5 dự báo kinh tế trúng đích 2012
Năm con rồng đi qua với nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn tiếp tục tăng mạnh, lên đến con số 55.000. Tốc độ tăng trưởng kinh tế lại ở mức thấp nhất kể từ năm 1999, kéo theo một loạt những vấn đề đáng lo ngại về xã hội.
Tuy vậy, năm 2012 cũng đạt một số kết quả như kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc phần nào hệ thống ngân hàng, ổn định tỉ giá, cải thiện cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối. Các thành công này nếu tiếp tục được duy trì sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Năm qua, đã có nhiều đánh giá, dự báo của giới chuyên gia về các chính sách của Chính phủ và diễn biến của nền kinh tế. Phần lớn các nhận định này là đúng, có cơ sở, cung cấp cho doanh nghiệp và người dân một kênh thông tin có giá trị để có thể đưa ra quyết định kinh doanh.
Trong bài viết này, danh sách 5 chuyên gia nổi bật nhất đã được chọn lựa, căn cứ trên mức độ chính xác trong phán đoán của họ so với diễn biến thực tế của nền kinh tế. Nhân vật nổi bật trong năm là Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Tại Hội nghị đầu tư do NCĐT tổ chức hồi tháng 8.2012, ông Thành đã nhận định rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay sẽ chỉ tăng 5,1%. Con số này khá gần với số liệu thực tế là 5,03%. Ông cũng dự đoán lạm phát cả năm ở mức 6-7%, rất gần với con số 6,81% do Tổng cục Thống kê công bố. Ông Thành cũng nhận định tăng trưởng tín dụng năm 2012 sẽ rất thấp, khó vượt 6%, khá sát với thông tin mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố là khoảng 6% cho cả năm.
Tiến sĩ Jonathan Pincus, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng là cái tên đáng chú ý. Ông đã đưa ra nhiều nhận định có giá trị về thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Trước việc chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh vào tháng 9, ông đã cho rằng đó là do sự tăng giá bất ngờ của thuốc và dịch vụ y tế. Theo ông, điều này có thể sẽ không kéo dài và cộng với sức cầu vẫn yếu, lạm phát vẫn có thể được kiểm soát. Thực tế đã diễn ra đúng như ông dự đoán.
“Hàng ế chất chồng chờ Tết đến. Nợ đòi réo rắt đón xuân sang”. Câu đối vào dịp Tết năm ngoái của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã trở thành hiện thực và là ác mộng của doanh nghiệp trong năm 2012: hàng tồn kho chất đống và sức ép lãi vay quá lớn.
Năm qua, ông Nghĩa cũng nhận định khá chính xác về tình hình nợ xấu của Việt Nam, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Ông từng nói: “Cuối năm 2012 nền kinh tế sẽ có dấu hiệu hồi phục, trực tiếp tác động đến thị trường bất động sản”. Điều này phần nào được thể hiện vào cuối năm khi kinh tế tăng trưởng cao hơn một chút, thị trường bất động sản cũng có vẻ như ấm lên trước thông tin kích cầu của Chính phủ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng là nhân vật nổi bật trong năm qua với các nhận định về tính khả thi trong các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là về ngân hàng và phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông từng nhận định nền kinh tế Việt Nam đang đi vào quá trình thoái nợ, do mức dư nợ tín dụng của nền kinh tế/GDP đã quá cao trong các năm trước (theo Ngân hàng Thế giới, tín dụng của khu vực ngân hàng/GDP vào năm 2010 đã lên tới khoảng 120%). Quá trình thoái nợ là bắt buộc để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong tương lai. Tuy vậy, quá trình này cũng sẽ làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Điều này đã xảy ra trên thực tế khi cả tín dụng lẫn GDP đều tăng trưởng rất thấp trong năm 2012.
Người cuối cùng trong danh sách năm 2012 là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, được xem là nhà kinh tế mang tư tưởng cải cách. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn NCĐT, ông cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6% cho năm 2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi tháng 8 là không thể thực hiện được. Trong kế hoạch tăng trưởng chính thức cho năm 2013 mà Chính phủ thông qua sau này, con số 6% đã được điều chỉnh xuống còn 5,5%. Điều đó phần nào thể hiện nhận định của ông là đúng.
Ông cũng là một trong những tác giả của “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012: Từ bất ổn tới con đường tái cơ cấu” đang gây nhiều tranh luận. Trong đó, ông đề nghị “Việt Nam nên có một chính sách khoan sức dân (làm nhẹ gánh nặng cho dân) thay vì thu (thuế và phí) ở mức cao”.
Nhận định này dựa trên cơ sở tỉ lệ thu phí và thuế so với GDP của Việt Nam là khá cao so với các quốc gia trong khu vực. Điều này phần nào làm giảm sự hấp dẫn về môi trường đầu tư, đặc biệt là do thuế thu nhập doanh nghiệp cao. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ sẽ bắt đầu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vào tháng 7.2013.
2013 sẽ là năm rất khó đoán định vì kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều bất ổn. Ai sẽ lọt vào danh sách các chuyên gia giỏi dự báo của năm 2013?