Bảo vệ linh trưởng Việt Nam: Bên bờ vực thẳm
Trong không khí ấm áp những ngày cuối cùng của tháng 11, hơn 70 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã hội tụ để chia sẻ về một thông điệp hết sức có ý nghĩa, trong một sự kiện rất đặc biệt. Điểm đặc biệt đầu tiên là trong khi rất nhiều sự kiện chú trọng đến việc cung cấp cơ hội làm giàu, thì sự kiện này là nơi các doanh nhân cùng nghĩ về cơ hội cho đi tài sản của mình vì mục đích môi trường. Điểm đặc biệt thứ hai là lần đầu tiên các doanh nhân người Việt tham gia bảo vệ một trong những di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam và thế giới. Điều gì đã thôi thúc họ có mặt cùng nhau trong sự kiện này?
Bảo vệ sự tồn vong của con người
Trước khi đến với câu chuyện linh trưởng quý hiếm, chúng ta hãy xem những ông chủ của thế giới đã cống hiến cuộc sống của họ cho các hoạt động từ thiện ra sao? “Cho đi không phải là nghĩa vụ, mà là một vinh dự”, đó là lời khuyên của tỉ phú dầu mỏ John D. Rockefeller, người giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ. “Tới một mức nào đó thì tiền chẳng còn ý nghĩa gì với bản thân tôi, chỉ còn ý nghĩa trong việc giúp đỡ những người nghèo khổ nhất”, đó là phát biểu của tỉ phú công nghệ Bill Gates, người giàu nhất thế giới hiện nay.
Từ xưa đến nay, các doanh nhân hàng đầu luôn xem trọng hoạt động từ thiện, với niềm tin rằng đây là khoản đầu tư vĩ đại nhất trong cuộc đời họ. Nó có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho cả nhân loại. Bản thân Rockefeller cũng nói thẳng: “Cho đi chính là đầu tư”(Giving is investing). Ngày ông qua đời vào năm 1937, Rockefeller đã cho đi tới gần 1/3 số tài sản (tương đương hơn 100 tỉ USD, tính theo thời giá ngày nay) và nhờ đó, thế giới đã có cách trị bệnh giun móc và sốt vàng da, cũng như có thêm nhiều trường đại học lớn như Đại học Chicago và Đại học John Hopkins.
Một tỉ phú cùng thời là ông trùm ngành thép Andrew Carnegie cũng “cạnh tranh” quyết liệt với Rockefeller trong lĩnh vực từ thiện và nhờ đó, thế giới có thêm hơn 3.000 thư viện và kính viễn vọng khổng lồ Hooker, nơi đã phát hiện ra hàng loạt bí ẩn lớn của vũ trụ. Cũng như vậy, giải thưởng Nobel cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã ra đời nhờ công của triệu phú người Thụy Điển Alfred Nobel và quỹ do ông lập nên cách đây hơn 100 năm.
Ngày nay, vợ chồng Bill Gates đã cho đi tới 28 tỉ USD cho các hoạt động từ thiện và cam kết từ nay tới cuối đời, sẽ hiến tặng 95% số tài sản của mình. Nhờ có họ, thế giới đang đẩy lùi hàng loạt căn bệnh như AIDS, sốt rét và lao phổi, cũng như có thêm nước sạch và các giống lúa năng suất cao. Người bạn thân thiết của gia đình Gates là nhà đầu tư số 1 thế giới Warren Buffett cũng đã cam kết cho đi 99% số tài sản của ông, với nhiều hoạt động từ thiện và vì môi trường như giảm trừ vũ khí hạt nhân, tạo cơ hội cho nữ giới và bảo tồn động vật.
Với những tấm gương lớn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều doanh nhân trẻ tuổi đã sớm xác định tầm quan trọng của hoạt động từ thiện. Vợ chồng tỉ phú Mark Zuckerberg (nhà sáng lập Facebook) đã lập ra Quỹ Chan Zuckerberg, với cam kết sẽ cho đi hết 99% số cổ phần Facebook mà họ đang nắm giữ. Nhà sáng lập eBay là tỉ phú Pierre Omidyar cũng đã đóng góp hơn 1 tỉ USD cho các hoạt động tín dụng vi mô, chống nạn buôn người và tăng cường sự minh bạch trên toàn cầu.
