Ẩn số bầu Thụy
Giữa lúc bộn bề khó khăn vì nhu cầu tiêu thụ yếu và sức ép cạnh tranh khốc liệt, ngành xi măng lại chuẩn bị đón nhận thêm một lượng cung khổng lồ từ nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á: 4,5 triệu tấn/năm.
Chủ nhân của dự án khủng này là Tập đoàn Xuân Thành, công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy, hay còn gọi là bầu Thụy. Tiềm lực của tập đoàn tư nhân này cũng như khả năng của người chủ trẻ tuổi là điều mà ai cũng thắc mắc.
Quyền lực Hoa Lư
Cách đây gần 40 năm, một hợp tác xã xây dựng tên Bình Minh ra đời ở Ninh Bình với lĩnh vực hoạt động chủ yếu là xây dựng công trình dân dụng. Chủ nhiệm hợp tác xã là ông Nguyễn Xuân Thành, cha của bầu Thụy. Đến năm 1992, hợp tác xã này chuyển đổi mô hình hoạt động để trở thành Xí nghiệp Xây dựng và Cung ứng vật liệu Xuân Thành, tiền thân của Tập đoàn Xuân Thành hoạt động đa ngành ngày nay.
Có thể thấy, xây dựng chính là bước đệm và là bệ đỡ chính để Tập đoàn Xuân Thành phát triển. Ở Ninh Bình không thiếu những doanh nghiệp xây dựng lớn, nhưng nhờ khả năng và kinh nghiệm của mình, Xuân Thành đã thâu tóm một loạt dự án khủng của tỉnh như Trung tâm Thương mại Chợ Rồng, Khách sạn Hoa Lư, Khu nhà thi đấu đa năng, Sân vận động tỉnh, Nhà máy xử lý Chất thải, Trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, hay Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình.
Ranh giới hoạt động của Xuân Thành dần mở rộng sang các tỉnh thành khác ở miền Trung và miền Bắc. Có lẽ ít ai biết Xuân Thành cũng là nhà thầu đảm nhận việc thi công khu tái định cư và hạ tầng kỹ thuật cho dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương của Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) và một số công trình trọng điểm khác.
Từ nền tảng ban đầu, tập đoàn này đã lần lượt lấn sân sang các lĩnh vực khác có liên quan mật thiết đến xây dựng như kinh doanh bất động sản, thủy điện với nhiều dự án giá trị lớn. Tiêu biểu là dự án Thủy điện tích năng Đông Phù Yên (Sơn La) công suất 1.500 MW, Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) hay khu resort Thác Đa tại Ba Vì (Hà Nội).
Do tỉ suất lợi nhuận của ngành xây dựng nhìn chung không cao, nên để mang lại lợi nhuận lớn hơn, các công ty lớn trong ngành đều hướng tới hoàn thiện chuỗi kinh doanh khép kín. Ở khía cạnh này, Xuân Thành cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Năm 2008, một năm sau khi bầu Thụy chính thức thay cha trở thành Chủ tịch của Tập đoàn, Khoáng sản Xuân Thành tại Lào Cai ra đời. Năm 2010, dự án Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam) có công suất 2 triệu tấn/năm được khởi công. Sau 4 năm xây dựng, nhà máy này đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên vào năm ngoái.
Đến năm 2011, bầu Thụy tiếp tục chi ra 5.200 tỉ đồng để đầu tư thêm Nhà máy Xi măng Xuân Thành tại Hà Nam với công suất 3,6 triệu tấn/năm. Ông tiếp tục theo đuổi lĩnh vực xi măng với dự án nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á mới được khởi công gần đây.
Lượng xi măng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Việt Nam |
Nếu tính cả dự án này, tổng công suất tiềm năng của các nhà máy xi măng do bầu Thụy đầu tư đã lên tới gần 10 triệu tấn/năm. Mức này vượt qua Xi măng Hà Tiên 1 với công suất hiện tại chỉ 7,3 triệu tấn/năm và chỉ đứng sau Xi măng The Vissai với năng lực 14,4 triệu tấn/năm. Xuân Thành cho biết dự án mới sẽ đảm bảo cung ứng cho thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu, cũng như cung cấp nguồn clinker cho các trạm nghiền của họ tại châu Âu và châu Phi.
Chuỗi xây dựng công nghiệp khép kín của bầu Thụy còn được mở rộng ra cả lĩnh vực như vận tải và taxi. Tất cả góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh của Xuân Thành trong lĩnh vực xây dựng và cung cấp nguyên vật liệu ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Hiện vốn điều lệ của Tập đoàn Xuân Thành là 2.500 tỉ đồng. Các con số kinh doanh tài chính của Xuân Thành không được công bố rộng rãi, nhưng nếu căn cứ vào mức nộp thuế hằng năm khoảng 500 tỉ đồng mà doanh nghiệp này công bố thì doanh thu và lợi nhuận của họ là không hề nhỏ.
