Ai đánh bại Apple ở Trung Quốc?
Nhưng giờ ông chủ của Apple đã biết. Duan là vị tỉ phú “lánh đời” đã sáng lập nên Oppo và Vivo - 2 nhãn hàng smartphone “anh em” khiến cho công ty có giá trị nhất thế giới đại bại tại Trung Quốc. Một thời bị xem là phiên bản giá rẻ của iPhone, 2 nhãn hàng này đã nhảy vọt trong bảng xếp hạng và xô ngã Apple khỏi top 3 vào năm 2016, cũng là năm lượng iPhone bán ra tại Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm.
Oppo và Vivo làm được điều này vì Apple không thích ứng được với áp lực cạnh tranh tại Trung Quốc, Duan trả lời phỏng vấn Bloomberg. Oppo và Vivo đã áp dụng các chiến thuật mà Apple do dự không làm (như cho ra mắt các thiết bị có giá rẻ hơn nhưng sở hữu các tính năng cao cấp) vì hãng công nghệ Mỹ này sợ làm tổn hại đến chiến lược đã giúp iPhone thành công ở các thị trường khác, theo Duan.
“Apple không thể đánh bại chúng tôi tại Trung Quốc vì họ cũng có nhược điểm... Họ đã làm ra nhiều thứ tuyệt vời như hệ điều hành iOS nhưng chúng tôi lại qua mặt họ ở những lĩnh vực khác”, ông nói.
Không phải là Duan không coi trọng Apple mà ngược lại: Duan là nhà đầu tư lâu năm vào Apple và rất hâm mộ Tim Cook. “Tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ Tim Cook. Ông ấy có thể không biết tôi nhưng chúng tôi cũng có chào hỏi vài câu. Tôi rất thích ông ấy... Còn Apple là một công ty phi thường, một hình mẫu đáng để chúng tôi học tập. Chúng tôi không có ý nghĩ qua mặt ai mà quan trọng là cải thiện chính mình”, Duan cho biết.
Khởi nghiệp của Duan
Sinh ra tại tỉnh Giang Tây, Duan bắt đầu sự nghiệp ở một nhà máy sản xuất đèn chân không thuộc sở hữu nhà nước, trước khi gây dựng tiếng tăm trong ngành hàng điện tử. Duan rời nhà máy vào khoảng năm 1990, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa các ngành đón dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Ông đã đi sang tỉnh Quảng Đông để điều hành một nhà máy hàng điện tử đang gặp khó khăn. Sản phẩm đầu tiên của ông là thiết bị điều khiển chơi game Subor, mà sau đó trở thành một cú hích trong bối cảnh vắng mặt các đối thủ trong nước. Vào năm 1995, doanh thu từ mảng Subor đã vượt 1 tỉ nhân dân tệ.
Duan Yongping - Nhà sáng lập Vivo |
Duan đã rời đi để thành lập một công ty mới. Ông đặt tên cho dự án thứ hai của mình là Bubugao (BBK), có nghĩa là “từng bước đi lên cao hơn”. BBK đã tạo ra một dòng sản phẩm máy MP3 và VCD nhưng sau đó cũng sản xuất máy DVD cho các thương hiệu toàn cầu. Công ty con Bubugao Communication Equipment Co. đã trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại phổ thông lớn nhất nước vào năm 2000, đối đầu trực diện với Nokia và Motorola.
Đến năm 2001, ở tuổi 40, Duan quyết định chuyển đến sinh sống ở California, Mỹ, tập trung vào đầu tư và làm từ thiện. Nhưng sự ra đời của thế hệ smartphone, đặc biệt là iPhone, đã khiến ông không thể tiếp tục nghỉ hưu. Đến khoảng nửa sau của thập niên 2000, BBK đã lâm nguy khi doanh số bán các điện thoại phổ thông chậm lại. Các công ty như Huawei và Coolpad đã sản xuất ra những chiếc smartphone có giá khoảng 1.000 nhân dân tệ. Tình thế của BBK thực sự nguy cấp, Duan nhớ lại. “Chúng tôi đã nghiêm túc thương thảo làm thế nào đóng cửa công ty một cách êm đẹp, để không làm ảnh hưởng đến nhân viên và nhà cung cấp không bị mất tiền”, ông nói.
Những buổi họp cân não đã cho ra đời Oppo và Vivo mà sau này trở thành 2 điểm sáng lớn nhất trong sự nghiệp của Duan. Cụ thể, năm 2005, Duan và môn đồ của ông là Tony Chen đã quyết định lập một công ty mới gọi là Oppo. Công ty này bán các thiết bị nghe nhạc, sau đó nhảy sang smartphone vào năm 2011. Trong năm 2009, BBK đã khai sinh ra Vivo. Đứng đầu công ty này là Shen Wei, một môn đồ khác của Duan. “Sản xuất điện thoại di động không phải là thiên hướng của tôi. Nhưng tôi cho rằng chúng tôi có thể làm tốt ở lĩnh vực này”, Duan nói.