Trong những năm gần đây, sự lớn mạnh của các nền kinh tế châu Á cũng đã kéo theo nhiều thay đổi lớn, trong đó có hoạt động thiện nguyện của giới doanh nhân. Chẳng hạn, ở Đài Loan, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Foxconn là Terry Gou đã cam kết sẽ hiến 90% tài sản cho từ thiện (tương đương khoảng 5,5 tỉ USD). Tại Trung Quốc, nhà sáng lập kiêm CEO của tập đoàn công nghệ Tencent là Pony Ma đã cam kết đóng góp hơn 2 tỉ USD cho một quỹ từ thiện chuyên về y tế và môi trường hồi tháng 4 vừa qua.
Bên cạnh những hoạt động từ thiện truyền thống trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghệ thuật và cứu trợ xã hội, ngày càng có nhiều doanh nhân tập trung hơn vào các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã. Họ hiểu rằng, đầu tư cho bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ cho sự tồn vong của loài người, trước tình trạng biến đổi khí hậu và ngày càng có nhiều thiên tai khắc nghiệt. Khi bị một cổ đông truy hỏi về lợi nhuận của việc đầu tư vào bảo vệ môi trường, CEO Tim Cook của Apple đã giận dữ trả lời: “Chúng tôi muốn để lại một thế giới tốt đẹp hơn so với lúc chúng tôi ra đời. Nếu ông muốn tôi lúc nào cũng phải hành động vì lợi nhuận, ông nên bán lại cổ phiếu của mình đi”.
Chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Vân Trường |
Nhà đầu tư kim loại quý người Mỹ Thomas Kaplan giải thích lý do tham gia bảo tồn mèo rừng và rắn: “Một trong những cách tốt nhất để có niềm vui thực sự là biết rằng cuộc đời mình đã có đóng góp vào việc cứu một giống loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng”. Ở Trung Quốc, tỉ phú Wang Wenliang đã lẳng lặng bỏ ra hàng triệu USD để mua lại một khu đất đầm lầy rộng hơn 100.000ha, dỡ bỏ hết các đầm nuôi thủy sản tại đó để bảo tồn các giống chim và cá, với lời giải thích giản dị: “Giúp đỡ cho các thế hệ mai sau”.
Di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam
Trong vài thập niên trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng chục triệu người. Nhưng đáng buồn là phát triển kinh tế cũng kéo theo sự đi xuống của môi trường sống, tình trạng tàn phá cảnh quan thiên nhiên và các đợt thiên tai ngày càng gây nhiều thiệt hại hơn.
Trong số những loài chịu thiệt hại nặng nề từ tình trạng xuống cấp môi trường ở Việt Nam, vị trí dẫn đầu lại thuộc về các loài linh trưởng (khỉ, vượn, voọc, chà vá...), họ hàng gần gũi nhất của con người trong thế giới động vật. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 12 quốc gia có độ đa dạng linh trưởng cao nhất thế giới. Cũng đáng buồn thay là Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước có nhiều loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng nhất thế giới, bên cạnh Indonesia và Madagascar.
Chuyên gia bảo tồn người Anh Jonathan Charles Eames, vốn đã có rất nhiều năm gắn bó với Việt Nam, cho biết: “Việt Nam có tổng cộng 24 loài linh trưởng, trong đó có tới 21 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Bốn loài trong số đó cũng là loài đặc hữu (chỉ sinh sống tại Việt Nam), vì thế người Việt có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo tồn các loài này”. Tình trạng phá rừng cùng với săn bắn bừa bãi đã đẩy khá nhiều loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam đến bên bờ tuyệt chủng. Loài chà vá chân xám, vốn đông đúc nhất trong nhóm các loài ở tình trạng “cực kỳ nguy cấp”, cũng chỉ có 1.500 cá thể.
