Ảnh: baomoi.com
Bà Cao Thị Ngọc Dung & “Oscar kim hoàn châu Á”
Jewellery News Asia (JNA), tạp chí chuyên ngành trang sức uy tín số 1 châu Á, vừa vinh danh “Thành tựu trọn đời” ngành kim hoàn châu Á cho bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty PNJ. Đây được ví như một giải “Oscar của ngành kim hoàn châu Á”.
Vực dậy ngành kim hoàn
Theo đánh giá của Ban Giám khảo JNA, bà Cao Thị Ngọc Dung là người đã đóng góp to lớn cho công cuộc làm sống lại nghề kim hoàn Việt Nam. Đánh giá này không cảm tính mà dựa trên nhiều phân tích. Còn nhớ năm 1988, cột mốc bà Dung chính thức nhận nhiệm vụ và gầy dựng PNJ, ngành kim hoàn Việt Nam gần như bị mai một. Ở thời điểm đó, ngay việc muốn mua chiếc nhẫn cưới, người dân cũng phải đến cửa hàng vàng bạc của Ngân hàng Nhà nước xin giấy phép. Các sản phẩm giao dịch trên thị trường chủ yếu là vàng miếng. Vì thế, ở thời điểm mới ra đời, PNJ cũng có sản phẩm là vàng miếng Phượng Hoàng (năm 1989), tồn tại song song với vàng miếng Rồng Vàng của SJC.
Tuy nhiên, trong thâm tâm, bà Dung nuôi giấc mơ về thương hiệu trang sức của Việt Nam. Đầu năm 1990, khi TP.HCM có chủ trương hóa giá nhà tính bằng vàng SJC, bà Dung nhận thấy, nếu vẫn tập trung vào vàng miếng, PNJ sẽ khó cạnh tranh được với SJC. Bà quyết định dồn toàn lực sang phát triển ngành nữ trang. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng ở PNJ, cho thấy tầm nhìn nhạy bén của người nữ lãnh đạo. Dù vậy, khi quyết định rẽ hướng, bà Dung phải đối diện với 2 câu hỏi khó: thợ đâu và lựa chọn mô hình nào?
Ở thời điểm ấy, muốn giải bài toán thợ nữ trang, phần lớn các công ty đều chọn cách hợp tác với chủ hiệu vàng tư nhân để lấy kinh nghiệm. Riêng bà Dung lại nghĩ “nếu dựa vào người khác sẽ bị phụ thuộc, dễ bị rủi ro dừng hợp tác và khó lớn lên được” nên quyết định tự làm. Những nghi ngại của bà sau này đều chính xác. Dù vậy, ở thời điểm ấy, đó là lựa chọn rất khó khăn, nhất là khi Việt Nam chưa có trường lớp nào đào tạo ngành nữ trang.
Bà Dung nghĩ ngay đến việc mời các nghệ nhân, thợ nữ trang, kỹ thuật viên cùng hợp tác, gầy dựng PNJ. Thông qua những mối quen biết, bà quy tụ được những thợ chế tác kim hoàn ở Phú Nhuận và Bà Chiểu cùng về hợp lực. “Nghề này không tin nhau thì không làm được, vì vàng đưa qua đưa lại, giấy tờ chứng từ nếu chờ đợi đầy đủ thì quá mất thời gian”. Đó là lý do PNJ chọn đi theo mô hình công ty tư nhân nhưng lại quản lý theo cách Nhà nước. Từ mô hình này, bà Dung đã phát triển đội ngũ ở PNJ từ 20 người lên 50 người, rồi lớn hơn. Giờ đây, PNJ được đánh giá là cái nôi đào tạo thợ kim hoàn Việt Nam. Riêng thợ nữ trang ở PNJ đã hơn 1.000 người. Đó là chưa nói đến hàng trăm thợ nữ trang từ “lò” PNJ đã ra lập cơ sở riêng hoặc làm cho các công ty khác.
Tạo dựng diện mạo mới
Bà Dung đã có công vực dậy ngành kim hoàn Việt Nam từ đống tro tàn. Vài năm sau ngày PNJ thành lập, Nhà nước cho phép tư nhân được kinh doanh vàng. Lúc này, hầu hết tư nhân rời khỏi công ty Nhà nước để ra riêng làm, không hợp tác nữa. Khi ấy, nhờ đầu tư, gầy dựng cơ sở từ trước, PNJ đã nổi lên như một ngôi sao sáng. Chỉ PNJ là có đội ngũ chế tác, có xí nghiệp kim hoàn.
