Bệnh viện FV và người dẫn đường tận tụy
Làm việc trong ngành y tế không hề dễ dàng vì hàng ngày các y bác sĩ phải đối mặt với sự sống và cái chết. Đó là lý do tại sao vấn đề an toàn cho bệnh nhân lại quan trọng như thế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã khẳng định nỗ lực của FV khi trở thành một trong những bệnh viện hiếm hoi trong hơn 1.000 bệnh viện công lập và gần 200 bệnh viện ngoài công lập tại Việt Nam đạt được chứng nhận chất lượng y tế quốc tế JCI vừa qua là một thành quả đáng tự hào.
“Đâu là kỷ niệm khiến ông cảm thấy gắn bó nhất với bệnh viện FV?”, một phóng viên từng hỏi ông Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám đốc Bệnh viện FV. “Đó là nơi gia đình tôi tin tưởng để sinh hai đứa con của mình”, ông hóm hỉnh trả lời. Với vị bác sĩ đã chọn mảnh đất hình chữ S là nơi ông đặt trọn tâm huyết và niềm tin mãnh liệt muốn làm một điều gì đó cho y tế Việt Nam, Bệnh viện FV như là mái nhà không chỉ gắn liền với những dấu ấn quan trọng của sự nghiệp đời mình mà còn là nơi ghi dấu đời sống của ông.
Hành trình một bác sĩ người Pháp không biết tiếng Việt, từng bước thành lập bệnh viện đầu tư nước ngoài đầu tiên tại phía Nam với tầm nhìn chiến lược ngay từ ngày đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Bệnh viện FV là phải trở thành một bệnh viện hàng đầu trong khu vực châu Á, có sứ mệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng chuẩn giống như ở các khu vực khác trên thế giới như ở New York, Singapore, Sydney, hay Tokyo là hành trình không dễ dàng.
FV - Giấc mơ thành hiện thực
Trả lời câu hỏi “điều gì làm nên sự khác biệt lớn giữa Bệnh viện FV với rất nhiều bệnh viện khác?”, bác sĩ Guillon chia sẻ thêm: “Điều làm nên sự khác biệt lớn giữa chúng tôi và bất cứ ai khác không chỉ là máy móc thiết bị hiện đại mà chính là đội ngũ, những con người tâm huyết ngày đêm không ngừng nỗ lực để đem lại an toàn tối đa cho bệnh nhân”.
Hơn một thập niên trước, sau khi đến TP.HCM, một nhóm bác sĩ người Pháp bị thôi thúc bởi ý tưởng đem đến cơ hội cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho người bệnh và một môi trường làm việc lý tưởng để cộng đồng bác sĩ Việt Nam có cơ hội phát huy tay nghề. Chỉ vài tuần ở TP.HCM đủ để bác sĩ Guillon nhận ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe của tầng lớp trung lưu đang phát triển khá nhanh song chưa có một bệnh viện hiện đại đáp ứng được nhu cầu này. Chỉ cần thu hút được 10% dân số của TP.HCM ở thời điểm đó, tức khoảng 600 ngàn người đã đủ khiến cho ý tưởng trở nên hấp dẫn. Trước chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế được ban hành, động lực của nhóm sáng lập viên càng trở nên mạnh mẽ. Bác sĩ Guillon là người duy nhất được nhóm sáng lập viên tin tưởng và yêu cầu trở thành người dẫn dắt dự án, điều hành khi Bệnh viện FV đi vào hoạt động.
