Bà Trần Phương Nga, CEO của Thiên Long. Ảnh: ThienLong.

 
Ngọc Thủy Thứ Tư | 28/02/2024 11:31

Bà Trần Phương Nga, CEO Thiên Long: Tận hưởng sự học

"Học hỏi sẽ cho chúng ta tri thức. Tri thức cộng với ham thích mới đưa tới lâu bền và lan tỏa, cả chiều rộng lẫn chiều sâu".

Bà Trần Phương Nga, CEO của Thiên Long tự thấy mình rất có duyên với giáo dục. Bà xuất thân trong gia đình có bố mẹ là giáo viên. Cả bố mẹ chồng, chồng, em chồng cũng đều là những nhà sư phạm. Riêng Thiên Long, nơi bà Trần Phương Nga về đầu quân suốt 12 năm nay là Tập đoàn văn phòng phẩm chiếm thị phần dẫn đầu Việt Nam. Dù Thiên Long không phải là tổ chức giáo dục nhưng hoạt động của Thiên Long lại gắn liền với giáo dục.

Làm sao để hỗ trợ giáo dục tốt nhất theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu là điều Thiên Long trăn trở. Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đã có buổi trao đổi với bà Trần Phương Nga về câu chuyện này.

Học là một niềm vui

Giáo dục ở Việt Nam hiện vẫn tập trung nhiều cho mục tiêu học để làm việc. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi không đồng tình lắm. Mỗi thời kỳ có những hoàn cảnh khác nhau. Thời xưa còn nghèo còn khổ, chúng ta đều tập trung học để đổi đời. Ngay từ thời cấp 2, tôi đã xác định phải học thật giỏi để kiếm học bổng du học, để thay đổi cuộc sống mình. Khao khát học tập mãnh liệt đến mức tôi không chấp nhận cả việc mình mất nửa điểm hay một phần tư điểm. Tôi sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng để học. Tôi định cho mình lộ trình phải thủ khoa cấp 2, cấp 3, thi học sinh giỏi quốc gia… với mục đích cuối cùng là giành học bổng du học.

Tôi cho rằng, học để đổi đời, vì tương lai sự nghiệp cũng là một mục tiêu tốt. Nhưng trong thời đại ngày nay, nếu chúng ta chỉ hướng tới một mục tiêu ấy thì không phù hợp. Học tập còn cần là một niềm vui, một sự tận hưởng, không nên chỉ giới hạn trong kiến thức mà cần mở rộng ra các kỹ năng. Ví dụ một người cần học biết cách chăm sóc sức khỏe tốt, biết cách quan tâm tới bản thân và người khác... Rõ ràng, ở mỗi thời đại khác nhau thì mục tiêu học tập cũng đã khác. Chính sự đa dạng mục tiêu sẽ như gia vị làm cho sự học trở nên thú vị, dễ hấp thu và trở thành một sự tận hưởng.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, học sinh ngày nay biết tận hưởng việc học hơn, từ học qua trò chơi, video đến học qua các buổi hướng nghiệp, dã ngoại, ngoại khóa… Các em không chỉ học kiến thức ở trường mà còn học đàn, học vẽ, học hát múa, thể thao. Điều này làm cho học sinh ngày nay phát triển toàn diện, đồng bộ hơn. Nhưng thách thức mới cho các em là phải “vượt sướng” khi điều kiện sống của nhiều em bây giờ đầy đủ, ít khó khăn hơn.

Vì sao Thiên Long lại nhấn mạnh yếu tố “học hỏi” thay vì “học tập” trong tầm nhìn “truyền cảm hứng và cung cấp các giải pháp toàn diện để học hỏi hạnh phúc trọn đời” của mình?

Thiên Long đề cao việc học hỏi hơn học tập vì cứ mỗi lần hỏi là mỗi lần học, không cần phải có giấy bút sách vở. Học hỏi không bị giới hạn như học tập, có thể học qua nhiều phương cách, tình huống và nhất là có thể theo đuổi việc học suốt đời.

Nhưng để có thể dấn bước học hỏi trọn đời trong môi trường đã có nhiều thay đổi như ngày nay, con người rất cần được truyền cảm hứng. Thiên Long mong muốn truyền cảm hứng học hỏi đến không chỉ đến học sinh mà cả nhân viên, đối tác, khách hàng, cổ đông.

