Bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, CEO Clover Montessori.

 
Thanh Hằng Thứ Hai | 11/03/2024 16:07

Bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc: Người viết công thức Clover Montessori

Ở ngôi trường mà ngày 20/11 là ngày dành để tri ân cha mẹ của trẻ nhỏ, những người thầy đầu tiên và suốt đời của chúng...

Đứng lặng lẽ ở cuối phòng học, bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc xúc động nhìn những đứa trẻ tuổi lên 4, lên 5 đang quỳ xuống đất trước mặt cha mẹ của mình, nâng niu những bàn chân của họ và lau bằng những mảnh khăn trắng với thái độ trân trọng. Đó là hành động tri ân “người thầy đầu tiên” - cha mẹ trong ngày lễ Nhà giáo 20/11 được tổ chức thường niên ở Clover Montessori.

Bà Trúc đã lập nên chuỗi trường Clover Montessori vào mùa thu 7 năm trước, năm 2017. Hai năm sau khi mở cơ sở đầu tiên tại Lake View City tại thành phố Thủ Đức, bà đã mở thêm chi nhánh thứ 2 ở Phú Mỹ Hưng. Đại dịch COVID-19 khiến tốc độ mở trường không như kỳ vọng, nhưng sống sót được qua 3 năm dịch bệnh cũng đã là một kỳ tích trong một thị trường mà số cơ sở mầm non tư nhân rao bán ngày càng tăng.

 

Trong thị trường đầy khó khăn, bà nhìn thấy cơ hội để đẩy nhanh tốc độ mở rộng mô hình bằng cách đóng gói quy trình vận hành trường học thành những gói có vốn đầu tư vừa phải khoảng 2 tỉ đồng cho một cơ sở quy mô 50 học sinh. “Đây là công thức quan trọng để hệ thống Clover Montessori gia tăng độ phủ mạnh mẽ trong thời gian tới, thông qua cả con đường trực tiếp là tự mở cơ sở mới, hoặc gián tiếp bằng cách chuyển đổi mô hình của những trường mầm non tư nhân có sẵn”, nữ CEO của Clover Montessori giải thích.

Lựa chọn phương pháp giáo dục mầm non phổ biến là Montessori, bà Trúc đã có những tùy biến riêng để tạo dấu ấn cho ngôi trường. Giáo viên trong trường không nhận quà trong bất cứ dịp lễ nào để tạo sự công bằng cho tất cả trẻ nhỏ. Thay cho ngày lễ tưng bừng dành cho giáo viên thường thấy ở các trường khác, 20/11 là ngày dành để tri ân cha mẹ của trẻ nhỏ, những người thầy đầu tiên và suốt đời của chúng. 

Triệt để thực hiện triết lý tôn trọng người thầy trong trẻ của phương pháp Montessori, bà đã đầu tư 3 tỉ đồng để viết phần mềm riêng có thể theo dõi sự phát triển của từng cá nhân, từ đó đưa ra chương trình hỗ trợ phù hợp trong từng thời điểm đối với mỗi trẻ. Khi tập hợp các tín hiệu cho biết trẻ đã sẵn sàng để thực hành một kỹ năng mới, chẳng hạn tần suất và thời gian chơi với học cụ chữ đủ lâu để trẻ bắt đầu học chữ, ứng dụng sẽ thông báo đến giáo viên và phụ huynh để phối hợp cùng nhau. 

Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng năm 1993, bà Trúc bắt đầu sự nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng và đã gắn bó với Sacombank trong 13 năm trước khi tạm dừng công việc. Ở độ tuổi 36, bà chuyển hướng sang làm giáo dục bằng việc mở trường VStar ở quận 7. Nhưng sự chuyển hướng này có “căn cơ” khi bà Trúc sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục, mẹ là giáo viên tại một trường tiểu học tại Tiền Giang.