Loài voọc Cát Bà với bộ lông ánh vàng đẹp lộng lẫy từng có hơn 2.000 con, nay chỉ còn vỏn vẹn 70 cá thể. Rất nhiều trường hợp, cả một đàn voọc đã bị con người đánh bẫy trong hang để bắt về lấy thịt và làm thuốc dân gian. Hay mới đây, Đà Nẵng đã báo động về nguy cơ tuyệt chủng của loài chà vá chân nâu vì môi trường sống của chúng đang bị thu hẹp và chia cắt đáng kể do các khu kinh doanh như nhà hàng, khách sạn ở phía Nam của bán đảo Sơn Trà. Loài vượn Cao Vít, từng một thời có mặt ở khắp miền Bắc, nay chỉ còn vỏn vẹn 130 cá thể sinh sống ở một nơi duy nhất là Khu Bảo tồn Trùng Khánh (Cao Bằng). Ông Eames ví von: “Hãy thử tưởng tượng đất nước Việt Nam hàng triệu người gặp phải thảm họa nào đó tới mức chỉ còn đúng một ngôi làng nhỏ. Đây chính là những gì mà loài vượn này đang gặp phải”.
Bảo vệ các loài linh trưởng cũng chính là bảo vệ rừng. Ông Eames giải thích: “Việc hiện diện các quần thể linh trưởng đông đúc là dấu hiệu cho một môi trường khỏe mạnh. Các loài linh trưởng có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, thông qua việc ăn và thải ra các hạt cây khắp rừng. Một khu rừng mất đi các loài linh trưởng sẽ bắt đầu đánh mất khả năng tự tái tạo, gây ảnh hưởng tới khả năng sinh tồn của các giống loài khác”. Bàn về ý nghĩa của việc bảo vệ linh trưởng, có một điều được các nhà bảo tồn nhắc đi nhắc lại rằng những di sản thiên nhiên cũng có tầm quan trọng không kém các di sản văn hóa đối với bản sắc của một dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà cả thế giới thường gắn liền nước Mỹ với hình ảnh loài đại bàng đầu trắng, nước Nga với loài gấu nâu Siberia, nước Úc với loài chuột túi Kangaroo, hay Trung Quốc với loài gấu trúc.
Với vẻ đẹp hiếm có và bản tính rất “người” (cũng biết yêu thương, biết đồng cảm, biết đòi sự công bằng), những loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được trở thành một phần không thể thiếu của bản sắc và tiềm năng thiên nhiên quốc gia. Thành phố Đà Nẵng đã đi tiên phong trong việc này, thông qua quyết định chọn loài chà vá chân nâu sinh sống ở bán đảo Sơn Trà làm biểu tượng cho thành phố, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 sắp tới.
Chà vá chân nâu là một trong những loài linh trưởng đẹp nhất trên thế giới. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông Eames so sánh thêm: “Nếu có ngày những di sản văn hóa như Tử Cấm Thành ở Huế bị phá hoại, hoặc bản thảo nguyên gốc Truyện Kiều bị đốt cháy, thì người Việt chắc chắn sẽ rất giận dữ và điều đó là hoàn toàn chính đáng. Đã tới lúc chúng ta phải học cách suy nghĩ như vậy về những di sản thiên nhiên của mình, trong đó có bao gồm các loài linh trưởng”.
Trách nhiệm không của riêng ai!
Một lý lẽ thường dùng để bảo vệ cho các hoạt động phá rừng là một nước đang phát triển như Việt Nam phải chấp nhận hy sinh môi trường nếu muốn tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các trường hợp phá rừng làm thủy điện ở miền Trung, từ đó gây nên lũ lụt mạnh hơn, đã cho thấy tác động vào thiên nhiên thường khiến con người phải gánh hậu quả nặng nề.
Ông Josh Kempinski, người đứng đầu chi nhánh Việt Nam của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế Fauna & Flora International (FFI), cho biết: “Càng lúc chúng ta càng nhận ra rằng môi trường tự nhiên mang đến cho chúng ta rất nhiều thứ có giá trị, bảo đảm cho con người khả năng phát triển kinh tế. Nếu không bảo vệ được những yếu tố đó, cái giá phải trả sẽ rất lớn. Chẳng hạn, Việt Nam đã mất đi nhiều rừng ngập mặn do hoạt động nuôi tôm, vốn mang về rất nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, bão đang ngày càng trở nên tàn phá hơn và mực nước biển cũng dâng cao, đồng nghĩa với tình trạng ngập mặn ruộng đồng trở nên phổ biến hơn. Việc bảo tồn rừng ngập mặn là rẻ hơn rất nhiều, đem đến nhiều lợi ích hơn cho con người so với việc phải cứu trợ thiên tai và đầu tư xây các đê ngăn biển”.
