5 hành vi khiến sếp mất điểm trong mắt nhân viên
Là một nhà lãnh đạo, bạn phải có trách nhiệm trong nhiều việc: đánh giá tổng thể, vạch ra chiến lược và thực hiện các quyết định khó khăn. Công việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn biết cách quản lý và chinh phục niềm tin của nhân viên.
Trong suốt sự nghiệp, hẳn là chúng ta đã từng tiếp xúc với rất nhiều ông sếp tệ hại. Dưới đây là 5 cạm bẫy bạn nên tránh nếu muốn trở thành một vị sếp được tôn trọng.
1. Giao tiếp kiểu “bề trên”
Giao tiếp kém có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình thức phổ biến nhất là không quan tâm đến nhu cầu, mong muốn của nhân viên hoặc người khác. Những sai lầm sếp thường mắc phải khi giao tiếp với nhân viên bao gồm:
- Không ghi nhận thành tích của nhân viên
- Không có hướng dẫn rõ ràng
- Không dành ra thời gian để gặp mặt nhân viên
Hãy chịu khó bước ra khỏi văn phòng và nói chuyện thường xuyên với cấp dưới của bạn. Nếu lịch làm việc của bạn quá tải, hãy thiết lập một khoảng thời gian định kỳ để nói chuyện với nhóm của mình. Bạn cần phải biết nhân viên của bạn đang làm gì và họ cảm thấy thế nào về công việc. Nếu mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp, bạn phải lên tiếng ghi nhận điều đó.
2. Chỉ thích người suy nghĩ giống mình
Mỗi một nhân viên mới vào làm đều mong muốn nghe được câu sau đây từ lãnh đạo: “Bạn khiến tôi thấy lại hình bóng của mình”. Trong một môi trường tốt, những từ đó có thể là sự khởi đầu cho quá trình đào tạo một nhà lãnh đạo tương lai - nhưng cũng có thể là bước đầu tiên dẫn tới sự thiên vị mất cân đối. Nhiều sếp thích thuê những người có tính cách hay kỹ năng tương đồng với họ, với kết quả là khiến cho cả nhóm bị mất cân bằng, tạo thành những điểm yếu rõ rệt.
Thay vào đó, hãy thuê những người sau đây:
- Nếu bạn là một người có nhiều ý tưởng, hãy tìm kiếm những cá nhân luôn quan tâm đến tiểu tiết và biết cách triển khai.
- Nếu bạn là một người hướng ngoại biết cách lôi cuốn người khác, hãy tìm một ai đó trầm lặng và chu đáo.
- Nếu bạn đi lên từ một lĩnh vực nào đó (bán hàng, IT, marketing), hãy chắc chắn rằng bạn thuê nhân sự dựa trên kinh nghiệm liên quan đến vị trí, chứ không phải dựa trên kinh nghiệm giống như của bạn.
3. Chỉ tin số liệu và giấy tờ, không tin vào nhân viên
Việc có thể đưa ra những quyết định không bị chi phối bởi cảm xúc là rất quan trọng. Nhưng những con số vô hồn cũng có thể dẫn chúng ta đi chệch mục tiêu. Mặc dù nhiều doanh nghiệp ngày nay đang chạy theo xu hướng ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn (big data), nhưng sự thực là nhiều người lại không hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau những dữ liệu. Trong khi đó, các nhân viên giỏi luôn có sẵn trong mình trực giác và bản năng từ kinh nghiệm làm việc lâu năm của họ. Những bản năng này có giá trị vì những lý do sau:
- Cảm giác đầu tiên thường là đúng.
- Chúng giúp bạn nhận ra những thứ chưa được thể hiện qua số liệu
- Cảm xúc của nhân viên giúp bạn hiểu được hướng đi của nhóm, và sẽ cho phép bạn biết rằng bạn đã giải thích được cho họ mục tiêu và phương pháp hay chưa.
Khi bạn phớt lờ cảm xúc của nhân viên, dù là vô tình, bạn sẽ khiến nhân viên nghĩ rằng sếp chẳng biết gì về những vấn đề thực sự đang diễn ra. Điều này không có nghĩa là các nhân viên của bạn luôn luôn đúng, nhưng ít ra bạn phải dành ra thời gian thực sự lắng nghe họ và tìm cách kết nối kinh nghiệm của họ với tầm nhìn chiến lược của bạn.
4. Đối xử với cấp dưới như bạn bè
Việc quá gần gũi với nhân viên cũng tạo ra những rắc rối không cần thiết. Có lẽ sai lầm lớn nhất mà các ông sếp còn “non” hay mắc phải chính là không biết duy trì mối quan hệ chuyên nghiệp và giữ khoảng cách nhất định với nhân viên của mình. Điều này sẽ khiến môi trường làm việc không được thoải mái cho lắm.
Khi đã xem cấp dưới là bạn bè, bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc chia sẻ những gì mình biết. Bạn cũng sẽ tạo cảm giác là đang thiên vị người này người kia. Cuối cùng, tình bạn kiểu như vậy sẽ sụp đổ khi bạn phải đưa tin xấu đến cho nhân viên, hoặc buộc họ phải theo đuổi những mục tiêu rất khó khăn.
Hãy phấn đấu để có được sự cân bằng giữa thái độ thân thiện và sự chuyên nghiệp:
- Không tham gia vào bữa ăn trưa hay đi chơi với nhân viên sau giờ làm trừ khi có dịp cần làm như vậy - và hãy đảm bảo rằng khi đó bạn mời đủ mọi người đến tham dự.
- Những chuyện cá nhân chỉ nên là mào đầu cho những vấn đề liên quan đến công việc.
- Đừng tâm sự thông tin cá nhân cho bất cứ nhân viên cấp dưới nào. Chỉ làm điều này với những người đồng cấp và các chuyên gia tư vấn.
5. Giả vờ rằng bạn không phạm sai lầm
Các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp thường hay gặp một vấn đề đặc biệt là impostor syndrome (hội chứng mạo danh). Đây là một hiện tượng tâm lý mà người mắc phải không thừa nhận được những thành quả mình gặt hái được là do những nỗ lực của chính mình, mà luôn cho rằng đó chỉ là do may mắn hoặc sự vô tình của người khác.
Việc cảm thấy bản thân chưa “xứng đáng” với vai trò lãnh đạo là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng bạn phải gạt bỏ những cảm xúc đó trước khi đến nơi làm việc. Bằng không, chúng sẽ dẫn tới cảm giác thiếu tự tin, từ chối thừa nhận sai lầm và cố tỏ ra hoàn hảo. Làm như vậy chỉ tổ gây thiệt hại cho năng suất nhóm của bạn mà thôi.
Thay vào đó, một lãnh đạo tốt sẽ:
- Thừa nhận những giới hạn của bản thân
- Đặt ra câu hỏi để tìm hiểu, đặc biệt là khi ai đó chưa đồng ý
- Tha thứ cho nhân viên và kiên nhẫn khuyến khích họ làm tốt hơn
Theo Harvard Business Review, não chúng ta được thiết kế để đồng cảm khi thấy người khác thừa nhận sự yếu kém của bản thân họ. Mặt khác, nó cũng được thiết kế để nhận ra sự giả tạo, và cảnh giác với những ai thiếu chân thực. Do đó, hãy cố gắng là một người trung thực với bản thân và với mọi người xung quanh.
Ý Nhi
Nguồn BusinessInsider