Bài học đảo ngược tình thế của Phúc Sinh
Một buổi sáng yên bình đầu năm bị phá vỡ khi ông Phan Minh Thông được bạn bè thông báo, lô hàng tiêu của Công ty Cổ phần Phúc Sinh do ông làm chủ bị vướng thuốc trừ sâu tại thị trường Tây Ban Nha. Sau nửa năm nỗ lực lấy lại thị trường, doanh thu của Phúc Sinh bất ngờ tăng gấp đôi, bỏ xa đối thủ và đạt mức kỷ lục. Câu chuyện của Phúc Sinh chính là bài học giải quyết khủng hoảng đáng để nhiều doanh nghiệp học hỏi.
Tai vạ bất ngờ
Câu chuyện bắt đầu từ một khách hàng đối tác 10 năm của Phúc Sinh. Do giá tiêu quá cao, khách hàng tại Manta đã đề nghị Phúc Sinh cung cấp tiêu với chất lượng thấp hơn và giá thấp hơn. Cuối cùng, họ quyết định mua 10 bao tiêu lép nhưng lô hàng nhỏ này bị vướng thuốc trừ sâu trong quá trình kiểm tra thông quan. Tuy nhiên, vô tình thông tin tiêu của Phúc Sinh bị vướng thuốc trừ sâu nhanh chóng lan truyền trên các mặt báo. Thậm chí, nhiều báo nước ngoài còn dịch lại thông tin.
Điều quan trọng là trong thông tin Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cung cấp cho báo chí, có lẽ do chưa được kiểm chứng nên Công ty Phúc Sinh bị biến thành Công ty Phục Sinh. Lô hàng mà Thương vụ thông báo phía Tây Ban Nha đang đình lại cũng được ghi nhận xuất xứ, sản lượng, địa điểm nhập khẩu... có phần sai khác. “Đây cũng là lý do khiến chúng tôi gần như không hề hay biết cho đến khi đọc báo, bởi trên thị trường Việt Nam nói riêng, đã và đang có một vài công ty nhái tên Phúc Sinh, mượn danh để tìm kiếm đối tác và xuất khẩu hàng”, ông Thông chia sẻ.
Vấn đề tồn đọng thuốc trừ sâu trong tiêu tại Việt Nam đã có từ 4-5 năm trước, nhiều công ty xuất khẩu tiêu gặp phải vấn đề này. Nhiều nhà nhập khẩu vẫn thường xuyên cảnh báo với tiêu Việt Nam. Ngay cả Hiệp hội Gia vị châu Âu và Hiệp hội Gia vị Mỹ cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tháng 10 năm ngoái. Hiện nay, họ cho Việt Nam thời gian để xử lý vấn đề này. “Phúc Sinh là công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong ngành tiêu nên bị đem ra chịu trận”, ông Thông chia sẻ.
Ngay lập tức, các ngân hàng, cơ quan truyền thông, khách hàng từ nhiều nước trên thế giới “hỏi thăm” Phúc Sinh. Đặc biệt, các nhà buôn từ Indonesia, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, vốn là những doanh nghiệp cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu tiêu với Phúc Sinh, liên tục truyền thông tin xấu này. “Sau đó, tôi tham dự Hội nghị Gia vị Thế giới (WSC) do Ấn Độ tổ chức. Trước mặt tôi, thông tin về sự cố tiêu Phúc Sinh được cho chạy suốt trên màn hình trước cả Hội nghị Quốc tế”, ông Thông nhớ lại thời điểm tháng 2.2016.
Tất cả mọi người quay ra hỏi thông tin, các công ty lớn hỏi xoáy rồi gửi thêm đường link và nhiều đối tác không dám mua tiêu của Phúc Sinh. Tiêu của Phúc Sinh chiếm 8% thị phần xuất khẩu tiêu toàn cầu mỗi năm, nên tiêu Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn. Họ lưỡng lự, ép giá tiêu và dẫn lý do nguồn tin của Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cung cấp chắc phải chính xác.