Nếu được bảo tồn đúng cách, các loài linh trưởng quý hiếm hoàn toàn có thể mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài cho người Việt. Ông Eames chia sẻ: “Các quốc gia châu Phi như Rwanda và Uganda có ngành công nghiệp tham quan gorilla mang lại hàng triệu USD. Ở Uganda, du khách bỏ ra tới 800 USD mỗi ngày cho một chuyến tham quan gorilla và vị chi tổng mức doanh thu tại công viên quốc gia Bwindi là 48.000 USD/ngày”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng: “Tại Việt Nam, hoạt động du lịch tham quan linh trưởng đã có tại Khu Bảo tồn đầm Vân Long ở Ninh Bình, nơi người dân địa phương chèo thuyền đưa du khách đến chiêm ngưỡng voọc mông trắng leo trèo trên các vách đá vôi. Có nhiều nơi khác ở Việt Nam cũng có thể làm tương tự, chẳng hạn như tham quan chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng. Các hoạt động du lịch không chỉ đem lại nhiều doanh thu mà còn cải thiện cuộc sống người dân địa phương, và dạy cho họ biết trân trọng giá trị của các loài linh trưởng và rừng già”.
Voọc mông trắng có tên trong danh sách “25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới”. Ảnh: Nguyễn Văn Trường |
Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm hoàn toàn nằm trong tầm tay của người Việt. Tiến sĩ Lê Khắc Quyết, người đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về voọc mũi hếch và là một trong số hiếm hoi các chuyên gia nghiên cứu về linh trưởng tại Việt Nam, cho biết: “Trước đây, công tác bảo tồn linh trưởng ở Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào những sự trợ giúp và hợp tác quốc tế về kinh nghiệm, trình độ và kinh phí. Sau gần 30 năm, cho tới nay, người Việt chúng ta đã có kinh nghiệm, nhân lực và nguồn lực để thực hiện các công việc nghiên cứu và bảo tồn linh trưởng, cũng như các loài động vật và thực vật hoang dã quý hiếm khác ở Việt Nam”. Ông Quyết nói thêm: “Nhận thức bảo tồn thiên nhiên của người Việt đã có những thay đổi và nâng cao đáng kể, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Mọi người đã ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt sự cần thiết phải bảo tồn các loài động vật và thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng”.
Ông Kempinski cũng cho biết, trách nhiệm bảo vệ môi trường và động vật hoang dã không phải của riêng ai: “Tất cả chúng ta đều có thể tham gia bảo tồn, thông qua các quyết định hằng ngày về việc ăn uống, tiêu dùng và đi du lịch. Việc tiêu thụ các sản phẩm làm từ động vật hoang dã vẫn còn là vấn đề lớn, đẩy nhiều loài thú ở Việt Nam và châu Phi đến bên bờ tuyệt chủng. Chúng ta có thể lên tiếng trên mạng xã hội và truyền đạt thông tin đến mạng lưới bạn bè. Chúng ta có thể tham gia các tổ chức phi chính phủ trong vai trò thành viên hoặc tình nguyện viên. Chúng ta có thể dành thời gian đi tham quan các công viên quốc gia và khu bảo tồn, hoặc tham gia vào những chuyến du lịch sinh thái”.
Được hỏi rằng điều gì làm ông tiếp tục vững tin vào tương lai của các loài linh trưởng Việt Nam, ông Eames cho biết: “Chúng ta nắm được tình trạng dân số của các loài linh trưởng ở Việt Nam và biết rằng các quần thể còn lại đang sinh sống ở đâu. Trong nhiều trường hợp, các quần thể này đang sinh sống ở những khu vực đã được bảo vệ, với mức chi phí không quá cao để duy trì. Thử thách mà chúng ta đối mặt không phải là quá lớn hay không thể vượt qua được, chúng ta chỉ cần tiếp tục hành động và hiểu rõ trách nhiệm cũng như vai trò của mình. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam hiện đang đóng vai trò tiên phong trong việc cấp vốn cho các tổ chức phi chính phủ và các nhân viên nhà nước làm hoạt động bảo tồn và điều này đã mang đến cho tôi niềm hy vọng thực sự”.
