Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN: “Nghĩ lành & làm vững”
Những ngày cuối năm 2023, hẹn gặp Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN thật khó. Khi thì bà có mặt tại Dubai dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới lần thứ 28 (COP28), lúc lại về Bến Tre chủ trì CEO Summit toàn Tập đoàn, rồi lại tất bật chuẩn bị đi Hậu Giang ký kết hợp tác xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo tại Festival Lúa gạo quốc tế.
Nữ CEO Nguyễn Thị Trà My đảm trách nhiều nhiệm vụ nhưng vai trò lớn nhất mà cũng là sở trường của bà là thúc đẩy sự phát triển bền vững ở PAN, kết nối, thuyết phục các CEO ở những công ty thành viên đồng tình với chiến lược và mục tiêu chung của Tập đoàn cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp. “Đây là các nhiệm vụ không dễ dàng”, bà Trà My xác nhận nhưng cảm thấy bản thân có duyên và yêu thích công việc này.
Đường đến với bền vững
Được biết, các hoạt động bền vững được triển khai tại PAN từ sớm, phải không thưa bà?
Từ khi tôi còn làm ở tập đoàn đa quốc gia, sếp cũ đã dạy tôi về các giá trị của phát triển bền vững. Ông sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để Công ty sử dụng loại giấy không gây ô nhiễm môi trường. Khi tôi đồng sáng lập PAN Group (năm 2012) và sau đó tham gia điều hành trực tiếp với vai trò Tổng Giám đốc (năm 2018), một trong những việc đầu tiên tôi làm là treo lên tường 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc. Khi ấy, khách đến thăm đã rất ngạc nhiên. Về sau có dịp xem lại những bức hình cũ, chúng tôi cùng ồ lên “hóa ra PAN đã quan tâm ESG sớm đến thế!”.
Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam trao biên bản ghi nhớ tại COP28 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ. |
Chúng tôi đã thực hiện ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) từ những bước đầu tiên như minh bạch thông tin, là một trong các công ty thực hiện báo cáo phát triển bền vững sớm nhất, tạo môi trường làm việc lành mạnh, luôn trả lương và bảo hiểm cho nhân viên đầy đủ, quan tâm đến lợi ích các bên (khách hàng, nông dân, cổ đông, đối tác...).
PAN cũng vừa tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Chính phủ. Trước mắt, các công ty thành viên của PAN gồm Vinaseed, VFC và đối tác phân bón Bình Điền II đã ký kết hợp tác cùng tham gia chuỗi giá trị lúa gạo để hỗ trợ nông dân giảm chi phí giống, nông dược, phân bón và tăng thu nhập.
Trái ngọt do đầu tư sớm cho ESG chắc cũng đến sớm...?
Hiệu quả từ đầu tư vào ESG rất lớn. Nhờ đó, PAN đã có thể đưa hàng xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao về ESG như EU, Mỹ và Nhật. Đây cũng là 3 thị trường trọng điểm của chúng tôi, chiếm 90% doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, các sản phẩm của PAN như tôm, gạo đều xuất khẩu với giá cao hơn các công ty cùng ngành. Ví dụ, gạo của PAN đang xuất đi với giá trên 1.000 USD/tấn do là loại gạo đóng túi chất lượng cao, có thương hiệu.
ESG còn giúp PAN tiếp cận với nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính. Vừa qua, trong khuôn khổ COP28, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và PAN đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính ESG. Theo tôi, ESG không chỉ tác động đến kinh doanh mà còn giúp phát triển thương hiệu, gia tăng uy tín và giúp Công ty quản lý rủi ro tốt nhất.
ESG và phát triển bền vững nói chung là khoản đầu tư dài hạn, tốn kém. Đầu tư nông nghiệp cũng vậy. Làm sao xoay xở và cân đối dòng vốn cho cả 2 lĩnh vực này?