Khi con người không ngừng học hỏi, đời sống sẽ càng phong phú, giá trị bản thân cũng nâng lên. Chẳng hạn, nếu cha mẹ ông bà lớn tuổi mà vẫn say mê học hỏi, họ sẽ sống tốt hơn và truyền cảm hứng đến người trẻ. Còn khi nhân viên ham thích học hỏi, họ sẽ vừa cải thiện năng lực vừa thêm gắn bó với công ty. Đó là lý do vì sao ở Thiên Long, quà tặng cho nhân viên xuất sắc cuối năm là sách bên cạnh các phần thưởng, quà tặng khác. Tôi tự chọn sách cho từng người, gởi vào đó những lời nhắn nhủ riêng với ước mong có thể kích thích niềm yêu thích học hỏi cho nhân viên.

Thiên Long muốn thấy nhân viên học hỏi mọi lúc mọi nơi, qua các khóa đào tạo online, offline, qua các phản hồi từ khách hàng, qua học cách chia sẻ (share to be shared), học cách cảm ơn, tổng hợp thông tin... Theo tôi, học hỏi chính là cơ hội để mỗi người phát triển và góp phần giúp tái tạo công ty. Chỉ khi học hỏi trọn đời, chúng ta mới đạt tới hạnh phúc bền lâu.

 

Thiên Long đã làm gì để góp phần giúp mọi người “tận hưởng sự học”?

Chúng tôi tạo trải nghiệm thích thú cho người học và phục vụ nhu cầu học hỏi trọn đời. Ví dụ, một cây bút của Thiên Long không phải chỉ là cây bút mực màu xanh, đỏ, tím, đen… mà còn là tác phẩm nghệ thuật, với đường nét, kiểu dáng, màu sắc sặc sỡ bắt mắt, cho cảm nhận mượt mà, thích thú và mang phong cách riêng phù hợp với từng cá nhân. Thiên Long cũng tạo những bộ đồ chơi, sách truyện… để hỗ trợ việc học. Từng chút, Thiên Long góp phần giúp việc học trở nên dễ dàng, thú vị hơn. Bên cạnh đó, Thiên Long còn xây dựng nhiều giải pháp toàn diện cùng những chương trình xã hội lan tỏa như “Vì mái trường xanh”, “Ngày hội sắc màu”, “Tiếp sức mùa thi”... để không chỉ học sinh mà cả giáo viên, phụ huynh, nhân viên cũng được thúc đẩy niềm ham thích học hỏi.

Tôi nhớ trên chuyến bay đi nước ngoài lần đầu tiên, khi hỏi vị khách ngồi gần “ông có thích công việc của ông không?”, mắt ông ta sáng lên và nói “ồ, yêu yêu lắm”. Lúc ấy, cũng câu hỏi này đem hỏi nhiều người Việt khác, tôi nhận được câu trả lời khác hẳn. Chúng ta vẫn còn tâm thế của người đi làm kiếm thu nhập hơn là kiếm tìm niềm vui, đam mê học hỏi. Vì thế, tôi cho rằng, bất kỳ tổ chức nào nếu có thể truyền cảm hứng, giúp khơi dậy, cổ vũ tinh thần ham học hỏi trọn đời cho người dân thì đều là tổ chức xã hội đáng tự hào.

Suy cho cùng, truyền cảm hứng là hoạt động “đẩy” sau khi đã sống tích cực (vào) và tích lũy học hỏi (giữ). Tôi tin hễ làm tốt 3 yếu tố: có thái độ tích cực, đam mê học hỏi và biết chia sẻ, kể cả chia sẻ kinh nghiệm thất bại, xem “share to be shared” là một điều gì rất tự nhiên thì thành công sẽ tới, tiền bạc cũng tự tới.

Một cây bút của Thiên Long không phải chỉ là cây bút mực màu xanh, đỏ, tím, đen… mà còn là tác phẩm nghệ thuật
Một cây bút của Thiên Long không phải chỉ là cây bút mực màu xanh, đỏ, tím, đen… mà còn là tác phẩm nghệ thuật.

Mọi người đều có cơ hội

Để một người cảm thấy sự học là niềm vui, là hạnh phúc và muốn học hỏi suốt đời, người đó cần bắt đầu từ đâu?