Tuy nhiên, con thuyền PNJ chỉ yên ả một thời gian ngắn. Năm 1992, PNJ lại đối diện với một thách thức khác. Ở thời điểm ấy, TP.HCM chủ trương lập liên doanh giữa PNJ với đối tác Úc để Việt Nam có thể sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa. Sau một năm rưỡi chuẩn bị, mọi thứ gần như sẵn sàng thì bà Dung quyết định dừng. Qua chuyến tham quan tìm hiểu ở Singapore, bà nhận thấy, đối tác chỉ muốn thị trường Việt Nam hơn là giúp sức cho doanh nghiệp Việt Nam. Còn các kỹ sư Việt Nam có thể tự tiếp cận công nghệ. Bà tin PNJ không cần liên doanh, trả phí hàng trăm ngàn USD cho chuyển giao công nghệ thì vẫn có thể sản xuất nữ trang theo hướng công nghiệp hóa. “Những gì nước ngoài làm được, chúng ta sẽ làm được”, bà Dung đã tin và hứa với lãnh đạo TP.HCM.
Đầu năm 1993, PNJ nhập máy móc về làm, mở đầu cho một hành trình gian nan. Nữ tướng PNJ ngậm ngùi nhớ lại: “Rất nhiều lần tôi rơi nước mắt vì đâu đó một số cán bộ cho rằng, tôi làm điều này có tiêu cực phía sau. Tại sao lỗ mà vẫn đầu tư hoài?”.
Thực tế, để có tiền đầu tư và gồng gánh cho PNJ khi Công ty mới chuyển hướng từ chế tác thủ công sang sản xuất nữ trang công nghiệp, bà Dung đã từng lo lắng mất ăn mất ngủ về bài toán lãi lỗ, kiếm tiền bù lỗ. May mắn thay, nhờ năng lực và cả sự giúp sức của không ít người, bà đã xoay sở được. Cho đến bây giờ, bà vẫn luôn nhớ ơn các ân nhân giúp mình vượt qua khó khăn. Điển hình là ông Alber Chang, Chủ tịch Hội đồng Vàng Thế giới khu vực châu Á. Lúc đó, bà nản chí vô cùng vì sau 3 năm gầy dựng, xuôi ngược mày mò, khó khăn vẫn hoàn khó khăn, nội bộ lại không đồng lòng. Nhưng trong cuộc gặp trên chiếc cầu vượt ở Hồng Kông, ông Alber Chang đã động viên: “Bà đi đúng hướng rồi. Những nơi tôi dẫn bà tham quan như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đều đi trước Việt Nam 20 năm. Bà chỉ mới bước đi thôi, đừng có nản”. Sau đó, ông Alber Chang đã giúp đỡ bà từ tinh thần đến chia sẻ kiến thức, kỹ năng, thậm chí cả tài trợ để PNJ marketing, đưa sản phẩm của mình ra thị trường Việt Nam và thế giới.
Sau bao thăng trầm, bà Dung vẫn lèo lái con thuyền PNJ đến những thành công mới. PNJ hiện sở hữu nhiều thương hiệu trang sức như PNJ, PNJSilver, Cao Fine Jewellery, Jemma. Thị phần PNJ đang bỏ xa các thương hiệu cùng ngành, với hệ thống phân phối mở rộng 400 cửa hàng ở khắp 54 tỉnh, thành trong cả nước. Đội ngũ nhân sự của PNJ phát triển gần 7.000 người. Vốn hóa thị trường năm 2018 của Công ty trên 1 tỉ USD. Riêng doanh thu năm 2018 đạt hơn 14.600 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.200 tỉ đồng. Những năm gần đây, PNJ ghi nhận tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm. “Nếu chúng tôi không tự tin vào bản thân mình, nếu những người ở PNJ không có niềm tin vào sự chính trực của chính mình, thì không có PNJ với vóc dáng hôm nay”, bà Dung khẳng định.
PNJ được JNA trao giải Nhà bán lẻ số 1 châu Á. Đồng thời, “Thành tựu trọn đời” mà JNA trao tặng cho cá nhân lãnh đạo công ty này, như một lời ghi nhận cho những cống hiến của bà Cao Thị Ngọc Dung suốt 31 năm qua cho ngành kim hoàn Việt Nam. Nhưng bà Dung và những người ở PNJ biết rằng, thành công luôn là một hành trình chờ đợi ở phía trước chứ không phải ở sau lưng.