Chúng tôi vẫn phải dùng đến 2 nguồn vốn: nội lực và huy động từ bên ngoài. Với nội lực, PAN khai thác tối ưu nguồn lực nội bộ, đầu tư vào ESG theo cách làm ít tốn chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, chúng tôi tận dụng tốt sự hỗ trợ từ các cổ đông lớn như IFC để xây dựng nền tảng và hệ thống quản trị ESG của mình. Với vốn quốc tế, tôi tin chắc dòng vốn sẽ ngày càng tìm đến nhiều hơn với những công ty có chiến lược ESG bài bản.
Với lợi thế về canh tác nông nghiệp, vai trò của Việt Nam trên thị trường lương thực, thực phẩm toàn cầu sẽ ngày càng tăng. Vì thế, dù thị trường còn khó khăn, chúng tôi vẫn tích cực đi gặp gỡ các đối tác, giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, không ngừng hoàn thiện nội lực để ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Quan điểm của tôi là cứ làm tốt và làm hết sức thì mọi thứ tốt đẹp sẽ tới.
Kiên trì mục tiêu
Nhờ làm tốt hoạt động bền vững mà tình hình kinh doanh năm qua của PAN vẫn ổn định trong bối cảnh khó khăn chung?
Xét về kinh doanh, có lẽ PAN Group không đạt mục tiêu doanh thu 15.000 tỉ đồng như kỳ vọng trước nhiều yếu tố bất lợi trong năm qua. Nhưng PAN tự hào vì tuy kinh tế khó khăn, thị trường không thuận lợi, các thành viên của PAN vẫn có lãi, vẫn tăng trưởng và có sự vượt trội hơn so với trung bình ngành.
Sản phẩm gạo của Tập đoàn PAN đang được xuất khẩu với giá hơn 1.000 USD/tấn. |
2023 là năm chứng kiến nhiều thay đổi ở PAN. Thế giới bất định thôi thúc PAN nghiên cứu đổi mới sản phẩm hơn, nâng cao năng lực để theo kịp yêu cầu mới. Chẳng hạn, ở mảng tôm, PAN đã tăng năng suất lên gấp đôi, tăng tỉ lệ tự chủ vùng nuôi, chế biến sâu (với rau củ quả) và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, FMC, thành viên của Tập đoàn, đã nhận được chứng nhận Fair Trade (Thương mại Công bằng), đánh dấu bước tiến trong sứ mệnh phát triển bền vững. Cách thức kinh doanh của PAN cũng có nhiều thay đổi. Chúng tôi đã đa dạng kênh bán hàng hơn, từ offline đến online, từ trong nước đến xuất khẩu và đã bán hàng xuyên biên giới trên Amazon hay tại các hệ thống lớn như Costco, Tesco...
Để vừa đi nhanh vừa đi xa, PAN một mặt mở rộng hệ sinh thái, mặt khác tăng cường gặp gỡ kết nối với các đối tác quốc tế. Đó không chỉ là các tổ chức giàu tiềm lực tài chính mà họ phải ở vị thế lớn trong ngành để có thể hỗ trợ PAN về công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm và thị trường.
Trước đối tác uy thế, PAN có thấy mình nhỏ bé?
Không. Trái lại, tôi nhận thấy, chỉ ở ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam khi đi ra thế giới mới ở vị thế của kẻ dẫn đầu, tự tin mình không thua kém bất kỳ tên tuổi nào. Hiện nay, nhiều mảng trong lĩnh vực nông nghiệp như gạo, cà phê..., chúng ta đang ở nhóm đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong ngành nông nghiệp, không phải muốn đạt quy mô lớn là lớn ngay được. Nông nghiệp cần các bước đi chậm mà chắc, cần kiên định với các mục tiêu cốt lõi, cần biết tạo sức mạnh nhờ kết hợp, cộng hưởng sức mạnh của nhiều bên, từ đối tác đến người nông dân. Làm nông nghiệp muốn lâu dài, muốn vươn xa, vì lý tưởng tạo ra một nền nông nghiệp lớn mạnh, ngoài cái tâm tử tế, bắt buộc phải có hợp tác. PAN từng biến một đối thủ thành đối tác và tôi tin rằng, hợp tác bắt tay sẽ là tất yếu của ngành này.
Nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro. Hệ sinh thái của PAN được hoàn thiện có thể dự phòng cho những rủi ro này?
Để làm nông nghiệp quy mô lớn, ngoài kiểm soát đầu vào, cần đảm bảo đầu ra. Do vậy, PAN có thêm mảng thực phẩm để bổ trợ cho nông nghiệp. Hiện nay, chúng tôi vẫn quyết tâm tập trung cho nông nghiệp - thực phẩm. Năm 2024 PAN có thể sẽ mở rộng ở mảng rau củ, phân bón. Chúng tôi sẽ mở rộng và đa dạng trong hệ sinh thái trước đã. Còn việc mở rộng ra những ngành khác thì phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng công ty thành viên.
Chắc chắn PAN và các đơn vị thành viên sẽ liên tục thay đổi để thích ứng với sự dịch chuyển của thị trường. Chúng tôi đang thúc đẩy đưa ra thị trường các sản phẩm mới, mang lại giá trị cao hơn, ví dụ kết hợp giống - phân - thuốc theo từng loại cây trồng để nông dân có thể tối ưu hóa mùa màng, năng suất và chi phí.
Với các sản phẩm thủy sản, PAN sẽ tiếp tục nâng cấp về độ chế biến sâu để có thể bán thẳng vào các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Bằng chứng là FMC và ABT là 2 doanh nghiệp dẫn đầu trong xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường Nhật.
Nông nghiệp Việt Nam được định hướng phát triển bền vững nhưng đối mặt với nhiều rào cản về kỹ thuật, vốn, con người... Theo bà, phải bắt đầu từ đâu để giải quyết những bài toán này?
Chắc chắn là phải bắt đầu từ con người, đặc biệt là người trực tiếp tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp, cụ thể là nông dân. Muốn phát triển bền vững nông nghiệp thì bằng mọi cách phải giúp nông dân đảm bảo cuộc sống tốt, phải xây dựng nông thôn trở nên phồn thịnh, đáng sống. Đó cũng là lý do PAN vừa hợp tác với tỉnh Đồng Tháp để xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” với mục tiêu giúp nông dân tăng thu nhập ổn định, đồng thời đảm bảo sức khỏe nhờ giảm phát thải và bảo vệ môi trường nông thôn.
Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ tâm tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan gần đây khi đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều thách thức: năm 2022, tỉ lệ sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng nửa triệu sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Để góp phần giải quyết thực trạng này, PAN đã dành 3 tỉ đồng trong 3 năm để cấp học bổng, tổ chức thực tập, tạo việc làm... cho sinh viên các trường đại học khối nông nghiệp.
Mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn... đang trở thành tiêu chuẩn xuất khẩu mới trên thế giới. Đây là sức ép đối với nông sản, thủy sản... của Việt Nam. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Thực tế, các thị trường cao cấp như châu Âu, Nhật, Bắc Mỹ... đã chuyển dịch theo xu hướng này từ lâu và những tiêu chuẩn cho hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm xuất sang các thị trường này ngày càng được nâng cao hơn. Đây chắc chắn là thách thức với các nước có nền kinh tế mở và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam.
Chúng ta càng nhận thức sớm và có lộ trình “chuyển đổi xanh” sớm thì càng tận dụng được cơ hội và có lợi thế cạnh tranh. Do vậy, tôi hết sức ủng hộ việc Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc đạt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050. Đã có nhiều ý kiến nghi ngại về mục tiêu quá tham vọng của Việt Nam. Nhưng cũng nên đặt câu hỏi: nếu không đưa ra mục tiêu cao rồi nỗ lực thực hiện thì bao giờ chúng ta có thành quả?
Rõ ràng từ COP26 đến nay, Chính phủ đã ra một loạt quyết sách để hiện thực hóa mục tiêu trên, trong đó phải kể đến Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao”. Đề án này sẽ tác động lớn đến nông nghiệp Việt Nam những năm tới theo hướng tích cực.