Bài học lãnh đạo từ quân đội
Kỹ năng lãnh đạo là điều không thể thiếu nếu muốn phát triển trong môi trường quân đội. Nhà tư vấn Andrew Dixon, một cựu quân nhân Úc, đã chia sẻ với NCĐT về những kinh nghiệm lãnh đạo mà giới quản lý trẻ tại Việt Nam có thể áp dụng.
Cơ duyên nào đã dẫn dắt ông từ một quân nhân đến vai trò của một nhà tư vấn doanh nghiệp?
Tôi gia nhập quân đội Úc vào cuối thập niên 1970. Trách nhiệm của tôi là quản lý và huấn luyện tân binh. Đến năm 2002, tôi giải ngũ với cấp bậc Thiếu tá và tham gia vào vị trí quản lý cấp cao ở nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Người ta thường áp dụng thuyết lãnh đạo nào trong quân đội Úc?
Thuyết lãnh đạo Chuyển biến là lý thuyết tôi gặp thường xuyên trong thời gian tại ngũ. Nếu anh là người mới, cấp trên luôn giao cho anh những nhiệm vụ cần làm, giải thích cặn kẽ cách làm. Nếu anh làm được việc của mình, cơ hội được thăng cấp và tham gia vào các lĩnh vực khác trong quân đội là rất cao.
Ông đã học hỏi kỹ năng lãnh đạo trong quân đội như thế nào?
Nhìn và làm theo những người đi trước. Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi những kỹ năng này từ nhà lãnh đạo trực tiếp của mình. Trước đi được giao nhiệm vụ huấn luyện tân binh, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm được. Nhưng nhờ vào sự hướng dẫn của cấp trên, tôi và đơn vị của mình đã vượt qua được thử thách trong huấn luyện.
Ông so sánh như thế nào giữa kỹ năng lãnh đạo trong quân đội và kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp?
Trong quân đội Úc, kỹ năng lãnh đạo được đào tạo rất kỹ. Anh sẽ được huấn luyện trong tất cả những tình huống được chúng tôi đặt ra từ trước, để đến khi vào thực tế có thể đưa ra quyết định mà không phải mất quá nhiều thời gian suy nghĩ. Khi chiến đấu, người lính sẽ luôn chờ đợi anh đưa ra những quyết định chính xác một cách nhanh chóng.
Đối với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, khi tham gia vào một tập đoàn hoặc công ty nào đó, họ đã được định hướng bởi mục tiêu và nhiệm vụ mà tổ chức đó đề ra từ ban đầu.
Tuy nhiên, có một điều mà tôi để ý sau khi tham gia huấn luyện cho những nhà quản lý trẻ người Việt rằng phần lớn doanh nghiệp ở đây vẫn chưa chú trọng đến khâu đào tạo này một cách đúng mức. Ở Úc, các doanh nghiệp đều có những chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng đưa ra quyết định cho các nhân viên triển vọng, để khi được thăng chức họ có thể thực hiện được vai trò của mình một cách tốt nhất. Tôi cảm nhận rằng ở đây chúng ta vẫn làm công việc quản lý nhiều hơn là lãnh đạo.
Theo ông, giới lãnh đạo trẻ trong các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp vấn đề gì?
Những người già dặn luôn có được cái nhìn bao quát về doanh nghiệp cũng như ngành nghề mà công ty họ đang hoạt động. Họ rõ ràng là những nhà lãnh đạo tốt. Còn đối với những người trẻ, họ được tuyển dụng vào doanh nghiệp là nhờ vào những khả năng kỹ thuật được đào tạo từ trước nhưng lại chưa có đủ tầm nhìn để thực hiện vai trò dẫn dắt. Vì vậy cho nên khi được thăng chức, họ vẫn chủ yếu dựa vào kiến thức kỹ thuật của mình để quản lý mà quên rằng ở vai trò đó, cái mà doanh nghiệp thực sự cần ở họ chính là khả năng lãnh đạo và dẫn dắt những người bên dưới cùng đưa doanh nghiệp đi lên.
Vậy ông có lời khuyên gì cho họ, những nhà lãnh đạo trẻ?
Được thăng chức từ nhân viên lên cấp bậc quản lý không chỉ đơn giản là một chức danh. Kèm theo đó chính là sự kỳ vọng rất lớn mà doanh nghiệp đặt lên vai mỗi nhà lãnh đạo trẻ. Các anh/chị cần phải tìm hiểu cho rõ sự kỳ vọng mà cấp trên đang muốn anh/chị giúp doanh nghiệp đạt được ở vai trò mới. Thật sự, công việc mà các anh/chị phải thực hiện còn khó hơn cả những sĩ quan. Trước khi được thăng cấp trong quân đội, họ đều phải trải qua một quá trình huấn luyện nghiêm khắc và bài bản. Còn các anh/chị phải tự mình học hỏi mày mò thì mới có thể hoàn thành tốt được vai trò một nhà quản lý trong doanh nghiệp.
Khi gặp khó khăn, hãy tìm đến những người có kinh nghiệm để tìm lời khuyên cho Hãy lập kế hoạch phát triển cho bản thân lẫn đơn vị mà mình đang phụ trách. Hãy tự đặt cho bản thân những tình huống mình có thể phải đối mặt ở vai trò mới, và lên kế hoạch để giải quyết những vấn đề đó ngay từ bây giờ. Và hãy luôn nhớ rằng: “Nếu bạn thất bại trong việc lập kế hoạch thì có nghĩa là bạn đang lên kế hoạch cho chính thất bại của mình”.