Bác sĩ Jean - Marcel Guillon, Tổng Giám đốc Bệnh viện FV. Ảnh: Sơn Phạm |
“Bác sĩ Guillon là người có ý chí sắt đá và trí thông minh sắc sảo nhất trong những người tôi đã từng gặp”, ngồi tại khối văn phòng khang trang của Bệnh viện FV, nhìn lại chặng đường 13 năm đồng hành cùng bác sĩ Guillon, bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành Bệnh viện FV, nhận xét. Theo bà Mai, có thể hỏi ông ấy một câu hỏi về bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống và sẽ ngỡ ngàng trước lượng kiến thức và kinh nghiệm sống khổng lồ của ông. Nếu không trả lời được ngay, Guillon sẵn sàng tìm hiểu, học qua sách vở hay internet đến khi rành rọt mới thôi. Tính cách này có lẽ là lý do để một vị bác sĩ chỉ quan tâm đến y học có thể xây dựng một dự án nằm trên giấy trở thành một bệnh viện tư nhân hàng đầu cả nước.
Hiện nay, Bệnh viện FV (quận 7) có năng lực tiếp nhận 1.500 bệnh nhân ngoại trú/ngày thuộc 30 chuyên khoa khác nhau và 250 bệnh nhân/ngày tại phòng khám đa khoa (quận 1). Mỗi năm, FV tiếp nhận và điều trị hơn 200 ngàn lượt bệnh. Từ con số 0 đến hiện tại, tốc độ phát triển của FV là bằng chứng thuyết phục nhất cho mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu châu Á. Để làm được điều đó, sức mạnh nội tại của FV đến từ đâu?
Tầm nhìn của vị thuyền trưởng
Sau khi xây dựng đề án tiền khả thi, vòng gọi vốn cho bệnh viện FV là thách thức với ông Guillon cũng như 9 thành viên sáng lập khác. Từng bước thuyết phục, IFC của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, một ngân hàng tại Pháp, Philippines và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là những tổ chức tài chính đồng ý rót thêm vốn vào dự án. Vẫn chưa đủ, ông Guillon tiếp tục thực hiện nhiều cuộc gặp mặt để thuyết phục, tự tay soạn thư ngỏ và đích thân gửi qua đường bưu điện cho cộng đồng bác sĩ Pháp làm việc tại châu Âu. Có đến 499 bác sĩ đồng ý góp vốn, nâng tổng nguồn vốn kêu gọi được lên đến 40 triệu USD, thành công bước đầu chứng minh được ý chí tột cùng của ông Guillon đối với dự án này.
Quận 7 nơi FV tọa lạc, cách đây hơn 10 năm, chỉ là một đầm lầy hoang sơ. Lúc đó, tầm nhìn của ông Guillon về một bệnh viện khang trang và tầm cỡ trong tương lai khiến nhiều người không khỏi nghi ngại. Qua nhiều năm, khi liên tục mở rộng về quy mô hoạt động, người ta mới thêm ngưỡng mộ vị bác sĩ này khi đã dọn sẵn đường cho sự phát triển của FV từ 10-15 năm trước.
Một nền móng vững chãi được tính toán để sẵn sàng thi công các tòa nhà mới, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng để chờ đón những thiết bị y tế tối tân là điều Guillon đã quyết tâm thực hiện từ những ngày đầu thành lập. Bệnh nhân đến với FV, chưa xét đến hiệu quả điều trị, đã cảm nhận được sự khác biệt từ cơ sở vật chất mới mẻ, giường nằm mát mẻ, êm ái, thức ăn ngon, dịch vụ chu đáo, mà theo bác sĩ Guillon thì “Đối với một bệnh nhân, những điều này quan trọng không kém gì thuốc men”.
Luôn đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu là nhận định của những người đã làm việc với bác sĩ Guillon. Để xây dựng chất lượng dịch vụ theo chuẩn mực quốc tế, đội ngũ cổ đông sáng lập là bác sĩ, tất cả đều cam kết sẽ thường xuyên lui tới FV và truyền đạt kinh nghiệm cho những đồng nghiệp tại Việt Nam. Chiến lược nội địa hóa nhân sự được kiên trì thực hiện đã chuyển đổi được những nhân sự chủ chốt là người nước ngoài thành đội ngũ người Việt có đủ trình độ chuyên môn.
