Bài học làm giàu giữa khủng hoảng của ông chủ Digiworld
Năm 1997, sau vài năm làm việc cho một công ty thương mại của nước ngoài, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch của CTCP Thế giới số (Digiworld - mã DGW), đã khởi nghiệp với số vốn ban đầu vỏn vẹn 15.000 USD.
Thời điểm đó, công ty chỉ có 7 thành viên. Theo ông Nguyễn Hải Khôi, Trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư DGW, cho biết thì ông Việt vừa làm chủ vừa làm nhân viên, vừa làm giám đốc kiêm kinh doanh, kế toán, kĩ thuật và kiêm luôn giao hàng,
"Số vốn 15.000 USD ban đầu doanh nghiệp có được cũng là số tiền cầm cố được từ cuốn sổ đỏ duy nhất của bố mẹ ông Việt", ông Khôi nói.
Tuy nhiên, thời điểm đó là khủng hoảng tài chính Châu Á, tiền Baht Thái mất giá mạnh, rất nhiều hàng hóa ở nước này đã trở nên rất rẻ, trong đó có mặt hàng máy in. Ông Việt đã nhận thấy tiềm năng và chớp lấy thời cơ, dồn tiền nhập dòng sản phẩm máy in về bán. Việc kinh doanh máy in đã đạt được những thành công đầu tiên, là nền móng để Digiworld tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Câu chuyện này được ông Khôi chia sẻ tại hội thảo "Hướng đi mới trong ngành phân phối công nghệ", vừa được HOSE phối hợp với VietinBankSc tổ chức chiều ngày 29/11.
Ông Khôi cho biết, tới năm 1998, máy tính lắp ráp bắt đầu khởi sắc. Không bỏ qua cơ hội này, DGW đã đặt mua hàng trăm hàng ngàn mainboard, card màn hình về bán. Việc đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh này đã đưa tên tuổi Công ty nổi tiếng trên thị trường phân phối mainboard Tomato và card màn hình “Triple D” những năm 1998-99.
Tuy nhiên, đến năm 1999, sự cố đã đến với DGW khi mainboard nhập về từ một nhà sản xuất của Trung Quốc đã bị lỗi hàng loạt.
Lúc đó, DGW đã nhanh chóng cho thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã bán bao gồm cả những sản phẩm không có lỗi để đảm bảo không ảnh hưởng tới lợi ích khách hàng. Việc trả lại hàng và thu hồi tiền từ nhà sản xuất thì rất gian nan vì họ là một hãng nhỏ và ở tận Trung Quốc.
Ông Khôi nói: "Thiệt hại là rất lớn, vốn liếng công ty lúc đó gần như trở về con số 0 nhưng bài học rút ra lại rất xứng đáng. Thứ nhất là phải kết hợp được với những ông lớn là những tập đoàn CNTT uy tín trên thế giới. Thứ hai là phải dựa trên chất lượng và lấy khách hàng làm gốc”.
Năm 2001, khi máy tính lắp ráp đang chiếm tới 99% thị trường công nghệ thông tin, tổng giám đốc của công ty máy tính lớn nhất Đài Loan là Acer tới đề nghị DGW phân phối sản phẩm máy tính xách tay (laptop) giá khoảng 2.000 USD.
Theo ông Khôi, lời chào mời này thoạt nghe thật bất khả thi vì 2.000 USD gần như bằng toàn bộ những thiết bị có giá trị trong một gia đình thành thị lúc đó gồm TV, máy giặt, tủ lạnh... và 2.000 USD có thể mua được 5-6 chiếc máy tính để bàn (laptop). Nhưng DGW lại nhìn ra cơ hội từ sự bất khả thi này.
Theo đó, DGW đã làm việc với Acer, xây dựng những chương trình để có thể bán được nhiều sản phẩm với mức giá tiết kiệm nhất. Từ những nỗ lực này, những laptop giá 999 USD lần đầu tiên có tại Việt Nam.
Ông Khôi khẳng định thành công với Acer mở ra cơ hội hợp tác với rất nhiều tập đoàn CNTT tên tuổi khác trên thế giới.
Từ số vốn 15.000 USD ban đầu, sau 10 năm, DGW đã có doanh thu lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ đồng, tương đương hơn 44 triệu USD. Kế hoạch năm nay, Digiworld dự kiến đạt doanh thu 3.951 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng. Theo ông Đoàn Hồng Việt, công ty đề ra mục tiêu doanh thu tăng trưởng 15% trong năm 2017.
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (VietinBankSc), ngành phân phối công nghệ có quy mô thị trường tương đối lớn, lên tới 154.700 tỷ đồng vào năm 2015. Nhu cầu thay đổi sản phẩm của người dùng khá nhanh khi xu hướng công nghệ thay đổi liên tục. Trong cơ cấu sản phẩm, riêng điện thoại di động chiếm tới 42,4%, nhóm thiết bị văn phòng, điện tử gia dụng chiếm 42,7%, nhóm máy tính chiếm 12,9%, còn lại 2% là máy chụp ảnh.
Trường Văn