Giả sử mảng xây dựng và nguyên vật liệu đóng góp chủ yếu vào kết quả kinh doanh của Xuân Thành. Với mức tỉ suất lợi nhuận ròng biên của ngành xây dựng vào khoảng 5-10% giống như của Coteccons; của ngành xi măng vào khoảng 5% như Xi măng Hà Tiên 1; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp các năm trước là 25%; và giả sử toàn bộ 500 tỉ đồng nộp thuế của Xuân Thành là thuế thu nhập doanh nghiệp thì lợi nhuận trước thuế hằng năm của họ là gần 2.000 tỉ đồng. Doanh thu ước tính theo đó sẽ là hàng ngàn tỉ đồng, đưa Xuân Thành trở thành một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Ở vùng đất cố đô Hoa Lư, tên tuổi Xuân Thành được xếp ngang hàng với những đại gia khác như Tập đoàn Xuân Trường, Pomihoa, The Vissai, Indevco. Đó có thể xem là những dấu ấn thành công của vị doanh nhân sinh năm 1976 cùng gia đình của mình.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, những thành công ban đầu đã khiến các nhà lãnh đạo Xuân Thành bắt đầu mở rộng ngành nghề hoạt động. Trong số đó gồm cả các lĩnh vực mà họ chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng quản trị cần thiết để thành công.
Những cú ngã đau
Tuy gặt hái được một số thành công trên thương trường, nhưng cũng giống như bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, tên tuổi bầu Thụy chỉ được nhiều người biết đến khi ông tiến sang lĩnh vực thể thao. Năm 2011, bầu Thụy mua lại suất hạng nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội này thành Sài Gòn Xuân Thành.
Để thực hiện tham vọng đưa Sài Gòn Xuân Thành trở thành một thế lực lớn của làng bóng đá, bầu Thụy đã ngay lập tức bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để nâng cấp đội bóng, đồng thời chiêu mộ hàng loạt ngôi sao vào thời điểm ấy như Minh Đức, Phước Tứ, Duy Quang, Huỳnh Kesley Alves. Những trận thi đấu của Sài Gòn Xuân Thành trên Sân Thống Nhất luôn gây khá nhiều chú ý cho khán giả nhờ chiêu đãi bia miễn phí hay những buổi trình diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng.
Nhưng đáng tiếc, có lẽ bầu Thụy chỉ thành công ở khía cạnh marketing khi tạo dựng thêm tên tuổi cho Tập đoàn Xuân Thành, còn trên sân cỏ, thành tích của Sài Gòn Xuân Thành ngày càng đi xuống. Cộng với sức ép tài chính ngày càng lớn, bầu Thụy chính thức giải tán câu lạc bộ này vào năm 2013.
Một lĩnh vực khác cũng chứng kiến cú “sẩy chân” của bầu Thụy là chứng khoán. Sự sôi động của thị trường chứng khoán đã khiến bầu Thủy bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để thâu tóm 81,5% cổ phần của Công ty Chứng khoán VIX vào năm 2012, đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành. Thương vụ này đã đưa ông trở thành một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán thời điểm ấy.
Nhưng trái với kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam sau đó đã vấp phải nhiều cú sốc và lao dốc, kéo theo các nhà môi giới có thị phần nhỏ như Chứng khoán Xuân Thành phải lao đao. Chỉ 2 năm sau, không chịu được áp lực, vị doanh nhân trẻ tuổi này đã phải nhượng lại toàn bộ cổ phần trong Chứng khoán Xuân Thành cho các nhà đầu tư khác và chính thức rút lui.
Bầu Thụy cũng gặp khó ở lĩnh vực bảo hiểm. Kết quả kinh doanh từ năm 2012 đến nay của Tổng Công ty Bảo hiểm Xuân Thành dường như vẫn chưa khả quan. Năm 2014, Bảo hiểm Xuân Thành ghi nhận doanh thu 210 tỉ đồng, lợi nhuận sau thế đạt 4,5 tỉ đồng. Nhưng con số lợi nhuận này chưa thấm vào đâu với những khoản lỗ khủng 20,9 tỉ đồng (2013) hay 55,3 tỉ đồng (2012). Thậm chí cuối năm ngoái, công ty bảo hiểm này còn lọt vào danh sách đen các doanh nghiệp bảo hiểm không đảm bảo an toàn tài chính do Bộ Tài Chính công bố.
Áp lực từ cốt lõi
Những cú vấp ngã liên tục trên lĩnh vực tài chính và thể thao đã cho thấy một số hạn chế của bầu Thụy. Có lẽ vị doanh nhân trẻ tuổi này sẽ còn nhiều việc phải làm để chứng tỏ giá trị thực của bản thân. Và đó có thể là lý do giải thích cho quyết định quay lại lĩnh vực cốt lõi xi măng thời gian gần đây. Nhưng thêm một lần nữa, áp lực cạnh tranh trên thị trường sẽ là thách thức lớn đối với ông.