Lấy ví dụ, 10 điều dưỡng trưởng từ những ngày đầu thành lập FV đều là người ngoại quốc, thì nay 100% nhân viên người Việt đã đảm nhận được vị trí đó. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong 130 bác sĩ Pháp, Việt kiều và Việt Nam đang làm việc toàn thời gian tại FV đã tạo nên nhiều giá trị độc đáo chỉ có ở nơi này.
Thu hút được người tài về làm việc và gắn bó với một bệnh viện tư nhân không phải điều dễ dàng. Để làm được điều đó, một môi trường làm việc an toàn, hiện đại, bác sĩ được trao quyền quyết định, chịu trách nhiệm cao hơn, song cũng học hỏi nhiều hơn, cùng với chính sách phúc lợi hấp dẫn là những gì Guillon và đội ngũ lãnh đạo đã thực hiện. “Để làm được các ca phẫu thuật mạch máu phức tạp, ngoài tay nghề bác sĩ, điều kiện của phòng mổ và sự phối hợp của ekip cũng rất quan trọng. Với trang thiết bị tại FV, tôi có thể thực hiện bất kỳ ca mổ phức tạp nào. Đội ngũ y bác sĩ ở đây tạo cho tôi cảm giác mình đang làm việc tại một bệnh viện châu Âu”, giáo sư, bác sĩ bậc thầy của thế giới về chuyên khoa ngoại mạch máu Jean-Baptise Ricco chia sẻ với chúng tôi lý do vì sao Bệnh viện FV là nơi ông chọn để hợp tác làm việc.
Thành công trong vai trò một doanh nhân, song từng quyết định của ông Guillon đều đưa ra dưới góc độ của một bác sĩ tận tụy. Tâm huyết đó được thể hiện qua từng hành động, dù là nhỏ nhất. Dép đi trong phòng phẫu thuật phải được nhập khẩu từ Pháp để tạo sự thoải mái và an toàn cho bác sĩ trong những ca mổ phải đứng từ 8-10 giờ đồng hồ. Các loại vật tư tiêu hao trong phòng mổ sau khi mở nắp phải vứt bỏ dù có sử dụng hay không để tránh nhiễm khuẩn. Máy móc đắt tiền được trang bị đầy đủ dù bác sĩ ít khi dùng đến…
Hành trình chinh phục JCI - Con dấu vàng về chất lượng quốc tế
Bệnh viện FV được xây dựng theo quy trình chất lượng của Pháp và đạt chứng nhận HAS của Pháp vào năm 2007. Chưa dừng lại ở đó, bác sĩ Guillon tiếp tục đặt mục tiêu đạt được JCI, con dấu vàng về chất lượng dịch vụ y tế quốc tế từ Hoa Kỳ để theo đuổi mục tiêu đem lại sự an toàn cao nhất cho bệnh nhân.
Là tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, hoạt động tại hơn 90 quốc gia và được nhìn nhận như một chứng chỉ “5 sao” cho chất lượng của các bệnh viện, JCI là một thách thức khó vượt qua ngay với cả những bệnh viện lâu đời hay tân tiến nhất. Chặng đường 6 năm để đáp ứng được hơn 360 tiêu chuẩn với hơn 1.200 tiêu chí đo lường của JCI là hành trình làm chất lượng cam go nhất của FV, mà theo ông Guillon, điều đó chỉ đạt được “nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi thành viên trong Bệnh viện FV”.
Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê nhận định: “Chứng chỉ JCI là chứng nhận về chất lượng y tế quốc tế. Đây là một vinh dự và trách nhiệm rất lớn bởi lẽ mục tiêu của các bệnh viện Việt Nam và trên thế giới đều hướng tới người bệnh. Đạt được đã là một điều rất khó khăn, nhưng để duy trì các tiêu chí chất lượng quốc tế này với mục tiêu sự hài lòng của người bệnh là số một, lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn cho người bệnh là mục tiêu tối thượng của tiêu chí chất lượng còn khó hơn”.
