Thứ Năm | 01/06/2017 17:14

Các hãng công nghệ Trung Quốc dùng ASEAN làm bàn đạp chinh phục thế giới

Các tập đoàn như Alibaba, Tencent và Didi Chuxing đang ngày càng hiện diện nhiều hơn tại Đông Nam Á, nơi có cộng đồng Hoa kiều đông nhất thế giới.

Giữa lúc Isaac Ho cùng một số nhà đầu tư khác đang theo dõi một bài thuyết trình về dự án khởi nghiệp chuyên về tầm soát ung thư tại Singapore, thì một trong những tỷ phú người Trung Quốc có mặt trong phòng đã bất ngờ đứng dậy. Không nói câu nào, vị tỷ phú này viết dòng chữ "Tốc độ ​​x Thị phần" bằng tiếng Hoa lên bảng.

Đó là một công thức đơn giản, có nghĩa là: hãy là người đầu tiên và lớn nhất trên thị trường, bằng bất cứ giá nào. Đó cũng là lúc Isaac Ho hiểu rằng bức tranh ngành công nghệ ở Đông Nam Á đang thay đổi như thế nào.

Là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Venturecraft Group, Isaac Ho khá nổi tiếng trong giới startup chuyên về công nghệ y tế (medtech) tại Singapore, nhờ thường xuyên tổ chức các buổi tiệc networking nơi rượu whisky chảy như suối. Nhắc lại thời khắc kể trên, ông nói: "Đó là thời điểm tôi hiểu được chiến lược của người Trung Quốc. Nếu bạn không phải là số 1, bạn sẽ trở nên hết thời; Nếu bạn là số 1, bạn có thể mua công nghệ mới hơn. Đó là một cuộc chơi mà người chiến thắng sẽ có tất cả".

Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Didi Chuxing đã vươn tới vị trí thống lĩnh như ngày hôm nay, thông qua các thương vụ M&A với tốc độ và quy mô khiến thế giới phải sửng sốt. Alibaba và Tencent đã lọt vào nhóm 10 tập đoàn lớn nhất thế giới, tính theo giá trị vốn hóa thị trường. Công ty 5 tuổi đời Didi Chuxing đã "đá văng" Uber khỏi thị trường Trung Quốc một phần sau một cuộc chiến tiêu tốn hàng tỷ USD.

Cac hang cong nghe Trung Quoc dung ASEAN lam ban dap chinh phuc the gioi
Nhà sáng lập kiêm CEO Cheng Wei của Didi Chuxing (bên phải) nói chuyện với Anthony Tan, nhà sáng lập kiêm CEO của Grab, trong một hội thảo tại Bắc Kinh. Ảnh: prnewswire.com

Giờ đây, khi thị trường Trung Quốc chậm lại và có dấu hiệu bão hòa, các ông lớn công nghệ của nước này đang chuyển hướng sang phần còn lại của thế giới. Điểm dừng chân đầu tiên của họ là Đông Nam Á: khu vực có dân số đông gấp đôi nước Mỹ và cộng đồng Hoa Kiều lớn nhất thế giới.

Theo ước tính của PricewaterhouseCoopers, người Trung Quốc đã đầu tư 37,8 tỷ USD vào các hãng công nghệ ở nước ngoài trong năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Một vài thương vụ đáng chú ý:

- Alibaba bỏ ra 1 tỷ USD để thâu tóm hãng thương mại điện tử Lazada của Singapore, và dùng công ty này làm mũi nhọn tiến vào ASEAN.

- Tencent, sau khi đã góp vốn vào startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á là Sea (Garena), được cho là sắp đầu tư vào một startup tỷ đô khác là dịch vụ gọi xe Go-Jek (Indonesia).

- Didi Chuxing, hiện đã là công ty startup có giá trị nhất châu Á và thứ nhì thế giới, đã góp vốn vào dịch vụ gọi xe Grab (Singapore) và công bố ý định vươn ra toàn cầu.

Ông Thomas Tsao, thành viên sáng lập của quỹ Gobi Partners, nói: "Những gì bạn đang thấy là một sự thay đổi trong suy nghĩ. Những công ty này đang bắt đầu khao khát không chỉ trở thành tay chơi lớn nhất tại Trung Quốc, mà còn đang nghĩ đến quy mô toàn cầu."

Đây không phải là lần đầu tiên người Trung Quốc đổ xô rót vốn vào Đông Nam Á. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào mọi lĩnh vực tại đây, từ vận tải đến bất động sản. Chỉ riêng trong năm 2016, dòng vốn FDI từ Trung Quốc chảy vào 6 nền kinh tế Đông Nam Á đã tăng gấp đôi, theo Credit Suisse ước tính.