Ở phòng chờ sân bay Mumbai, Ấn Độ để trở về, có công ty xuất khẩu Việt Nam gọi điện xin tư vấn. Họ nói Chính phủ Indonesia đã ra văn bản yêu cầu điều tra tiêu Việt Nam. Tiêu Việt Nam vào Indonesia phải chứng minh được dư lượng thuốc trừ sâu cho phép và phòng thí nghiệm phải được sự phê chuẩn của Indonesia. Thế là các lô hàng sắp bán cho Indonesia bị dừng lại. Giá tiêu sau 2 ngày họp tại WSC đã giảm 1.000 USD/ tấn.
Vấn đề quan trọng nhất lúc này của Phúc Sinh là làm sao bán được hàng, trong khi châu Âu khóa thị trường, còn Tây Ban Nha cũng ngừng giao dịch. Đây là vấn đề của các doanh nghiệp tiêu Việt Nam, chứ không chỉ riêng Phúc Sinh.
Nguy cơ thành cơ hội
Trong rủi có may, cũng ngay thời điểm đó, một thuận lợi cho Công ty là tiêu chuẩn thực phẩm an toàn mà Phúc Sinh nghiên cứu và xin chứng nhận đã được thông qua từ năm 2014. Tiêu chuẩn này là chứng thư cho thực phẩm an toàn, chất lượng yêu cầu trong chứng thư phù hợp với thị trường châu Âu. Tất cả những lô hàng Phúc Sinh xếp đi châu Âu dưới dạng chứng thư này đều được đảm bảo chất lượng. Các lô hàng khác Phúc Sinh cho kiểm hết với chi phí rất cao, trung bình 1.800 USD/container (40 feet). Trung bình 1 tháng xuất khẩu 120-140 container, Phúc Sinh đã phải tốn rất nhiều chi phí.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh. Ảnh: Sơn Phạm |
Trong thời điểm này, giải pháp phân loại đơn hàng tiền nào của nấy lại rất hiệu quả. Lô hàng nào vượt giới hạn cho phép được xếp vào đơn hàng ở những thị trường chưa cấm. Lô hàng đã qua kiểm tra và không bị vướng điều kiện sẽ được xuất khẩu vào châu Âu.
Với kinh nghiệm gần 20 năm, ông Thông hiểu quy luật của thị trường và độ trễ của các đơn hàng. Đúng như dự đoán, sau khi giá tiêu xuống thì lên lại, giá lên chắc chắn sẽ khan hàng. Mặc cho sự cố xảy ra, Phúc Sinh vẫn mua hàng vào và xếp hàng dài những lô hàng trên biển để chờ cơ hội xuất đi. “Phúc Sinh phải làm rất nhiều bài toán như thế thì lúc nào cũng nắm được thị trường”, ông Thông chia sẻ.
Phúc Sinh là công ty có uy tín ở Việt Nam, Indonesia, châu Âu, Mỹ, Canada... và được nhiều đối tác biết đến. Chỉ tính riêng doanh thu năm 2015, Phúc Sinh đạt 250 triệu USD/tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu cả nước 1,27 tỉ USD. Cũng may mắn, thời điểm đi chào hàng, giá tiêu Việt Nam lại thấp hơn giá tiêu thế giới. Do đó, đây là thuận lợi cho Phúc Sinh khi thương thuyết với khách hàng.
Sau sự cố, doanh thu của Công ty trong các tháng tăng đều đặn, tính đến nay, doanh thu đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Mọi năm, riêng nhà máy Phúc Sinh làm 12.000 tấn thì năm nay làm 21.000 tấn, chưa kể hàng mua thương mại và chuyển khẩu. Năm nay, Công ty xuất 21.000 tấn tiêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới là 350.000 tấn. Thậm chí, những mặt hàng khác như cà phê, gạo, ớt, dừa, nghệ, quế, hoa hồi... của Phúc Sinh cũng được ăn theo tiêu và doanh thu tăng cao hơn những năm trước.
