Trang Lê Thứ Ba | 17/04/2018 17:03

Cần và đủ để làm việc cho một công ty khởi nghiệp

Làm việc cho một công ty khởi nghiệp đồng nghĩa với việc bạn đang mong muốn đầu tư theo cảm xúc. Cùng Harvard Business Review tìm hiểu chi tiết nhé.

Làm việc trong một công ty khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng. So với các tổ chức đã được thành lập, làm việc cho những công ty khởi nghiệp chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Bạn cần xác định được công việc phải làm là gì? Thời điểm tham gia nào tốt nhất? Làm thế nào để biết được liệu một công ty có tiềm năng thành công và phù hợp với bạn hay không?

Khởi nghiệp không có sự phân cấp hoặc đường đi rõ ràng đến sự tiến bộ. Nhưng từ giai đoạn phôi thai cho đến những giai đoạn trưởng thành phía sau, họ cần các nhà quản lý giỏi để xây dựng và điều hành các phòng ban hiệu quả như phòng tiếp thị, phát triển sản phẩm và bán hàng. 

Vì vậy điều quan trọng đối với những người muốn thử sức trong các công ty khởi nghiệp, từ những MBA mới tốt nghiệp và những nhà quản lý trẻ tuổi cho đến các nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, là cần hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của các công ty này, để hình dung họ sẽ đóng góp như thế nào, và đánh giá đúng tình hình để thực hiện các bước nhảy vọt.

Đánh giá mức độ phù hợp của bạn

Để làm việc cho một công ty khởi nghiệp, bạn cần phải thực hiện ba việc mà bạn chưa được dạy ở trường học hoặc các công ty lớn: quản lý rủi ro, vượt qua giới hạn, và suy nghĩ của người làm chủ.

Quản lý rủi ro

Khởi nghiệp chính là những thí nghiệm khổng lồ. Mọi sáng kiến ​​đều mới mẻ. Các giả thuyết lần lượt được thử nghiệm. Chức danh, ranh giới chức năng, vai trò và trách nhiệm thường không được chú trọng. Cả nhóm làm việc như một, sáng tạo, xây dựng, thay đổi dựa theo mục tiêu - tất cả cùng làm việc mà không cần sổ tay chiến lược. Sự năng động này sẽ được tiếp tục duy trì qua các giai đoạn sau, điều này đồng nghĩa với việc bất cứ ai có ý định làm việc cho một doanh nghiệp mới khởi nghiệp đều phải sẵn sang chấp nhận sự mơ hồ và rủi ro.

Dám vượt qua giới hạn

Đối với một doanh nhân thực thụ, mỗi khi phải đối mặt với một chướng ngại vật, họ sẽ cố gắng tìm kiếm một hướng đi mới bằng cách thử nghiệm các giả định. "Tại sao chúng ta lại không thể thiết kế một hệ thống hiệu quả hơn?" hay "Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua trở ngại này và đẩy nhanh tốc độ?".

Xu hướng chủ động đặt câu hỏi để giải quyết khó khăn hơn là thụ động chính là chìa khóa thành công khi khởi nghiệp. Nếu bạn muốn khởi nghiệp, bạn cần phải là người luôn chủ động tìm cách giải quyết vấn đề, thiết kế giải pháp hiệu quả hơn, và tiếp tục duy trì điều đó.

Can va du de lam viec cho mot cong ty khoi nghiep
 

Suy nghĩ của người làm chủ

Làm việc cho một công ty khởi nghiệp đồng nghĩa với việc bạn đang mong muốn đầu tư theo cảm xúc. Ý nghĩa của sứ mệnh và cuộc phiêu lưu lớn hơn so với một tổ chức truyền thống, và những nỗ lực của bạn rõ ràng và trực tiếp liên quan đến giá trị và thành công của doanh nghiệp. Do đó, bạn phải là một người có thể quan tâm sâu sắc không chỉ về công việc của bạn mà còn ở mọi khía cạnh của công ty. Tại một công ty lớn, bạn có thể sẽ có suy nghĩ, nếu bạn không làm việc này, sẽ có người khác làm nó thay bạn. Nhưng suy nghĩa này không được áp dụng cho công ty khởi nghiệp. Trong một tổ chức kinh doanh, mọi người đều phải nghĩ mình giống như người sở hữu, luôn luôn đặt ra câu hỏi, "cá nhân tôi có thể làm gì để khiến nơi này trở nên tuyệt vời hơn?"

Chọn công ty phù hợp

Nếu bạn cảm thấy rằng bạn thích hợp làm việc cho công ty khởi nghiệp, bước tiếp theo bạn cần làm là chọn công ty phù hợp. Lời khuyên của tôi là tiếp cận quyết định quan trọng này một cách có phương pháp dựa theo bốn bước dưới đây.

Lựa chọn một lĩnh vực đam mê

Trước tiên, hãy tìm một lĩnh vực bạn đam mê. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải tự hỏi bản thân một loạt câu hỏi: "Bản thân bạn thích một doanh nghiệp mà khách hàng mục tiêu của họ người tiêu dùng hay doanh nghiệp? Bạn muốn phục vụ những phân khúc khách hàng nào? Thương hiệu nào mà bạn ngưỡng mộ nhất? Các trang web, ứng dụng hoặc chủ đề yêu thích của bạn là gì?”