Cac hang cong nghe Trung Quoc dung ASEAN lam ban dap chinh phuc the gioi
Gần như toàn bộ các nước Đông Nam Á đều nằm trong danh sách những nước nhận nhiều vốn FDI từ Trung Quốc nhất. Ảnh: hktdc.com

Tuy nhiên, hầu hết số vốn đó ít khi được rót vào ngành công nghệ Đông Nam Á, vốn đang còn khá non trẻ. Tuy nhiên, trước thực trạng là tỷ lệ người dùng smartphone và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng tại khu vực này, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang bắt đầu dồn sự chú ý. Đông Nam Á cũng có lượng dân số gốc Hoa đông nhất thế giới, và những điểm tương đồng về văn hoá là yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư từ Trung Quốc. 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của 5 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều sẽ ở mức trên 5% cho đến năm 2022, cao hơn hẳn mức trung bình 3% của khu vực Bắc Á.

Ngoài ra, chưa có hãng công nghệ nào thực sự giành vị trí độc tôn tại khu vực này. Grab và Go-Jek đang cạnh tranh nhau trong mảng dịch vụ gọi xe, Tokopedia và Lazada đối đầu trong mảng thương mại điện tử, nhưng không ai đủ mạnh để chi phối hẳn thị trường. Trong khi đó Trung Quốc đã có những công ty đủ mạnh để thống trị hoàn toàn một lĩnh vực, như tìm kiếm (Baidu), thương mại điện tử (Alibaba), mạng xã hội (Tencent), và dịch vụ gọi xe (Didi).

Doanh nhân công nghệ tiên phong của Israel là Yossi Vardi bình luận rằng những động thái của Alibaba nhằm tiến ra ngoài Trung Quốc đã gợi nhắc ông về nước Mỹ vào những năm 1960-1970, khi các công ty Mỹ bắt đầu hướng ra bên ngoài để tìm kiếm tăng trưởng và trở thành những tập đoàn đa quốc gia. Vardi phát biểu tại một hội nghị ở Singapore hồi tháng trước rằng: "Đây là một hiện tượng rất, rất đáng kể và mới chỉ là khởi đầu".

Nhiều thỏa thuận M&A nữa có thể sẽ sớm diễn ra trong nay mai. Hãng thương mại điện tử lớn thứ nhì Trung Quốc là JD.com đang được cho là sẽ đầu tư hàng trăm triệu USD vào trang thương mại điện tử trực tuyến Tokopedia (Indonesia). Go-Jek được cho là đang đàm phán với Tencent để nhận thêm vốn 1 tỷ USD. Tencent đã tăng cường đầu tư vào ngành truyền thông ASEAN: JOOX của Tencent là ứng dụng âm nhạc được tải xuống nhiều nhất ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia vào năm 2016, theo App Annie. Vào tháng 1/2017, JOOX đã thành lập một liên doanh với công ty nội dung số OoKbee (Thái Lan).

Bà Grace Xia, giám đốc cao cấp của Tencent về chiến lược và đầu tư, cho biết: "Cơ hội ở Châu Á là không có gì sánh nổi". Bà Xia đã liên tục xuất hiện tại các hội nghị trong khu vực ASEAN vào tháng 5 vừa qua, một điều hiếm thấy đối với các nhà lãnh đạo Tencent, vốn ít khi xuất hiện trước công chúng. Xia nói thêm: "Đông Nam Á đang ngày càng tăng tốc, với rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc về hành vi người tiêu dùng".

Cac hang cong nghe Trung Quoc dung ASEAN lam ban dap chinh phuc the gioi
Nhà sáng lập Alibaba là tỷ phú Jack Ma (bên phải) bắt tay Thủ tướng Najib Razak của Malaysia. Ảnh: sinchew.com.my

Hiện tại, Alibaba đang dẫn đầu làn sóng công nghệ Trung Quốc tại Đông Nam Á. Họ đang tập hợp lực lượng chuẩn bị "mai phục" Amazon tại khu vực này, thông qua việc mua lại Lazada. Nhà sáng lập Jack Ma đã tới Kuala Lumpur vào tháng 3 vừa qua và tuyên bố rằng Malaysia sẽ là trung tâm logistics đầu tiên của Alibaba nằm ngoài Trung Quốc, và là bệ phóng cho khu vực Đông Nam Á.

Công ty Ant Financial thuộc sở hữu của cá nhân Jack Ma, vốn là công ty dịch vụ tài chính trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cũng đã hợp tác với tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group) của Thái Lan thông qua việc đầu tư vào công ty con của CP là Ascend Money. Mục tiêu của Ascend là đem lại dịch vụ tài chính cho 340 triệu cư dân Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, Ant Financial cũng đã đạt được những thỏa thuận tương tự với tập đoàn Emtek của Indonesia.

Michael Lints, một nhà điều hành của quỹ Golden Gate Ventures cho biết: "Đầu tiên là Alibaba tiến vào Đông Nam Á, và giờ đây chúng ta đang ngày càng thấy nhiều công ty hạng hai của Trung Quốc đang hướng về khu vực này".