Tôi có may mắn là cha mẹ không áp đặt chuyện học hành lên tôi. Họ muốn thấy tôi ham thích học hỏi hơn là chỉ chú ý tới học tập. Chính cha mẹ tôi còn khuyên tôi học ít lại, xem phim giải trí đi. May mắn khác là từ nhỏ, tôi sống và học tập trong những môi trường gieo vào lòng trẻ con niềm tự tin, thấy mình giỏi giang, được khích lệ, khen ngợi, cổ vũ. Tôi cũng là người có sở thích đọc sách và đã đọc được nhiều tri thức về thế giới, cho tôi những cảm nhận tươi đẹp về cuộc sống này. Tôi cũng đã gặp gỡ được nhiều người có quan điểm tích cực, cổ vũ tôi học hỏi. Từ đây, tôi luôn đặt những câu hỏi “tại sao”: Tại sao có những người tích cực như vậy? Tại sao họ thích học? Tại sao họ thích làm? Tại sao họ sống hạnh phúc?... Tôi nghĩ, giai đoạn học sinh rất quan trọng để xây dựng nền tảng và định hình nên thói quen ham thích học hỏi. Nhưng nếu ta không được may mắn hoặc đã vô tình bỏ quên thì bất cứ lúc nào ta cũng có thể bắt đầu lại, không bao giờ là trễ.

Tôi nghĩ việc cần làm trước tiên là tự đặt cho mình câu hỏi “tại sao tôi muốn?” Nếu bản thân không rõ ràng về động cơ và mục tiêu, việc học sẽ chỉ là gượng ép. Ngoài ra, khi biết đặt câu hỏi “cái gì cản trở tôi muốn?”, chúng ta sẽ từ từ xóa bớt các rào cản. Chúng ta cũng đừng tự ti mình học chậm, học dở mà hãy tự nói với chính mình “tôi muốn học hỏi”. Đó cũng là một cách xây dựng cảm xúc. Chúng ta cần có cảm xúc thì mới kiên trì, vui thích theo đuổi việc học trọn đời.  

Có phải chỉ người có điều kiện kinh tế tốt thì mới có thể học hỏi trọn đời, còn người khó khăn sẽ khó lòng chạm tới?

Đành rằng khó quá sẽ “bó cái khôn” nhưng cái khó cũng làm “ló cái khôn”. Các tấm gương hiếu học đã cho thấy, khó khăn thường là cơ hội để mỗi người bật dậy mạnh mẽ. Chỉ cần quyết tâm, mỗi người đều có thể học hỏi dù việc học có thể phải chậm hơn và phải qua nhiều ngã đường khác nhau, như vừa học vừa làm, cần đến sự trợ giúp của các chương trình vay vốn, cấp học bổng vượt khó… Nỗi khổ này, nhiều thế hệ học sinh đi trước đã trải qua. Ngày ấy, Việt Nam còn chưa có internet để mở toang cánh cửa tự học như hiện nay.

Theo bà, những biến chuyển nào sẽ đến cho Việt Nam nếu ngày càng nhiều người dân tìm thấy niềm vui thích, hạnh phúc trong học hỏi?

Thiên Long vẫn đang kiên trì từng chút cho ước mơ ngày càng có nhiều người Việt Nam chọn “học hỏi hạnh phúc trọn đời”. Khi ai nấy có đam mê học hỏi, họ sẽ nhìn thấy cơ hội học hỏi ở khắp nơi. Tôi nhớ ngày mình mới đi làm, hết giờ làm, tôi cũng đi ra quẹt thẻ nhưng rồi vào làm tiếp tới 10 giờ đêm, để tránh công ty trả tiền ngoài giờ cho việc học hỏi của tôi. Cứ miệt mài như thế để học cái mới, nắm bắt cái mình chưa biết trong công việc. Bây giờ dù có rất ít thời gian nhưng tôi vẫn đặt mục tiêu dành ra ít nhất 5 phút mỗi ngày để học tiếng Nhật. Tôi muốn học tiếng Nhật như một sự tận hưởng, với niềm vui thấy mình đã gần 50 mà vẫn có thể học thêm một ngôn ngữ mới.

Từ những con người đam mê học hỏi, chúng ta sẽ tiến đến tổ chức học hỏi, quốc gia học hỏi. Học hỏi sẽ cho chúng ta tri thức. Tri thức cộng với ham thích mới đưa tới lâu bền và lan tỏa, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Khi đó, chúng ta không chỉ đạt kết quả mà còn tạo ra những kết quả đột phá.