Báo động đỏ ngành sản xuất thế giới
Caterpillar là một trong những thương hiệu công nghiệp nổi tiếng nhất thế giới. Tập đoàn này sản xuất các thiết bị, máy móc công nghiệp nặng như máy đào, máy xúc, xe tải..., chuyên dùng trong các ngành công nghiệp, khai thác mỏ và vận tải. Nhưng kết quả gần đây nhất được công bố vào cuối tháng 1 vừa qua lại cho thấy Caterpillar đang gặp nhiều thách thức. “Năm vừa qua là một năm đầy khó khăn đối với nhiều ngành nghề và khách hàng mà chúng tôi phục vụ”, Tập đoàn cho biết. Doanh thu năm 2015 đã thấp hơn gần 15% so với năm 2014 và thấp hơn 29% so với mức đỉnh năm 2012.
Nỗi đau của Caterpillar cũng là nỗi đau của những nhà sản xuất trên toàn thế giới. Mặc dù so với dịch vụ, khu vực sản xuất chiếm một phần nhỏ hơn trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia phát triển (như ở Mỹ, sản xuất chỉ chiếm 12% sản lượng kinh tế), nhưng những dấu hiệu sa sút gần đây ở ngành này khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại về bức tranh chung của toàn cầu.
Các số liệu gần đây cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Từ đầu năm đến nay, các tập đoàn lớn như GE (Mỹ), Tata Steel (Ấn Độ) và Bombardier (Canada) đều đã công bố các đợt cắt giảm lao động quy mô lớn. Hồi tháng 12 năm ngoái, sản xuất công nghiệp đã giảm 0,7% tại Ý, 1,1% tại Anh, 1,2% tại Đức và 1,6% tại Pháp. Ở Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất theo số liệu chính thức và cả chỉ số PMI của Caixin, một tạp chí tài chính hàng đầu, đều dưới mức 50, nghĩa là suy giảm.
Tại Mỹ, tính trong 6 tháng qua, đã có 4 tháng sản lượng sản xuất trên đà giảm. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Viện Quản trị Cung ứng (ISM) đã ở dưới mức 50 kể từ tháng 10.2015.
Tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chuyển hướng nền kinh tế từ dựa vào vốn đầu tư sang dựa vào tiêu dùng là nguyên nhân được nhiều nhà sản xuất tại các nước phát triển đưa ra để lý giải cho những vấn đề mà họ đang đối mặt. Có thể thấy, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, thấp nhất kể từ năm 1990.
Ngành thép bị chao đảo do tác động từ làn sóng đầu tư Trung Quốc trước đây, vốn đã dẫn đến tình trạng thừa cung quá mức và khiến giá cả giảm mạnh. Nhu cầu của Trung Quốc đối với các nguyên vật liệu trong thập niên đầu của thế kỷ này cũng đã thúc giục các công ty khai thác mỏ đẩy mạnh sản xuất và các công ty hàng hải đóng thêm những con tàu mới. Khi nhu cầu Trung Quốc giảm, cả 2 ngành này đều chới với.
Chỉ số hàng hóa Bloomberg đã giảm 28% trong 12 tháng qua. Chỉ số giá cước vận tải biển BDI giảm 98% từ mức đỉnh được thiết lập trước đó. Các số liệu gần đây cũng cho thấy nhập khẩu Trung Quốc, xét về giá trị, đã giảm 18,8% trong năm vừa qua.
Ngay chính Trung Quốc cũng bị tổn thương không ít do nhu cầu thế giới yếu ớt. Giá trị xuất khẩu của nước này đã giảm 11,2% trong cùng thời kỳ, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm 10% và sang EU giảm 12%. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, giao thương toàn cầu thường tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng giờ đang tụt lại đằng sau. Tổ chức OECD ước tính khối lượng giao thương năm ngoái chỉ tăng trưởng 2%.