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư và môi giới tại ASEAN cũng đang bị cuốn vào quỹ đạo của Trung Quốc. Hian Goh, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm NSI Ventures ở Singapore, cho biết ngày càng có nhiều nhà đầu tư tại Trung Quốc đã liên hệ với ông và các công ty mà NSI đầu tư vào. Ông Goh nói: "Mối quan tâm của Trung Quốc đến Đông Nam Á đã tăng lên rất nhiều."

Cac hang cong nghe Trung Quoc dung ASEAN lam ban dap chinh phuc the gioi
Tăng trưởng GDP thực của các nước ASEAN. Màu cam là năm 2016, màu xanh là năm 2017, màu vàng là dự báo giai đoạn 2017-2021. Ảnh: Bloomberg

Không phải ai cũng hoan nghênh sự xuất hiện của người Trung Quốc. Peng Ong, giám đốc quản lý của Monk's Hill Ventures, cho biết rằng việc Alibaba và Tencent tranh giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á sẽ dẫn tới việc thổi phồng định giá của các startup chuyên về dịch vụ tài chính và thương mại điện tử, khiến cho cuộc chơi này chỉ còn dành cho những người có nhiều tiền nhất. "Sẽ có một vài công ty sẽ được định giá ở mức điên rồ," Ong nói.

Ngoài ra, vẫn còn đó sự thù nghịch với cộng đồng người Hoa tại những nước như Malaysia và Indonesia, vốn đã từng dẫn tới nhiều vụ bạo lực đẫm máu. Những người khác lại lo ngại về việc các công ty Trung Quốc sẽ bóp nghẹt các startup của Đông Nam Á.

Leon Hermann, trưởng bộ phận Nam Á và Đông Nam Á tại Global Founders Capital, nói: "Sự cạnh tranh khốc liệt, vốn đã là điều thường thấy ở Trung Quốc, vẫn chưa xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á".

Tuy nhiên, ông Piyush Gupta, người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á là DBS (Singapore), đã gọi Alibaba và Tencent là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ông.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm và các startup Đông Nam Á cũng cần phải cảnh giác. "Đã đến lúc họ phải tỉnh giấc vì sân nhà của họ đang bị xâm chiếm", Khailee Ng, quản lý khu vực Đông Nam Á của quỹ 500 Startups, cho biết.

Tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới là Indonesia, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã có những bước thám sát đầu tiên. Adrian Li của quỹ Convergence Ventures, vốn là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên chuyển từ Trung Quốc đến Jakarta, đã dẫn nhiều nhà đầu tư hàng đầu của Trung Quốc đến thành phố này vào năm ngoái. Danh sách này bao gồm nhà đồng sáng lập Bob Xu của tập đoàn giáo dục New Oriental; đồng sáng lập Cai Wensheng của hãng ứng dụng Meitu; nhà sáng lập Kai-fu Lee của quỹ Sinovation Ventures. Họ đã gõ cửa các doanh nghiệp công nghệ lớn của Indonesia là Go-Jek và Tokopedia, cũng như tìm tới những công ty mới nổi như trang web hẹn hò Paktor.

Indonesia có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc cách đây một thập kỉ: tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng bán lẻ là cơ hội cho sự thăng tiến của Alibaba; lượng người dùng smartphone bùng nổ đã tạo ra gần một tỷ người dùng ứng dụng WeChat của tencent; sự phát triển của tầng lớp trung lưu muốn được giải trí và mua hàng hóa chất lượng tốt.

Cac hang cong nghe Trung Quoc dung ASEAN lam ban dap chinh phuc the gioi
Tăng trưởng danh thu bán lẻ tại Indonesia từ 2012-2016 là số thực, từ 2017 tới 2020 là dự phóng. Ảnh: Bloomberg

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều cơ hội hơn, khi chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump đang hướng sự ưu tiên vào trong nước. Nhà đồng sáng lập Alexis Ohanian của diễn đàn Reddit đã than phiền rằng các nhà đầu tư Mỹ đang bỏ qua một cơ hội lớn. Quỹ Warburg Pincus - vốn có chủ tịch là cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner,  người từng học cấp 3 ở Bangkok - là một trong số ít những quỹ đầu tư mạnh về công nghệ của Mỹ có mặt tại ASEAN.

"Tôi rất vui khi thấy Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo, nhưng nó cũng làm tôi bực mình vì trước giờ nó là điều chúng tôi vẫn làm", Ohanian đã nói như thế tại hội nghị TechInAsia vào tháng 5.

Ngoài các dòng vốn và công nghệ Trung Quốc, Đông Nam Á cũng có thể học tập được khá nhiều về nền văn hóa kinh doanh của người Hoa. Amit Anand, nhà sáng lập quỹ Jungle Ventures tại Singapore, nói: "Vốn và kiến ​​thức của họ rất quan trọng. Nhưng họ cũng mang lại tinh thần táo bạo và liều lĩnh mà khu vực này đang còn thiếu".

Bá Ước

Nguồn Bloomberg