Ban đầu, cả Oppo lẫn Vivo đều không gây được sự chú ý. Bởi khi đó, iPhone đang hấp dẫn mọi ánh nhìn với hệ thống ứng dụng mang tính cách mạng cùng giao diện bắt mắt và phong cách, còn BlackBerry lại chiếm lĩnh thị trường smartphone dành cho doanh nghiệp. Nhưng Oppo và Vivo sau đó tích cực “phủ sóng” với chiến dịch marketing rầm rộ, mời cả người nổi tiếng trong nước quảng bá sản phẩm của họ và tận dụng mạng lưới các cửa hàng rộng khắp Trung Quốc. Họ đã tạo nên một thương hiệu có sức hút với thế hệ millennial bằng cách nhấn mạnh sản phẩm giá phải chăng nhưng lại có các tính năng cao cấp.
Chiến lược này đã rất thành công, đặc biệt ở các thành phố nhỏ hơn, nơi điện thoại cấp trung được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, theo Tay Xiaohan, chuyên gia phân tích tại IDC. Bộ đôi này tổng cộng đã bán ra hơn 147 triệu chiếc smartphone tại Trung Quốc trong năm 2016, qua mặt Huawei (76,6 triệu), Apple (44,9 triệu) và Xiaomi (41,5 triệu), theo IDC. Trong quý III/2017, Oppo tiếp tục giữ số 1 về thị phần (18,9%) tại Trung Quốc, Vivo và Huawei cùng xếp thứ 2 với 18,6%, theo sau là Xiaomi (13,8%) và Apple (10%), Counterpoint Research cho biết. Oppo và Vivo cũng đã phát triển vượt ra khỏi thị trường nội địa khi lần lượt đứng thứ 4 và thứ 5 trên thế giới trong quý III/2017, cũng theo Counterpoint Research.
Mặc dù Oppo và Vivo có cùng nhà sáng lập nhưng lại là đối thủ cạnh tranh khốc liệt, so kè trong từng chiến dịch marketing trên các thị trường từ Ấn Độ cho đến Đông Nam Á. Chiến lược kinh doanh của họ đã tỏ ra hiệu quả ở các thị trường mới nổi, theo Giám đốc Nghiên cứu Kiranjeet Kaur thuộc IDC.
“Các công ty này hiểu rõ làm thế nào sử dụng triệt để người của mình, một đặc trưng họ được thừa hưởng từ Duan”, Nicole Peng, Giám đốc cấp cao tại Canalys, nhận xét. Điều quan trọng là Oppo và Vivo hiểu được những khách hàng millennial. “Nhiều nhà quản lý đều là người trẻ tuổi và làm việc tại công ty kể từ khi tốt nghiệp”, Peng nói.
Vị tỉ phú “lánh đời”
Trong khi Oppo và Vivo bành trướng nhanh, Duan lại ngày càng giữ khoảng cách với 2 đứa con của mình dù vẫn là một cổ đông lớn tại đây (ông không nói rõ là bao nhiêu). Ông cho biết ông muốn tránh ánh đèn sân khấu và tận hưởng cuộc sống an bình tại California với vợ con.
Niềm đam mê thấy rõ nhất của ông hiện nay là đầu tư cổ phiếu. Đó là lý do vì sao ông không ngại chi ra 620.100USD vào năm 2006, số tiền kỷ lục khi đó, để được ăn trưa với tỉ phú Warren Buffett. Những câu nói bất hủ của nhà tiên tri Omaha vẫn còn xuất hiện trên trang cá nhân của ông.
Duan đã củng cố tiếng tăm là một nhà tài chính khôn ngoan một phần nhờ cứu bạn của mình - William Ding, nhà sáng lập Netease Inc., lúc lâm nguy. Giá cổ phiếu của Netease đã giảm chỉ còn 13 cent sau khi bong bóng dot.com xì hơi. Sau đó Netease gần như trở thành công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ đầu tiên bị rớt khỏi sàn Nasdaq do dính vào một rắc rối kiểm toán. Duan đã cứu bạn bằng cách mua 5% cổ phần Netease với giá chỉ 2 triệu USD vào năm 2002, thời điểm giá cổ phiếu chỉ 16 cent. Hồ sơ công ty cho thấy ông vẫn còn giữ hơn 4 triệu cổ phiếu tính đến tháng 3.2009, nhưng Duan cho biết ông đã bán ra phần lớn cổ phần khi Netease chạm mức 40 USD/cổ phiếu.
Duan cũng nắm giữ cổ phần ở một số công ty khác, trong đó có Apple. Nhưng nhìn lại hàng chục năm sự nghiệp ở vai trò đầu tiên là nhà khởi nghiệp sau đó là nhà đầu tư cổ phiếu, những giây phút đáng tự hào nhất của Duan vẫn là ở BBK. Dù cho biết không quan tâm sự tình ở BBK, nhưng Duan thừa nhận nỗi lo về đội ngũ kế thừa và liệu văn hóa công ty có đứng vững khi chuyển giao sang một thế hệ lãnh đạo mới.
Mặt khác, dù vị thế của Vivo và Oppo đang rất tốt nhưng không có gì chắc chắn trong thị trường smartphone thay đổi rất nhanh. Dù thế nào, một điều chắc chắn là Duan sẽ không quay trở lại vai trò nhà điều hành mà sẽ để cho những người khác giải quyết thách thức tiếp theo của ngành. “Tôi đã quyết định cách đây nhiều năm rằng tôi sẽ không quay trở lại. Nếu có vấn đề gì họ không thể giải quyết, thì tôi cũng không thể làm được”, ông nói.