Đầu tư cho tương lai
Những câu chuyện đầy xúc động về môi trường và đặc biệt là sự tồn vong của các giống loài linh trưởng như vừa nêu chính là khởi đầu cho sự kiện nêu ra đầu bài. Một cuốn sách đặc biệt mang tên “Bảo vệ linh trưởng Việt Nam - Bên bờ vực thẳm” đã được chia sẻ trong sự kiện và trở thành kim chỉ nam về bảo tồn giống loài này. Với hàng loạt hình ảnh tư liệu quý hiếm được ghi lại bởi các nhà khoa học Jonathan Charles Eames, Lê Khắc Quyết, Nguyễn Vân Trường cùng nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet, đây là cuốn sách đầu tiên liệt kê đầy đủ chủng loại linh trưởng quý hiếm đang hiện diện tại đây.
Nhóm tác giả thực hiện cuốn sách “Bảo vệ linh trưởng Việt Nam - Bên bờ vực thẳm”. Ảnh: Sơn Phạm |
Cuốn sách này cũng đánh dấu sự mở đầu của dự án Bảo vệ linh trưởng tại Việt Nam, với sự ủng hộ quyết liệt từ những doanh nhân tiên phong tài trợ cho việc bảo tồn môi trường, gìn giữ sự đa dạng của thiên nhiên Việt Nam, có thể kể đến là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO của REE; bà Đinh Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Galaxy Media & Entertainment; ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO Công ty Kiến trúc AA; ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO Thiên Minh Group (TMG); ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB; và ông Nguyễn Trung Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS). Gần đây, danh sách này còn có thêm sự góp mặt của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và ông Phạm Hồng Hải, CEO của Ngân hàng HSBC Việt Nam.
Tham gia tài trợ cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên cũng mở ra mạch thông tin xuyên suốt giữa giới doanh nhân và các nhà khoa học. Ông Huy cho biết: “Hằng quý, tôi đều nhận được thông tin qua email và mỗi năm đều có các cuộc họp trao đổi tình hình. Ngoài ra, năm nào cũng có vài chuyến đi thực địa”. Bà Mai Thanh nói: “Việc nhận thông tin là rất dễ dàng, khi nào tôi yêu cầu thông tin, các chuyên gia đều cung cấp đầy đủ”.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Ngân hàng ACB và bà Đinh Thị Hoa, Chủ tịch Galaxy Media & Entertainment đang trao đổi với các doanh nhân tại lễ ra mắt sách. Ảnh: Sơn Phạm |
Lòng tự hào và ý thức trách nhiệm về di sản thiên nhiên của Việt Nam chính là cầu nối những doanh nhân này đến cùng nhau. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh giải thích: “Bảo tồn thiên nhiên là vấn đề tôi luôn luôn quan tâm từ lâu. Đó là di sản của quốc gia mà, không bảo vệ làm sao được”. Ông Trần Hùng Huy nói: “Trước đây, tôi không biết về những di sản thiên nhiên quý giá như thế này. Nhưng khi được hiểu biết thêm, quyết định tham gia đến với tôi rất dễ dàng. Điều đó giống như đầu tư vào tương lai vậy”.
Đặc biệt hơn, hoạt động bảo tồn thiên nhiên còn tạo ra một cầu nối rất ý nghĩa trong các gia đình doanh nhân. Ông Hùng Huy bộc bạch: “Tôi tham gia hoạt động bảo tồn vì lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của một người Việt và hơn nữa là nghĩ rộng hơn về môi trường sống cho các thế hệ sau. Và về mặt cá nhân, tôi cũng muốn được làm một điều gì đó để con cái cảm thấy tự hào về cha mẹ chúng là những người có ý thức bảo vệ môi trường sống cho con cháu mai sau”.
Tuấn Minh