Những câu hỏi này khiến bạn phải suy nghĩ rất thận trọng. Ví dụ: nếu TripAdvisor là ứng dụng yêu thích của bạn, rõ ràng là bạn thích đi du lịch và do đó bạn nên bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Khi bạn đang đọc một tờ báo, một trang web, hoặc một tạp chí, những câu chuyện nào bạn sẽ đọc ngay và đọc hết? Nếu bạn có xu hướng bỏ qua các tiêu đề, ví dụ như về doanh nghiệp truyền thông, bạn không nên tham gia vào dịch vụ video trực tuyến mới. Nếu bạn quan tâm thực sự đến những bài báo về các phương tiện tự điều khiển hoặc thực tế ảo bởi vì bạn tìm thấy niềm đam mê, hãy thu hẹp sự tập trung của bạn vào các lĩnh vực đó. Tôi cũng khuyến nghị bạn nên giới hạn bản thân mình vào không quá ba lĩnh vực; nếu không công cuộc tìm kiếm của bạn sẽ trở nên quá dàn trải.

Lựa chọn giai đoạn thích hợp.

Khi mô tả các giai đoạn khác nhau của dự án khởi nghiệp, tôi thường sử dụng một phép ẩn dụ thể hiện quá trình xây dựng một con đường. Trong giai đoạn “hỗn độn” đầu tiên, bạn không có ý tưởng con đường đang ở đâu. Bạn đang bị bao quanh bởi một mớ lộn xộn. Nhiều người sử dụng thuật ngữ "tiền sản phẩm/tìm kiếm thị trường" để mô tả giai đoạn này. Trong giai đoạn “đường đất” tiếp theo, con đường gập ghềnh và quanh co, nhưng ít nhất bạn đã nhìn thấy nó ở đó, và mục tiêu là di chuyển càng nhanh càng tốt. 

Lựa chọn một công ty có tiềm năng thành công

Ở bước này, bạn nên chọn một công ty mà bạn nghĩ sẽ có tiềm năng thành công lớn vì nó cung cấp cho bạn những cơ hội phát triển - điều khó nhất để có được. Ngay cả những nhà đầu tư thành công và giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới cũng đã mắc sai lầm trong hơn nửa thời gian làm việc, và trong khi họ có lợi ích khi nắm giữ danh mục đầu tư của các công ty, bạn chỉ cần lựa chọn một trong số đó.

Thực hiện bước nhảy vọt

Sau khi Erin Warren giành được bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Babson College, cô đã đi theo con đường truyền thống bằng cách lự chọn một công việc tiếp thị ở một công ty lớn. Nhưng trong vòng năm năm, cô bắt đầu băn khoăn về lựa chọn của mình. Khi công ty đề xuất cơ hội thăng tiến cho cô nhưng có thể yêu cầu cô phải tái định cư, cô ấy đã lúng túng và quyết định thay đổi.

Mặc dù Warren không biết gì về những công ty khởi nghiệp, và như mẹ của những đứa trẻ nhỏ, cô lo lắng về việc sẽ có quá nhiều rủi ro, cô không ngại làm việc chăm chỉ hoặc giải quyết những khúc mắc. Cô ấy đã rất say mê một số dịch vụ trực tuyến mới với tiềm năng gấp đôi lợi nhuận, bao gồm chương trình khách hàng trung thành tiết kiệm Upromise, mà chính cô ấy đã sử dụng. Khi cô biết rằng công ty đang tìm kiếm để thuê một giám đốc mua lại tập đoàn tại trụ sở chính ở Boston, cô đã rất vui mừng: Ngành nghề, vai trò, và thành phố đều phù hợp với mục tiêu của cô.

Warren kết nối mạng lưới thông qua bạn bè và nhà tuyển dụng, thuyết phục một người thân thiết với giám đốc tiếp thị để đề xuất cô cho một cuộc phỏng vấn. Sau đó, thay vì chỉ đơn thuần đến với buổi phỏng vấn, cô đã đưa ra những gợi ý cụ thể để làm cho thông điệp tiếp thị vui tươi hơn và nâng cao trải nghiệm người dùng. Sự nhiệt tình và sự đóng góp của cô ấy phù hợp với những gì công ty đang cần. Đến cuối buổi phỏng vấn, cô ấy đã có được công việc này. Một vài năm sau khi công ty được mua lại bởi Sallie Mae, cô chuyển sang làm CMO tại một công ty khởi nghiệp khác.

Không phải mọi cơ hội thăng tiến trong thế giới khởi nghiệp đều dễ dàng như Warren. Nhưng nếu bạn dám thực hiện bước nhảy vọt - đánh giá sự phù hợp của bạn, chọn đúng công ty và thể hiện bản thân bạn một cách hiệu quả - bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng và phát triển sự nghiệp trong các tổ chức lớn.