7 bí quyết xây dựng niềm tin của khách hàng
Muốn khách hàng tìm đến bạn, trước hết bạn phải làm cho họ tin tưởng bạn. Họ cần có niềm tin rằng thông điệp của bạn luôn chính xác, bạn không phải là kẻ “treo đầu dê, bán thịt chó” và nếu có bất cứ sự cố gì, bạn sẽ hỗ trợ họ hết mình.
Vấn đề ở đây là xây dựng niềm tin không phải là chuyện ngày một ngày hai, hoặc có thể làm được bằng các mánh lới quảng cáo. Các công ty đã từng đánh mất lòng tin của người tiêu dùng đều biết rất rõ điều này. Khi những công ty này cố gắng sửa chữa hình ảnh của mình, họ nhận ra rằng đổ tiền vào quảng cáo không thể chặn lạ suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí của người tiêu dùng. Bạn không thể ép buộc người khác tin tưởng bạn, và bạn cũng không thể dùng mánh khóe để khiến người khác tin tưởng mình.
Thay vào đó, bạn phải giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng một cách tự nhiên. Nhưng làm thế nào bạn có thể đạt được điều này?
1. Cải thiện khả năng bảo mật của bạn
Trước tiên, hãy đảm bảo rằng khách hàng của bạn cảm thấy an toàn khi họ đến mua hàng của bạn. Ngay cả khi bạn không bán sản phẩm thông qua các trang thương mại điện tử, khách hàng vẫn sẽ truy cập vào trang web của bạn, và mức độ an toàn mà họ cảm thấy tại đây có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự tin tưởng vào thương hiệu.
Ví dụ: Nếu bạn cứ “bỏ bom thư” (spam) quảng cáo hoặc tạo ra một quy trình thanh toán phức tạp và khó hiểu, khách hàng có thể nghi ngờ rằng nền tảng của bạn không an toàn. Chính vì thế, bạn nên tăng cường hệ thống bảo mật của mình với cơ chế bảo vệ SSL cơ bản; sử dụng các phương thức thanh toán đáng tin cậy; và hiển thị rõ các dấu chứng nhận bảo đảm mà bạn đã được nhận.
2. Giúp mọi người tìm thấy thương hiệu của bạn một cách dễ dàng
Các hoạt động trên mạng xã hội có thể giúp bạn theo nhiều cách. Bạn sẽ thấy thương hiệu của mình được nhiều người biết đến hơn, thu hút nhiều người theo dõi (followers) hơn và dần dà bạn thấy rằng những người này sẽ có thêm thiện cảm với thương hiệu của bạn. Càng quảng bá thương hiệu của mình càng lâu, bạn càng nhanh chóng xây dựng được sự tin tưởng.
Một trong những điểm mạnh của việc xây dựng thương hiệu qua mạng xã hội là sự linh hoạt: bạn có thể cung cấp nội dung từ website, tương tác với người dùng mới và cũ, đăng hình ảnh & video, hoặc cập nhật tin tức và thông tin cho khách hàng. Điều quan trọng ở đây là phải luôn ở thế chủ động, và hoạt động liên tục.
3. Hứa ít làm nhiều
Niềm tin của người tiêu dùng ngày nay không còn cao như xưa, với một lý do là khách hàng cảm thấy họ dễ bị lừa dối hơn. Bất cứ lúc nào khách hàng cảm thấy bị một thương hiệu lừa dối, họ sẽ chia tay với thương hiệu đó ngay và luôn.
Do đó, tốt nhất là bạn nên hướng đến việc “hứa ít, làm nhiều”. Nếu bạn mất 1 tuần cho khâu vận chuyển hàng hoá đến tay khách hàng, hãy nói với họ rằng phải mất đến 2 tuần. Nếu một sản phẩm có vòng đời 10 năm, hãy cam kết với khách hàng rằng sản phẩm đó được bảo hành 8 năm. Bằng cách đó, bạn sẽ không bao giờ lâm vào nguy cơ phá vỡ lời hứa với khác hàng (ít nhất là không phải với đa số khách hàng).
4. Khách hàng là Thượng đế
Sự tin tưởng sẽ bị thử thách mỗi khi khách hàng gặp phải vấn đề gì đó. Nếu họ nhận được trải nghiệm hậu mãi nhanh chóng, hữu ích và đáng nhớ, họ sẽ nghĩ đến bạn như là một thương hiệu đáng tin cậy.
Nhưng nếu bạn chăm sóc khách hàng quá kém, bạn sẽ mất khách hàng mãi mãi và danh tiếng của thương hiệu bị ảnh hưởng. Bất cứ khi nào bạn có thể, hãy dồn hết sức cho khâu chăm sóc khách hàng. Đừng chỉ chú tâm vào việc chi tiêu làm sao cho hiệu quả, thay vào đó hãy đảm bảo khách hàng của bạn cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao, và sẵn sàng làm mọi thứ để làm cho khách hàng cảm thấy hạnh phúc.
5. Cá nhân hóa thương hiệu
Điều này giúp thương hiệu của bạn trở nên riêng biệt hơn. Đừng sử dụng những kịch bản và công thức quen thuộc; thay vào đó, hãy khuyến khích nhân viên của bạn phát biểu chân thành và tương tác với khách hàng bằng những tình cảm thật sự.
Sự thay đổi nhỏ này sẽ làm cho thương hiệu của bạn có “chất người” hơn, và có thể khiến cho khách hàng có ấn tượng mạnh mẽ hơn.
6. Giao tiếp nhiều hơn
Đừng bao giờ để khách hàng mù mờ thông tin, và tốt nhất hãy nói chuyện thật nhiều với khách hàng. Hãy cởi mở và minh bạch về các mục tiêu và quy trình của bạn, và nếu có sự cố, hãy chủ động thừa nhận lỗi sai. Nếu khách hàng phát hiện bạn cố tình giấu giếm chi tiết nào đó hoặc bỏ lơ quá trình giao tiếp, niềm tin mà bạn đã cố xây dựng với khách hàng có thể sẽ bị sụp đổ.
7. Luôn sẵn sàng trả lời
Điều quan trọng là thương hiệu của bạn phải luôn luôn hiện hữu khi có người cần. Trên trang web của bạn, việc luôn hiển thị số điện thoại hoặc chatbox sẽ làm tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate), vì khách hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi biết rằng họ có thể nói chuyện với công ty của bạn vào bất kỳ lúc nào họ muốn.
Mặt khác, hãy đảm bảo khách hàng luôn có nhiều lựa chọn để liên lạc. Nếu bạn có một nhân viên chuyên phụ trách một tài khoản khách hàng nào đó, hãy cho khách hàng ấy số điện thoại di động của người đó để đề phòng những trường hợp khẩn cấp.
Việc xây dựng niềm tin không phải là chuyện ngày một ngày hai, và cũng không hề đơn giản một tí nào, nhưng 7 bí quyết kể trên có thể khiến bạn đi đúng hướng. Khi đã làm được 7 điều này, chiến lược mạnh mẽ nhất của bạn sẽ chính là sự nhất quán. Bạn càng nhất quán với đặc tính thương hiệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng như với chất lượng sản phẩm/dịch vụ, thì ngày càng có nhiều khách hàng trung thành với bạn và danh tiếng của bạn sẽ ngày một tăng lên.
Thật không may, ngay cả các chiến lược tốt nhất cũng phải đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn mới gặt hái được thành quả. Vì vậy, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ!
Ý Nhi
Nguồn Entrepreneur