Lan Anh Thứ Năm | 12/10/2017 18:18

Ai cũng có thể là zombie công sở?

Làm cho có, uể oải thiếu năng lượng, đi trễ về sớm, thích tách biệt… là những biểu hiện của một zombie công sở.

Zombie được dùng để chỉ những "xác sống" vật vờ do nhiễm virus. Hình ảnh này mới đây được công ty Anphabe sử dụng để hình tượng hóa những nhân viên đi làm nhưng không nỗ lực, thờ ơ với công ty. Hiện trạng “zombie” đáng sợ hơn khi không phải người nào chán ngán công ty cũng có ý định nghỉ việc và có thể hạ gục những nhân viên khác bằng thái độ và hành vi tiêu cực.

Theo khảo sát được Anphabe công bố tại Hội nghị nguồn nhân lực Việt Nam hạnh phúc 2017, trong 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở. Bất kỳ ai cũng có lúc lâm vào tình trạng zombie khi báo cáo của WHO cho biết 3 tháng/năm là thời gian trung bình 1 người đi làm nhưng không tập trung và hiệu quả. Hiện trạng này đặc biệt đang phổ biến ở Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, những nơi đang đối mặt với bất ổn kinh tế, chính trị, khiến tình trạng nhân viên “ở thì thương vương thì tội”trở nên phổ biến. Khảo sát ở những lớp nhân sự trẻ (sinh từ năm 1994 trở đi), 3/10 nhân viên có biểu hiện zombie. Tuy vậy, theo bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe thì không nên dán nhãn người khác vì virus zombie luôn có thể tồn tại trong mỗi người. 

Ai cung co the la zombie cong so?
 
Ai cung co the la zombie cong so?
 

(Nguồn: Khảo sát của Anphabe)

Virus zombie “ủ bệnh” và sẽ bùng phát khi gặp môi trường thuận lợi. Đó có thể là khi nhân viên gặp những vấn đề sức khỏe - tinh thần (gặp bệnh tật, trong giai đoạn thay đổi như sinh con, lập gia đình…) hoặc không hài lòng về môi trường làm việc. Vậy thì lâu dài, để không phải chia tay trong luyến tiếc, các nhà quản trị phải làm gì để kéo zombie sống lại?

Theo các lãnh đạo nhân sự cấp cao, tiến trình này gồm 3 bước. Đầu tiên là xây dựng một quy chuẩn quản trị thành tích cụ thể, vì zombie không thể ù lì quá lâu trong môi trường có chỉ tiêu đánh giá và giám sát thành tích rõ ràng. Tiếp đến, công ty cần xây dựng vững chắc chế độ chăm sóc nhân viên, khơi dậy cảm xúc tích cực và tạo sự hứng khởi và gắn kết của bộ máy nhân sự, mà theo bà Đặng Lê Trâm, Giám đốc nhân sự của Vinataba-Philip Morris, nên biến công sở thành nơi có không khí gia đình và xã hội hơn, tối đa những góc trò chuyện, nhóm sở thích nơi công sở. Ngay cả đội ngũ quản lý cũng cần được học cách tạo chất keo gắn kết của nhân viên. Tại công ty Daikin, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc nhân sự cho biết hàng tuần toàn thể nhân viên công ty đều dành cho 10 phút để lắng nghe tâm sự của một nhân viên nói về công việc, cuộc sống. Một số công ty còn đặt chỉ tiêu cho cấp lãnh đạo về gặp mặt nhân viên ngoài văn phòng càng nhiều càng tốt. Điều này rất quan trọng vì không phải nhà quản lý nào cũng định vị được zombie trong đội nhóm để kịp thời chấn chỉnh.