Tăng trưởng giao thương ì ạch đã tác động tiêu cực lên ngành sản xuất. Khoảng 25% việc làm trong ngành sản xuất Mỹ có liên quan đến giao thương, so với chỉ 6% trong ngành dịch vụ. Trong các ngành của Mỹ mà liên quan nhiều đến giao thương, Bank of America Merrill Lynch ước tính, sản lượng đang tăng trưởng với tốc độ hằng năm chỉ 0,1% vào cuối năm 2015.
Giá cả hàng hóa giảm cũng có nghĩa là các nhà sản xuất dầu mỏ và kim loại không bỏ tiền đầu tư vào thiết bị và nhà máy mới, từ đó tác động tiêu cực đến các công ty mà sản xuất những hàng hóa này. Tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil, chẳng hạn, tuyên bố cắt giảm tới 25% ngân sách đầu tư cơ bản cho năm 2016.
Các doanh nghiệp dường như đang chật vật bán những gì họ sản xuất ra: tỉ lệ tồn kho/doanh số bán ở mức cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Dự kiến, khi mùa báo cáo quý IV/2015 kết thúc, các công ty công nghiệp Mỹ trong chỉ số S&P 500 sẽ báo cáo mức giảm hằng năm tới 5,4% về lợi nhuận và 7,3% về doanh số bán.
Đồng USD tăng lên cũng là một nỗi đau đầu cho các doanh nghiệp Mỹ vì làm cho hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn. Đau đầu nhất là những doanh nghiệp sản xuất ra các hàng hóa phổ biến có biên lợi nhuận thấp như giấy hay nhựa.
Hy vọng lớn nhất cho các nhà sản xuất chính là sự yếu ớt này chỉ mang tính tạm thời. Giá cả hàng hóa giảm đã có tác động ngắn hạn lên các ngành nguyên vật liệu và năng lượng. Nhưng trong trung hạn, giá cả thấp hơn sẽ tốt cho nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển và họ sẽ đẩy mạnh chi tiêu mua sắm. Các hãng ôtô đã cho thấy rằng họ hoàn toàn có thể đi ngược xu hướng. Giá cả xăng dầu thấp đã khuyến khích người tiêu dùng Mỹ tậu xe mới vào năm ngoái, đưa lượng xe bán ra đạt mức kỷ lục 17,6 triệu chiếc.
Chỉ số PMI* ngành sản xuất của Trung Quốc đang ở dưới mức 50, cho thấy sự suy giảm |
Về phần Trung Quốc, số liệu gần đây có thể chưa chính xác bởi do trùng vào thời điểm nghỉ Tết âm lịch. Lượng vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên vào năm ngoái; các quan chức nước này chỉ tập trung nói đến các ngành “dựa hơi” vào tiêu dùng trong chỉ số PMI chính thức và những dữ liệu này trông có vẻ khả quan.
Trong một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi vừa được Caixin công bố, ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã gạt bỏ những mối lo ngại về phía các nhà sản xuất ở các nước phát triển rằng Trung Quốc sẽ phá giá đồng nhân dân tệ để tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước họ.
Ông cam kết không theo đuổi chính sách cạnh tranh bằng việc phá giá đồng nội tệ và khẳng định Trung Quốc có dư nguồn dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường khi xuất hiện tình trạng đầu cơ tiền tệ. Sau tuyên bố của ông, nhân dân tệ đã tăng giá mạnh.
Tuy nhiên, trong lúc này đây, tâm lý bi quan vẫn bao trùm các thị trường. Thậm chí giá cổ phiếu của các hãng xe cũng lình xình trong những tuần đầu tiên của năm 2016, tồi tệ hơn cả diễn biến của các nhóm cổ phiếu khác.
Lại thêm một tin xấu khi Moody’s vừa khuyến cáo có thể sẽ hạ bậc tín nhiệm nợ của Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nợ tăng cao cũng như dự trữ ngoại hối giảm của quốc gia này. Moody’s đã hạ triển vọng nền kinh tế Trung Quốc từ ổn định sang tiêu cực, một bước đi lớn đầu tiên đối với Trung Quốc của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm kể từ khi Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm nợ của nước này cách đây 3 năm, lần hạ bậc đầu tiên kể từ năm 1999.
Đàm Hoa
Nguồn FT và The Economist