Berkshire Hathaway chuẩn bị cho ngày không có Warren Buffett
Có một điều không thay đổi trong các kỳ đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway: Dù cho hết lần này đến lần khác, cổ đông đều đặt câu hỏi về việc ai sẽ thay Warren Buffett dẫn dắt Berkshire thì “nhà tiên tri xứ Omaha” vẫn một mực giữ im lặng. Ở kỳ đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua, Buffett, sẽ tròn 85 tuổi vào tháng 8 này, một lần nữa cũng không tiết lộ gì về tên tuổi người kế nhiệm.
Dù không chia sẻ kế hoạch chuyển giao quyền lực, nhưng trong những năm gần đây, Buffett luôn nhấn mạnh với cổ đông rằng Berkshire được xây dựng với mục đích “sống lâu hơn cả ông”. “Doanh nghiệp của bạn được ví như “đài tưởng niệm chiến tranh” của doanh nghiệp Mỹ và sẽ mãi là như vậy”, ông viết trong lá thư gửi đến cổ đông lần gần đây nhất.
Buffett từ lâu đã là bộ mặt, phát ngôn viên chính của Berkshire và là người định hình cho nhà đầu tư và giới phân tích về đường lối của Tập đoàn khi ông đưa Berkshire từ một nhà máy dệt èo uột trở thành một tập đoàn khổng lồ hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, với việc Buffett ở tuổi gần đất xa trời, không ai lại không quan tâm đến kế hoạch chọn người kế nhiệm thay ông. Nhưng có vẻ như cổ đông đã quen với ý nghĩ về một cuộc sống không có Warren Buffett. “Ông ấy làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo rằng văn hóa của Berkshire vẫn tiếp tục được giữ vững và phát triển mà không có ông ấy”, Paul Lountzis, nhà sáng lập tại Lountzis Asset Management LLC, nhận xét.
Warren Buffett, Tổng Giám đốc Tập đoàn Berkshire Hathaway - Ảnh: nypost.com |
Thực vậy, xét nhiều khía cạnh, Berkshire đang khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Giá trị vốn hóa thị trường của Tập đoàn, hiện ở mức 350 tỉ USD, vẫn tiếp tục tăng lên. Tính đến cuối năm 2014, Berkshire có khoảng 60 tỉ USD tiền mặt và 116 tỉ USD giá trị danh mục đầu tư chứng khoán. Tập đoàn hiện sở hữu khoảng 80 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ bảo hiểm, đường sắt cho đến thực phẩm, trong đó có 9 doanh nghiệp có quy mô lớn đủ để gia nhập danh sách Fortune 500 nếu đứng độc lập. Các chuyên gia phân tích cũng cho biết hệ số tín nhiệm nợ của Berkshire là trong số những chỉ số “đẹp” nhất trong ngành bảo hiểm.
Đầu tháng 5 vừa qua, Berkshire báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2015 cũng rất lạc quan. Theo đó, lãi ròng quý I tăng 10% đạt 5,16 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu tăng 7% đạt 48,64 tỉ USD. Lợi nhuận hoạt động hằng quý thì tăng 20% đạt 4,24 tỉ USD, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu, một thước đo tăng trưởng mà Buffett ưa thích, đã tăng 0,5% lên mức 146.963 USD. Kết quả này, theo Cathy Seifert, chuyên gia phân tích tại S&P Capital IQ, là “quá tốt” so với nhiều công ty trong những lĩnh vực mà Berkshire cạnh tranh, vốn chỉ báo cáo kết quả kinh doanh ở mức trung bình.
Mặc cho sự hiện diện rộng khắp trên thị trường tái bảo hiểm toàn cầu, nhưng Berkshire phần lớn đã tránh được sự ”săm soi” của giới điều hành chính sách thời hậu khủng hoảng nhờ vào vị thế lớn và tính thanh khoản cao trong bảng cân đối kế toán của Tập đoàn cũng như nguồn thu đa dạng của nó. Và trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, chính Berkshire đã cho vay hơn 15 tỉ USD cho nhiều công ty blue-chip từ Goldman Sachs, cho đến General Electric với các điều khoản cực kỳ có lợi, mang đến cho Berkshire tiếng tăm là “cái phao cho vay cuối cùng”.
