8 kỹ năng nên có nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi
Việc làm lãnh đạo luôn là chuyện có nhiều thách thức, ngay cả đối với người thông minh và có thực lực. Sự thực là có rất ít người sinh ra đã có năng khiếu lãnh đạo, còn lại đa số đều học được các kỹ năng lãnh đạo ở đâu đó trên con đường sự nghiệp của mình.
Tin tốt ở đây là bản thân bạn cũng có thể tìm hiểu và nắm vững các kỹ năng đó. Hãy đi theo lộ trình dưới đây, và bạn sẽ từ từ làm chủ được cuộc chơi của riêng mình.
1. Trao quyền vào tay của những người đang trực tiếp làm việc
Mỗi doanh nghiệp tồn tại được hay không đều phụ thuộc vào những con người đang làm việc và cống hiến cho nó. Đó có thể là nhà thiết kế sản phẩm, kỹ sư IT, chuyên viên quan hệ khách hàng và thậm chí là những tài xế xe tải. Hãy trao quyền quyết định xuống tới mức thấp nhất có thể, để mang lại cho các nhân viên tuyến dưới quyền hạn và trách nhiệm đối với công việc họ đang làm. Hãy để họ tự chủ trong việc đưa ra quyết định, và kết quả thu được sẽ nhanh hơn, còn nhân viên của bạn cũng sẽ được nâng cao ý thức và năng lực.
2. Khuyến khích trách nhiệm cá nhân
Hãy cho nhân viên của bạn cảm giác làm chủ trong công việc, đi kèm đó là một khoảng không nhất định để họ tự quyết đâu là kết quả tốt nhất. Hãy đặt kỳ vọng rằng nhân viên sẽ dám đưa ra quyết định và dám nhận trách nhiệm dù cho kết quả là tốt hay xấu. Hãy động viên những người sẵn sàng chịu trách nhiệm trong công việc bằng tiền thưởng hay các khoản đãi ngộ khác.
3. Tạo sự rõ ràng về vai trò công việc
Để làm việc có hiệu quả thì mỗi nhân viên phải biết chính xác trách nhiệm công việc, cũng như quy tắc đánh giá hiệu suất của họ. Hãy làm rõ điều đó bằng cách mô tả công việc kỹ càng, và liên tục đánh giá hiệu suất của mỗi cá nhân. Hãy khuyến khích nhân viên nắm rõ vai trò của mình, có ý thức chịu trách nhiệm và khen thưởng những người làm đúng.
4. Chia sẻ quyền lãnh đạo
Khi làm điều này, bạn sẽ tăng cường mức độ tham gia vào sự nghiệp chung của công ty, từ đó làm tăng lòng trung thành của nhân viên. Hãy hướng dẫn cho nhân viên của mình biết cách lãnh đạo và trao quyền, khuyến khích họ chủ động hơn, và tạo ra một môi trường hỗ trợ vững chắc. Một khi các thành viên trong đội ngũ của bạn đứng ra nhận vị trí lãnh đạo, hãy chắc chắn rằng họ sẽ được khen thưởng xứng đáng.
5. Xây dựng tinh thần tập thể
Hãy xây dựng một đội ngũ có tinh thần tập thể và biết xem trọng năng lực tự quản lý. Ngoài ra, hãy lập ra các nhóm tập hợp nhân viên từ các bộ phận khác nhau và trao cho họ các mục tiêu quan trọng. Cùng lúc đó, khuyến khích việc đào tạo lẫn nhau trong nội bộ, và cung cấp các nguồn lực cần thiết cho các nhóm này thực hiện công việc của họ.
6. Học cách lắng nghe và trò chuyện
Bạn cần phải khuyến khích các cuộc đối thoại thành thật và cởi mở trong nội bộ tổ chức. Hãy tạo ra một môi trường an toàn để mọi người có thể nói lên ý kiến riêng, và không ngừng tìm kiếm những cách thức mới và hiệu quả hơn để nắm bắt cũng như chia sẻ tâm tư với mọi người.
7. Tìm kiếm sự đồng thuận
Hãy chủ động tìm kiếm các giải pháp từ chính nhân viên của mình. Hãy xem xét nghiêm túc các đề xuất của họ, và xây dựng sự đồng thuận đối với các quyết định chung. Nếu có phát sinh sự khác biệt trong quan điểm của mọi người, hãy cùng nhau giải quyết chúng.
8. Đặt trọn quyết tâm
Trước khi bạn có thể dành trọn quyết tâm cho sứ mệnh của doanh nghiệp mình, bạn phải biết sứ mệnh đó là gì trước đã. Nếu bạn chưa xác định được điều này, hãy thảo luận với mọi người để cùng tạo ra một tuyên bố chung, sau đó hãy chắc chắn rằng tất cả sẽ cùng nhau sống chết vì sứ mệnh đã chọn.
Ý Nhi
Nguồn Inc.