Có được điều này là do ông Thông đã nỗ lực trong 6 tháng liên tục đi gặp tất cả khách hàng, đang mua và những khách hàng tiềm năng, giải thích thông tin và kể lại câu chuyện của Công ty. Qua đó, ông đồng thời xác nhận những lô hàng xuất khẩu của Phúc Sinh đều phù hợp với tiêu chuẩn của châu Âu. “Tôi đi suốt 6 tháng liên tục, trong khi mọi năm, cách tháng mới đi”, ông Thông chia sẻ. Khách hàng dần hiểu ra, sự cố vừa qua chỉ là chiêu bài mà các công ty khác muốn dùng để triệt tiêu Phúc Sinh. Thay vì từ bỏ, có những khách hàng lại mua gấp đôi.
Thậm chí, khi sự cố đi qua, Phúc Sinh nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ khách hàng Mỹ và mọi chuyện dần đi vào quên lãng. Không ngủ quên trên chiến thắng, Công ty vẫn tiếp tục quảng bá và giới thiệu sản phẩm ở nhiều nước trên thế giới.
Nhận thấy thị trường châu Âu quan tâm đến an toàn sản phẩm, 8 năm trước, Phúc Sinh đã đầu tư phòng thí nghiệm lớn, hiện đại đủ khả năng tự kiểm hàng của mình, sau đó gửi đi châu Âu thử mẫu. Chính phòng thí nghiệm với những tiêu chuẩn chất lượng giúp Công ty chứng minh được chất lượng sản phẩm với thế giới.
Có rất nhiều người đợi chờ sau vụ này, Phúc Sinh bị sụp đổ nhưng ngược lại, Công ty tăng trưởng nhanh và doanh thu năm nay đạt khoảng 300 triệu USD với lợi nhuận trước thuế 80-100 tỉ đồng và vẫn tiếp tục xây thêm nhà máy. Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến tháng 11 vừa qua, Phúc Sinh đứng vị trí đầu bảng về xuất khẩu tiêu với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 135 triệu USD, trong khi công ty FDI là Olam đứng thứ 2 với 101 triệu USD.
“Một công ty tư nhân như Phúc Sinh chỉ cần đứng thứ 2 là đã mừng rồi”, ông Thông chia sẻ. Công ty Olam vốn là tập đoàn lớn tại châu Âu, Mỹ, Indonesia..., hơn 5 năm trước luôn đứng đầu bảng tại Việt Nam, nhưng vài năm trở lại đây đã tụt sau Phúc Sinh mặc dù được Tập đoàn Temasek mua lại với giá 4,5 tỉ USD.
Nhiều đối tác nước ngoài gặp ông Thông đều nói, Phúc Sinh là công ty Việt Nam nhưng phong cách rất khác. Người Việt hay hét lên và lo lắng nhưng công ty này vẫn mải miết làm và giờ có vị trí xuất khẩu cao. Chỉ tính riêng tháng 10 vừa qua, Phúc Sinh đã xuất khẩu 14 triệu USD, vượt xa so với 9 triệu USD của Olam. Phúc Sinh được mọi người trong giới gọi là “Vua hồ tiêu” vì sản lượng xuất khẩu lớn trên toàn thế giới nhưng cũng còn lý do khác: Tổng Giám đốc Phan Minh Thông, người sáng lập Phúc Sinh cách đây 15 năm khi còn rất trẻ. Ở thời điểm hiện tại, ông mới bước sang tuổi 41. Cũng chính Phúc Sinh là doanh nghiệp xây dựng mô hình sạch từ đầu vào đến cuối sản phẩm nâng giá trị cho hồ tiêu của nông dân Việt. Nhưng đó lại là một câu chuyện thú vị khác của Phúc Sinh.
Thanh Hương