Với những kết quả đẹp đẽ này, Ken Shubin Stein, Chủ tịch Spencer Capital Holdings và là một cổ đông lâu năm của Berkshire, cho rằng: “Nhìn chung, khi không còn Buffett, bức tranh của Berkshire sẽ không hoàn hảo như khi ông ấy còn lãnh đạo. Tuy nhiên, Stein cũng đánh giá cao việc Buffett đã đưa vào Berkshire một “cơ cấu điều hành dài hạn” mà trong đó, các nhà quản lý có quyền tự quyết định nhưng vẫn có trách nhiệm giải trình. Ông nói rằng cơ cấu này sẽ giúp cho việc ra quyết định được trôi chảy thậm chí khi không còn Buffett.
Còn chuyên gia phân tích Jay Gelb của Barclays PLC thì cho rằng người kế vị Buffett “có thể có ít cơ hội hơn” trong việc thực hiện các thương vụ tài chính độc quyền và lớn như những thương vụ mà Buffett đã thực hiện trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính. Mặc dù Buffett đã nói rằng những thương vụ như vậy không phải là mấu chốt làm nên tương lai của Berkshire, nhưng không thể phủ nhận rằng các thương vụ đó đã mang về hàng tỉ USD cổ tức cho cổ đông và đã củng cố tiếng tăm của Tập đoàn là một nhà tài phiệt rủng rỉnh tiền, không ngại rủi ro, có thể đưa ra các quyết định táo bạo một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, “cái gọi là lợi thế Buffett được gắn liền với giá cổ phiếu Berkshire dường như đã được giảm thiểu”, Gelb nói, ám chỉ đến lý thuyết cho rằng một phần giá trị cổ phiếu Berkshire có được là nhờ sự hiện diện của Buffett. Một số cổ đông cũng đồng ý với nhận định này. “Các thương vụ thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng tài chính đã ít lệ thuộc vào Warren hơn là hầu hết mọi người vẫn nghĩ”, Bill Barnard, một cổ đông của Berkshire, nhận xét.
“Lượng lớn tiền mặt sẵn có, việc sẵn sàng rót vốn vào nhiều ngành nghề khác nhau với mức giá hợp lý và một hệ thống phân bổ vốn mà cho phép các quyết định tại trụ sở được đưa ra một cách nhanh chóng là những yếu tố cho thấy Berkshire sẽ vẫn tiếp tục phát triển sau khi Warren không còn điều hành”, ông Barnard nói thêm.
Nhiều cổ đông cũng nói rằng điều khiến họ an tâm là một số nhà điều hành trẻ tuổi hơn tại Berkshire đang đảm đương thêm các nhiệm vụ mới dưới sự theo dõi, dẫn dắt của Buffett. Theo David Kass, một cổ đông của Berkshire và là Giáo sư Tài chính tại Đại học Maryland, Ted Weschler và Todd Combs - hai nhà quản lý đầu tư mà Buffett đã tuyển dụng cách đây vài năm như một phần trong kế hoạch chuyển giao quyền lực - đã đem về kết quả hoạt động tốt trong hầu hết thời gian họ làm việc tại Berkshire.
“Cả hai (Ted Weschler và Todd Combs) cũng đã đại diện cho Berkshire thực hiện nhiều thương vụ đàm phán có lợi cho Tập đoàn ở khía cạnh thuế và có cùng cách suy nghĩ như Buffett”, ông Kass nói. Combs, chẳng hạn, năm ngoái đã xử lý rất khôn khéo một thương vụ phức tạp: hoán đổi phần cổ phiếu Procter & Gamble (P&G) do Berkshire sở hữu để lấy nhà sản xuất pin Duracell, một nhãn hàng thuộc P&G. Trong thương vụ thâu tóm H.J. Heinz Co. (do Berkshire và Tập đoàn 3G cùng thực hiện), trợ lý tài chính của Buffett là Tracy Britt Cool và Greg Abel, Tổng Giám đốc Berkshire Hathaway Energy, chính là những người tiến hành triển khai cùng với 3 nhà điều hành khác của 3G.
Tuy nhiên, ông Lountzis, thuộc Lountzis Asset Management, cho biết ông và những nhà quan sát khác đang tranh luận về việc liệu Buffett có thể giao quyền lực nhiều hơn cho các nhà điều hành cấp cao, giới thiệu họ rộng rãi hơn với công chúng bên ngoài và cho phép họ đưa ra nhiều quyết định điều hành lớn có tính tác động đến toàn thể công ty hơn. “Điều đó sẽ khiến chúng tôi an tâm hơn, nhưng đó lại không phải là cách làm của ông ấy”, Lountzis nói.
Nguồn Tổng hợp