Đều đặn 3 buổi/ngày, gần 100 buổi/tháng và hơn 1.000 buổi/năm, FV liên tục tổ chức các buổi đào tạo vào giờ nghỉ trưa, ngoài ca trực để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho từng nhân viên của bệnh viện. Hàng ngàn chính sách, phác đồ điều trị được soạn thảo, phổ biến đến từng nhân viên bệnh viện với quyết tâm cao độ nhất. Không chỉ với đội hành động JCI gồm 65 người, tinh thần “nhà nhà làm JCI, người người làm JCI” trở thành một phong trào mạnh mẽ và đầy quyết tâm trong bộ máy gần 1.000 con người của FV.
Trong thời gian chuẩn bị cho JCI, toàn bộ bệnh viện phải phát triển và áp dụng các chính sách mới về chất lượng cao và an toàn bệnh nhân, các thực hành và quy trình theo chuẩn JCI. Quy trình thẩm định của JCI không chỉ phỏng vấn lãnh đạo bệnh viện, đọc và tìm hiểu các chính sách và quy trình mà còn xem xét rất chi tiết đến việc chăm sóc từng bệnh nhân, đánh giá cơ sở vật chất, trang thiết bị và toàn bộ các dịch vụ của bệnh viện. “Bên cạnh những quy trình chuyên môn khám chữa bệnh, từng chi tiết nhỏ trong hoạt động của bệnh viện, ví dụ như tay nắm cửa sử dụng loại gì, bảng chỉ dẫn được đặt ở đâu, nước lau nhà được pha với nồng độ thế nào, quy trình thao tác ở Bộ phận đồ vải ra sao… đều được JCI xem xét và đánh giá”, chị Phượng Khanh, nhân viên truyền thông của FV, nhớ lại.
Con người là trung tâm của mọi dịch vụ và tâm huyết tại Bệnh viện FV. |
Trong suốt 8 năm chặng đường chinh phục JCI từ 2008, bác sĩ Guillon là một tấm gương nhắc nhở và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến từng thành viên của bệnh viện phấn đấu vì một mục tiêu chung. Một chuyên viên quản lý chất lượng trong FV khẳng định, trong hàng trăm tài liệu, hàng nghìn biểu mẫu được soạn thảo, chưa có tài liệu nào mà bác sĩ Guillon chưa xem qua. Bất kỳ một điều khoản nào của JCI nếu được hỏi sẽ được ông chia sẻ tận tình.
Đổi lại tất cả những nỗ lực của Bệnh viện FV, lợi ích lớn nhất mà bệnh nhân có được khi khám và điều trị tại một bệnh viện đạt chứng chỉ JCI là dịch vụ chữa bệnh lấy bệnh nhân làm trung tâm. Người bệnh có quyền được bác sĩ giải thích rõ về tình hình bệnh, quyết định đồng ý hay không với phác đồ điều trị do bác sĩ đưa ra.
Tháng 3.2016, nỗ lực của bác sĩ Guillon và toàn bộ tập thể đã được đền đáp khi FV chính thức được công nhận đạt được chứng chỉ vàng JCI. Trong giây phút ấy, người ta thấy ông Guillon cùng đội ngũ của mình vỡ òa niềm vui trong nước mắt vì quả ngọt đạt được sau một chặng đường không ngừng nghỉ. Khó diễn đạt những thay đổi lớn lao tại FV sau khi đạt được JCI, song con dấu vàng JCI là một trong những lý do FV được chọn là bệnh viện dự phòng hỗ trợ y tế cho phái đoàn Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm TP.HCM tháng 5 vừa qua.
Đạt được JCI mới chỉ là bước tiến đưa FV sang một trang mới trong hành trình làm chất lượng bền bỉ khi phải liên tục giữ vững được kết quả này khi JCI tái đánh giá 3 năm/lần. Những dự án cải tiến chất lượng được thực hiện trong thời gian tới bao gồm 2 dự án: “Bệnh viện không đau” và “Bệnh viện an toàn cho mẹ và bé”. Chặng đường vị bác sĩ người Pháp gắn bó và cống hiến cho nền y tế Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng.
Lan Anh