Mười năm tại VStar, song song với việc đồng hành cùng cô con gái nhỏ chậm phát triển ngôn ngữ đã cho bà Trúc một góc nhìn mới về phương pháp giáo dục. Càng dấn sâu vào con đường giáo dục, bà càng thấy sự hiểu biết của mình trở nên nhỏ bé.

 

Hai lần học tập tại Fulbright cách nhau gần 20 năm, lần đầu là chương trình ngắn hạn một năm vào năm 2001 và lần sau là chương trình thạc sĩ năm 2020, đã mở rộng suy nghĩ và tầm nhìn của bà Trúc về nhiều mặt, trong đó có lãnh đạo và quản trị con người. Quản trị con người là một trong những vấn đề khó nhất, nhưng lại quan trọng nhất. “Nó quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp”, bà tâm sự. Bà đã từng thất bại khi bê nguyên hình mẫu quản trị mà bà từng rất thành công tại ngân hàng qua quản trị giáo dục và mất khoảng 2 năm để nhận diện ra được vấn đề ấy.

Rời khỏi VStar, bà thành lập Clover Montessori vào năm 2017. Cũng giống như ngôi trường trước, lần này bà cũng dành một năm để cùng đội ngũ 6 giáo viên đầu tiên được đào tạo bài bản từ Học viện Montitute (Mỹ) về phương pháp Montessori. Đặc điểm nổi trội ở phương pháp học tập này là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ, giáo viên đóng vai trò người hướng dẫn.

Đây cũng là thời gian bà hiểu những sai lầm trong phương pháp giáo dục 2 người con vào những năm tháng đầu đời đã để lại dấu ấn nặng nề đến hết cuộc đời của họ như thế nào. Chọn giáo dục mầm non, bà không còn có thể quay về để sửa chữa sai lầm, nhưng là để đúc nền móng cho những mầm non khác đang lớn lên và có thể cho thế hệ cháu chắt sẽ ra đời trong tương lai.

“Khi ấy có rất nhiều trường lớn đến để tuyển giáo viên, nhưng sau khi nghe chị Trúc chia sẻ, em đã chọn chị ấy”, Nguyễn Diệu Quyên nhớ lại ngày hội tuyển dụng ở Trường Đại học Sư phạm nhiều năm về trước. Vào Clover Montessori từ những ngày đầu tiên khi là cô sinh viên vừa tốt nghiệp, nay Quyên đã là Tổng Hiệu trưởng của cơ sở Clover Montessori đầu tiên tại Thủ Đức.

Lộ trình nghề nghiệp rõ ràng là một cơ chế bà Trúc đã xây dựng cho những giáo viên. “Các cô giáo sau khi làm một thời gian có thể đảm nhiệm chức vụ quản lý, từ đó lên làm hiệu trưởng rồi đến giám đốc cơ sở. Từ làm thuê, cô giáo có thể trở thành người làm chủ”, bà Trúc phân tích.

Với mức học phí từ 10-12 triệu đồng tùy địa điểm, 2 cơ sở có tổng quy mô gần 250 học sinh đang được lấp đầy 70%. Đến nay, 2 cơ sở ban đầu đã đạt mức hoàn vốn, cho phép bà tin tưởng vào khả năng mở rộng của mô hình. Mức học phí này tương đương với các trường mầm non tư nhân theo đuổi những phương pháp giáo dục xem học sinh làm trung tâm như Montessori, Steiner hay Reggio Emilia tại TP.HCM, trong đó bao gồm chi phí học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài, học kỹ năng như bơi lội, STEAM... Tuy vậy, để tăng khả năng mở rộng, học phí trong các gói chuyển nhượng được giảm đến mức cơ bản vào khoảng 6-7,5 triệu đồng.

Với sự hỗ trợ của người bạn đời là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài chính, bà Trúc kỳ vọng chuỗi trường Clover Montessori có thể tăng nhanh trong 2 năm tới tại TP.HCM thông qua hình thức thành lập mới hoặc mua cổ phần. “Sau đó, chúng tôi sẽ thực hiện IPO”, bà tin tưởng khi nói về tương lai.