Thứ Tư | 20/07/2016 09:00

Cần lắm những "bóng hồng" công nghệ

Muốn giải bài toán nhân sự cho ngành công nghệ, việc thu hút và tạo cơ hội cho nữ giới là điều bắt buộc phải làm.

Lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) đang trở thành khu vực học tập phổ cập trong sinh viên đại học khắp thế giới. Theo dữ liệu công nghiệp tại Mỹ gần đây, số việc làm liên quan đến lĩnh vực này ở Mỹ năm 2015 là 135.000 việc làm và trên thế giới là trên 2,2 triệu việc làm.

Giáo sư John Vũ, nguyên Kỹ sư trưởng phần mềm tại Boeing, nhận định: “Ngày nay mọi doanh nghiệp đều áp dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả và giảm chi phí, đồng thời các thiết bị như laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng... ngày càng phổ biến ở cả những nước đang phát triển. Tiến bộ này đã làm nảy sinh nhu cầu khổng lồ về người lập trình máy tính, phát triển phần mềm, quản trị cơ sở dữ liệu, chuyên viên mạng, chuyên viên an ninh máy tính và nhiều nữa”.

Do đó, thiếu hụt công nhân có kỹ năng IT đang diễn ra trên toàn cầu, kể cả các trung tâm gia công bên ngoài (outsourcing) lớn như Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo phân tích của VietnamWorks, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành IT và phần mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Theo đó, nhân lực IT ở Việt Nam có khả năng thiếu 1 triệu người vào năm 2020. Trước tình hình này, khi nói về định hướng chiến lược của tập đoàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho biết: “Thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam ra trường 9.000 kỹ sư IT, nếu một nửa gia nhập phần mềm thì năm nay FPT cần tuyển 5.000 người”.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 với robot, công nghệ sinh học, máy in 3D, internet vạn vật... Theo đó, công nghệ đang đóng vai trò dẫn dắt sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu và sẽ có những tác động to lớn đến thị trường lao động. Ngay ở Việt Nam, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đối với nền kinh tế có thể thấy rõ qua sự xuất hiện của loại hình chia sẻ kinh doanh như Uber và Grab, sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp startup dựa trên nền tảng IT.

Can lam nhung
Lĩnh vực công nghệ với sự đòi hỏi về sáng tạo, phát minh và sự kiên nhẫn vốn là đặc tính thiên phú của nữ giới. Ảnh: Sơn Phạm

Báo động về nguồn nhân lực đã buộc các tập đoàn lớn như Samsung tại Việt Nam phải có những chương trình hỗ trợ và liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm phần mềm tại Hà Nội và TP.HCM. Câu chuyện “tuyển 3.000 nhân sự, chỉ chọn được 40 người” trước khi đặt nhà máy tại Việt Nam khiến Intel Products Việt Nam cũng tích cực tham gia sáng lập chương trình liên kết đào tạo kỹ sư cao cấp tại Việt Nam HEEAP (Liên minh Giáo dục Đại học ngành kỹ thuật). Ngay cả FPT cũng phải mở 3 trung tâm cung cấp nguồn nhân lực ngoài Việt Nam, gồm các trung tâm tại Myanmar, Philippines và Slovakia...

Điều đáng chú ý trong cơn sốt nhân lực IT này là sự thiếu hụt nữ giới trong một ngành rất đặc thù, khi các công ty muốn giữ cân bằng nhân viên nam và nữ. Đánh giá chung cho thấy trong lĩnh vực công nghệ với sự đòi hỏi về sáng tạo, phát minh và sự kiên nhẫn vốn là đặc tính thiên phú của nữ giới.

Về vấn đề này, bà Sheryl Sandberg, Giám đốc Vận hành (COO) của Facebook, nhận định: “Những công ty như Facebook luôn thiếu hụt lớn kỹ sư phần mềm. Đồng thời, phụ nữ cần được đối xử một cách quân bình trong đội ngũ nhân viên của chúng tôi...”. Theo người được mệnh danh là “phụ nữ có quyền lực lớn nhất trong thế giới công nghệ”, ưu tiên số một của bà là thuyết phục phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Bà nói: “Việc làm này được trả lương rất cao, có nhiều việc rất tốt và hơn lúc nào hết, công nghệ thông tin đang cần phụ nữ. Ngày nay, kỹ sư phần mềm có mức lương trung bình 120.000 USD/năm. Vậy mà phụ nữ chỉ chiếm khoảng 18% lao động trong lĩnh vực công nghệ nên tôi muốn thay đổi điều đó”.

Theo Cnet, trong số 65.000 nhân lực IT được thuê ở Trung Quốc và Ấn Độ năm nay được các công Mỹ tuyển dụng, trên 45% là phụ nữ. Đáng chú ý hơn là không ít phụ nữ đã nắm giữ vị trí hàng đầu trong các tập đoàn công nghệ như IBM, HP, Yahoo! và Xerox. Một số công ty như Apple, IBM và Google đã cam kết đầu tư từ 50-300 triệu USD để giải quyết vấn đề đa dạng lao động, quân bình giới tính trong lĩnh vực công nghệ. Intel còn tăng gấp đôi tiền thưởng (lên đến 4.000 USD) cho việc giới thiệu dẫn đến tuyển dụng thành công các nhân viên là nữ. Bởi vì, trước đây, phụ nữ chỉ chiếm 20% trong tổng số lao động của Intel, ít hơn một nửa so với con số trung bình của mỗi quốc gia là 47%.

Can lam nhung
 

Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam cũng là một phụ nữ: bà Sherry Boger. Bà cho biết, các nền kinh tế như Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar chủ yếu dựa vào việc xây dựng một lực lượng lao động kỹ thuật mạnh mẽ và đa dạng nhưng có tỉ lệ lao động nữ rất thấp. Điều này cho thấy khả năng của lao động nữ đang không được đánh giá đúng mực. Bà Sherry cho biết Intel đã dành mỗi năm 100 triệu USD đầu tư vào giáo dục, với nhiều dự án khác nhau bao gồm các dự án nhằm phát triển cân bằng lực lượng lao động cũng như đẩy mạnh giáo dục nữ giới.

Ở Tập đoàn Intel, có 67 chủ tịch và phó chủ tịch là nữ. Riêng tại Intel Products Việt Nam, tỉ lệ lao động nữ chiếm đến 37%. Bà Sherry khuyên giới nữ nên tự tin vào khả năng của mình, đồng thời kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho phụ nữ. Trong khi đó, bà Rena Bitter, nguyên Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho rằng, nữ giới đang đứng trước cơ hội quan trọng để tiến sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ  lâu nay vốn là ngành đặc thù của nam giới. Thêm vào đó, phụ nữ lại chiếm một nửa của thế giới, nên lực lượng lao động đồng đều so với phái nam.

“Phụ nữ cũng có nhu cầu sử dụng công nghệ ngang nam giới và vì lẽ đó, sự hiện diện của các bóng hồng trên bàn thiết kế, sáng tạo cũng chính là tiền đề cho một nền công nghệ hoàn hảo”, bà nói trong một chủ đề liên quan tới “phụ nữ và công nghệ” tổ chức tại TP.HCM gần đây.

Lam Hồng