8 nguyên tắc vàng để làm việc có kỷ luật
Bạn nên tập thói quen kỷ luật trong khi làm tất cả mọi thứ, chỉ có như thế bạn mới thành công trong việc đạt được mục tiêu cá nhân và tạo được sự chuyên nghiệp cho chính mình.
1. Cam kết thực hiện kỷ luật
Kỷ luật không phải là một cái gì đó bạn tự dưng có được, mà nó đến từ những điều bạn làm. Hãy tập tính kỷ luật cho mỗi thói quen mà bạn có. Hãy nghiêm túc giữ gìn sức khỏe và bảo đảm chế độ dinh dưỡng của chính mình, đặt trách nhiệm lên trước những thú tiêu khiển, kiểm soát cảm xúc và phản ứng của bản thân, chú ý những gì bạn nói ra và giữ cái nhìn tích cực với cuộc sống.
2. Giữ tập trung
Hãy xem lại mục tiêu của mình vào mỗi sáng thức dậy, thậm chí là bạn nên lên danh sách các mục tiêu cho ngày hôm sau trước khi đi ngủ.
Cẩn thận chọn ra một khoảng thời gian và không gian yên tĩnh nơi mà bạn có thể tập trung và hình dung về những gì ngắn hạn và dài hạn mà bạn muốn đạt được. Điều này sẽ giúp bạn thiết lập một danh sách các mục tiêu quan trọng nhất cho ngày hôm sau. Khi hình dung như vậy, bạn sẽ nhìn thấy được mục tiêu và tưởng tượng nên cảm giác khi đạt được điều đó. Bằng cách này, bạn có thể bắt đầu một ngày của mình với tư duy hiệu quả và tích cực hơn nhiều.
3. Ưu tiên các nhiệm vụ “khó”
Việc lên kế hoạch trong ngày đòi hỏi nhiều công sức và kỷ luật từ chính bản thân để có thể nghiêm túc thực hiện. Trước tiên hãy loại bỏ những điều căng thẳng mệt mỏi ra khỏi một ngày của bạn. Khi bạn khởi động với những việc khó nhất, không những bạn sẽ bắt đầu ngày mới với sự tập trung tốt hơn, mà nó còn giúp bạn bớt căng thẳng hơn trong suốt quãng thời gian còn lại và làm các việc khác hiệu quả hơn. Bằng cách này, bạn học được cách biến một mớ hỗn độn thành một chuỗi thành công.
4. Nghỉ ngơi đầy đủ
Một chìa khóa quan trọng để thành công là tâm lý và cơ thể của bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mỗi ngày trôi qua. Không có gì tốt hơn cho khả năng tập trung và kiễn nhẫn hơn là việc được nghỉ ngơi đầy đủ sau một ngày làm việc.
Tạo thói quen đi ngủ tốt cũng giúp bạn thư giãn và khép lại một ngày mệt mỏi. Cho dù bạn đã phải chịu nhiều áp lực thế nào trước khi đi ngủ, hãy cứ gạt hết chúng ra khỏi đầu bạn. Dù vấn đề có lớn thế nào đi chăng nữa thì cứ tạm gác lại và giải quyết nó vào hôm sau.
Một cách làm hay là bạn hãy ghi lại nhật ký trước khi đi ngủ, nơi bạn có thể đặt hết tinh thần và tình cảm trong ngày vào đó. Viết lách cũng là một cách giúp bạn bớt căng thẳng và giải tỏa hết mọi cảm giác tiêu cực diễn ra trong ngày.
5. Ăn để bổ sung năng lượng
Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ cho bạn với một bộ não thông minh và tràn đầy năng lượng. Bạn nên bắt đầu một ngày với bữa sáng giàu protein và ít carbohydrate. Để tránh một bữa trưa gây buồn ngủ sâu thì bạn nên tránh ăn tinh bột hoặc uống rượu mà thay vào đó, hãy ăn các thực phẩm tươi. Bạn nên duy trì chế độ ăn uống với rau xanh và thịt để bổ sung protein và luôn luôn uống đủ nước.
Hãy tránh xa các loại thực phẩm chứa đường, cà phê và thuốc lá; điều này sẽ giúp bạn giữ trọn năng lượng suốt cả ngày. Hãy mang theo ít đồ ăn nhẹ, chẳng hạn như thanh năng lượng hoặc hạnh nhân để duy trì lượng đường trong máu ở mức tối ưu.
6. Tập cách làm những việc nhỏ nhặt
Một cách tuyệt vời để nuôi dưỡng thói quen kỷ luật là tập trung vào cả những việc tưởng chừng là vặt vãnh nhất. Chẳng hạn, hãy dọn dẹp giường ngủ ngay ngắn trước khi rời khỏi nhà, giữ cho xe của bạn sạch sẽ và dọn rác hàng ngày. Hãy tập tính kỷ luật cho bản thân từ những việc nhỏ rồi bạn sẽ trở nên có kỷ luật hơn khi làm những việc lớn hơn, quan trọng hơn.
7. Theo đuổi mọi thứ tới cùng
Hãy tập thói quen theo đuổi quyết định tới cùng. Ví dụ như, bạn đã quyết định tập thể dục mỗi buổi sáng trước khi đi làm, thì không có lý do gì bạn được phép tách mình ra khỏi chuyện đó, dù bạn không muốn đi chăng nữa.
Trường hợp bạn không theo đuổi nó, chính là bạn không có kỷ luật. Tâm trí của bạn thường sẽ tìm ra đủ mọi lý do để trở nên lười biếng theo kiểu "để mai tính". Bạn phải thắng cho bằng được trận đấu này với chính mình.
8. Tự thưởng cho bản thân
Khi thành công đã thực sự hiện diện trước mắt bạn, bạn có thể tự thưởng cho mình. Đây là lúc để hạnh phúc và tự hào về bản thân mình, rồi chia sẻ niềm vui ấy với những người thân yêu.
Mỗi lần đạt được thành công, bạn sẽ thấy thói quen kỷ luật là chìa khóa mang lại điều đó. Nó sẽ tạo thêm động lực cho bạn tiếp tục duy trì và củng cố kỷ luật.
Nhi Phan
Nguồn Entrepreneur