoàn - lại “xài” phần lớn nguồn lực trong khi không có lãi.
Một người “yếu thần kinh” hơn ắt hẳn đã nhụt chí, nhưng Ambani thì lại tiếp tục theo đuổi một canh bạc khủng khác mang tên Jio. Ambani hiểu rõ ngành viễn thông: vào năm 2002, ông đã dẫn dắt nỗ lực đầu tiên của gia đình trong việc xây dựng một lĩnh vực điện thoại di động lớn (người em trai Anil hiện sở hữu công ty đang gặp khó khăn này). Còn nỗ lực mới nhất mang tên Jio của Ambani đã có cả thập niên thành hình. Từng bước một RIL đã mua quang phổ, làm việc với các nhà cung cấp thiết bị và xây dựng mạng “thế hệ thứ 4”. Việc Jio cung cấp các dịch vụ miễn phí đã tạo sự xôn xao và cuộc chiến giá khốc liệt đã xảy ra ngay sau đó. Một nhà điều hành đối thủ cho rằng Jio có nhiều dữ liệu hơn cả China Mobile và AT&T, 2 nhà khai thác dịch vụ di động có giá trị nhất thế giới.
Điều đó cũng cho thấy tiềm năng của thị trường viễn thông Ấn Độ: dung lượng sử dụng dữ liệu thấp, có rất ít đường dây cố định và hầu hết người dân không có điện thoại thông minh. Các công ty có mặt trên thị trường thì lại đang nặng nợ, vì thế ít có khả năng chống đỡ trước một cuộc chiến giá.
Jio sẽ bắt đầu tính phí từ ngày 1-4 năm nay. Tuy nhiên, cho dù giả sử Jio tiếp tục đẩy giá lên và chiếm 1/3 thị trường thì một phân tích về chiết khấu dòng tiền cho thấy Công ty sẽ trị giá chỉ 2/3 số tiền mà Ambani đã bỏ ra. Để biện minh cho số tiền đầu tư khủng này, Jio tới một lúc nào đó cần phải kiếm được bằng số lợi nhuận mà toàn ngành viễn thông Ấn Độ làm ra vào năm 2016. Trong khi đó, để giành được một khách hàng, Jio sẽ bỏ ra số tiền đầu tư khoảng 100 USD, trong khi Facebook và Alibaba chỉ đầu tư khoảng 10 USD mỗi người sử dụng.
Mức độ chịu chơi của Ambani đã khiến cho 3 đối thủ di động chính của Jio vội vàng phản đòn. Bharti Airtel đang mua lại một đối thủ nhỏ hơn nhằm giảm chi phí. Vodafone đang thương thảo thương vụ sáp nhập với Idea Cellular, một hãng viễn thông khác. Khoảng hơn 5 công ty nhỏ hơn (bao gồm cả công ty hiện do em trai của Ambani điều hành) có lẽ sẽ biến mất. Hy vọng lớn nhất cho Jio là trong tương lai xa, doanh nghiệp này sẽ là 1 trong 3 công ty lớn còn trụ lại trên thị trường.
Giá cổ phiếu của RIL từ chỗ ì ạch trong nhiều năm trời đã tăng trở lại trong tháng vừa qua trước sự phấn khởi của nhà đầu tư về 100 triệu khách hàng mới của Jio. Tuy nhiên, quy mô đầu tư cũng cho thấy những rủi ro mà các cổ đông phải đối mặt, nhất là ở một công ty được kiểm soát bởi 1 người duy nhất. Cho dù Jio cuối cùng có hốt bạc thì cũng không rõ liệu RIL có chia cổ tức cao hơn hay không, hoặc liệu Ambani có theo đuổi một dự án hoành tráng khác hay không. Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư chờ đợi, ngày càng nhiều người tiêu dùng trong số 1,3 tỉ dân của Ấn Độ sẽ hưởng lợi, không chỉ từ việc mức giá thấp mà còn nhờ sự chi tiêu mạnh vào nâng cấp hạ tầng viễn thông của đất nước.
Vậy Ambani trông đợi điều gì? Có lẽ ông kỳ vọng sẽ lấy lại vốn liếng bằng cách biến Jio trở thành một công ty internet cung cấp các dịch vụ thanh toán và cả nội dung chứ không chỉ mang lại sự kết nối. Tencent, chủ sở hữu dịch vụ nhắn tin WeChat, đã thành công trong việc đa dạng hóa vào lĩnh vực game và ngân hàng. Tuy nhiên, chưa hãng viễn thông nào làm được kỳ tích này và rất khó mà tưởng tượng văn hóa lãnh đạo của RIL có thể biến RIL thành một vườn ươm cải tiến, sáng tạo. Hơn nữa, Ambani không quan tâm các con số trên báo cáo tài chính.
Ngồi trong trụ sở RIL trên nóc tòa nhà chọc trời ở Mumbai, ông có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố này, nơi có khoảng 5 triệu khách hàng mới của Jio đang lướt web với tốc độ cao. Cuối cùng ông có thể nói rằng ông đã thay đổi được Ấn Độ. Khi bạn là con trai của Dhirubhai, có lẽ điều đó đã là quá đủ.
Ngô Ngọc Châu
Nguồn The Economist