8 sai lầm làm hủy hoại cả chiến lược tiếp thị
1. Tiếp thị về doanh nghiệp và về bản thân
Ai cũng không muốn phạm phải sai lầm này nhưng muốn tránh thì nên tập trung quảng bá điều gì? Câu trả lời là hãy đề cao những gì sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp có thể làm cho khách hàng hài lòng. Lối suy nghĩ cũ trước đây thường tập trung đến lợi ích của doanh nghiệp thì bây giờ, thông điệp marketing phải hướng đến giá trị và tiện ích mà người tiêu dùng có thể nhận được.
Do đó, hãy đừng quá đề cao doanh nghiệp và cái tôi của mình trong hoạt động tiếp thị, mà phải đưa khách hàng vào trung tâm của nội dung. Nói cách khác, hãy biến khách hàng thành nhân vật chính trong câu chuyện tiếp thị của bạn.
2.Tiếp thị dựa vào suy nghĩ chủ quan của bản thân
Bạn có thể làm hỏng mọi thứ nếu lầm tưởng rằng sở thích, thị hiếu, thói quen và hành vi của khách hàng cũng giống như những gì bạn nghĩ. Chiến lược marketing của doanh nghiệp có thể bị thất bại thảm hại và còn gây nhiều mâu thuẫn với nhóm khách hàng mục tiêu nếu giám đốc tiếp thị không nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu, sở thích và hành vi của các khách hàng.
3.Không hiểu rõ về khách hàng
Muốn thấu hiểu khách hàng, nhất định phải tốn thời gian, công sức và chi phí để xác định ai là khách hàng nòng cốt, cách họ ứng xử, sinh hoạt và làm việc ra sao, thậm chí phải biết được họ thường mua sắm ở đâu, những yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của họ. Nếu không làm được điều đó thì bạn đừng vội nghĩ đến những bước tiếp theo cho tốn công.
4.Tiếp thị theo ý kiến của số đông đồng nghiệp
Quả là rất tốt nếu các nhân viên dưới quyền, thậm chí nhân viên thuộc phòng ban khác đều tích cực đóng góp ý kiến cho kế hoạch tiếp thị mà bạn là người chịu trách nhiệm chính. Vấn đề là những gì họ đóng góp liệu có chính xác và hợp lý không. Cách tốt nhất để tránh nghe theo những lời khuyên hão huyền là phải có một nguồn dữ liệu vững chắc để hỗ trợ kế hoạch tiếp thị.
Với giám đốc tiếp thị, quan trọng nhất vẫn là biết rõ khách hàng của mình là ai, họ đang ở đâu và làm thế nào để thuyết phục họ mua hàng. Không biết tận dụng dữ liệu về các khách hàng. Kết quả khảo sát khách hàng đóng vai trò rất quan trọng đối với các kế hoạch và chương trình tiếp thị, nhưng nếu chỉ dựa vào những con số vô hồn thì rất có thể chiến lược tiếp thị sẽ bị thất bại.
Điều quan trọng hơn là từ kết quả khảo sát đó, giám đốc tiếp thị phải biết vận dụng nghệ thuật và tư duy sáng tạo để thu hút sự chú ý của các khách hàng rồi lôi cuốn họ vào cuộc chơi mà điểm kết thúc là khách hàng mua được hàng hóa như ý.
5.Dựa dẫm vào kinh nghiệm cũ
Nghệ thuật tiếp thị khởi đầu với những gì thân cận, gần gũi với khách hàng, sau đó tiếp tục phát triển nhờ những tư tưởng cách tân, đột phá.
Do đó, nếu giám đốc tiếp thị cứ chủ quan cho rằng những kinh nghiệm cũ sẽ tiếp tục phát huy được tác dụng như trong quá khứ thì rất có thể sẽ phải thu hoạch những trái đắng, nghĩa là tốn công sức và tiền bạc mà khách hàng lại cứ thờ ơ.
Cách làm thông minh là quan sát xem các doanh nghiệp trong ngành, ngoài ngành đang vận dụng những gì mới trong hoạt động tiếp thị của họ để xem xét, đánh giá và học tập. Kinh nghiệm cho thấy sự cách tân nhiều khi chỉ đơn giản là nghệ thuật vận dụng những gì đã tỏ ra có hiệu quả trong một lĩnh vực khác không gần gũi với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
6.Không biết khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm của họ
Người tiêu dùng ngày nay thường thông qua các ý kiến trên các mạng xã hội hay dựa vào ý kiến của bạn bè, người thân để quyết định mua sắm. Vì thế, công việc tiếp thị phải hỗ trợ việc tạo nên những kết nối giữa những khách hàng cũ, nhất là các khách hàng trung thành, với bộ phận khách hàng tiềm năng.
Hãy tìm cách khuyến khích việc chia sẻ các trải nghiệm của khách hàng cũ với các khách hàng tiềm năng, đồng thời tìm hiểu những gì được bàn luận nhiều trên các mạng xã hội, từ đó chủ động sử dụng công cụ tìm kiếm và vận dụng chính sách tiếp thị bằng nội dung một cách hợp lý để chuyển các khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự.
7.Phản hồi chậm trễ
Nếu khách hàng tìm đến doanh nghiệp trên các trang xã hội, sau đó nêu nhu cầu của họ mà gặp phải sự im lặng hoặc trả lời chậm trễ thì tất nhiên, mối quan hệ vừa mới được nhen nhóm sẽ nhanh chóng bị cắt đứt. Khách hàng kỳ vọng những câu trả lời càng sớm càng tốt. Lưu ý rằng bất kể khi nào, ở đâu, một câu hỏi được khách hàng đưa ra mà câu trả lời không hiện ra kịp thời thì khả năng khách hàng bỏ đi là gần như chắc chắn.
(Theo DNSGCT)