Thật vậy, trong lúc Tập đoàn Xuân Thành mở rộng công suất thì nhiều công ty khác cũng manh nha đẩy mạnh sản xuất xi măng. Điển hình là Xi măng Trung Sơn (Ninh Bình) mới đây đã xin Chính phủ cho phép mở rộng công suất từ xấp xỉ 1 triệu tấn lên 5,5 triệu tấn/năm. Trước đó, Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung vào quy hoạch sản xuất của Xi măng Thành Thắng có công suất 2,3 triệu tấn/năm; dự án Xi măng Sông Lam lên 4 triệu tấn/năm; hay dự án dây chuyền II của nhà máy Xi măng Công Thanh (Thanh Hoá) có tổng công suất 3,6 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành quý III năm nay.
Cũng trong lúc này, tập đoàn sản xuất xi măng lớn nhất Indonesia là Semem vừa công bố kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy mới tại Việt Nam với công suất 1,5 triệu tấn/năm, thông qua công ty con là Xi măng Thăng Long mà Semen thâu tóm năm 2012.
Nếu tính sơ các dự án mới được triển khai trong năm nay, tổng công suất toàn ngành có thể tăng thêm một lượng khủng 16,6 triệu tấn/năm. Điều này có thể tạo nên sức ép cạnh tranh mới khốc liệt giữa hàng trăm doanh nghiệp trong ngành, trong bối cảnh ngành xi măng đang dư thừa nguồn cung dù thị trường xây dựng và bất động sản đã cho thấy một số dấu hiệu khởi sắc.
Thực tế, sau đỉnh điểm tiêu thụ vào năm 2010, ngành xi măng đã trải qua 3 năm liên tiếp sụt giảm và chỉ phục hồi trở lại vào năm 2014. Theo Bộ Xây Dựng, tổng lượng tiêu thụ xi măng cả nước trong năm ngoái đạt khoảng 50,6 triệu tấn, trong khi lượng xuất khẩu đạt khoảng 20,4 triệu tấn, tăng mạnh so với các năm trước đó.
Rõ ràng, bài toán lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng trong các năm tới sẽ phụ thuộc vào chính sách xuất khẩu của Nhà nước. Một khi Chính phủ còn cho phép, các doanh nghiệp xi măng như Xuân Thành sẽ được hưởng lợi. Nhưng một khi chính sách thắt chặt, rủi ro thua lỗ là điều có khả năng xảy ra.
Xi măng về bản chất được sản xuất từ các tài nguyên thiên nhiên là đá vôi và đất sét. Vì thế, việc xuất khẩu xi măng, dù đã được chế biến, cũng không khác gì một hình thức xuất khẩu khoáng sản.
Xi măng cũng được xem là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất nước, đặc biệt là các nhà máy cũ sử dụng công nghệ lạc hậu và được xây dựng sát với khu dân cư, trường học. Bụi xỉ xi măng được cho là gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, động vật, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước cũng như ảnh hưởng đến cây cối, mùa màng xung quanh.
Có thể điểm qua khá nhiều vụ ô nhiễm do nhà máy xi măng gây ra gần đây, như vụ việc người dân xã Bình Đông, Bình Sơn (Quảng Ngãi) biểu tình phản đối Xi Măng Miền Trung - Dung Quất gây ô nhiễm môi trường sống, hay người dân xã Vạn Ninh (Quảng Bình) phản đối Xi măng Áng Sơn 2, hay Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phải thông qua chủ trương di dời 2 nhà máy xi măng có nguy cơ làm tổn hại Vịnh Hạ Long.
Không thể phủ nhận Xuân Thành là một tập đoàn lớn. Số lượng các ngành nghề kinh doanh được liệt kê trên website của Công ty lên tới 11. Chắc chắn, tham vọng của bầu Thụy là không hề nhỏ. Nhưng như thực tế đã chứng minh, trong các năm qua, chiến lược bành trướng nhanh theo chiều rộng của bầu Thụy đang gặp một số trục trặc lớn khi khả năng quản trị và kiểm soát rủi ro chưa được cải thiện, đặc biệt là đối với các lĩnh vực không chuyên như tài chính hay thể thao.
Đã lâu lắm rồi người ta không còn thấy những hình ảnh của bầu Thụy trên truyền thông. Có lẽ những cú ngã liên tiếp vừa qua đã khiến vị doanh nhân trẻ tuổi thất vọng. Lúc này, việc quay trở lại lĩnh vực cốt lõi là xây dựng và xi măng dường như cũng là điều tất yếu.
Trước mắt, với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn và chính sách vĩ mô chưa ổn định của Nhà nước, rủi ro dành cho bầu Thụy trong việc chèo lái Tập đoàn Xuân Thành trong các năm tới là không hề nhỏ, trong đó có các cả những khoản nợ nần. Chỉ riêng dự án Xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam), số nợ của Xuân Thành đối với Ngân hàng BIDV đã là 2.000 tỉ đồng.
Nguyễn Sơn